Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi (Dnl. 5:16).

Cổ Học ghi tích truyện: Hai vợ chồng nhà kia làm ăn giầu có, song tính rất hà tiện. Còn cha già ngót 80, sức yếu, mắt mờ, chân tay run rẩy… nên lúc ngồi ăn thường đánh rơi vỡ chén cơm. Con dâu thấy thế bực mình, xúi chồng rầy cha đến nhức xương. Báo hại ông cụ tuy mắt mờ nhưng tai thính, nên nhiều lúc ngồi ăn mà nước mắt chan cơm. Cứ vỡ chén hoài như vậy, vợ bảo chồng đẽo một cái chén bằng gỗ cho cha dùng và đỡ khỏi tốn kém. Từ đó tha hồ mà rơi, mà không lo tốn kém. Ngày kia, vợ chồng đi xa về, thấy thằng con loay hoay đẽo cái gì, liền tới xem, thì thấy nó đang làm hai cái chén gỗ. Vợ chồng hỏi con đẽo bát làm chi vậy? Thằng bé trả lời: Để sau này cha má già, con cho ba má ăn giống như cha má cho ông nội vậy. Sững sờ và xấu hổ trước câu nói của con, từ đó hai vợ chồng hối cải nuôi nấng cha già tử tế.

1. Tuổi Già Đáng Kinh Trọng

Theo truyền thống của nền văn hóa Việt và qua ảnh hưởng của các Đạo lớn như Khổng Giáo, Nho Giáo và Phật Giáo, cha ông tổ tiên của chúng ta đã tích lũy được những tinh hoa cốt lõi trong cách ứng xử ở đời. Chúng ta có cách học làm người qua Tam Cương (Sự liên hệ bổn phận giữa Vua với Tôi, Cha Mẹ với con cái và Vợ với Chồng), Ngũ Thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín), Tam Tòng (Ở nhà theo cha mẹ, lấy chồng theo chồng và chồng qua đời theo con), Tứ Đức (Công, Dung, Ngôn và Hạnh). Đạo Hiếu được đề cao để giữ sự tôn ti trật tự trong đời sống gia đình.

Người Kitô hữu còn được học biết nền văn minh Kitô Giáo. Đặc biệt là các giới răn về thờ phượng Thiên Chúa và tôn kính mẹ cha. Điều răn thứ tư trong mười điều răn được Thiên Chúa trao cho ông Moisen, dạy chúng ta là hãy thảo kính cha mẹ. Sách Lêvi cũng nhắc nhở chúng ta: Thấy người đầu bạc, ngươi phải đứng lên, ngươi phải kính trọng người già cả: như vậy là ngươi kính sợ Thiên Chúa của ngươi (Lêvi 19:32).

Truyện xưa kể Bá Du đời Hán có tiếng là chí hiếu. Mỗi khi có lỗi bị mẹ đánh. Bá Du vẫn tươi cười nhận lỗi. Một ngày nọ, sau khi bị mẹ đánh đòn. Bá Du liền òa lên khóc. Bà mẹ ngạc nhiên hỏi: Tại sao mẹ đã nhiều lần đánh con để răn dạy mà con không khóc, thế tại sao nay con lại khóc? Thưa mẹ, những lần trước mẹ đánh con đau lắm, nhưng con không khóc vì biết sức mẹ còn mạnh. Lần này mẹ đánh con, tuy không đau nhưng con khóc, vì biết đó là sức mẹ đã già yếu rồi. Con khóc là vì thương mẹ, chứ không có ý oán hờn.

2. Tuổi Già Sức Yếu

Theo luật tự nhiên, mọi tạo vật đều được sinh ra, rồi phát triển và chung cuộc tan biến. Con người cũng thế, sinh bệnh lão tử là sự thường tình của đời người. Sinh ra oe oe tiếng khóc chào đời là con người bắt đầu gia nhập vào dòng sự sống cùng trôi chảy về nguồn. Thời gian thoáng qua, tuổi đời chồng chất, chẳng mấy chốc đã đối diện với tuổi già. Khi đó, nơi thân xác sẽ xuất hiện không chứng này thì tật kia. Con người thấy mệt mỏi, chân tay rã rời, lưng còng tóc bạc và chân mỏi gối mòn.

