Vụ đặt bom cuộc chạy đua đường trường tại Boston đã dấy lên nỗi sợ khủng bố và mang lại một khuyến khích mới đối với lối suy nghĩ thường tình của xã hội ta đối với nỗi sợ này: đẩy nó vào lãnh vực phi lý ngược với tính hợp lý của ta. Việc tiết lộ cho thấy những người gây ra tội ác này theo Hồi Giáo xuất thân từ một nơi vốn chấp chứa người Hồi Giáo quá khích lại càng làm nóng hơn nữa một trong những chủ đề hết sức dai dẳng trong các cuộc tranh luận công cộng của ta hiện nay, tức ý niệm cho rằng tôn giáo có khuynh hướng cổ vũ bạo lực. Một số các bài báo mới đây cho thấy rõ điều đó: “Tôn Giáo Có Lên Động Lực Cho Các Tên Đặt Bom Hay Không?” (The Washington Post) hay “Các Tên Tình Nghi Đặt Bom Tại Boston Được Coi Là Bị Thúc Đẩy Bởi Tôn Giáo” (The Associated Press).

Đâu là động lực chính xác của các tên đặt bom là điều còn cần phải được ráp nối lại với nhau và rất có thể chẳng ai biết ngọn nguồn được. Điều gì khiến một thanh niên cho nổ tung xác người lạ thường gồm nhiều yếu tố hết sức phức tạp mà chính kẻ phạm tội cũng không biết rõ. Tuy nhiên, điều ai cũng biết là một hình thức Hồi Giáo nào đó đã ảnh hưởng tới thế giới quan của anh em nhà Tsarnaev. Sự kiện này vốn được quan niệm là đủ để kể cuộc đặt bom ở Boston như một giai đoạn đen tối nữa trong lịch sử lâu dài của bạo lực tôn giáo. Phương Tây thế tục thường duyệt lại cả một chuỗi dài các giai đoạn như thế: nào là thập tự chinh, nào là tòa án Giáo Hội, nào là Aztec giết người tế thần, nào là chiến tranh tôn giáo tại Âu Châu, lại còn cuộc tấn công 11 tháng 9 nữa v.v... để kết luận rằng tôn giáo có khuynh hướng đặc biệt muốn nghiêng về tấn công bạo lực.

Không ai chối cãi được rằng các truyền thống đức tin như Kitô Giáo và Hồi Giáo có thể và thực sự đã góp phần vào bạo lực. Một hình thức Hồi Giáo nào đó quả có hiện diện trong số các động lực hỗn độn nơi anh em nhà Tsarnaev. Không đủ để bảo rằng họ không phải là những người Hồi Giáo tốt, cũng như không đủ để bảo rằng Thập Tự Quân không thực sự là Kitô hữu vì họ vốn không hiểu thế nào là sứ điệp thực sự của Chúa Giêsu. Hồi Giáo cũng như Kitô Giáo không phải chỉ là những bộ giáo thuyết mà còn là các kinh nghiệm sống...

Ta hẳn phải đồng ý với các nhận định theo lương tri rằng Kitô Giáo và Hồi Giáo và nhiều truyền thống tôn giáo khác có thể góp phần vào bạo lực. Tuy nhiên, có những người đi quá nhận định ấy mà cho rằng tôn giáo có khuynh hướng đặc biệt cổ vũ bạo lực, nghĩa là, tôn giáo nghiêng nhiều về bạo lực hơn hẳn các ý thức hệ và định chế thế tục. Nói cách khác, ý niệm cho rằng tôn giáo gây ra bạo lực tùy thuộc việc tương phản nó với một điều gì đó ít nghiêng về bạo lực hơn. Điều gì đó chính là “thế tục”. Vì họ cho rằng tôn giáo chủ trương phi lý, cuồng tín và chủ nghĩa tuyệt đối, tất cả đều là gốc gác của bạo lực, điều mà các thực tại thế tục không vướng phải. Chính vì thế, mọi xã hội thế tục đều đang cố gắng thuần hóa tôn giáo bằng cách loại nó ra khỏi lãnh vực công cộng và dựng lên nhiều bức tường phân cách Giáo Hội và nhà nước. Cuộc đặt bom tại Boston xem ra đã là chứng cớ nữa cho thấy “sự khôn ngoan” của việc thuần hóa các đam mê tôn giáo.

