Phim Cuộc Khổ thương của Đức Giêsu (The Passion of The Christ) tác động mạnh đến cảm xúc, đánh thức dậy trái tim vị kỷ, và kêu gọi vào niềm tin. Toàn bộ phim gởi đến một thông điệp của tình yêu, tình yêu nhân loại và niềm tin mãnh liệt vô bờ vào tình yêu đó.

Tôi đã khóc ba lần trong khi xem phim: lần đầu khi Đức Giêsu tiên nghiệm được hiểm nguy sắp tới (bị bắt) và cầu nguyện một mình trong khu rừng trong khi ba môn đệ của ngài ngủ quên, kế đến khi Peter chối ngài trong đền thờ lần thứ ba trước khi gà gáy sáng, và khi ngài chịu cực hình máu rơi, thịt nát nơi hành trường rồi mẹ Maria không được gặp mà chỉ có thể lấy áo sống để thấm máu loang tràn trên nền gạch đá.

Tại sao tôi xúc động và khóc trong những đoạn cảnh đó. Có người nói “nước mắt rơi khi sự thật được nói ra”. Tôi chỉ biết riêng rằng mình khóc được khi có một sự cảm thông, một sợi nối giữa cá nhân và tha nhân. Tình yêu tha nhân và niềm tin ngày càng hiếm và mất dần đi khi tôi bươn bả với nhu cầu cá nhân mình. Nhiều lúc tôi từ chối vác thập giá của riêng mình, nói gì đến ôm đón nhận thập giá của mọi người. Trong phim ta thấy ngay cả người bị bắt buộc gánh đỡ cây thánh giá của Đức Giêsu cũng phải tuyên bố lớn cho mọi người biết rằng hắn là kẻ không tội lỗi và chỉ làm phận sự bắt buộc mà thôi. Hắn sợ mang tiếng là kẻ phạm tội. Nhưng qua khó nhọc gánh đỡ cây thánh giá hắn đã chuyển hóa trong tâm từ sự đồng cảm và có được tình yêu tha nhân.

Tôi khóc khi cảm thấy sự cô đơn, nỗi tuyệt vọng của một người bị chối từ bởi chính người thân thuộc (tông đồ Peter). Tôi khóc khi những ngọn roi rách da, nát thịt, đổ máu quật lên người Ðức Giêsu. Ðau đớn quặn. Sao tôi không rơi nước mắt cho những đứa trẻ đánh giày không tên tuổi sống thầm lặng như bóng bên lìa xã hội, những cô gái trẻ quá già tha hương bán thân ở phố chợ Hà Khẩu bên kia biên giới Việt-Trung, những người già bật gốc từ làng quê chân kéo lê đôi dép tay cầm xấp vé số nói không ra hơi lời mời mọc? Ai khóc cho những người bị chối từ đó trong khổ nạn cuộc đời? Đức Giêsu trong đau đớn khôn cùng, trong cô đơn chịu nạn với cảm giác chia lìa qua cái chết đã thốt lời “Chúa tôi, Chúa tôi, sao Cha bỏ rơi tôi?” (1). Ai có nghe vạn lời than van thầm kín của những người bị quên lãng, bỏ rơi mặc mình trong luân trầm sống khó?

Phim làm tôi suy nghĩ đến gì mình đã, đang, và sắp làm trong mối quan hệ giữa mình và người khác. Tôi muốn nuôi dưỡng tình yêu nhân loại, yêu tha nhân để sống chân thực nhưng tránh cái hy sinh chịu nạn để chuộc lấy tội lỗi con người (bản thân và người khác). Tôi muốn có sự dung thứ cho con người vốn yếu đuối đầy khiếm khuyết nhưng tránh sự tha thứ trên chỗ đứng cao hơn của đạo đức và quyền lực (vật chất hoặc tâm linh).

Đây là một phim truyện lịch sử từ Hollywood nên tôi không thể làm ngơ gạt bỏ tính chất bi kịch hóa, sự cường độ tình tiết, và kỹ thuật điện ảnh tân kỳ góp phần tạo và tăng cường phản ứng tâm sinh lý đối với người xem. Trong góc nhìn của người theo đạo Thiên Chúa (Christian), đặc biệt là người Công giáo (Catholics) thì truyện phim đã đạt sức hấp dẫn, sự thuyết phục cho niềm tin ở Chúa Giêsu vào Thiên Chúa Cha. Ngài là đấng cứu rỗi nhân loại và chuộc tội cho loài người.

Tuy nhiên, một điểm làm tôi hụt hẫng và khúc mắc đó là cảnh một trong hai kẻ phạm tội cùng bị đóng đinh như Đức Giêsu từ chối không nhận ngài là đấng cứu chuộc và liền bị con quạ mổ móc mắt. Cảnh này cho thấy sự trừng phạt đối với kẻ không tin vào Đức Giêsu là thượng đế. Điều đó phản hoàn toàn với thông điệp về tình yêu của Đức Giêsu đối với nhân loại, tất cả mọi người, kể cả kẻ hành hạ ngài. Chính Đức Giêsu đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho họ chỉ vì họ là những người không biết.

Tôi không phải là người Thiên Chúa giáo nhưng hoan hỉ nhận bài học tình yêu và niềm tin vào tình yêu nhân loại.

[1] Psalm 22:2, 22-25: "My God, my God, why have you abandoned me? … Save me from the lion’s mouth, my poor life from the horns of wild bulls. … For God has not spurned or disdained the misery of this poor wretch, Did not turn away from me, but heard me when I cried out." (NAB)