Kìa Cụ đã gần 100 tuổi. Cụ khỏe lắm, cụ còn ăn được nhiều. Ăn được và không có bệnh gì nghiêm trọng trong người, nhưng tâm trí cụ bị lẩn thẩn rồi. Thấy gì ăn nấy. Khổ hơn nữa là ăn nhiều phải tiêu hóa, nhưng cụ không điều khiển hệ thống tuần hoàn được nữa, thế là lại khổ cho con cháu rồi. Cháu nói: Ăn cho lắm vào, rồi lại thải ra cho nhiều, ai mà chịu được. Thế là cụ lại tủi thân. Ăn không dám ăn nhiều hoặc là ăn lén lút.

Lại có một cặp vợ chồng lớn tuổi, Chúa cho hai ông bà sống thọ nhưng lại bị bệnh liệt giường. Ông bà sống đó nhưng không tự lo liệu việc cá nhân được, mà hoàn toàn tùy thuộc nhờ vả vào sự chăm sóc của con cái. Sau một ngày đi làm vất vả, anh chị về nhà thì thấy nhà cửa bề bộn, nào là phải tắm rửa cho con cái nhỏ, lao vào việc bận bịu bếp núc và cơm nước cho chồng cho con. Còn bố mẹ già nữa, tắm rửa và lau chùi thế nào đây? Con cái đành phải xuống quần xuống áo cho bố mẹ và lấy giây nước mà tắm xịt lên người cho sạch. Nghe qua thật là đau lòng. Nhưng ai trong hoàn cảnh mới hay, thức đêm mới biết đêm dài.

3. Hy Vọng Của Tuổi Già

Người ta thường nói: Con hơn cha là nhà có phúc. Cha mẹ nào mà không mong con khỏe mạnh, thông minh và thành đạt trong cuộc sống. Cha mẹ hy sinh tần tảo ngày đêm nuôi con và mong từng ngày cho con lớn khôn. Con khôn, con lớn và con ngoan là nguồn vui của cha mẹ. Sách Châm Ngôn dạy: Triều thiên của người già là đàn con cháu, vinh dự của con cái là chính người cha. (Cn. 17:6). Dân gian truyền đạt rằng: Kính lão đắc thọ. Ông 70 vẫn phải học ông 71. Một ngày sống là có thêm một kinh nghiệm. Con cái có thông minh giỏi giang, học biết các khoa học xã hội, có các bằng cấp, học vị nhưng để thành nhân, mỗi ngày đều phải học hỏi. Học biết cách sống từ kho tàng Lời Chúa, từ trường học, trường đời và từ người khác. Ai cũng có thể trở thành thầy dạy của chúng ta. Người ta nói: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư là thế.

Có mẩu truyện xem ra tình cờ nhưng mà cũng chẳng ngờ. Mẹ vui mừng vì con cái tậu được ngôi nhà mới khang trang và rộng rãi. Thế là gia đình có cơ hội xum họp và sống tự do riêng rẽ. Mẹ gần con, bà gần cháu vui thật. Nhà mới có ba phòng trên lầu hai, tầng trệt có phòng khách rộng, lầu dưới rộng có một phòng mới dọn và một phần để chất những đồ đạc lỉnh kỉnh. Gia đình lại có đông con và con còn nhỏ. Phải chia nhau phòng ốc làm sao cho phù hợp. Con cái muốn cho mẹ được tự do một mình, không bị phiền phà. Nên con quyết định cho mẹ ỏ lầu dưới cùng. Mẹ không phải leo thang và dễ dàng ra vào tùy thích. Gia đình con ở trên lầu hai, cha mẹ, con cái sát cận kề nhau để chăm nom và dạy dỗ con. Con vui nhưng lòng mẹ thì héo hon. Chịu đựng làm sao được, mẹ nói rằng: Tụi nó bỏ mẹ, cho mẹ xuống dưới hầm ở một mình, còn con cái nó ở trên lầu cao sạch sẽ và thoáng mát. Phận làm con, phải xử thế nào cho đúng phép bây giờ.

Bố qua đời đã vài năm, mẹ vẫn sống ở chung cư. Mẹ mừng vui vì con cái vừa mới mua được ngôi nhà. Trong thời gian sửa chữa và làm mới lại. Mẹ con đồng một lòng muốn về chung sống với nhau. Thời gian hưởng nhờ nơi chung cư của Chính Phủ cũng vừa kết thúc. Mẹ trông ngóng sớm được về ở bên con. Ngày chuẩn bị dọn nhà, con nói với mẹ rằng nhà con không đủ phòng và chúng con mua nhà cho gia đình của chúng con ở, mẹ không thể về ở chung đâu. Mẹ khóc xót xa, đắng cay, đau buồn và cảm thấy tủi nhục cho thân phận. Mẹ đành ra ngoài mướn nhà ở riêng.