Tôn giáo và chủ nghĩa quốc gia

Tuy nhiên càng vào sâu các động lực của anh em nhà Tsarnaev, ta càng thấy vấn đề thêm phức tạp. Quê hương của anh em nhà này là Chechnya, một đất nước đang trở thành nơi ươm chủ nghĩa quá khích của Hồi Giáo. Thập niên qua từng chứng kiến những cuộc tấn công khủng khiếp của quân phiến loạn Chechen vào nhà hát Moscow và trường tiểu học Ossetia. Theo truyền thống, Hồi Giáo Sunni vốn chuộng hòa bình, với sự hiện diện đông đảo của phái Sufi. Một số học giả cho rằng người Chechen trở lại Hồi Giáo trong các thế kỷ từ 16 tới 19 một phần là để được đế quốc Ottoman hỗ trợ chống lại quân xâm lăng Nga. Nước này chính thức sáp nhập Chechnya vào đầu thế kỷ 19, và từ đó, quân nổi dậy Chechen đã tổ chức nhiều cuộc chiến đấu để thoát ách thống trị của người Nga.

Cuộc nổi loạn gần đây nhất đã nổ ra nhân có sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết. Người Chechen hy vọng giành được độc lập như các cộng hòa Xô Viết cũ, nhưng cố gắng giành độc lập của họ đã bị dập tắt bởi hai chiến dịch quân sự tàn bạo của Nga, trong đó, đến thường dân cũng bị tấn công. Chính phủ Nga vốn coi Chechnya là một phần của nước họ, dù hiện nay chỉ có 2% người Chechnya nói tiếng Nga. Nga cũng muốn làm nản các cố gắng giành độc lập của các nhóm thiểu số khác. Sự tàn bạo trong giải pháp của người Nga đã bùng khơi dậy ngọn lửa cuồng nhiệt của chủ nghĩa quốc gia Chechen, một chủ nghĩa, trong suốt hai thập niên qua, đã được pha trộn với chủ nghĩa thánh chiến Hồi Giáo của phái Wahhab.

Trong tường thuật về anh em nhà Tsarnaev của truyền thông, vai trò của tôn giáo tiếp tục được nói tới một cách rộng dài; nhưng vai trò của chủ nghĩa quốc gia thì bị âm thầm đẩy qua một bên. Không ai thèm bàn luận tới chủ nghĩa cuồng tín gây ra bởi lòng tận tụy đối với ý niệm quốc gia Chechen, cũng không bàn gì tới bạo lực gây ra bởi việc người Nga cứ nằng nặc cho rằng Chechnya là đất của họ. Tại sao thế? Tại sao lòng tận tụy đối với chủ nghĩa thánh chiến lại nguy hiểm đến thế đối với chúng ta, trong khi lòng tận tụy đối với niềm tự hào Nga, được vũ trang tốt hơn nhiều, lại chỉ là chuyện phù phiếm và thường có thể bênh đỡ được? Tại sao ta lại thích nói về mối liên hệ với Hồi Giáo của anh em nhà Tsarnaev hơn là về chủ trương chính trị rõ ràng của anh em nhà này chống lại các cuộc xâm lăng của Mỹ vào Iraq và A Phú Hãn?

Vì người Tây Phương hiện nay bị mê hoặc bởi sự liên kết “tôn giáo và bạo lực”. Chiến tranh nhân danh chủ nghĩa quốc gia, tự do, dầu hỏa và những vấn đề phù phiếm khác thuộc lãnh vực thế tục ít khi được kể là bạo lực. Tại Nghị Hội Mỹ-Hồi Giáo Thế Giới năm 2007 tại Qatar, sau gần 4 năm Mỹ chiếm đóng Iraq, David Satterfield, cố vấn cao cấp và là phối trí viên Iraq tại Bộ Ngoại Giáo Hoa Kỳ, đã đọc một bài diễn văn lên án những người ở Iraq “đang cố gắng thực hiện cho bằng được các mục tiêu của họ bằng việc sử dụng vũ khí”. Như nhà báo Rami Khouri từng chua chát nhận định “Làm như thể Mỹ không sử dụng vũ khí khi xâm lăng Iraq!”.

