Hè năm nay, tôi đến thăm giáo xứ An Thới của huyện đảo Phú Quốc. Đây chỉ là chuyến viếng thăm có tính tự phát vì những nơi tôi đến thường được tính toán trước nhiều ngày, không ngờ điểm đến này đã dành cho tôi nhiều điều thú vị.
Hình ảnh giáo xứ An Thới và kĩ nghệ chế biến hải sản tại đảo Phú Quốc

Muốn đến Phú Quốc thì phải đi xe từ Sài Gòn xuống vùng Rạch Giá, sau đó đi tàu cao tốc 2 giờ 30 phút, qua đoạn đường biển 62 hải lý (100 km) mới đặt chân lên đảo được. Bước chân xuống con tàu to chứa được từ 150 đến 200 người tôi cứ tưởng mình sẽ đi êm êm trên nước, được lim dim xả stress vì nhiều công việc đời thường vây quanh; nhưng không phải như thế. Đoạn đường gần bờ thì tàu êm êm, có thể đọc kinh cầu Đức Bà được; ra giữa khơi, tàu chồm lên vật xuống dữ dội như uất ức cay đắng cuộc đời, giữa nước và con tàu như có một mối thù hằn khó thứ tha. Thế mới biết nước cũng có hai mặt: vừa hiền lành vừa giận dữ khắc nghiệt!

Vừa rời khỏi tàu, người ta đã nhìn thấy hàng dương và nhận ra nét hoang sơ của đảo vẫn còn đâu đây, qua bóng dáng của cây xanh, dù đảo đã có bề dầy 300 năm khai phá và phát triển.

Chúng tôi quyết định đi xe thẳng vào ngôi nhà thờ duy nhất trên đảo ở thị trấn An Thới, nơi đó cha phó xứ là Fx Nguyễn Trường Hải Đăng đang chờ đón chúng tôi. Trên đường đi người tài xế taxi cho chúng tôi biết thêm về hòn đảo lớn nhất nước Việt Nam này:

“Đảo Phú Quốc có diện tích gần 600 km vuông, có khoảng 120 ngàn cư dân, có 99 hòn đảo nhỏ rải rác vây quanh, là một vùng sinh thái có văn hóa đặc thù, phong phú đa dạng, hiện được chú ý như một vùng kinh tế có hướng thành một khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng chất lượng cao. Thời triều Nguyễn, năm 1836 Phú Quốc có 10 thôn nhưng khi thực dân Pháp chiếm đóng thì Phú Quốc lại là một quận. Nơi đây từng có cư dân cổ sinh sống và vào thời điểm thành lập thị trấn Hà Tiên (1708) hòn đảo này đã có những tụ điểm dân cư mà người Việt chiếm đa số.

Chung quanh Phú Quốc 99 ngọn núi, to nhỏ rải rác, người ta quen gọi là “hòn”, hòn có tên thường có người sinh sống trên đó, có hòn chẳng có tên tuổi gì, người ta chỉ tạm trú để đánh bắt hải sản. Tôi nghĩ, theo dòng thời gian, chẳng biết Tin Mừng có đi được vào nơi rừng thiêng nước mặn này không? (Cách nay ba tuần, đi du lịch ở Phan Thiết, tôi thấy một cụm dân cư ở khu Bàu Trắng sống biệt lập bên cạnh một hồ nước ngọt, chẳng biết giàu nghèo ra sao, có nhà thờ hay không mà học sinh cấp 3 phải đi 8 km mới đến trường; hướng dẫn viên du lịch nói rằng ở đây trẻ con thất học nhiều vì nghèo quá). Những nơi như thế chắc là người dân chỉ lo kiếm sống mà thôi!