4. Mong Ước Tuổi Già

Ai trong chúng ta cũng mong muốn được sống khỏe và sống lâu. Thiên hạ tìm kiếm mọi nguồn bổ dưỡng để giúp kéo dài sự sống. Các loại quảng cáo đi tìm cuộc sống thọ: nào là sâm bổ lượng, nhân sâm ngàn năm, thuốc bổ trường sinh, thuốc trẻ mãi không già… Nhưng rồi tử thần chẳng trừ một ai, kẻ trước người sau lần lượt ra đi. Chúng ta thử tưởng tượng nếu người già cả cứ sống mãi ở đời, thế giới này sẽ ra sao? Sách Giảng Viên viết: Một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây (Gv 3:2). Dù sống trong tuổi nào, chúng ta cũng đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Chính Ngài mới là chủ của sự sống con người. Ngài rút hơi thở là sự sống con người biến đi. Tiên tri Isaia nhắc nhớ rằng: Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác, trước sau gì Ta vẫn là Ta; cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc, Ta vẫn còn gánh vác các ngươi. Như xưa nay Ta vẫn từng đối xử: Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát (Is. 46:4).

Đây là một kinh nghiệm và câu truyện có thật trong cuộc sống đời thường. Có gia đình kia, sau khi sang đất nước tự do, làm ăn khá giả và bảo lãnh cha mẹ sang xum họp với gia đình. Thật tội nghiệp ông bà già, ngôn ngữ tiếng tăm chẳng rành, văn hóa cũng không thông, cách giao tế lại quê mùa, cách cư xử lại qúa cổ hủ và không rành rõi xử dụng các loại máy móc tân kỳ. Ở với vợ chồng đứa con được ít tháng. Vì sự khác biệt lối sống và sự phiền hà trong cuộc sống, gia đình gây gỗ bất hòa. Không nhịn được nữa, con cái đành phải quyết định cho cha mẹ ra riêng. Vào một chiều mùa đông giá rét, người con trai chở cha mẹ đến một cái nhà mới thuê. Mở cửa xe và thả ông bà cụ xuống với một va li quần áo, con đưa chìa khóa nhà cho Ba và rồ máy chạy mất hút. Làm gì bây giờ, vắng vẻ và cô đơn, ba mẹ không biết than van cùng ai. Ngoài trời thì lạnh lẽo, ông bà liền vội mở khóa cửa bước vào nhà. Hai ông bà như rơi vào thế giới xa lạ, đèn điện thì không thông mà bếp núc chẳng rành. Biết làm sao bây giờ? Ông bà chỉ biết ôm mặt khóc thương cho số phận hẩm hiu.

5. Viện Dưỡng Lão

Ai có dịp vào thăm Viện Dưỡng Lão, chúng ta sẽ thấy sao mà có qúa nhiều người già ngồi trên xe lăn, mắt cứ hướng ra phía cửa vậy. Hỏi ra mới biết: Các cụ đang trông ngóng con cháu đến thăm viếng. Tuổi già và nỗi cô đơn đi liền với nhau. Con cái có thể lấy gì mà bù lấp vào trái tim của những mảnh đời cô đơn lạnh giá này. Chúng ta vẫn thích nghe nói: Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Công cha nghĩa mẹ đâu hết rồi, mà để cha mẹ tủi thân một mình nơi quê người xứ lạ. Gia đình ông bà kia có đến 8 đứa con nhưng con cái không thể chăm sóc và đành gởi bố mẹ trong Viện Dưỡng Lão. Ai cũng có gia đình phải chăm lo và săn sóc. Người ta nói: Cha chung không có người khóc.Cha mẹ là của chung, không ai muốn nhận cha mẹ về phần mình để nuôi nấng. Vì vậy Viện Dưỡng lão trở thành Viện Mồ Côi cho các ông cụ bà cụ cô đơn.