Dĩ nhiên, không điều gì có thể biện minh cho việc đặt bom tại Boston. Ở đây, chỉ muốn nói rằng ta thích nại tới nguyên nhân bạo lực tôn giáo hơn là tò mò khi các nguyên nhân “thế tục” rõ ràng đang chủ động. Tại sao? Vì ta quen phân chia cuộc đời thành hai lãnh vực tôn giáo và thế tục. Ta đã quen nghĩ rằng tận tụy với tôn giáo của mình chỉ tốt trong một giới hạn nào đó, trong khi lòng tận tụy yêu nước công khai đối với quốc gia mình lúc nào cũng tốt cả. Ta ngỡ ngàng trước bạo lực nhân danh tôn giáo, nhưng thường lại chấp nhận sự cần thiết, thậm chí cả nhân đức giết người vì quê hương mình.

Liệu hai thứ bạo lực này, tôn giáo và thế tục, có thực sự khác nhau không? Nhiều học giả ngày nay đặt nghi vấn liệu cái thứ phân biệt nhị phân này giữa tôn giáo và thế tục có hiển nhiên như bề ngoài cho thấy hay không. Thí dụ, có những học giả coi chủ nghĩa quốc gia như một tôn giáo. Nó cũng có những nghi thức long trọng có tính hiệp thông thánh thiêng, cũng cứu rỗi qua hiểm nguy và hy lễ máu nhân danh tập thể, cuốn Nationalism : A Religion (Chủ Nghĩa Quốc Gia: Một Tôn Giáo) của Carlton Hayes là một điển hình. Braden Anderson thì cho rằng “chủ nghĩa quốc gia tự nó là một tôn giáo duy phục hồi”. Theo Carolyn Marvin và David Ingle, “chủ nghĩa quốc gia là tôn giáo mạnh nhất của Hiệp Chúng Quốc, và có lẽ của nhiều quốc gia khác”. Robert Bellah đã đặt tên cho tôn giáo công cộng của Hiệp Chúng Quốc là “tôn giáo dân sự”, chuyên khẩn cầu “vị Thiên Chúa” tổng quát và đặt căn bản trên lòng sùng mộ nặng về nghi lễ đối với vai trò “cứu rỗi” của Hiệp Chúng Quốc trong các biến cố thế giới. Các tôn giáo cổ truyền như Kitô Giáo và Do Thái Giáo vẫn được thực hành tại Hiệp Chúng Quốc, nhưng chúng thuộc phạm vi tư...

Nếu chủ nghĩa quốc gia là một tôn giáo, thì điều này có nghĩa gì đối với ý niệm coi tôn giáo có khuynh hướng cổ vũ bạo động? Vì ý niệm này vốn tùy thuộc đường ranh rõ rệt giữa các ý thức hệ và định chế tôn giáo và thế tục. Nhưng nếu chủ nghĩa quốc gia là một tôn giáo, thì đường ranh này đâu còn đứng vững, và ý niệm cho rằng tôn giáo tạo nên bạo lực đâu còn giá trị.

Ý nghĩa của tôn giáo

Rõ ràng ta đang đương đầu với hai định nghĩa khác nhau về tôn giáo. Trong các xã hội hiện đại ở Tây Phương, người ta thường cho rằng tôn giáo chỉ các hình thức thờ phượng minh nhiên kêu cầu Thiên Chúa hay các thần minh. Cách tiếp cận này được gọi là cách tiếp cận duy bản thể (substantivist) vì dựa trên bản chất niềm tin của người ta. Kitô Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo và một ít tôn giáo khác đủ tư cách gọi là “tôn giáo thế giới”. Chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa Mácxít, chủ nghĩa tư bản v.v... không phải là tôn giáo vì chúng không trực tiếp tham chiếu tới Thiên Chúa hay thần minh. Do đó, chúng thuộc lãnh vực “thế tục”. Các ý thức hệ và định chế thế tục thường được coi có tính trần đời và hợp lý hơn, ít duy tuyệt đối hơn các niềm tin kêu cầu các thần minh ở thế giới bên kia. Đối với nhiều người, điều này giải thích tại sao tôn giáo dễ bạo động hơn các thực tại thế tục.

