Chuyên gia Paris nói truyện với các vị cao niên về « Mùa cảm cúm với tuổi già »

Paris. Chủ nhật 06.12.2009, Nhóm Chuyên Gia, thuộc Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp đã tổ chức buổi nói truyện với các vị cao niên trong cộng đoàn về đề tài « Mùa Cảm Cúm với Tuổi Già », với sự thuyết trình của bác sĩ Tạ Thanh Minh, nguyên giáo sư Đại Học Y Khoa Sài gòn trước 1975.

Là một trong năm ngành Liên Đới Nghề Nghiệp của Giáo Xứ, Nhóm Chuyên gia đã tích cực hoạt động với Giáo Xứ trong nhiều lãnh vực: thuyết trình hội học; thực hiện mạng Internet http://www.giaoxuvnparis.org/home.htm; tư vấn về luật, y dược, tâm lý, hướng học; trách nhiệm thư viện các ngày chủ nhật. Từ niên khóa 2008-2009, một nhóm anh em lại đưa sáng kiến đầu tư trong hai sinh hoạt mới để đáp ứng hai nhu cầu mới của cộng đoàn: hiện diện y khoa trong các lễ trọng, chủ nhật và sinh hoạt với các bậc cao niên. Sau khi đã sinh hoạt một năm đạt nhiều thành công, một lịch hoạt động đã được nhóm đưa ra cho niên khóa năm nay, 2009-2010 gồm 4 sinh hoạt dự trù như sau:

1. 06.12.2009: Mùa cảm cúm với tuổi già,

2. 28.02.2010: Tết Cao Niên Canh Dần

3. 18.04.2010: Hành hương Ars với thánh Jean Marie Vianney

4. 20.06.2010: Ngày ông bà cha mẹ.

BỆNH CẢM CÚM

Đúng 14 giờ, trước sự hiện diện của nhiều vị cao niên trong cộng đoàn, khai mạc ngày gặp gỡ các cụ cao niên, bác sĩ Tạ Thanh Minh đã trình bày một cách vắn tắt mà rõ rệt về cảm cúm.

Trước nhất, bác sĩ trình bày tổng quát về cảm cúm. Bác sĩ Minh đưa ra một quan sát thực tế rằng: « Từ cuối thu sang đông, là chúng ta nghe nói đến cảm cúm. Thật ra, bịnh cúm do Siêu vi cúm (virus grippal, influenzavirus) gây ra chỉ là một trong những bịnh do siêu vi, còn đa số các chứng hay bịnh khác như *cảm lạnh (rhume, rhinite), *viêm họng (pharyngite), *viêm hạch hạnh nhân (angine), * viêm thanh quản (laryngite), *viêm khí quản (trachéite), *viêm phế quản (ống phổi) (bronchite) v.v…, mà triệu chứng cũng một phần tương tợ như bịnh cúm, là do những siêu vi khác gây ra. Thông thường, những bịnh nầy đều tương đối hiền (affections relativement bénignes), ngay cả bịnh cúm hàng năm hay cúm mùa (grippe saisonnière) ».

Từ đó, bác sĩ dưa ra những chi tiết cần biết về bệnh cúm. Bác sĩ đi qua một vòng trình bày tổng quát về định nghĩa cúm, phân chia ba loại siêu vi bịnh cúm A, B và C, triệu chứng tổng quát về cúm, sự truyền nhiễm của bệnh cúm.

Sau đó bác sĩ dành một thời giờ quan trọng để nói về việc phòng bệnh, đặc biệt là chủng ngừa và điều trị. Về việc phòng bệnh cúm, bác sĩ nêu ra 5 biện pháp, trong đó chủng ngừa là phương cách hữu hiệu nhứt để phòng bịnh cúm.

