Để dành lại trái tim những người đã chịu thánh tẩy nhưng nay đã và đang rời xa Giáo Hội, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã cho thiết lập cơ quan mới ngang hàng cấp bộ gọi là Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hóa. Ngài cũng đã chọn đề tài thảo luận cho kỳ họp tới của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới là: “Nova evangelizatio ad cristianam fidem tradendam” (Tân Phúc Âm Hóa Để Thông Truyền Đức Tin Kitô Giáo). Như để mào đầu cho những thảo luận trên, cha Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của Đức Giáo Hoàng và của Giáo Triều, đã phác thảo một số đường nét chính cho một chiến thuật tái chinh phục trái tim những người Công Giáo nói trên, trong một loạt bài giảng nhân dịp Mùa Vọng năm nay trước Đức Thánh Cha và Giáo Triều.

Mở đầu loạt bài giảng này, Cha Cantalamesa cho hay ngài có ý định trình bày một số mấu đốt (nodes) hay trở ngại ở hậu trường từng khiến một số quốc gia vốn có truyền thống Kitô Giáo lâu đời “miễn dịch” (immune) đối với sứ điệp Tin Mừng. Đó là chủ nghĩa duy khoa học, chủ nghĩa duy tục và chủ nghĩa duy lý. Chúng được Thánh Phaolô gọi là “các đồn lũy chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa” (xem 2 Cor 10:4).

Chủ nghĩa duy khoa học

Cha Cantalamessa trích lời Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II nói về chủ nghĩa duy khoa học: “Quan điểm triết lý này thực sự từ khước không nhìn nhận giá trị của bất cứ cách nhận thức nào khác với các nhận thức của các khoa học thực nghiệm; nó xếp mọi ý thức tôn giáo và thần học cũng như các ngành đạo đức học và thẩm mỹ vào lãnh vực thuần tưởng tượng (1).

Sau đó, Cha Cantalamessa trình bày một số luận đề của chủ nghĩa duy khoa học. Luận đề thứ nhất: Khoa học, và cách riêng khoa vũ trụ học, vật lý học và sinh vật học là những cách khách quan và nghiêm chỉnh duy nhất để biết được thực tại. “Các xã hội hiện đại được xây dựng trên khoa học. Họ nợ khoa học sự thịnh vượng, quyền lực và sự chắc chắn rằng ngày mai sự thịnh vượng và quyền lực lớn lao hơn vẫn sẽ là của ta nếu ta muốn thế… Được trang bị với mọi quyền lực, được thừa hưởng mọi thịnh vượng do khoa học mang lại, các xã hội của ta vẫn cố gắng sống và truyền giảng các hệ thống giá trị được chính khoa học phóng ra từ gốc” (2).

Luận đề thứ hai: Cách nhận thức trên không đi đôi với đức tin vốn dựa vào các giả định một là không thể chứng minh được hai là sai lạc. Trong dòng tư duy này, nhà tranh đấu vô thần R. Dawkins còn đi xa đến độ coi bất cứ khoa học gia nào tự xưng là tín hữu đều là người “vô học”. Ông quên mất rằng nhiều khoa học gia, có những người danh tiếng hơn ông ta nhiều, vẫn đã tuyên xưng và tiếp tục tuyên xưng mình là tín hữu.

Luận đề thứ ba: Khoa học đã chứng minh được sự sai lầm, hay ít nhất sự không cần thiết của lý thuyết về Thiên Chúa. Đây là khẳng định mấy tháng qua được các phương tiện truyền thông thế giới làm nổi bật nhờ lời tuyên bố của nhà vật lý học vũ trụ người Anh là Stephen Hawkins. Ngược với điều ông ta viết trước đó trong cuốn "The Grand Design", Hawkins cho rằng nhận thức mà khoa vật lý mới đạt được khiến niềm tin vào một thần tính sáng tạo ra vũ trụ trở thành vô ích: “Sáng tạo tự phát là lý do tại sao sự vật hiện hữu”

Luận đề thứ tư: Hầu như tất cả, hay ít nhất đại đa số các khoa học gia đều là người vô thần. Đây là luận đề của chủ nghĩa vô thần khoa học tranh đấu mà Richard Dawkins, tác giả cuốn “God's Delusion”, là người truyền bá tích cực nhất.

