THÁNH LỄ MỪNG KÍNH THƯỢNG THỌ CÁC BẬC CAO NIÊN TRONG CỘNG ÐOÀN GIÁO XỨ VIỆT NAM TẠI PARIS

Nhân lễ Thánh Gia, chủ nhật 31.12.2006


Theo thuyền thống hiếu thảo Việt Nam, con cháu thường tổ chức lễ mừng thọ cho các bậc cha mẹ ông bà, thường là vào tuổi 60 trở lên. Có gia đình tổ chức mừng từ 40, 50. Những vị thượng thọ, từ 70 tuổi trở lên, nhất là từ 80, và đặc biệt được 100 tuổi, thì lễ mừng rất lớn. Ở Việt Nam
Thánh lễ mừng kính thượng thọ các bậc cao niên tại GXVN Paris
ta, người cao tuổi rất được kính trọng, nhất là ở thôn quê. « Triều đình trọng tước, hương đẳng trọng xỉ » (Ơ triều đình quí trọng chức tước, ở nhà quê trọng người rụng răng cao tuổi). Nhà thơ Tam Nguyên Yên Ðổ, làm quan đến chức Tổng Ðốc, khi về làng vẫn đến quì lậy cụ già 80 tuổi không có chức tước gì. Giáo Xứ Việt Nam Paris tiếp tục truyền thống hiếu thảo và tôn kính các bậc cao tuổi. Thánh lễ mừng thượng thọ các bậc cao niên đã thành thói quen. Trước đây 7 năm, ngày 31.12.1999 hơn 150 vị cao niên đã đến tham dự thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ. Năm nay, ngày 31.12.2006, khoảng 200 vị cao niên, từ 70 tuổi trở lên, đã đáp lời mời của Ban Giám Ðốc Giáo Xứ, đến dự lễ mừng kính thượng thọ.

Ðể mừng thọ, trong các gia đình không công giáo, trước nhất người ta làm lễ gia tiên, ở nhà quê có thể làm lễ thần hoặc báo cáo với thôn giáp. Thôn giáp phải cử người đến mừng. Ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, lễ mừng thượng thọ luôn luôn được cử hành trong khuôn khổ một thánh lễ. Trước nhất, đại diện cho Cộng Ðoàn, Ðức Ông Giám Ðốc chúc mừng các bậc cao niên đến tham dự lễ. Ngài cũng không quên vạch rõ mục tiêu của lễ mừng thọ là để cho mọi người trong cộng đoàn và con cháu tỏ lòng quí mến và biết ơn các vị đã có công gây dựng gia đình, gầy dựng giáo xứ. Ðồng thời ngài trình bày ý nghĩa của tuổi thọ.Theo truyền thống Việt Nam và truyền thống Công Giáo, tuổi thọ là tuổi khôn ngoan, kinh nghiệm, là điềm có phúc, là dấu hiệu lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Tuổi già cần được tôn trọng và phải được đánh giá cao. Ngài viết :

Văn hóa Việt Nam vốn đề cao ‘tôn ti đẳng cấp’, vốn ‘kính lão đắc thọ’, vốn coi trọng ‘tuổi già đầy kinh nghiệm’ và ‘đi ra hỏi già về nhà hỏi trẻ’, vốn chúc nhau ‘phúc lộc thọ’…

Người già luôn mong được ‘kính và chiều’. vì lẽ đương nhiên ‘ăn cây nào rào cây ấy’, ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’, ‘trẻ cậy cha, già cậy con’ hay
Các cụ cao niên
‘trẻ dưỡng cây, già cây dưỡng’. Cho nên điều rất tâm lý là ‘già được bát canh như trẻ được manh áo mới’. Hơn thế, người cao niên chỉ muốn ‘lão giả an chi’, nên họ mau cảm thấy bị ‘hất hủi, tủi nhục’ với loại người ‘trẻ không tha già không thương’. Một điều tâm lý khác là dù ‘sống lâu lên lão làng’, nhưng thực tế chẳng ai muốn ‘trẻ chưa qua già đã đến’ hay ‘cảnh cha già con mọn’ bởi lẽ ‘lão lai tài tận’ hay ‘già vừa lấm lén, thân đã ra hèn’… Hơn thế, người ta còn chú ý đến cái ‘tật’ của tuổi già. ‘Tật’ đây hiểu là ‘bệnh hoạn’ hay ‘nết xấu’, như người ta thường nói : ‘Trẻ đeo hoa, già mang tật’, ‘tuổi già sinh tật như đất sinh cỏ’ hay ‘tuổi già trái chứng’.