Người đời thường nói: Đời cha ăn mặn đời con khát nước. Sống trên đời, cũng không tránh khỏi những gương mù gương xấu. Có những người đã lớn tuổi nhưng cuộc sống vẫn bê tha trong lầm lạc. Họ có thể bị nghiện ngập ma rượu quấy phá. Có khi họ đắm mình trong vui hưởng lạc thú. Đôi khi họ bị rơi vào cuộc chơi đen đỏ cờ bạc làm lụn bại gia phong. Cho nên ông Job đã chia sẻ kinh nghiệm: Không phải tuổi tác làm cho người ta được khôn ngoan, và chưa chắc người già cả đã phân biệt được phải trái (Job 32:9). Nghe truyện này tưởng đâu nói đùa cho vui, nhưng là câu truyện thật. Ông bà cũng đã tới tuổi thất tuần và sống đời gia đình gương mẫu. Họ đã có dâu rể và con cháu đầy đàn. Thế rồi một ngày đẹp trời, bà nghĩ đến mấy đứa cháu họ đang sống khổ sở ở quê nhà. Bà đề nghị với ông làm giấy ly dị để về quê làm giấy kết hôn giả, đưa cháu của bà qua đất nước tự do. Nghe hơi lạ làm sao nhưng rồi ông cũng vâng lời bà. Chuyến về quê hương xuông sẻ và thủ tục giấy tờ hợp lệ, thế là ông đưa cháu qua. Lửa gần rơm mà, ông cầm lòng sao nổi và đứa cháu trẻ sinh đẹp qúa. Thật là già mà không nên nết. Hôn nhân giả ông với cháu, trở thành hôn nhân thật. Ông bà đã làm giấy ly dị giả, giờ đây đã trở thành ly dị thật rồi. Bà chỉ còn cách kêu trời. Đúng là: Khôn ba năm dại một giờ.

6. Tuổi Về Hưu

Tốt danh hơn lành áo, sống ở đời, ai mà không muốn để lại danh thơm tiếng tốt cho hậu thế. Nhất là trong đời sống gia đình, chúng ta biết rằng trông qủa thì biết cây. Cây tốt sẽ sinh trái tốt. Cha mẹ nhân đức, đạo hạnh sẽ sinh hoa qủa tốt lành nơi con cái. Tục ngữ dạy rằng: Cha mẹ hiền lành để đức cho con. Không phải tự nhiên mà chúng ta có được những tấm gương thánh thiện và anh hùng nơi con cháu. Vì rằng cây có cội, nước có nguồn. Nguồn trong thì nước sạch. Thánh Vịnh diễn tả tâm tình của người chính trực như sau: Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Libăng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta; già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn (Tv. 92:13-15).

Đời tận hiến, đôi lúc cũng có truyện không vui. Nghe câu nói: Cha còn trẻ, cha thiếu kinh nghiệm. Cha già rồi, cha về hưu đi là vừa. Thật là đau lòng và bức xúc. Tôi nghiệm thấy tuổi già thật không đơn giản, nhất là các vị tu hành độc thân. Nếu về hưu dưỡng chung sống trong Nhà Dòng, đó là một hạnh phúc, vì có cộng đồng cùng nâng đỡ và chia sẻ. Mới đây, tôi chứng kiến ba linh mục già xấp xỉ tuổi về hưu, tôi cảm thấy thật cám cảnh. Một linh mục chưa kịp tới tuổi về hưu thì ngã bệnh, thế là tất cả những dự tính, những chung góp và những gom nhặt chắt chiu rơi vào tay người khác. Nằm bệnh cô đơn một mình chờ ngày Chúa gọi. Một linh mục khác, đã hưu được vài năm nhưng không có gốc gác, nên cũng bị lang thang ở đậu nhà này qua nhà khác, bị con cháu coi thường và khinh bỉ, bị rẫy bỏ và sau cùng đổ bệnh phải đi vào Viện Dưỡng lão, sau ít tháng thì qua đời. Có linh mục khác, một đời oanh liệt là tuyên úy trong quân đội, chức cao quyền trọng, khi về già đã đến được đất nước tự do. Cha sáng lập và phục vụ Cộng Đoàn Việt Nam, lo toan đủ thứ cho mọi người giáo dân xum họp và sống đạo. Nhưng tuổi già rồi làm sao đáp ứng được những nhu cầu đòi hỏi của giáo dân, thế là ngài bị tẩy chay và bỏ rơi. Tuổi vừa kịp về hưu đã ngã bệnh, đau đớn xa đoàn chiên và chết một mình tại bệnh viện. Biết nói làm sao bây giờ!