Riêng về bệnh cúm heo, Bác sĩ cho hay: « Từ sau hè đến nay, mỗi ngày giới truyền thông đều nhắc tới cúm nầy ! Số bịnh nhân loan báo gia tăng từng ngày: chục ngàn, trăm ngàn, rồi triệu người. So với cúm hàng năm, mà mùa dịch (épidémie) thường xãy ra vào tháng 12, tháng 1 và 2, thống kê cúm heo đã báo hiệu là một dịch cúm toàn cầu (pandémie) đang tiến triển. May mà số tử vong còn giới hạn đến cuối tháng 11-2009, vì cúm heo tại Pháp (và Âu Châu) vẫn là một bịnh tương đối hiền (forme bénigne, peu virulente). Giới chuyên viên y khoa Pháp vẫn dè dặt về khả năng biến chuyển có thể trở nên trầm trọng (évolution grave possible), cũng như sự biến thái (mutation) của siêu vi ».

Rồi một cách cả quyết, bác sĩ khuyên nên chích ngừa (dẫu biết rằng có khoảng 20% bác sĩ tại Pháp hiện nay không muốn chích ngừa)

Sang đến việc điều trị, nhất là điều trị bệnh cúm heo, bác sĩ cho biết:

• Điều trị triệu chứng là điều tiên quyết: hạ nhiệt, giảm đau, trị ho…

• Hai thuốc chống siêu vi (Antiviraux): Tamiflu thường dùng hơn Relenza.

Thuốc chỉ hiệu nghiệm nếu dùng sớm, trong 2 ngày đầu: không hủy diệt được siêu vi, mà chỉ ngăn cản sự sinh nở.

Để kết luận, Bác sĩ nói « Cúm mùa, cúm gia cầm 2 năm trước đây, cúm heo do siêu vi influenzavirus gây ra có thể coi “là tử thần quen thuộc của loài người”. Thống kê toàn cầu cho thấy hàng năm, 1 phần 10 người dân mắc bịnh, nhưng y khoa hiện đại với phương tiện tài chánh và kỷ thuật tối tân của các quốc gia tiên tiến đã giúp cho con người vượt qua dịch cúm một cách tương đối an toàn, nếu tuân theo những lời khuyên dặn hợp lý của giới chức y tế ». Bác sĩ cũng đã không quên nói đôi lời về Cảm Lạnh (Rhume, Rhinite).

Sau phần trình bày của bác sỹ Tạ Thanh Minh, phần câu hỏi, trả lời, thảo luận đã rất hào hứng. Khoảng 10 câu hỏi đã được các vị cử tọa cao niên đặt ra và đã được bác sĩ Tạ Thanh Minh và hai bác sĩ khác hiện diện trong buối thảo luận tiếp lời. Đó là bác sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh và bác sĩ Lê Trung Tú. Các câu hỏi xoay quanh những vấn đề: những nguy hiểm nào có thể có do việc chủng ngừa gây nên ? Làm sao để được chích ngừa khi mình chưa nhận được giấy gọi ? Khi chích ngừa mình phải mang theo nhưng gì ? phải khai báo những gì ? Làm sao biết trung tâm chích ngừa trong vùng mình ở ? Triệu chứng đặc biệt nào cho biết rằng mình bị cúm heo ? Triệu chứng đặc biệt nào cho biết mình chỉ bị cảm lạnh ? Trường hợp nào chứng tỏ hầu chắc mình bị cúm heo nghiêm trọng, và phải gọi số 15 (SAMU) ?

Sau buổi nói truyện, nhiều người đã xin Bác Sĩ Tạ Thanh Minh cho phổ biến bài nói truyện để được xem lại ở nhà. Cùng với bài tường thuật này, bài của Bs Minh sẽ được gởi đi mang http://vietcatholic.net và mạng http://www.giaoxuvnparis.org/home.htm ngay tối nay. Bác sỹ Lê Trung Tú cũng giới thiệu mạng của chính phủ, chỉ dẫn nhưng trung tâm chích ngừa. Đó là http://www.sante-sports.gouv.fr/grippe.html.

Paris, ngày 06 tháng 12 năm 2009

Trần Văn Cảnh

Xin xem thêm bài Mùa Cảm Cúm của Bác Sĩ Tạ Thanh Minh trong mục Sưu Khảo của Vietcatholic