Thời nay người ta càng sợ tuổi già. Bởi thời nay người ta đã đánh mất sự kính trọng đối với tuổi già. Trước tiên là do ảnh hưởng tinh thần dân chủ, bình đẳng, không còn tinh thần kính trên nhường dưới, tôn ti đẳng cấp… nữa. Thứ đến, chúng ta đang ở vào thời điểm ‘chạy đua với kỹ thuật, với tiền bạc, với lợi nhuận’, nên trong thực tế, khi đánh giá một người, người ta thường chỉ để ý đến ‘tuổi trẻ tài cao’, ‘tuổi trẻ hợp thời’, ‘tuổi trẻ lanh lẹ và tháo vát’… Còn ‘tuổi già lỗi thời’, ‘tuổi về vườn’… Bởi những lý do trên, ‘tuổi già mất thế, người già mất chỗ’.

Thậm chí trong gia đình, con cái nhiều khi thiếu hiếu thảo đối với cha mẹ già. Thiếu gì cảnh ‘cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày’, hay ‘Cha mẹ xiêu vẹo lều tranh, đói no không biết, rách lành chẳng hay’. Tệ hơn nữa là ‘cha mẹ nói một, con cãi bốn năm’, ‘nói lời xấc xược, cá mè một lứa’. Đâu còn ‘con người có bố có ông, như cây có cội, như sông có nguồn’ !

Lễ mừng thượng thọ là dịp tốt nhắc nhở chúng ta suy nghĩ về tuổi già, về đạo hiếu của người Việt Nam. Chính đạo hiếu là cơ sở cho tâm đức kính trọng tuổi già của người Việt Nam :

Mẹ cha trọng quá ngọc vàng,
Đền bồi sao xiết muôn ngàn công ơn.

Cha già như chuối chín cây,
Gió đưa cha rụng con này mồ côi.

Mẹ già như tấm lều tranh,
Sớm thăm tối hỏi mới đành dạ con.

Đói lòng ăn hạt chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.

Cây khô chưa dễ mọc chồi,
Cha già chưa dễ ở đời với con.

Ba tiền một khứa cá buôi,
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già,

Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi,
Gạo thơm mua lấy mà nuôi cha già.

Kính thương cha mẹ cao niên lão tuổi như vậy thật đáng quý ! Kính thương cha mẹ già khi còn sống và cả khi đã quá vãng, thật là ‘sống tết, chết giỗ’. Đức hiếu thảo đẹp biết bao ! Âu cũng là một ý nghĩa sâu sắc của ngày ‘Lễ Mừng Thượng Thọ’ vậy ».

Các cụ cao niên
Rồi tất cả Cộng Ðoàn cùng dâng lễ tạ ơn Chúa theo tiếng hát tâm tình người con hiếu thảo « Xin Chúa chúc lành cho cha mẹ của con. Công ơn như núi non, dưỡng nuôi con vuông tròn... Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời. Cho con giữa gia đình sống theo tình người con ngoan ».

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Ðức Ông Giám Ðốc đã nhường lời cho bốn vị cao niên chia sẻ kinh nghiệm và tâm tình cùng Cộng Ðoàn.