Tất cả các luận đề trên đều tự chứng tỏ sai lạc, không hẳn vì lối suy luận tiên thiên (a priori) hay do lý chứng thần học hoặc lý chứng đức tin, mà là do chính sự phân tích các thành quả của khoa học và ý kiến của nhiều khoa học gia hết sức sáng chói trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Điều được một khoa học gia cỡ Max Planck, cha đẻ của thuyết lượng tử (quantum), nói về khoa học cũng giống điều được Thánh Augustinô, Thánh Tôma, Pascal, Kierkegaard và nhiều người khác nói về lý trí: “Khoa học dẫn ta tới điểm mà quá đó nó không còn hướng dẫn được nữa” (3).

Cha Cantalamessa cho rằng có những tác phẩm giá trị chống lại các luận đề trên như cuốn của Roberto Timossi tựa là "The Illusion of Atheism: Why Science Does Not Deny God," trong đó có phần trình bày của Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, do nhà Saint Paul Publishers ấn hành năm 2009, ngay sau lời tuyên bố của Hawkins. Nhưng ngài không muốn đi vào chi tiết, chỉ muốn trình bày một thí dụ: có những loài chim sống về đêm, như chim cú chẳng hạn. Mắt chúng được tạo nên để nhìn trong bóng đêm, chứ không nhìn trong ánh sáng ban ngày. Ánh sáng mặt trời sẽ làm chúng ra mù. Loài chim này biết mọi sự và di chuyển dễ dàng trong thế giới đêm tối, nhưng không biết việc gì thuộc thế giới ban ngày. Giả dụ các loài vật biết nói và phượng hoàng nhà ta làm quen với gia đình chim ó, kể cho gia đình ó về mặt trời: nó chiếu sáng mọi sự ra sao, và không có nó, mọi sự sẽ chìm trong bóng tối và lạnh lẽo thế nào, và ngay thế giới đêm của gia đình ó cũng không thể nào có nếu không có mặt trời. Nghe thế, ó con nhà ta biết nói gì hơn là cãi lại: “Bác nói vô lý! Cháu có thấy mặt trời bao giờ đâu. Gia đình cháu di chuyển ngon lành và kiếm được thức ăn mà nào có cần đến mặt trời; cái mặt trời của bác chỉ là một lý thuyết vô ích và do đó nó không hiện hữu”.

Đó cũng là thái độ của các khoa học gia vô thần khi họ quả quyết “Thiên Chúa không hiện hữu”. Họ phê phán một thế giới mà họ không biết, áp dụng định luật của mình vào một đối tượng vượt quá phạm vi của họ. Để thấy Thiên Chúa, người ta phải mở con mắt khác, phải can đảm bước ra khỏi đêm đen. Họ giống hệt điều được Thánh Vịnh Gia quả quyết: “Kẻ điên khùng bảo: không có Thiên Chúa”.

Nói không với chủ nghĩa duy khoa học, nói có với khoa học

Lẽ dĩ nhiên, không được diễn dịch việc bác bỏ chủ nghĩa duy khoa học thành việc bác bỏ khoa học hay việc nhút nhát không dám giáp mặt với nó, giống như việc bác bỏ chủ nghĩa duy lý không được dẫn ta tới việc bác bỏ lý trí. Làm ngược lại sẽ là một đức tin lầm lẫn, trước khi chứng minh được là khoa học lầm lẫn. Lịch sử đã đau đớn dạy ta biết thái độ ấy đã dẫn tới đâu.

