Có nên dùng từ Phúc Lành - Phép Lành - Ban Phúc Lành - Ban Phép Lành không?



Đặt vấn đề dùng các từ Phúc Lành - Phép Lành - Ban Phúc Lành- Ban Phép Lành.

Ngôn ngữ Công Giáo Việt Nam có các từ Phúc lành, Phép lành, Ban phúc lành, Ban phép lành. Từ nào đúng, từ nào sai? Ta có nên nói Ban phúc lành hay Ban phép lành không? Bài góp ý này nhằm trả lời các câu hỏi trên.

1. Phúc Lành – Ban Phúc Lành

a. Phúc (福): Từ Hán Việt đọc là “phúc”. Người Tàu đọc là /fú/. Người VN miền Bắc đọc là Phúc, miền Nam đọc là Phước để tránh tên húy dòng họ nhà vua Nguyễn Phúc (Nguyễn Phúc Ánh v.v..)

-Nếu là động từ, Phúc trong tiếng Hán Việt có nghiã là Mang Lại Điều Lành

-Nếu là danh từ, Phúc có nghiã chính là Những Sự Tốt Lành.

Để cụ thể hóa, ta nên đặt câu hỏi: Tốt lành cho cái gì thì được gọi là Phúc? Theo định nghĩa của Kinh Thi, Phúc bao gồm 5 loại gọi là Ngũ Phúc:

- Phú: giàu có 富,

- An ninh: Yên lành 安寧,

- Thọ: sống lâu 壽,

- Du hảo đức: Có đức tốt 攸好德,

- Khảo chung mệnh: Vui hết tuổi trời 考終命.

Trong nghệ thuật trang trí, tư tưởng ngũ phúc được diễn tả bằng 5 con dơi vì chữ Dơi trong Hán Việt đọc là Bức 蝠 nhưng trong tiếng Hán được phát âm là /fú/, đồng âm và gần đồng dạng với chữ Phúc 福 /fú/.

b. Lành苓: Từ nôm lấy dạng của từ Linh trong Hán Việt, nghiã chính là tốt, lương thiện (làm lành), có nghiã giống như từ Phúc trong tiếng Hán Việt.

c. Dùng từ Phúc Lành có chuẩn xác không ?

Cụm từ Phúc Lành được cấu tạo bằng một từ Hán Việt (phúc) và một từ nôm (lành). Dùng cụm từ này có chuẩn xác không? Nếu theo đúng văn phạm và nguyên nghiã, thì câu trả lời là KHÔNG vì ngay trong từ Phúc đã có ý nghiã điều lành rồi. Như vậy chữ Lành thêm vào là dư. Trường hợp này giống như trường hợp từ Đường Lộ (Đường và Lộ đều là con đường). Vậy ta nên dùng từ nào?

Người Mỹ có bài hát rất nổi tiếng God Bless America: Chúa chúc phúc cho nước Mỹ. Ta không thấy chữ lành được thêm vào.

Thần học từ điển của Giáo Hội Công Giáo Đài Loan dịch từ Blessing là Chúc Phúc 柷福 /zhùfú/ tức chúc sự tốt lành (ấn bản 1996 trang 525). Vậy ta không nên dùng từ Phúc Lành mà nên dùng từ Chúc Phúc, hoặc dùng từ Phép Lành như được giải thích dưới đây.

2. Phép Lành – Ban Phép Lành

a. Phép 法: Từ nôm lấy dạng của từ Pháp trong Hán Việt có nghiã:

- Luật phải theo: Phép vua thua lệ làng, phép nhà

- Quyền chỉ huy: Quyền phép, Bề trên cho phép

- Phương thuật linh thiêng: Hóa phép, phù phép.

- Bí tích của Thiên Chúa Giáo: Ăn mày các phép. Phép giải tội.

b.Lành 苓: Từ nôm lấy dạng của từ Linh trong Hán Việt, nghiã chính là tốt, lương thiện (làm lành), có nghiã giống như từ Phúc trong tiếng Hán Việt.

Để dùng đúng danh từ, ta nên chọn từ Phép Lành vì không sai văn phạm. Nếu dùng từ Phúc Lành thì sai văn phạm, dư chữ Lành, vì như đã nói, chữ Phúc hàm chứa sẵn ý nghiã điều tốt lành rồi.

Tuy nhiên, điều cần ghi nhớ là luật ngôn ngữ đều hình thành do thói quen dân gian. Ví dụ từ TẠO VẬT 造 物,nghiã đúng của từ này trong các từ điển là đấng tạo hóa dựng nên muôn loài (Creator),nhưng ngày nay người ta lại hiểu Tạo Vật là vật được tạo thành. Bài hát của tác giả nào đó có câu “ Lậy Chúa con chỉ là Tạo Vật” là một thí dụ điển hình. Bây giờ ai cũng hiểu và chấp nhận ý nghiã Tạo Vật là vật được tạo thành.

c. Có Nên Dùng Từ Ban Phép Lành – Ban Phúc Lành không?

Chức Linh mục, Giám mục chỉ được Chúa ban cho năng quyền ban những bí tích mang lại ơn ích cho người ta. Chúa không ban cho các vị này năng quyền ban Phúc cho người ta qua các điều lành như: Giàu có- An ninh- Tuổi thọ- Đức hạnh tốt -Vui hết tuổi trời. Vậy có lẽ ta không nên dùng từ Ban Phúc Lành hay Ban Phép Lành, mà chỉ nên dùng từ Chúc Phúc hay Chúc Lành, tức chỉ ước mong, chứ không ban cho người ta 5 điều phúc mà mình không có khả năng cho.

Nguyễn Long Thao