Bà Vũ Nathalie,72 tuổi, Ban Ðại Diện Các Bà Mẹ Công Giáo, chia sẻ rằng : « Ðiều cảm nghiệm đầu tiên của con nhân ngày lễ hôm nay là Hồng ân sự sống mà Chúa nhân từ đã yêu thương ban tặng cho con trong suốt hơn 72 năm qua. Con xin phép nói một chút nói về gia đình con và con. Chúng con gồm 8 chị em, gia đình theo đạp Phật. Bảy chị em chúng con và mẹ đã nghe lời mời gọi của Chúa, rửa tội trở lại đạo. Còn một chị đang học giáo lý. Vợ chồng chúng conchung sống được 18 năm thì chồng con được Chúa gọi về, để lại cho con hai trai, 17 và 15 tuổi.Tứ cố vô thân, một mình, con cố gắng nuôi con ăn học nên người, ròng rã 11 năm. Tới đó con tưởng đời con bắt đầu tươi sáng lại. Nhưng không, Chúa lại gọi đi người con thứ hai, đã là bác sĩ nội trú. Là con người, trong lúc gian nan, đau khổ, thử thách ấy, con cảm thấy thất vọng, chán nản và muốn buông xuôi tất cả. Nhưng rồi, nhờ ơn Chúa, con quị ngã, Chúa đã nâng đỡ cho con đứng dậy. Con lại tiếp tục bước đi và cảm nghiệm được rằng ơn gọi đời sống là một hồng ân vô giá mà Thiên Chúa tình thương ban tặng. Ngài đã yêu thương con, cho con được sinh làm người, được trở thành con cái Ngài trong lòng Giáo Hội, được sống đến ngày hôm nay.Chúa đã thêu dệt đời con bằng nhiều sợi chỉ với nhiều mầu khác nhau : sợi trắng, sợi hồng, và cả sợi đen. Chúa cũng mời gọi con sống chứng nhân, loan báo tình thương của Chúa cho mọi người. Ngay lúc này đây, con dám xác tín rằng Chúa yêu thương con rất nhiều và Ngài cũng yêu thương mọi người như thế. Con cũng nhận ra rằng giữa những khó khăn thử thách của cuộc đời, Chúa đã rèn luyện con, Chúa đã mời gọi con cùng bước đi với Ngài, cùng tham dự vào mầu nhiệm thập giá cứu chuộc của Ngài, như chính Ngài đã nói « Ai muốn theo ta hãy bỏ mình đi, vác thánh giá mình mà theo ta » và như thánh Phao lô tông đồ dã viết « Nếu ta cùng vác thập giá với đức Kitô, nếu ta cùng chết với sđức Kitô, ta sẽ được sống, được hiển trị với Ngài ». Chính vì thế mà cho đến tuổi đời hôm
Cháu chắt hát mừng thượng thọ các cụ
nay và trong quãng đời còn lại con sẽ cố gắng hơn để đời sống con luôn là lời ngợi ca dâng lên Thiên Chúa vi những ơn lành mà Chúa đã thương ban cho con. Ðời con nay đã xế chiều, đôi lúc con cũng thấy bâng khuâng, lo sợ về ngày mai, về cái chết sắp gần kề, nhưng trải qua cuộc sống, với những gì mà Chúa đã thương ban cho con, con tiếp tục xác tín rằng « Chúa vẫn trung thành yêu thương mãi đến cùng những ai Ngài đã yêu thương ». Và với niềm tin tưởng đó, con xin phó thác tất cả đời sống con, những khó khăn thử thách, sự sống, sự chết. Con tin rằng tất cả không ngoài tình yêu thương mà Chúa đã và sẽ tiếp tục yêu thương và dành tặng cho con,.. »