Tân chân phúc John Henry Newman đã cho ta một điển hình rất sáng suốt về thái độ cởi mở và xây dựng đối với khoa học. Chín năm sau khi Darwin cho công bố công trình của ông ta về biến hóa, khi không ít linh hồn quanh ngài tỏ ra bối rối lo ngại, Đức Hồng Y trấn an họ bằng một nhận định mà Giáo Hội hiện nay nhất trí về sự tương hợp của một lý thuyết như thế với niềm tin của Thánh Kinh. Ta hãy đọc lại các đoạn chủ yếu trong bức thư ngài gửi cho kinh sĩ J. Walker, những đoạn vẫn còn giá trị đến ngày nay: “Tôi không sợ lý thuyết [của Darwin] […] Đối với tôi xem ra không thể từ đó suy ra rằng không có việc tạo dựng, vì Đấng Tạo Dựng, từ hàng triệu năm trước đã ban luật lệ cho vật chất. Trước nhất Người tạo nên vật chất rồi Người tạo nên luật lệ cho nó, những luật lệ xây dựng nó thành vẻ đẹp kỳ diệu hiện nay, cũng như việc thích ứng và hoà hợp chính xác các phần một cách tiệm tiến. Chúng ta không bác bỏ hay giới hạn Đấng Tạo Dựng, vì chúng ta cho rằng Người đã tạo dựng ra trí khôn biết tự hành động, biết sản sinh của con người, vốn gần như có khả năng tạo dựng; chúng ta càng không bác bỏ hay giới hạn quyền năng của Người, vì ta cho rằng Người ban cho vật chất các lề luật để qua tính dụng cụ mù quáng của chúng, chúng tạo khuôn và xây dựng ra thế giới ta thấy hiện nay qua vô vàn thời đại khác nhau […]. Như thế, lý thuyết của Ông Darwin không nhất thiết là vô thần, dù nó đúng hay sai; một cách đơn giản, nó chỉ gợi ra ý niệm lớn hơn về sự Thông Biết và Kỹ Năng của Thiên Chúa […]. Thoạt nhìn, tôi vẫn không thấy rằng ‘sự biến hóa tình cờ hay các vật hữu cơ’ có điều gì không nhất quán với ý định Thiên Chúa, nó chỉ tình cờ với ta, chứ không tình cờ với Thiên Chúa” (4).

Đức tin vĩ đại của Newman đã giúp ngài biết thanh thản trước các khám phá khoa học hiện tại cũng như tương lai. “Khi cơn lũ các sự kiện, dù được xác quyết hay giả định, ồ ạt đổ xuống trên ta, trong khi hằng hà sa số các sự kiện khác đang bắt đầu được mô tả, thì mọi tín hữu, dù là Công Giáo hay không, đều được mời gọi xem sét ý nghĩa của các sự kiện ấy” (5). Ngài thấy nơi các khám phá kia có “một liên hệ gián tiếp với ý kiến tôn giáo”. Theo Cha Cantalamessa, một thí dụ cho mối liên hệ đó chính là sự kiện cùng năm với lý thuyết biến hóa của Darwin, Đức Hồng Y Newman đã khai triển ra học lý của ngài về “việc phát triển của lý thuyết Kitô Giáo”. So sánh giữa trật tự tự nhiên và vật lý với trật tự luân lý, ngài viết: “Đấng Tạo Dựng nghỉ vào ngày thứ bẩy sau khi đã hoàn tất công việc của mình, nhưng vẫn hành động thế nào, thì Người cũng thông truyền một lần vĩnh viễn Tín Lý cho ta từ đầu, nhưng vẫn thích nó được khai triển thêm và đã dự trù sự khai triển đó như vậy” (6).

Biểu thức cụ thể nhất cho thái độ mới và tích cực của Giáo Hội Công Giáo đối với khoa học chính là Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học, nơi các nhà khoa học lỗi lạc của toàn thế giới, có tín ngưỡng hay không, đang gặp nhau để phát biểu và tranh luận một cách tự do các quan niệm của họ về các vấn đề được mọi người lưu tâm về khoa học và đức tin.

Con người vì vũ trụ hay vũ trụ vì con người

Cha Cantalamessa không có ý định phê phán chủ nghĩa duy khoa học một cách tổng quát. Ngài muốn xét tới ảnh hưởng trực tiếp và có tính quyết định của nó đối với việc phúc âm hóa: hay vấn đề đâu là quan điểm của chủ nghĩa duy khoa học vô thần đối với địa vị của con người.

