PHÚ QUỐC - 11g trưa ngày 04/6/2012, phái đoàn gồm anh Phạm Thành Hưng cùng 9 Tân Linh mục (khóa 9) của Giáo phận Phan Thiết, tháp tùng Cha Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn đến Phú Quốc. Đến nơi trễ hơn dự định vì thời tiết quá xấu máy bay không thể hạ cánh xuống Phú Quốc, nên phải chờ ở Tân Sơn Nhất gần 3 tiếng đồng hồ. Trước đó phái đoàn của quí Cha Sài Gòn (hơn 10 Cha) cũng bay đến Phú Quốc nhưng không thể đáp, đành quay trở lại Tân Sơn Nhất.

Xem hình ảnh

Mục đích của chuyến đi là tham quan, nghỉ ngơi, nhưng đồng thời cũng tìm hiểu hiểu xem đời sống đạo của một vùng đất mới được mệnh danh là “đảo ngọc”, “thiên đường ánh nắng” thế nào.

Đảo Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, phía tây nam của Việt Nam. Phú Quốc trải dài từ vĩ độ: 9°53′đến 10°28′độ vĩ bắc và kinh độ: 103°49′đến 104°05′độ kinh đông. Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Vùng biển này có 22 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất có diện tích 567 km² (56.700 ha), dài 49 km. Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ bắc xuống nam với 99 ngọn núi đồi.

Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23 km² (theo thống kê số liệu đất năm 2005), xấp xỉ diện tích đảo quốc Singpore. Thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở phía Tây bắc, là thủ phủ của huyện đảo. Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Năm 2006, khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện đảo này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Bởi thế, Phú Quốc có thời tiết mát mẻ mang tính nhiệt đới gió mùa. Khí hậu chia hai mùa rõ rệt. Mùa khô: Đảo Phú Quốc chịu ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc Nhiệt độ cao nhất 35 độ C vào tháng 4 và tháng 5. Mùa mưa: Đảo Phú Quốc là cửa ngõ đón gió mùa Tây - Tây Nam, độ ẩm cao từ 85 đến 90%.

Trước năm 1975 dân số trên đảo chỉ hơn 5000 người. Sau năm 1975, dân số trên đảo tăng lên nhanh chóng do hiện tượng di dân. Đến năm 2003, theo thống kê của tỉnh Kiên Giang dân cư sinh sống trên đảo đã lên đến trên 79.800 người, với mật độ trung bình là 135 người/km², thấp hơn mật độ trung bình của cả nước 253 người/km².

Phú Quốc trước đây có một số nhà nguyện và nhà thờ: Khoảng năm 1930, một số giáo dân miền Bắc vào đảo này làm đồn điền cao su ở gần Bãi Khem. Hai linh mục người Malaysia là cha Albe1za và Merdrignac đã cho xây một nhà nguyện tạm bằng lá để làm nơi cầu nguyện, và dâng thánh lễ.

Năm 1955, một linh mục cho xây nhà thờ ở thị trấn Dương Đông. Sau năm 1975, nhà nước quản lý. Khoảng thời gian gần đây, số giáo dân ở Dương Đông ngày càng nhiều và có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, thế là mọi người tụ tập tại một nhà người dân có vườn rộng để cùng dâng lễ hoặc phải vượt hơn 30 km đến An Thới dự lễ.

Nhà thờ An Thới được thành lập vào năm 1957, khi đó có 1.000 giáo dân quê quán ở Nghệ An vào đảo sinh sống. Hiện nay, cha Gioan Trần Văn Trông là chính xứ, với số giáo dân hơn 3.000 người (cả Dương Đông và An Thới).

Đến thời điểm tháng 7 năm 2011, Phú Quốc có 74 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư là 48.087 tỷ đồng. (x. tự điển Vikipedia)

Quả thật, ba ngày hai đêm ở Phú Quốc trải qua thật nhanh. Cảnh vật đẹp, hoang sơ, khám phá biển thú vị, con người thân thiện… Tuy nhiên chúng tôi vẫn luôn thấy một góc thiếu nơi mỗi người: đó là đời sống tâm linh.

Được biết, chỉ trong ngày 04.6 đã có hơn 20 linh mục đến Phú Quốc, trong khi đó, có thể có hàng trăm người Công Giáo đến đảo này mỗi ngày, mà trung tâm hành chính và du lịch của huyện đảo là thị trấn Dương Đông lại không có nhà thờ. Chúng tôi phải vượt hơn 30 km đường ổ voi (công trình đang xây dựng), mất hơn 1giờ đồng hồ để đến nhà thờ An Thới dâng lễ. Còn những kitô hữu khác thì thế nào, nhất là khi họ đến đây vào thứ bảy và chúa nhật?

Hiện đảo Phú Quốc đang được trung ương và địa phương đầu tư xây dựng rất nhiều hạng mục: sân bay quốc tế, Cảng biển, Casino, và nhiều công trình vui chơi giải trí khác, nhằm biến nơi đây thành “thiên đường” du lịch. Nhưng để phát triển con người toàn diện thì cần phải phát triển cả xác – hồn, tức đời sống vật chất và tinh thần. Thiếu một trong hai thì sẽ làm cho con người trở nên què quặt. Dường như Phú Quốc chỉ chú trọng đến nhu cầu thể chất mà quên đi nhu cầu tâm linh của du khách và người dân địa phương. Bằng chứng rõ nét là cả thị trấn Dương Đông sầm uất không có một ngôi Nhà thờ cho hơn 1000 giáo dân Công Giáo sở tại và hàng chục ngàn lượt người Công giáo đến với Phú Quốc mỗi năm.

Rất mong chính quyền tỉnh Kiên Giang cũng như những người làm công tác qui hoạch, đầu tư phát triển và du lịch chú ý đến một phần không thể thiếu nơi mỗi con người là đời sống tâm linh. Cho dù họ đi đâu, ở đâu và làm việc gì thì đời sống tâm linh là nền tảng không thể thiếu. Đừng để cho du khách khi rời Phú Quốc cảm thấy có “một góc thiếu” căn bản, một khoảng trống miên man trong lòng.