Tuy nhiên, khảo sát kỹ cách tiếp cận tôn giáo có tính duy bản thể, ta thấy có nhiều vấn đề. Một số hệ thống tín ngưỡng thông thường vốn được coi là tôn giáo, như Phật Giáo, Lão Giáo và Khổng Giáo, chẳng hạn, có nhắc gì tới Thiên Chúa hay thần minh gì đâu. Các cách tiếp cận duy bản thể thường giải đáp vấn đề này bằng cách tìm ra hạn từ có tính bao gồm hơn hạn từ Thiên Chúa, như đấng siêu việt, đấng siêu nhiên, đấng siêu nghiệm, đấng cứu rỗi v.v... để định nghĩa điều được coi là tôn giáo. Nhưng hạn từ dùng để định nghĩa càng bao gồm thì càng khó loại những thực tại như chủ nghĩa quốc gia ra khỏi phạm trù tôn giáo. Há chủ nghĩa quốc gia cũng không siêu việt đó sao? Há mọi giá trị đều không siêu nghiệm cả đó sao? Tại sao loại chủ nghĩa Mácxít vô thần khỏi phạm trù này mà lại không loại Phật Giáo, một tôn giáo vốn không chủ trương thần thánh?

Cách tiếp cận thứ hai trong việc định nghĩa tôn giáo đã giải quyết vấn đề này bằng cách nới rộng phạm trù này để nó bao gồm cả chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa tư bản và cái gọi là ý thức hệ và thực hành “thế tục”. Cách tiếp cận này gọi là cách tiếp cận duy chức năng (functionalist). Vì nó định nghĩa tôn giáo không theo bản thể của điều người ta bảo họ tin nhưng theo cách một điều gì đó thực sự tác động trên cuộc sống người ta. Năm 2001, khi hệ thống cung cấp điện của California (vừa ra khỏi chế độ qui định) bị cúp luân phiên, một giáo sư kinh tế học, từng là một trong các kiến trúc sư của việc chấm dứt qui định này, tuyên bố trên tờ New York Times rằng thị trường tự do luôn luôn có hiệu quả hơn qui định của chính phủ: “tôi tin vào định đề này như một tín điều tôn giáo”. Người chủ trương duy bản thể sẽ cho rằng ông ta chỉ nói theo nghĩa phúng dụ. Người chủ trương duy chức năng thì cho rằng ông ta nghĩ theo nghĩa phúng dụ hay không không có gì khác biệt cả; điều quan trọng là cung cách ứng xử của ông ta, tức cung cách ý thức hệ thị trường tự do thực sự tác động lên cuộc đời ông ta. Nếu nó đi như con vịt và kêu như con vịt, thì nó là con vịt. Nếu nó hành động như tôn giáo, thì nó là tôn giáo. Nếu người ta thề trung thành với một lá cờ, chào kính nó, nâng nó lên và hạ nó xuống một cách trịnh trọng đúng nghi lễ và sẵn sàng giết và chết cho nó, thì đâu có gì đáng kể nếu họ nhìn nhận nó chỉ là một mảnh vải chứ không phải là một vị thần.

Người ta không nên coi cách tiếp cận này xa lạ đối với một Kitô hữu; nó là cách tiếp cận căn bản tìm thấy trong Thánh Kinh. Giống các nhà duy chức năng, Thánh Kinh không quan tâm tới việc phải đưa ra một định nghĩa về tôn giáo. Nhưng cũng như người duy chức năng, việc phê phán ngẫu thần mà ta thấy khắp trong Thánh Kinh từ Điều Răn thứ nhất tới Sách Khải Huyền, dựa vào việc người ta đối xử với mọi loài như thể đó là các thần minh.