Ông Nguyễn văn Tài, 83 tuổi, Ban Biên Tập Báo Giáo Xứ vắn tắt chia sẻ với cộng đoàn : « Tôi xin cám ơn Chúa và Mẹ Maria. Trước đây khi ở Việt Nam, là một quân nhân, bị kẹt lại, tôi khấn với Ðức Mẹ rằng nếu thoát được, tôi sẽ xin trở lại đạo Chúa. Ðược sang Pháp, tôi giữ lời hứa, xin rửa tội và trở lại đạo. Từ ngày ấy, tôi được sống trong Giáo hội Chúa, sống trong Cộng Ðoàn Giáo xứ Paris. Tôi được Ðức Ông và các Cha thương mến cho cộng tác giúp việc nhà Chúa.Tôi cùng viết báo Giáo xứ với Cha Vinh, Thầy Nha, Bác sĩ Ái, Giáo sư Cảnh, luật sư Thông …Tôi viết dưới bút hiệu Hoàng Anh Tài và Nhân Trí Dũng. Hôm nay đây được Ðức Ông chỉ định phát biểu cảm tưởng, tôi rất cảm kích và xin cảm tạ hết mọi người trong Cộng đoàn Giáo xứ Paris chúng ta, một cộng đoàn đầy tình gia đình, dưới sự dìu dắt của Ðức Ông và Các Cha ».

Bà Nguyễn Văn Sâm, ngoại thất tuần, Hội trưởng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, chia sẻ : « Tôi xin có vài ý chia sẻ cùng cộng đoàn. Ðây là cơ hội để mình ôn lại chặng đường dài hơn 70 năm qua. Tôi tự hỏi là kitô hữu tôi đã làm được gì cho gia đình, cho xã hội, để được đẹp lòng Chúa ? Từ lúc trưởng thành, lập gia đình đến khi sinh con, có cháu, tôi đã chăm nuôi dậy dỗ chúng cho ăn học nên người. Trên con đường đã trải qua, chông gai có, khó khăn có, thuận lợi có, buồn vui lẫn lộn.Có lúc tôi tưởng chừng như vợ chồng, mẹ con phải xa cách triền miên, khó mà gặp lại sau biến cố đổi đời. Áy thế mà nhờ vào đức tin vững mạnh, nhờ vào lời cầu nguyện thường xuyên, Hồng Ân cao cả của Chúa đã ban cho gia đình được đoàn tụ, sanh xôi nảy nở, an vui ổn định, như ngày hôm nay. Tôi rất mãn nguyện và không quên bổn phận dậy dỗ khuyên nhủ con cháu củng cố cho phần hồn, để ngày giờ Chúa ban cho, không để lãng phí. Tôi ước nguyện rằng, cũng như trước đây và hiện nay, trong tương lai, tôi sẽ mãi mãi có cơ hội được đóng góp theo khả năng nhỏ bé của mình vào việc tông đồ, để thăm viếng, an ủi những chị em đau ốm, buồn khổ và cô đơn, để cộng tác với cộng đoàn giáo xứ và xã hội đã mở rộng tay thâu nhận gia đình tôi ».

Ông Jean Ðào, 67 tuổi, phó Curia Maria Vữ Vương nước Việt Nam, chia sẻ : « Chúng con xin tự giới thiệu, vợ chồng Jean Ðào, con 67 tuổi, nhà con 65 tuổi, cư ngụ tại vùng 91. Thưa quí cộng đoàn, từ khi bước vào ơn gọi hôn nhân, chúng con đã cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo. Chúng con cùng nhau lập họ đạo. Lúc đầu một đứa rửa tội, hai đứa rửa tội, rồi chín đứa rửa tội và nhà con thôi đẻ. Chúng con cũng mong có được 12 chi tộc, mà không được. Thôi thì 7 trai, 2 gái cũng tốt ròi.Tạ ơn Chúa ban cho các cháu được ăn học. Bảy cháu lớn đã có việc làm. Hai cháu út đang đi học. Những cánh chim đủ lông đủ cánh, lần hồi bay rời tổ ấm : 7 cháu lớn đã mua nhà ở riêng. Hôm nay lễ kính Thánh Gia Thất, xin thánh cả Giuse hướng dẫn mỗi gia đình con chúng con biết theo gương thánh gia. …Thưa quí cộng đoàn, trong biển đời đâu phải lúc nào cũng phẳng lặng. Nhiều lần gặp cơm không lành, canh không ngọt, mỗi đứa mỗi nơi, mỗi người một xó, quié xuống cầu nguyện xin Ðức Mẹ cứu giúp. Cũng có lần, tình yêu lọt vào cơn lốc xoáy, tưởng chừng như Ðức Giêsu vẫn ngủ ở đàng lái, chúng con phải kêu lên cầu cứu : « Thầy ơi, chúng con chết mất ». Và rồi Chúa cũng truyền cho sóng gió yên lặng. Nếu không có bàn tay Thiên Chúa thì tình yêu hạnh phúc làm gì có được như tới hôm nay. Chúng con tạ ơn Chúa đã ban tình yêu hạnh phúc cho chúng con, vì Chúa là Tình Yêu ».

