Bài Thương Khó của Chúa Giêsu kết thúc với câu: Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mồ đá (Ga 19,42). Chúa Giêsu đã tắt hơi thở. Chúa đã chết trên thập giá. Người ta đã hạ xác Chúa xuống, khâm liệm cùng với thuốc thơm và chôn trong mồ đá. Họ đã lấp cửa mộ. Xem ra mọi sự đã xong. Mọi người trở về nhà mình. Có kẻ thì vui mừng vì đã đạt được ước nguyện. Có kẻ thỏa mãn vì đã tiêu diệt được đối phương. Có kẻ thì lo sợ vì không hiểu được sự việc, nên Vua quan đã cho lính canh mộ. Có kẻ buồn sầu chán nản bỏ về quê cũ. Có kẻ thương khóc đau buồn. Có người âm thầm suy niệm và tin tưởng, hy vọng. Sự kiện Chúa Giêsu bị án tử hình thập giá là một biến cố rất quan trọng được ghi chép rất cẩn thận.

Đây là một biến cố lịch sử, lịch sử của Ơn Cứu Độ. Giờ đây chúng ta không tìm tòi chứng tích hay thử nghiệm. Chúng ta dùng thời gian thinh lặng qúi báu để gẫm suy về sự đau khổ và sự chết của Chúa. Ai trong chúng ta cũng từng có những kinh nghiệm đau thương khi phải vĩnh biệt người thân. Sau cái chết của Chúa Giêsu, đã có biết bao nhiêu người bị thất vọng, bị hụt hững và buồn sầu chán nản. Tâm trạng khác biệt của mỗi tâm hồn khi đối diện với cái chết của Chúa. Trong số đó có cả các tông đồ đã bỏ mọi sự đi theo Chúa. Mẹ Maria và Gioan đau buồn nhận lời trăn trối của Chúa. Đức Maria đã can đảm hiện diện dưới chân thập giá và ngắm nhìn con mình trong cơn hấp hối. Sự sầu bi của Mẹ mang một ý nghĩa sâu thẳm. Mẹ đang đồng công chịu khổ đau với Con mình để hoàn tất lễ hiến tế.

Mẹ ôm xác con lạnh giá. Mẹ vẫn một lòng xác tín, con của mẹ là Con Thiên Chúa. Mẹ đã sống và suy gẫm mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể ngay từ khởi đầu. Mẹ đành phải chôn táng xác con nơi mộ đá. Lòng mẹ thổn thức. Mẹ không bỏ cuộc. Mẹ gẫm suy từng lời, từng hành động và từng sự kiện xảy ra. Lòng mẹ như bị dao sắc thâu qua trái tim. Trở lại khung cảnh tang thương, phòng không trống trải và tâm hồn vắng lặng. Giờ đây, chỉ có Mẹ là niềm hy vọng và là niềm cậy trông. Mẹ tiếp tục qui tụ cầu nguyện, an ủi vỗ về và là chỗ tựa nương cho các tông đồ. Mẹ cùng các tông đồ đã sống trong những giây phút tĩnh lặng sâu thẳm.

Trong biến cố Thương Khó của Chúa, nhiều người đã vấp phạm. Giuđa bán Chúa. Phêrô đã chối Chúa. Gioan bỏ áo choàng mà chạy. Các tông đồ khác lẩn trốn. Các môn đệ hoang mang nghi ngờ tản mác. Dân chúng phân rẽ người thương, kẻ ghét và người theo, kẻ chống. Chỉ còn một số bà đạo đức cùng với mẹ Maria dõi theo bước chân Chúa. Đức Mẹ đã theo sát con mình từng chặng đường. Mẹ nhìn con tàn tạ, thân xác con nát bét vác thập giá nặng, khóc thương Con chịu những mũi gai nhọn đâm vào mình. Mẹ chứng kiến lễ hy tế cho đến giây phút cuối khi Con tắt thở. Mẹ một lòng tin tưởng, nhẫn nhục, vững tâm và can đảm. Còn các tông đồ sống trong tâm trạng ngại ngùng, sợ hãi và lo buồn. Mẹ đã củng cố lòng tin của các ông. Mẹ không trách cứ những lỗi lầm và yếu đuối của các tông đồ. Mẹ đã giúp các ông tìm lại niềm tin qua những lời Chúa Giêsu đã tiên báo: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (Ga 2,19).