Đôi khi Thánh Kinh phê phán dân Do Thái đã coi các ngẫu tượng trống rỗng là các thần minh thực sự. Tuy nhiên, cũng nhiều khi vấn đề thờ ngẫu thần không phải là vấn đề tín ngưỡng mà chỉ là vấn đề tác phong. Thờ ngẫu thần không hẳn là một sai lầm về hữu thể như là một lòng trung thành đặt sai chỗ, thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa duy nhất chân thực. Trong Sách Samuen cuốn 1, Chúa đồng hóa lời yêu cầu của người Do Thái muốn có một vị vua với việc phụng thờ các thần xa lạ, vì họ đã bác bỏ không thừa nhận Chúa làm vua họ (8:7-8). Isaia tố cáo dân Do Thái đặt tin tưởng nơi chiến mã và chiến xa, nói cách khác, nơi sức mạnh quân sự, hơn là nơi Thiên Chúa (31:1-3). Còn Chúa Giêsu thì dạy ta phải chọn giữa hai ông chủ, tức Thiên Chúa và tiền tài (Mt 6:24). Riêng Thánh Phaolô lại cảnh cáo tín hữu Philíphê đề phòng những kẻ nhận “bụng làm thần minh của họ” (3:19). Những người này hiển nhiên không tin có vị thần nào ngự trong bụng của họ cả. Theo quan điểm thánh kinh, việc thờ ngẫu thần phần lớn không phải là việc lầm lẫn tin rằng một sự vật trần thế nào đó được coi là thần minh, cho bằng hiến tài nguyên, sức lực và cuộc đời mình phụng sự một sự vật nào đó không phải là Thiên Chúa. Vấn đề một ai đó cho rằng mình tin Thiên Chúa của Thánh Kinh hay không không phải là trọng điểm.

Trọng điểm là: người ta tận hiến cho đủ loại sự vật. Người ta coi đủ mọi loại sự vật như là tôn giáo của họ. Về vấn đề bạo lực, người ta giết và chết cho đủ loại sự vật; không có lý do gì vững chắc để cho rằng người ta có khuynh hướng giết người vì một vị thần hơn là vì một lá cờ, vì dân tộc, vì quyền tự do, vì thị trường tự do, vì cách mạng xã hội chủ nghĩa, vì trữ lượng dâu hỏa, v.v... Trong một số bối cảnh, các ý thức hệ thánh chiến hay việc hy sinh chuộc tội của Chúa Kitô có thể dẫn tới bạo lực. Trong các bối cảnh khác, niềm tin vào thị trường tự do hay vào Đại Nga hoặc vào Hiệp Chúng Quốc như là nhà giải phóng thế giới đã là điều làm xổ lồng các năng lực giết người. Nếu lời phê phán của Thánh Kinh đối với việc thờ ngẫu thần đáng lưu ý, thì đâu có gì khác nhau một cách chủ yếu giữa nguyên nhân tôn giáo và nguyên nhân thế tục. Đâu có việc phân biệt tôn giáo và thế tục trong Thánh Kinh. Thời Trung Cổ, việc phân biệt tôn giáo và thế tục chỉ là việc phân biệt giữa hai loại giáo sĩ dòng (religious) và triều (secular); chứ đâu có nghĩa tôn giáo và thế tục như ngày nay. Cách ta dùng nhị phân tôn giáo/thế tục hiện nay chỉ là một phát kiến cận đại và của Phương Tây; nó không tương ứng với bản nhiên sự vật.