Ở đây, ta thấy nhiều nhà sinh vật học và vũ trụ học khẳng định tính hoàn toàn bên lề và vô nghĩa của con người trong vũ trụ và trong cái biển mênh mông của sự sống. Monod chẳng hạn viết rằng: “giao ước xưa hiện đã tả tơi; cuối cùng, con người biết rằng họ hoàn toàn cô độc trong cái mênh mông vô cảm của vũ trụ, mà từ đó, họ xuất hiện một cách tình cờ. Số phận của họ không được định rõ ở chỗ nào, cả nhiệm vụ của họ cũng thế” (7). Một tác giả khác viết: “Tôi luôn nghĩ tới việc mình vô nghĩa. Biết các chiều kích của vũ trụ, tôi hiểu được thực ra nó lớn như thế nào… Chúng ta chỉ là một mảnh bùn trên hành tinh vốn thuộc mặt trời này” (8).

Blaise Pascal đã đi trước thời gian trong việc bác bỏ luận đề trên bằng một luận chứng vẫn còn giá trị tới ngày nay: “Con người chỉ là một cây sậy, yếu ớt nhất trong thiên nhiên, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ. Chả cần cả vũ trụ phải được trang bị mới tận diệt được họ; chỉ cần một chút hơi nước, một giọt nước thôi cũng đủ giết họ rồi. Tuy nhiên, ngay cả lúc cả vũ trụ đè bẹp họ, con người vẫn luôn cao thượng hơn những cái sát hại mình, vì con người biết về cái chết, và cả thế thượng phong của vũ trụ đối với mình, trong khi vũ trụ chả biết gì” (9).

Cái nhìn của khoa học về thực tại cũng như về con người còn một lúc loại Chúa Kitô ra khỏi trung tâm vũ trụ. Nói theo ngôn từ của M. Blondel, Chúa Kitô bị rút gọn chỉ còn là “một biến cố lịch sử, tách biệt khỏi vũ trụ như một giai đoạn lầm lẫn, một người xâm phạm hay một linh hồn mất hút trong cõi mênh mông thù địch và đè bẹp của Vũ Trụ” (10).

Cách nhìn con người này cũng có những suy tư thực tế trên bình diện văn hóa và não trạng. Điều này giải thích được một số những quá đáng của chủ nghĩa duy sinh thái (ecologism), một chủ nghĩa đặt quyền lợi thú vật và ngay cả cây cỏ ngang hàng với quyền lợi con người. Ai cũng biết có những con vật được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt hơn nhiều triệu trẻ em. Não trạng này ảnh hưởng tới cả lãnh vực tôn giáo. Hiện có những hình thức có tính tôn giáo khá phổ quát trong đó liên lạc và đồng điệu với các năng lực vũ trụ đã thay thế cho việc liên lạc với Thiên Chúa như con đường cứu rỗi. Điều được Thánh Phaolô nói về Thiên Chúa “Nơi Người, ta sống, chuyển động và hiện hữu” (Cv 17:28) được họ áp dụng vào vũ trụ vật chất.

Xét về một phương diện nào đó, thì quan điểm trên đã quay trở lại với cái nhìn tiền Kitô Giáo theo đồ án: Thiên Chúa - vũ trụ - con người. Đồ án của Thánh Kinh và của Kitô Giáo ngược lại là: Thiên Chúa – con người – vũ trụ. Vũ trụ vì con người, chứ con người không vì vũ trụ. Một trong những lời tố cáo vũ bão nhất mà người ngoại đạo Celsus gán cho người Do Thái và Kitô hữu là lời tố cáo rằng họ đã dám tuyên bố: “Có Thiên Chúa, và liền sau Người là con người, từ lúc ta được Người dựng nên giống hoàn toàn hình ảnh Người; mọi sự đều lệ thuộc ta: đất, nước, không khí, các vì sao; mọi sự đều hiện hữu vì ta và được sắp xếp để phục dịch ta” (11).