Rẽ vào con đường đất đỏ còn lầy lội, một ngôi nhà thờ to, cao vừa được xây dựng, đang chờ khánh thành hiện ra trước mắt chúng tôi (hiện giáo dân còn dâng lễ tại nhà thờ tạm). Cha phó còn trẻ, nói năng điềm đạm, ân cần đón chúng tôi vào trọ. Bữa cơm tối đơn sơ với món đặc sản là mực trứng cuốn bánh tráng rau sống làm chúng tôi thấy lạ miệng; có ba thầy ở dòng Don Bosco đến giúp xứ, cùng chung bữa nên chúng tôi thấy vui hơn. Tôi nói:

“ – Tên của cha là Nguyễn Trường Hải Đăng, tức là đi một đoạn đường biển dài ra đảo gặp ngọn đèn sáng!
- Làm gì mà lãng mạn đến thế! Ông bà cố đặt tên, còn Chúa mới sai đi. Còn tên của chị thì sao?
- Dạ, Vũ là cơn mưa, Loan là loan báo, là cơn mưa trải rộng tức là đi lung tung để “quậy” và loan báo Tin Mừng!
- Trời ơi, vậy thì Loan Tin Mừng thôi, đừng “quậy”!

Mãi đến tối, chúng tôi mới được nghe hiểu về giáo xứ duy nhất trên hòn đảo này. Cha phó cho biết, thật ra đảo Phú Quốc này trước đây có một số nhà nguyện, nhà thờ: Khoảng năm 1930, một số giáo dân miền bắc vào đảo này làm đồn điền cao su ở gần Bãi Khem. Hai linh mục người Malaysia là cha Albe1za và Merdrignac đã cho xây một nhà nguyện tạm bằng lá để làm nơi cầu nguyện,lễ lạc. Việc trồng cao su thất bại nên một số lớn dân chúng vào đất liền, chỉ còn lại ít dân, thế là nhà nguyện dần bỏ hoang.

Năm 1955, một linh mục cho xây nhà thờ ở thị trấn Dương Đông. Sau năm 1975, người ta bỏ đi, cuộc sống khó khăn, nhà thờ này lại bỏ trống, Nhà Nước liền quản lý. Khoảng thời gian gần đây, số giáo dân ở Dương Đông ngày càng nhiều và có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, thế là mọi người tụ tập tại một nhà người dân có vườn rộng để cùng dâng lễ; cha xứ và hai cha phó thay phiên nhau đến đây hằng tuần, đáp ứng nhu cầu tâm linh. Mùa khô thì không sao, mùa mưa thì cái sân đất ướt nhẹp, lem nhem bùn nhão, xem ra đi lễ có phần khốn khổ hơn.

Còn nhà thờ An Thới được thành lập vào năm 1957, khi có 1.000 giáo dân quê quán ở Nghệ An vào đảo sinh sống. Cùng ra đảo với bà con có cha Giuse Trần Đình Lữ; từ đó, nhiều linh mục và thầy giảng đã được Đức Cha giáo phận Long Xuyên sai đến để phục vụ. Hiện nay, cha Gioan Trần Văn Trông là chính xứ với hai cha phó trẻ giúp mục vụ là cha Hải Đăng và cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Cảnh. Với số giáo dân là 2.000 người, mà lại ở rải rác, việc mục vụ thật khó khăn. Đã nhiều năm qua, quí cha đã xin nhà nước cho gây dựng lại nhà thờ ở Dương Đông nhưng chưa được chấp thuận. Thế là quí cha cứ vò võ đi 30 cây số để thi hành mục vụ ở Dương Đông. Dù ở đây có một cộng đoàn nữ tu Đa Minh Lạng Sơn phục vụ, nhưng nếu có một ngôi thánh đường nhỏ trên nền nhà thờ cũ thì thuận lợi biết bao. Thôi thì đành chờ.

Khi chưa đến đảo, tôi gọi điện cho cha Đăng và biết rằng cha cùng với cha chánh xứ đang ngồi trên thuyền để ra một hòn đảo nhỏ để dâng lễ giỗ cho gia đình ông Bảy Yên. Đó là một giáo dân khá đặc biệt. Vì có công lênh gì đó nên ông xin Nhà Nước cho riêng gia đình ông một đảo nhỏ. Được chấp thuận, ông và các con cháu sinh sống độc lập trên đảo bằng công việc trồng tỉa và chăn nuôi. Ông trở thành Rô-bin-sơn của vùng này. Và ngày giỗ mãn tang ông, hai cha đi thật vất vả mới đến nơi.