Khung cảnh nhà thờ vào Thứ Bảy Tuần Thánh thật trống vắng. Không cử hành phụng vụ, cung thánh để trần, không hoa nến và khăn bàn, nhà tạm trống vắng và mọi người sống tinh thần canh thức. Chúa Giêsu còn trong mồ đá. Từ tạo thiên lập địa và cho đến ngày tận cùng của vũ trụ, sự kiện Chúa chết nằm trong mồ đá chỉ xảy ra một lần. Gioan thánh sử đã viết: Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa (Ga 1,1). Ngôi Lời đã nhập thể hóa thân làm người, gọi là Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã tắt thở trên thập giá. Gioan đã xác nhận: Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người (Ga 19,33).

Chúa Giêsu đã dậy rằng: Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12,24). Chúa Giêsu đã chuẩn bị tinh thần và lời giảng dạy rất rõ ràng. Chúa đã nói với ông Nicôđêmô: Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy (Ga 3,14). Chính Chúa dâng hiến cuộc sống mình để vâng theo thánh ý Chúa Cha. Đây là chén đắng Chúa đã tự nguyện uống. Trong tâm tình bồn chồn canh thức nơi vườn Dầu: Chúa Giêsu sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha (Mt 26,39). Chúa đã chọn con đường đau khổ thánh giá để đạt tới vinh quang sống lại.

Chúa Giêsu đến không phải để phá bỏ lề luật nhưng làm cho kiện toàn. Chúa đã giảng dạy, đã sống và kiện toàn mọi lề luật và giới răn. Con đường Chúa đi là con đường của tình yêu. Tình yêu khỏa lấp mọi đau khổ. Chúa đã chấp nhận đường thánh giá cũng chỉ vì tình yêu. Chỉ ai biết yêu mới học được bài học của thập giá. Chúa Giêsu đã từng dậy: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13). Tình yêu Chúa bao la tuyệt vời. Chúng ta cùng chiêm ngắm, gẫm suy và chìm lặng trong biển tình của Chúa. Chúa đã hiến dâng đến giọt máu cuối cùng. Chúa đã yêu thương và tha thứ tất cả mọi lỗi lầm cho những người đã nhúng tay giết hại Chúa: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23,34).

Chúa đã tha thứ và xóa sạch tất cả mọi tội lỗi của những kẻ vu oan, thù ghét, đánh đập, chửi rủa, khinh bỉ, nhạo cười, bội phản và giết Chúa. Chúng ta không nên khơi lại lỗi lầm của họ. Chúng ta không khinh bỉ lên án quân Giu-rêu, quân dữ, thằng Baraba…Chúng ta cũng không phiền trách hay kết án họ. Chúa đã chết cho tội lỗi của họ rồi. Đúng thật, họ đã làm vì họ không biết. Khi Chúa tắt thở, bóng tối bao phủ mặt đất, đã có nhiều người đấm ngực ăn năn: Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Người này đích thực là người công chính! " Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về (Lc 23,47-48).

Điều quan trọng nhất là chúng ta có những tâm tình nào khi tưởng niệm việc Chúa chịu thương khó, chịu chết và chôn trong mộ đá. Chúng ta đã suy niệm, lắng nghe và diễn tuồng theo trình thuật của bài Thương Khó. Đã có những giọt nước mắt cảm thương chảy xuống. Cũng có những tâm tình xót xa và thương hại. Điều cần thiết là phải đấm ngực ăn năn như dân chúng xưa. Chúng ta ăn năn hối lỗi vì đã phạm tội làm xỉ nhục danh Chúa, tội vu vạ cáo gian, tội bỏ Chúa chạy theo tà thần, tội ích kỷ, tội thù ghét, tội gian dối, tham lam, tội đồng lõa hại người và tội giết hại người qua lời nói và hành động. Chúng ta biết việc chúng ta đã và đang làm. Điều này khác với dân chúng ngày xưa khi họ kết án Chúa vì không biết việc họ làm.

Lạy Chúa, Chúa nằm trong mồ đá. Chúa đã phải chịu cam khổ cực hình vì tội lỗi của chúng con. Tội lỗi của mỗi người chúng con càng làm cho vai Chúa trĩu nặng. Xin cho chúng con biết ăn năn sám hối tội mình và quay trở về bên Chúa. Chỉ cần bỏ đi được một tội hay bớt đi một thói quen xấu mỗi ngày, chúng con sẽ tìm thấy niềm vui hé mở của Nước Trời. Chúa đã chết để mang lại sự sống và sự sống dồi dào hơn. Chúa Giêsu phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).