Tuy nhiên, có một dị biệt sâu xa ở đây: trong lối suy nghĩ ngày xưa, nhất là lối suy nghĩ của người Hy Lạp, dù con người tùy thuộc vũ trụ, họ vẫn có một phẩm giá rất cao trọng, như công trình bậc thầy của Max Pohlenz “Greek Man” (Con Người Hy Lạp) đã chứng tỏ (12). Trái lại ngày nay, dường như người ta sảng khoái khi hạ thấp con người và tước bỏ nơi họ mọi nguyên cớ đòi hỏi thế thượng phong đối với mọi loài khác trong thiên nhiên. Ít nhất từ quan điểm này, ta có thể gọi “chủ nghĩa nhân bản vô thần” hiện nay là “chủ nghĩa phản nhân bản vô thần”.

Nói về cái nhìn Kitô Giáo, Celsus quả không lầm, vì cái nhìn đó phát xuất từ Sách Sáng Thế 2:26 nói về con người được dựng nên “theo hình ảnh và họa ảnh” Thiên Chúa (13). Cái nhìn của Thánh Kinh được phát biểu cách tuyệt diệu nhất trong Thánh Vịnh 8 (4-7):

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,

muôn trăng sao Chúa đã an bài,

thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,

phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?

Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,

ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,

cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,

đặt muôn loài muôn sự dưới chân:


Việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa có những hệ luận đối với quan niệm về con người mà cuộc tranh luận hiện nay buộc ta phải đem ra ánh sáng. Tất cả đều đặt căn bản trên mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi do Chúa Kitô đem tới. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là họ tham dự vào chính yếu tính thâm hậu của Thiên Chúa, vốn là một liên hệ yêu thương giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hiển nhiên có một khoảng cách hữu thể giữa Thiên Chúa và tạo vật. Tuy nhiên, nhờ ơn thánh, khoảng cách kia đã được lấp đầy, đến độ nó không còn sâu xa so với khoảng cách giữa con người và các tạo vật khác nữa.

Thực sự, chỉ có con người, bao lâu họ là chủ thể có khả năng tương quan, mới tham dự vào chiều kích bản thân và tương quan của Thiên Chúa, vì họ là hình ảnh của Người. Điều này có nghĩa con người, trong yếu tính của mình, dù trên bình diện tạo dựng, là chính Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong yếu tính không tạo dựng của các Ngài. Ngôi vị tạo dựng là “ngôi vị” chính vì cái hạt nhân tương quan này, tương quan làm họ có khả năng tiếp nhận mối tương quan mà Thiên Chúa muốn thiết lập với họ và đồng thời trở nên người phát sinh ra các tương quan với người khác và với thế giới.

Sức mạnh của Sự Thật

Ta hãy xét xem làm thế nào để diễn dịch cái nhìn Kitô Giáo về mối tương quan giữa con người và vũ trụ này trên bình diện phúc âm hóa. Dựa vào tư tưởng của thầy, một môn sinh của Dionysius thành Areopagite đưa ra sự thật này: “Ta không cần phải bài bác ý kiến người khác, cũng không cần viết chống lại một ý kiến hay một tôn giáo xem ra không tốt. Ta chỉ nên viết tốt cho sự thật chứ không chống người khác” (14).

Không thể tuyệt đối hóa nguyên tắc trên, vì đôi lúc cũng cần phải bác bỏ các lý thuyết lầm lạc, tuy nhiên, sự thật là trình bày tích cự về sự thật thường hữu hiệu hơn là bài bác các lầm lạc đối nghịch. Thiển nghĩ cần phải ghi nhớ tiêu chuẩn trên khi phúc âm hóa, và nhất là khi đối đầu với ba trở ngại nói trên: chủ nghĩa duy khoa học, chủ nghĩa duy tục và chủ nghĩa duy lý. Trong việc phúc âm hóa, hữu hiệu hơn việc tranh luận chống lại ba hình thức vừa kể phải là việc trình bày tích cực cái nhìn của Kitô Giáo, dựa trên chính sức mạnh nội tại của cái nhìn này và kèm theo một xác tín sâu xa và thực hành nó “cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1 Pr 3:16) như lời Thánh Phêrô nhấn mạnh.