Nghề làm nước mắm nổi tiếng ở Phú Quốc
Qua sự việc này mới thấy các cha ở đây thật vất vả khi sức dầu cho bệnh nhân, dâng lễ an táng…Cha phó giải thích: “Sở dĩ cha xứ xây nhà thờ lớn vì sắp tới đây Phú Quốc chuyển mình với những dự án lớn, làm sao cho bộ mặt giáo xứ xứng với tầm phát triển của xã hội.

Sinh hoạt của nhà thờ ngày hè rất vui. Giáo xứ chỉ có hai đoàn thể người lớn là hội Hiền Mẫu và Gia Trưởng, còn thiếu nhi không được lập thành đoàn nhưng các em học giáo lý theo khóa học. Vừa ăn sáng xong tôi đã thấy các em đến đầy sân sau nhà thờ. Được các thầy chung sức, tôi làm quen, sinh hoạt vui và cho kẹo theo kiểu “cổ điển” vẫn thường làm. Trẻ con ở đây có vẻ hiền lành, cha mẹ chúng đa số làm nghề đánh bắt hải sản và buôn bán.

Tôi thấy thương cho đám trẻ, ngoài việc đi học, học giáo lý và chơi đá banh ở sân nhà thờ, các em chẳng có chỗ nào giải trí lành mạnh. Quí cha cũng quan tâm đến nhiều điều nhưng vì dân ở rải rác nên nhịp sống của giáo xứ có chậm hơn một chút. Mấy thầy nói rằng vào các ngày lễ lớn, người ta đến rất đông, nhà thờ lúc đó thật vui, còn bình thường thì có một cái gì đó thật thầm lặng. Thôi thì theo thời gian và lòng nhiệt thành, giáo xứ sẽ nảy sinh nhiều hoa trái từ thế hệ thiến nhi này.

Vùng biển Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, có đủ loại cá tôm thường thấy nhưng ở đây còn có loại hải sản đặc biệt như: biên mai, ốc vá, bào ngư, hải sâm, đẻn, cá ngựa, cá bè, cá thiều, cá rún, hàu, hàu bao, khiếu, điệp... Bữa cơm tối hôm ấy, cha phó cho chúng tôi ăn món cồi biên mai xào với đậu ve, cà rốt và bông hẹ. Đây là một loại “sơn hào hải vị” trên đời vì muốn bắt con biên mai, người dân phải lặn tìm trong các rạn đá. Con biên mai to bằng bàn tay, chỉ lấy được cái cồi, tức là cái cơ để khép mở của nó, bắt lên một thúng to, họa may mới có được một đĩa cồi mà thưởng thức; con to nhất cũng chỉ lớn hơn đầu ngón tay cái một chút mà thôi. Cha còn cho uống rượu quả sim màu tím nữa, thật là đã cái miệng!

Sáng hôm sau, chúng tôi tạm biệt nhà xứ trong nụ cười hiền hòa của cha phó Đăng để du lịch quanh đảo. Có hai nữ tu dòng Mến Thánh Giá được nghỉ hè về đây thăm bà con cũng sáp nhập vào nhóm chúng tôi để đi tham quan đảo. Thế là càng đông đúc vui vẻ!

Điểm đầu tiên là nơi nuôi, cấy và bán ngọc trai. Bỏ ra 50,000 VNĐ (khoảng 3 Usd) thì cô gái sẽ cầm một con trai, mổ lấy viên ngọc trai ra cho khách xem. Còn muốn mua các loại xâu chuỗi bằng ngọc trai thì có đủ mọi giá, tùy theo số tuổi của con trai, tha hồ mà lựa chọn.