7. Trường Thọ

Bao nhiêu tuổi mới được gọi là sống thọ. Người ta thường phân biệt tuổi đời qua trung thọ, đại thọ và thượng thọ. Trong các dịp lễ Thành hôn và Vu quy, chúng ta thường chúc cho cô dâu, chú rể: Trăm năm hạnh phúc, sống ba vạn sáu ngàn ngày hạnh phúc, sống tới tóc bạc răng long hoặc có con cháu ba bốn đời. Trong Kinh Thánh Cựu Ước ghi nhận: Ông Ixaác sống được một trăm tám mươi năm. (Stk. 35:28). Bây giờ, hôm nay đây tôi đã được tám mươi lăm tuổi. (Josuê 14:10). Tác giả Thánh Vịnh đã viết: Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi (Tv. 90:10).

Thế nào là sống đạo Hiếu và luân lý đạo đức Kitô hữu? Bố sống đủ rồi, đã trên 90 tuổi, vậy là qúa thọ. Chúng con chỉ muốn lo cho bố được mọi sự tốt đẹp. Khi bố qua đời, có đông người thăm viếng và tiễn đưa bố tới nơi an nghỉ cuối cùng. Bố bị bệnh già, thay đổi theo từng ngày và lúc khỏe lúc yếu. Rồi một ngày bố bị tai biến, nhưng bố còn tỉnh, khuôn mặt bố còn hồng hào và mắt bố vẫn còn nhìn trìu mến. Chúng con không muốn bố phải kéo dài sự sống trong tình trạng này. Chúng con đồng ý với bác sĩ không truyền thức ăn lỏng vào thân xác cho bố nữa. Nghĩ rằng bố sẽ ra đi sớm đúng ngày như chúng con dự liệu cho thuận lợi mọi bề trong công ăn việc làm. Thế nhưng qua 7, 8 ngày rồi, bố vẫn còn tỉnh. Vệ sinh cho bố rất sạch sẽ. Có ăn uống gì đâu mà không sạch chứ! Chúng con đã cắt nguồn thực phẩm nuôi sống bố rồi. Bố không còn cầm cự được nữa, ngày thứ 9, bố nhìn chúng con lần cuối với sự yêu thương chan hòa và bố đã nhắm mắt lìa đời.

8. Luật Tiến Hóa

Cuộc đời con người là một liên đới trùng trùng điệp điệp. Không ai là một hòn đảo. Chúng ta sống là sống với và sống cùng người khác. Nhìn sóng biển dập dồn, người ta nghiệm ra rằng: Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy. Đời cha sao, đời con sẽ lập lại như thế, vì cha mẹ là thầy dạy đầu tiên khai trí cho con cái. Sóng biển là sự di chuyển tự nhiên nhưng cuộc sống con người tùy thuộc nhiều hoàn cảnh và ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu cha mẹ nêu gương không tốt cho con cái, thiên hạ sẽ dè bửu: Cha nào con nấy mà.

Tựu trung lại, ai trong chúng ta cũng có những từng trải kinh nghiệm của cuộc sống. Dẫu rằng chúng ta còn trẻ nhưng chúng ta cũng đã đang có những kinh nghiệm của tuổi già về tinh thần cũng như thể xác. Mỗi khi chúng ta đau bệnh, chúng ta sẽ cảm thấy sự yếu đuối rã rời của thân xác và chán nản của tinh thần. Chân tay bủn rủn, đau nhức, bải hoải, ngại ngùng mọi thứ, sợ nước, sợ nắng, sợ uống thuốc ngay cả không muốn ăn nữa. Đó giống như tâm trạng của những người tuổi đã về chiều. Luật đào thải không loại trừ một ai.

Thay lời kết, chúng ta biết rằng sự sống dài ngắn không quan trọng. Quan trọng nhất là sống làm sao cho có ý nghĩa. Những ngày tháng trôi qua của cuộc đời nên để lại những dấu ấn tình yêu nơi lòng người. Chúng ta hãy trân qúy từng giây phút mà chúng ta được sống, vì mỗi phút giây đều là giây phút mới Chúa ban. Thực hiện được gì, chúng ta hãy làm ngay và đừng để đến ngày mai. Không khi nào trễ, nếu chúng ta biết bắt đầu. Công ơn cha mẹ như trời như biển. Ơn cưu mang, ơn sinh thành, ơn dưỡng dục và ơn chăm lo dạy dỗ và yêu thương, con lấy gì đáp đền cho cân? Xin Chúa chúc lành cho gia đình chúng ta luôn sống trong sự bình an và tình yêu của Chúa.