Theo cái nhìn Kitô Giáo, biểu thức cao cả nhất cho phẩm giá và ơn gọi của con người được kết tinh trong học lý thần hóa họ (divinization of man). Học lý này không nổi bật như nhau trong Giáo Hội Chính Thống và trong Giáo Hội La Tinh. Các giáo phụ Hy Lạp, vì phải đương đầu với những trở ngại do người ngoại giáo đem đến cho ý niệm thần minh hóa (theosis), nên đã biến học lý thần hóa này thành đòn bẩy cho nền linh đạo của mình. Nền thần học La Tinh ít nhấn mạnh tới nó hơn. Trong Từ Điển Linh Đạo, ta đọc thấy “Đối với Kitô hữu Hy Lạp, mục đích đời sống là thần hóa, còn đối với Kitô hữu Tây Phương, mục đích ấy là đạt được sự thánh thiện… Theo người Hy Lạp, Ngôi Lời đã trở nên xác phàm để tái lập nơi con người họa ảnh Thiên Chúa từng bị Adong đánh mất và để thần hóa họ. Còn theo người La Tinh, Người trở nên xác phàm để cứu chuộc nhân loại… và trả nợ sự công chính của Thiên Chúa” (15). Đơn giản hóa một cách tối đa, ta có thể nói rằng: sau Thánh Augustinô, nền thần học La Tinh nhấn mạnh nhiều hơn tới điều Chúa Kitô tới để tháo bỏ, tức tội lỗi. Còn người Hy Lạp thì nhấn mạnh hơn tới điều Người đến để ban tặng cho con người: hình ảnh Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần và sự sống Thiên Chúa.

Sự so sánh trên không nên quá nhấn mạnh như các tác giả Chính Thống thường làm. Nền linh đạo La Tinh cũng thường phát biểu cùng một lý tưởng tuy không sử dụng thuật ngữ thần hóa là thuật ngữ, nói cho cùng, không có trong Thánh Kinh. Trong Phụng Vụ các Giờ Kinh ngày vọng Giáng Sinh, ta được nghe vang vọng huấn giáo của Thánh Grêgôriô Cả, một giáo huấn rõ ràng nói tới cùng một cách nhìn đối với ơn gọi của Kitô hữu: “Hỡi Kitô hữu, các bạn hãy nhìn nhận phẩm giá của mình và, một khi đã trở thành người tham dự vào bản tính Thiên Chúa, các bạn đừng ước muốn trở lui với cảnh nhục nhã ngày xưa mà hành động bất xứng. Các bạn hãy nhớ các bạn là chi thể của Đầu nào và của Nhiệm Thể nào” (16).

Tuy thế, một số tác giả Chính Thống vẫn kiên định trong cuộc tranh cãi vào thế kỷ 14 giữa Grêgôriô thành Palamas và Barlaam và xem ra làm ngơ truyền thống huyền nhiệm rất phong phú của La Tinh. Thí dụ, học thuyết của Thánh Gioan Thánh Giá chẳng hạn, theo đó, vì được Chúa Kitô cứu chuộc và trở thành con cái Thiên Chúa trong Chúa Con, người Kitô hữu được chìm ngập trong dòng hành động của Chúa Ba Ngôi và tham dự vào chính sự sống thâm hậu của Thiên Chúa. Điều ấy có kém chi việc thần hóa, tuy được phát biểu bằng ngôn từ khác. Rồi cả học lý về các ơn hiểu biết và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần nữa, một học lý rất thân thuộc của Thánh Bonaventura và của nhiều tác giả Trung Cổ, vốn cũng được cùng một linh hứng huyền nhiệm ấy tác động.

Dù sao, ta cũng phải nhìn nhận rằng nền linh đạo Chính Thống có nhiều điều dạy bảo các giáo hội Kitô Giáo khác về điểm này, nhất là các giáo hội Thệ Phản. Thực thế, nếu có điều gì thực sự đi ngược lại cái nhìn của Chính Thống về việc thần hóa các Kitô hữu bằng ơn thánh thì đó chính là ý niệm của Thệ Phản, nhất là phái Luthêrô, về sự công chính hóa ngoại tại và có tính pháp lý, theo đó, người được cứu chuộc “vừa là người công chính vừa là tội nhân cùng một lúc”: tội nhân trong chính anh ta, công chính trước mặt Thiên Chúa.