Các cụ mừng thượng thọ nhân dịp mừng lễ Thánh Gia năm 2006
Vào cuối lễ, các em thiếu nhi bưng lễ vật dâng cho ông bà. Đức ông giám đốc và các cha trong Ban Giám Ðốc trao phép lành Tòa Thánh và quà kỷ niệm cho các vị cao niên có mặt. Ông Lê Ðình Thông, Chủ Tịch Hội Ðồng Mục Vụ đại diện Cộng Ðoàn chúc mừng các vị cao niên đến tham dự lễ mừng thượng thọ. Ông nói :

Thánh lễ mừng kính Thượng Thọ cử hành hôm nay chính thức khai mạc Năm Hồng Ân 2007. Trước cung thánh là Hang Đá Chúa Hài Đồng sinh xuống giữa cộng đoàn. Tháp ba cạnh biểu tượng Ba Ngôi trên trời, đồng thời tượng hình ba thế hệ nối kết nhau : các bậc cao niên, tiếp theo là các con thuộc thế hệ thứ hai và cháu chắt thuộc thế hệ tiêáp nối. Trong Thánh lễ, cả ba thế hệ kết hợp thành lũy tre làng Giáo Xứ, có tre già, có trúc xanh, có măng non. Cả ba làm thành lũy tre Hồng Ân. Các măng non còn là tiếng ca hát của Ca đoàn Thiếu Nhi chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa.

Uống nước nhớ nguồn. Mở đầu Năm Hồng Ân, theo truyền thống văn hóa Đức Tin, Hội đồng Mục vụ mừng kính tuổi thọ Đức Ông Giám Đốc Giuse Mai Đức Vinh, Quý Cha Nguyễn Văn Cẩn, Đoàn Thanh Dũng, quý Thày Phó tế Nguyễn Văn Thạch và Gérard. Trong Cộng đoàn có các Ông Phan Quang và Nguyễn Văn Hộ từng là Chủ tịch Hội đồng Mục vụ, Ông Hoàng Anh Tài là cây bút nòng cốt của báo Giáo Xứ, Ông Bà Lê Trung Nhiên, nguyên Khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Saigon, Ông Ngô Trọng Hiếu và nữ Nghệ sĩ Bích Thuận, toàn thể quý Cụ trong Cộng đoàn từ tuổi ‘‘thất thập’’ (bảy mươi).

Trong bài ‘‘Khúc giang’’, Đỗ Phủù có câu thơ : ‘‘Nhân sinh thất thập cổ lai hi’’, Tản Đà dịch là ‘‘Sống bảy mươi năm đã mấy người’’. Trong Thánh Lễ hôm nay, Cộng đoàn Giáo Xứ dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn vì vô vàn hồng ân Người ban cho Cộng đoàn suốt dòng lịch sử 60 năm kể từ 1947, mà thành quả lớn lao nhất là các bậc cao niên hiện diện hôm nay và nhiều vị khác vì tuổi già sức yếu không thể đích thân đến dự. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm có câu thơ nói về tình gia đình:

Tình gia thất nào ai chẳng có,
Kìa lão nhân khuê phụ nhớ thương.
Mẹ già phơ phất mái sương,
Con thơ nhỏ dại còn đương phủ trì.

