SAIGÒN -- Hôm nay, ngày 02/11/2004, lễ cầu hồn, nhiều nhà thờ trong giáo phận Sài Gòn tổ chức thánh lễ trước những nơi để hài cốt trong giáo xứ. Đông đảo giáo dân tham dự để cầu cho các linh hồn nói chung, cầu cho người thân nói riêng.

Năm nay, không những tôi đi thăm nghĩa trang Chí Hòa, nơi yên nghỉ của các linh mục mà còn đến trường Đại học Y Dược ở Sài Gòn, để thăm viếng, nơi có những người đã hiến thi hài cho khoa học.

Vào lúc 3 giờ chiều, nhiều sinh viên có mặt tại phòng thực tập của bộ môn giải phẫu. Bên những chiếc hòm Inox dài, màu trắng sáng, được đậy kín, bên trong có những xác hiến đã được ướp hóa chất và bảo quản. Hôm nay, các bạn học bài “ Xương” nên xác người hiến không được bộ phận quay mang lên trên bề mặt hòm để dễ quan sát. Phòng rộng, không mùi, các sinh viên có vẻ thân thiện với những chiếc hòm làm cho người ta không có cảm giác là đang đứng trong một nhà xác cao cấp.



Tôi đóng vai một người muốn hiến xác nên được hướng dẫn vào một phòng hành chánh và nhận được một tờ giấy ghi rõ: “Những điều cần biết về việc hiến thi hài cho khoa học”, ghi rõ 13 điểm hướng dẫn mà tôi nghĩ rằng rất làm hài lòng những người đang có ý định hiến xác. Có nhiều người Công Giáo đã hiến xác nhưng trong hồ sơ lưu không có yêu cầu thống kê, chỉ biết rằng, thân nhân muốn thăm xác thì cần báo trước để người có trách nhiệm tiện việc sắp xếp; dù hằng năm vẫn có Lễ Tri Ân được tổ chức vào ngày 23 tháng chạp âm lịch, do nhà trường tổ chức. Mọi người từ 18 tuổi trở lên đều có thể hiến xác, nhưng những người là tử tội thì không được có nghĩa cử cao đẹp ấy.

Có thể tóm gọn vài nét là: người hiến xác phải tự nguyện làm đơn, được phát một cái thẻ; khi chết, gia đình chỉ làm nghi thức tiễn biệt trong vòng 6 giờ đồng hồ. Xác hiến được học khoảng từ 1 đến 2 năm, sau đó lưu trữ 4 năm rồi thiêu cốt nếu có sự yêu cầu của gia đình.

Hiến xác là một việc làm cao thượng, mục tiêu là dùng chính thân xác của mình làm phương tiện để những người làm việc trong ngành y tìm hiểu, học tập, nhờ đó mà có thể đạt đến mục đích cứu chữa, duy trì sự sống cho con người trước khả năng giới hạn đối với sự tự nhiên: sinh, bệnh, lão, tử.

Quan điểm của Giáo Hội đối với việc hiến xác là ủng hộ, từ những năm 1950; đặc biệt là không cho phép bán xác. Việc hiến xác còn có một văn bản của Đức Giáo Hoàng. Ở Việt Nam đã có một số linh mục hiến xác, nhưng dường như gia đình và cộng đoàn không đồng ý, có lẽ vì tình cảm. Gần đây nhất, có một Cha ở Giáo phận Sài Gòn đăng ký hiến xác và Đức Hồng y đã ký giấy cho phép.

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu: “Sống về mồ mả, chứ không sống về cả bát cơm”, ý nói nếu ông bà, cha mẹ được mồ yên, mả đẹp thì con cháu sẽ làm ăn nên, chứ không phải chỉ trông mong vào khả năng kiếm sống.



Ai cũng quí mến thân xác của mình. Theo nghĩa bóng nào đó, có người thề hứa chết đi cho thế gian vì yêu Chúa, hoặc hiến thân trong tình yêu hôn nhân, chứ không có ai muốn thân xác mình bị coi thường. Thân xác chỉ là cái vỏ bọc cho sự sống, nhưng đây lại là phương tiện quí nhất trong ý nghĩa mua Nước Trời. Kìa là đôi mắt trân trọng người khác, kìa là nụ cười với kẻ sầu buồn; này là thân xác hao mòn vì phục vụ anh em; não trạng giúp điều khiển hành vi xuất phát từ niềm tin làm đẹp lòng Chúa…

Xin dâng lời tri ân hôm nay, cho những ai đã hiến thân xác để vun đắp kiến thức cho con người hầu làm cho cuộc đời này tươi đẹp, vắng bóng sự chết ngoài thánh ý Thiên Chúa.