Dù sao, ta vẫn có thể học hỏi từ truyền thống Đông Phương việc không dành lý tưởng cao cả của sự sống Kitô hữu này cho riêng những phần tử ưu tú trong việc theo đuổi con đường huyền nhiệm, nhưng đề xướng nó cho mọi người đã rửa tội, biến nó thành đối tượng cho việc dạy giáo lý, cho việc đào tạo lòng đạo nơi các chủng viện và nhà tập. Cha Cantalamessa cho hay trong thời gian được đào tạo, ngài luôn thấy người ta gần như chỉ nhấn mạnh tới cuộc sống nhiệm nhặt (asceticism) qui mọi sự vào việc sửa trị các thói hư tật xấu và thủ đắc các nhân đức. Đối với câu hỏi của đệ tử về mục đích tối hậu của đời sống Kitô hữu, vị thánh người Nga, tức Thánh Seraphim thành Sarov, đã không do dự trả lời: “Mục tiêu thực sự của đời sống Kitô hữu là thủ đắc Thánh Thần Thiên Chúa. Còn về cầu nguyện, ăn chay, canh thức, làm việc bác ái và mọi hành động tốt khác nhân danh Chúa Kitô, đều chỉ là phương tiện để thủ đắc Chúa Thánh Thần” (17).

“Nhờ Người, mọi vật được tạo thành”

Giáng Sinh là dịp lý tưởng để tái đề xướng cho ta và cho người khác cái gia tài chung đầy lý tưởng Kitô Giáo này. Chính từ việc nhập thể của Ngôi Lời, các giáo phụ Hy Lạp đã dẫn khởi ra khả thể thần hóa kia. Thánh Athanasiô không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng: “Ngôi Lời đã trở thành con người để ta được thần hóa” (18). Thánh Grêgôriô thành Naziance thì cho rằng: “Người đã trở thành nhập thể và con người trở thành Thiên Chúa, vì con người được kết hợp với Thiên Chúa” (19). Được tái lập hay đem trở lại ánh sáng với Chúa Kitô chính là trở thành “hình ảnh Thiên Chúa”, một hình ảnh vốn tạo nên sự cao trọng của con người so với mọi tạo vật khác.

Trên đây, ta đã thấy việc đẩy con người ra bên lề đã tự động đem theo nó việc đẩy Chúa Kitô ra bên lề vũ trụ và lịch sử như thế nào. Từ quan điểm này, Giáng Sinh quả là phản đề triệt để nhất đối với cái nhìn của chủ nghĩa duy khoa học. Trong phản đề này, ta sẽ nghe lời tuyên bố long trọng này: “Nhờ Người, mọi sự được tạo thành và không có Người, không tạo vật nào hiện hữu” (Ga 1:3); “Mọi vật được tạo thành nhờ Người và cho Người” (Cl 1:16). Giáo Hội đã tiếp nhận mạc khải này trong Kinh Tin Kính là kinh ta nhắc đi nhắc lại rằng: “Per quem omnia facta sunt”: Nhờ Người mà mọi vật được tạo thành.

Nghe lại những lời trên trong khi quanh ta không có chi ngoại trừ những câu nhắc đi nhắc lại như “thế giới tự giải thích cho chính nó, không cần một lý thuyết về đấng tạo dựng” hay “chúng ta chỉ là hoa trái của may rủi và tất yếu” thì quả là một ngỡ ngàng, ngỡ ngàng hơn là những lý luận dài dòng của khoa hộ giáo. Câu hỏi chủ yếu là: những người có tham vọng tái phúc âm hóa thế giới là chúng ta liệu có khả năng giãn nở đức tin của ta tới những chiều kích gây chóng mặt này hay không? Ta có thực sự tin bằng cả trái tim ta rằng “mọi sự đều được tạo thành nhờ Chúa Kitô và cho Chúa Kitô” không?