Điểm thứ hai là Dinh Cậu, đây chỉ là một ngôi chùa trên một tụ đá gần biển. Có nhiều truyền thuyết dân gian gắn liền với địa danh ở đây như bà Kim Giao, Đồng Bà; truyền thuyết gắn với vua Gia Long, anh hùng Nguyễn Trung Trực; truyền thuyết về những nhân vật có tiếng như ông Đạo Đụng (giống như ông đạo dừa), tức là “đụng gì dùng nấy, không đòi hỏi”…mà truyền thuyết nào nghe cũng vui tai.

Trước khi vào Suối Tranh tắm mát, chúng tôi đến làng chài Hàm Ninh để mua hải sản ăn trưa. Ở đây có cây cầu xi-măng dài dẫn ra biển vì bãi rất cạn. Hàm Ninh rất gần với đất liền, chỉ cách Hà Tiên 40 km; đây là con đường nối đảo với đất liền rất yên ổn vào mùa mưa bão, đồng thời có con rạch Hàm để neo đậu ghe thuyền. Hiện nay, người ta vẫn coi Hàm Ninh là một làng cổ của đảo.

Vào suối Tranh rất dễ dàng vì có các bậc đá dẫn lên đỉnh núi; một con suối trong nước chảy khá êm tạo thành những cái thác nhỏ từ trên đỉnh núi xuống. Chúng tôi bày ghẹ, ốc nhảy, tôm tích, bánh cống trên một tảng đá rồi “nhậu” một cách đơn sơ; nghe suối chảy rồi tắm mát, một số trong đoàn đi tắm mát.

Khi chúng tôi chuẩn bị tắm thì hai sơ vội đi lên núi, có lẽ để cầu nguyện cho đám trẻ hay chọc phá này.

Vào khu bảo tàng Cội Nguồn Phú Quốc Việt Nam, tôi hiểu về hòn đảo này hơn vì ở đây người ta trưng bày tổng quan lịch sử tự nhiên, văn hóa xã hội; trình bày qui trình và công cụ sản xuất, khai thác sản vật; có khu vườn sinh thái giới thiệu các loại cây thuốc, gỗ lũa; bảo tồn giống chó lông xoáy, các loài chim biển và bán hàng thủ công, mỹ nghệ ngọc trai.

Sau cùng, chúng tôi vào một nơi làm nước mắm. Những thùng ủ cá to cao gấp ba đầu người, màu đỏ, ruôn nước mắm vào những cái xô xanh lớn trông hay hay. Khâu vào chai, dãn nhãn, bít miệng chai thì có vẻ nhàn nhã hơn. Có ai nghĩ cách làm thủ công thế này đã cung cấp nước mắm cho nhiều nơi trên đất nước và đây là một nghề cha truyền con nối bao đời, nuôi sống nhiều người. Nhiều thế hệ trên đất Việt vừa chào đời đã thấy có nước mắm.

Những bãi biển đẹp thì người ta đã chiếm lấy để làm resort phục vụ khách du lịch, còn cư dân cứ tắm tự nhiên ở dinh Cậu, không mất tiền. Có một đoạn bờ biển dài, cát trắng với những cây dương cao, mỏng mảnh trông rất thơ mộng; anh tài xế lại nói khu này chuẩn bị vào qui hoạch. Tôi nghĩ, vẻ đẹp thiên nhiên ưu đã những kẻ có tiền hay người ta chỉ vì tiền mà lợi dụng thiên nhiên?

Rời huyện đảo Phú Quốc, lòng tôi thấy bâng khuâng. Cả một đảo lớn với hai thị trấn đông dân mà chỉ có một xứ đạo. Ở Dương Đông vẫn còn một điểm dâng lễ tại nhà riêng của người dân. Tôi lại tự hỏi: hiện nay, ngoài một số những hòn đảo đã có dấu chân của linh mục, thì những hòn đảo nhỏ khác, có dân cư sinh sống, rải rác trên khắp miền đất nước biết đến bao giờ ánh sáng Tin Mừng mới len lỏi, làm sinh động đời sống tâm linh của những người biết Chúa và cả những người chưa biết Thiên Chúa là ai.

Tạm biệt hòn đảo độc đáo cả về tự nhiên lẫn con người nhưng hình như vẫn còn chưa đủ sự ấm áp của Tin Mừng.