Trọng tâm của vấn đề

Vậy tại sao có việc phát kiến ra thứ nhị phân trên? Chẳng qua vì có việc tách biệt quyền bính Giáo Hội ra khỏi quyền bính dân sự trong nhà nước cận đại. Sau khi thẩm quyền dân sự thắng thế thẩm quyền Giáo Hội ở đầu thời cận đại Âu Châu, Giáo Hội bắt đầu đảm nhiệm điều chủ yếu có tính tư riêng gọi là “tôn giáo”, còn nhà nước thì đảm nhiệm các vụ việc công cộng, “thế tục”. Lịch sử vốn là câu truyện dài và phức tạp. Điều quan trọng đối với mục tiêu của chúng ta ở đây là xét xem việc phân chia tôn giáo/thế tục đã hành xử ra sao trong cuộc bàn luận công khai về bạo lực. Nó khiến ta lưu ý tới một số loại thực hành như Hồi Giáo chẳng hạn và tránh xa những loại thực hành khác như chủ nghĩa quốc gia chẳng hạn. Tôn giáo là ông ba bị (bogeyman) đối với xã hội thế tục, là xã hội mà ta vốn căn cứ để tự định nghĩa mình. Ta đã được dạy phải thuần hóa tôn giáo, đặt nó vào chỗ riêng của nó, tức chỗ tư riêng; nhưng họ (chủ yếu là người Hồi Giáo) lại không dạy như thế. Ta đang sống trong một xã hội công khai thế tục và do đó hữu lý; họ không được dạy phải tách biệt các vụ việc thế tục như chính trị ra khỏi tôn giáo, và do đó rất dễ phi lý. Ta hy vọng rằng họ sẽ tiến tới chỗ lương tri và sẽ giống ta hơn. Trong khi chờ đợi, ta giành quyền oanh kích họ theo định kỳ để dẫn họ vào chỗ hữu lý hơn.

Nói cách khác, quan niệm cho rằng tôn giáo gây ra bạo lực có thể được dùng để làm ta ra mù quáng tại Phương Tây, không nhìn ra chính các hình thức cuồng tín và bạo lực của ta. Khi dán nhãn hiệu thế tục cho lòng tận tụy của ta, ta có khuynh hướng coi lòng tận tụy này như thể không hề là một hình thức bạo lực. Ta không ngừng bỡ ngỡ trước cảnh bạo lực mà người ta vốn coi là do Hồi Giáo Xiai mang tới cho Iran; ta không thích lưu ý tới chế độ cai trị duy tục đầy bạo lực suốt 26 năm của quốc vương Iran do Mỹ yểm trợ. Ta chỉ nhớ rằng sau khi quốc vương bị lật đổ vào năm 1979, mấy ông giáo sĩ hồi giáo đã áp đặt luật phải mặc quần áo hồi giáo; và quên phứt rằng quốc vương đầu tiên từng áp đặt luật mặc dân sự vào năm 1924.

Cần phải nhắc lại rằng không điều gì có thể biện minh cho bạo lực nhân danh Hồi Giáo hay bất cứ niềm tin tôn giáo nào khác. Nhưng ngược lại, cũng không có điều gì có thể biện minh cho bạo lực nhân danh bất cứ niềm tin duy tục nào. Vì giữa hai loại niềm tin này, không hề có sự dị biệt nào xét theo yếu tính. Cả hai đều dựa vào các trình thuật tiền-lý (pre-rational) về thuộc về và giải thoát. Cách tiếp cận lành mạnh đối với bạo lực là tránh đưa ra những tuyên bố quá chung chung về tôn giáo như thể ta biết nó thực sự là gì, để tiếp nhận cách tiếp cận thực nghiệm, tùy trường hợp, trên bình diện đấu trường giữa các ý thức hệ và thực hành tôn giáo và thế tục. Hồi Giáo Wahhab sẽ không tránh khỏi việc bị xoi mói khi ta xem sét cuộc tranh chấp Chechen, nhưng chủ nghĩa quốc gia thế tục Nga cũng sẽ không tránh khỏi điều đó. Các hình thức Kitô Giáo phúc âm có thể có dính dáng tới các phiêu lưu quân sự của Mỹ tại ngoại quốc, nhưng các hình thức thế tục và Ánh Sáng của trình thuật cứu vớt cũng dính dáng không kém, dưới ngọn cờ mờ mờ ảo ảo hết sức nguy hiểm của “tự do”.

Huyền thoại cho rằng tôn giáo cổ vũ bạo lực sống còn được là nhờ việc phân chia thế giới thành họ và ta, thành công khai thế tục và công khai tôn giáo, thành hữu lý và phi lý. Điều oái oăm là bạo lực đang sống nhờ những nhị phân như thế. Loại bỏ các nhị phân này là một bước nhỏ tiến tới hòa bình.

Viết theo William T. Cavanaugh, giáo sư khảo cứu cao cấp tại Trung Tâm Công Giáo Thế Giới và Thần Học Liên Văn Hóa (Center for World Catholicism and Intercultural Theology) của Đại Học DePaul.