Bà Đoàn Thị Điểm nói thay cho Giáo xứ chúng ta : Con thơ nhỏ dại còn đương phủ trì có nghĩa là cộng đoàn luôn cần đến sự nâng đỡ và lời cầu nguyện của các bậc cao niên. Từ ý thơ Đỗ Phủ và Bà Đoàn Thị Điểm, chúng tôi có mấy câu thơ Đường, lời lẽ tuy vụng về nhưng chân thật, xin dâng lên Đức Ông, quý Cha, quý Thày Phó tế và quý Cụ từ tuổi thất tuần, hiện diện và vắng mặt hôm nay :

Sáu chục năm qua sáu chục lần,
Tông đồ mục vụ vẫn siêng năng.
Chúc mừng Thượng Thọ người khai lối,
‘‘Thất thập nhân sinh ‘’vẫn đỡ đần.
Thế hệ cha ông đầy lộc thánh,
Tăng thêm sức lực sống bình an.
Hồng ân thắm đượm ơn hồn xác,
Sống đến trăm năm hưởng phúc nhàn.

Ông Chủ tịch cũng không quên đọc bức thơ của Đức Cha Võ Đức Minh, chúc mừng thượng thọ Đức Ông Giám đốc và quí cụ trong Cộng Đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris. Đức Cha Minh viết :

‘‘Nha Trang, ngày 27 tháng 12 năm 2006

Kính gửi Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris

Trong bầu khí linh thiêng và ấm cúng của ngày lễ Thánh Gia Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse; đồng thời cũng là ngày mừng thượng thọ Đức Ông và quý Cụ Ông, Cụ Bà trong gia đình Giáo xứ Việt Nam thân yêu ở giữa lòng Thủ đô Paris đầy ánh sáng, từ Giáo phận Nha Trang ở quê nhà, tôi gửi đôi lời kính thăm toàn thể Cộng đoàn Dân Chúa và xin phép được nói lên lời chúc mừng chân thành đối với Đức Ông Giuse và quý Cụ trong dịp mừng thọ hôm nay.

Truyền thống Việt Nam chúng ta có câu : “ Uống nước nhớ nguồn “; và từ lúc còn nhỏ, tôi đã thuộc nằm lòng câu ca dao :

“Công Cha như núi thái sơn;
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ Mẹ kính Cha;
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con“.

Xin kính dâng nén hương trầm để kính nhớ các Vị Tiền bối đã góp phần xây dựng và làm phát triển Giáo xứ 60 năm qua;

Xin kính trao Đức Ông Giuse và quý Cụ Ông, Cụ Bà mừng THƯỢNG THỌ hôm nay những bông hồng tình yêu;

Xin gửi đến mọi người hiện diện trong ngày lễ gia đình này lòng yêu mến, lời chúc mừng Phúc Lộc Thọ và phép lành trong Thánh lễ tạ ơn mà tôi cử hành trong tâm tình hiệp thông.

Nay kính thư.

+ Giuse Võ Đức Minh

Giám Mục Phó Giáo phận Nha Trang.’’

Sau lễ, trong phần chụp hình lưu niệm và tiệc trà, con cháu quấn quít bên các cụ, hàn huyên truyện trò thật vui vẻ. Một cụ bà còn dẻo dai và nhanh nhẹn trong ngấn lệ thổ lộ: ‘Từ 70 năm nay, tôi mới xưng tội lại’. Một đôi cụ ông cụ bà trong bộ quốc phục khăn đống áo dài, đẹp lão và rất đẹp đôi cho biết : Con cái chúng tôi đều khôn lớn, có việc làm đã ở riêng mà vẫn về thăm cha mẹ. Thích lắm, chúng tôi rất thích đến dự các thánh lễ với giáo xứ như thế này. Thiết nghĩ còn nhiều cảm xúc khác không có dịp bộc lộ công khai. Đó là ý nghĩa của ngày vui tìm thấy : Thiên Chúa là tình thương với mọi lứa tuổi. Và ở hoàn cảnh nào con cháu, ông bà và cha mẹ vẫn yêu thương bên nhau.

Paris, lễ Thánh gia, 31.12.2006