Trong lời kết luận phần này, Cha Cantalamessa thân thưa với chính Đức Bênêđíctô XVI: “Thưa Đức Thánh Cha, trong cuốn ‘Dẫn nhập vào Kitô Giáo’ của ngài cách đây đã lâu, ngài viết rằng: ‘chính ở phần thứ hai của Kinh Tin Kính, ta gặp phải một khó khăn thực sự về Kitô Giáo (từng được xem sét vắn tắt tại phần dẫn nhập): đó là lời tuyên tín rằng con người mang tên Giêsu, một cá nhân bị xử tử tại Palestine khoảng năm 30, Đấng Christus (xức dầu, được chọn) của Thiên Chúa, thực ra là Con Thiên Chúa, là điểm trung tâm và quyết định của toàn bộ lịch sử nhân loại. Xem ra vừa cao ngạo vừa điên rồ khi quả quyết rằng khuôn mạo đơn độc ấy, một khuôn mạo cứ mỗi ngày một mất hút sâu hơn vào sương mù quá khứ, là chính tâm điểm đầy thế giá của toàn bộ lịch sử” (20). Thưa Đức Thánh Cha, đối với vấn nạn này, chúng ta không do dự trả lời như chính Đức Thánh Cha đã trả lời trong cuốn sách của ngài và ngài đã không mệt mỏi nhắc lại ngày hôm nay trong bộ áo Thượng Phẩm Tối Cao rằng: vâng, đó quả là điều có thể xẩy ra, nó là điều giải thoát và đầy hân hoan, không phải do cố gắng của ta, nhưng do hồng phúc khôn dò của đức tin mà ta tiếp nhận được và vì thế ta dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ vô vàn.

Ghi chú

(1) Gioan Phaolô II, "Parole sull'uomo," Rizzoli, Milan, 2002, p. 443; xem thêm Thông Điệp "Fides et Ratio," No. 88.

(2) Jacques Monod, Chance and Necessity: An Essay on the Natural Philosophy of Modern Biology, bản tiếng Anh của Austryn Wainhouse, New York, 1971, p. 146.

(3) M. Planck, "La conoscenza del mondo fisico," p. 155, (Timossi trích dẫn, op. cit., p. 160).

(4) John H. Newman, Thư Gửi J. Walker (1868), trong The Letters and Diaries, vol. XXIV, Oxford, 1973, p. 77.

(5) J. H. Newman, "Apologia pro vita sua," Brescia, 1982, p. 277.

(6) J. H. Newman, "Lo sviluppo della dottrina cristiana," Bologna, 1967, p. 95.

(7)Jacques Monod, op, cit., p. 180.

(8) P. Atkins, Timossi trích dẫn, op. cit., p. 482.

(9) B. Pascal, "Pensées," 377 (ed. Brunschwicg, n. 347).

(10) M. Blondel và A. Valensin, "Correspondance," Aubier, Paris, 1965.

(11) Trong Origen, "Contra Celsum," IV, 23 (SCh 136, p. 238; xem thêm IV, 74, (Iibid., p. 366).

(12) Cf. M. Pohlenz, "L'uomo greco," Florence, 1962.

(13) Trong Origen, op. cit., IV, 30 (SCh 136, p. 254).

(14) Scolii a Dionigi Areopagita trong PG 4, 536; Xem Dionigi Areopagita, Lettera VI (PG, 3, 1077).

(15) G. Bardy, trong Dct. Spir., III, col. 1389 f.

(16) Thánh Grêgôriô Cả, Discorso 1 sul Natale (PL 54, 190 f.).

(17) Dialogo con Motovilov, trong Irina Ggorainoff, Serafino di Sarov, Gribaudi, Turin, 1981, p. 156.

(18) St. Athanasius, "L'incarnazione del Signore," 54 (PG 25, 192B).

(19) St. Gregory Nazianzus, "Discorsi teologici," III, 19 (PG 36, 100A).

(20) J. Ratzinger, "Introduzione al cristianesimo," Brescia, 1969, p. 149.