Khi muốn diễn tả niềm vui, niềm hoan lạc, Kinh Thánh thường dùng hình ảnh tiệc cưới. Đúng thế! Còn niềm vui nào bằng khi nhà có đám cưới. Bởi thế ông bà ta vẫn nói: “Vui như đám cưới”. Tuy nhiên, với nhiều người, tiệc cưới ngày nay không còn là biểu tượng của niềm vui hân hoan nữa, mà đã trở thành nỗi ám ảnh.

Ngay khi nhận được thiệp hồng báo tin vui, người được mời vui đấy nhưng cũng lo đấy. Không lo sao được khi cuộc sống dẫy đầy những khó khăn, lại phải chi tiêu cho những khoản ngoài dự kiến. Vào thời gian cao điểm của mùa cưới, có những gia đình chỉ trong một tháng mà nhận hơn cả chục cái thiệp. Nhìn thấy thiệp nhiều khi muốn phát sốt, mà lại toàn là những thiệp mời thuộc diện không đi không được. Không đi thì chỉ có nước dọn nhà đến nơi khác mà ở, đành chấp nhận đi đứt gần một tháng lương để còn được nhìn mặt bà con láng giềng.

Không biết tự bao giờ, đám cưới trở thành cái gánh nặng đặt trên vai người khác như thế ?! Lo khi nhận thiệp đã vậy, phải đi ăn tiệc nhiều người còn sợ hơn !

- Cái sợ thứ nhất là sợ phải chờ đợi. Có nhiều đám cưới thuộc loại giờ giây thun ngâm dầu, khiến cho nhiều thực khách đến đúng giờ phải đợi đến ngao ngán, đợi dài cả cổ. Nếu tiệc được tổ chức ở nhà hàng nữa, thì nhân đức đầu tiên mà khách mời phải có là kiên nhẫn đợi chờ. Thiệp mời ghi là 11h mà có khi chờ đến 12h30 mới khai tiệc. Nghi thức khai tiệc lắm lúc còn rườm rà hoa lá cành mãi đến gần 1h00 mới bắt đầu ăn. Ăn xong đã hơn 1h30 chiều. Khổ nhất là các linh mục, có nhiều đám cưới không đi thì không được, mà đi thì có khi đến 2h00 chiều mới về đến nhà. Nhằm ngày Chúa Nhật nữa thì không kịp nghỉ trưa, chuẩn bị làm lễ chiều là vừa.

- Cái sợ thứ hai là sợ bị âm thanh tra tấn. Vì đã trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương khi đi dự tiệc, nên có một cha già kia tuyên bố với những đám cưới của con cháu ngài rằng nếu mở nhỏ âm thanh thì ngài dự, bằng không thì ngài về. Thế nhưng có lần nọ đi dự một đám cưới ở xứ bên cạnh, ngài mất cái quyền “tuyên bố” của mình. Chủ dàn nhạc không biết ngài nên cho mở âm thanh hết công suất. Ngài yêu cầu mở nhỏ hơn mà không được, đành đứng lên xin kiếu về trước, ngay sau khi món khai vị được dọn lên.

Ca sĩ chuyên nghiệp thì ít mà bất đắc dĩ thì nhiều, hét nhiều hơn là hát, nhất là khi rượu bia đã ngà ngà. Có khi âm thanh nghe chát chúa, muốn thủng cả màng nhĩ. Khách lâu ngày mới có dịp gặp nhau trong bàn tiệc, muốn nói chuyện cũng khó lòng, phải “nong” hết thanh quản mà người đối diện cũng chỉ nghe chữ được chữ mất, đành im lặng gật gù cho xong. Khổ nỗi những nhân vật “đặc biệt”, chẳng hạn như các linh mục, thường được sắp xếp chỗ ngồi bên cạnh “sân khấu”, mà sân khấu thường là nơi bố trí các cặp loa Hifi, nên lãnh đủ. Muốn nói điều gì phải mở hết công suất. Báo hại, chưa ăn đã cảm thấy no, đúng hơn là “no hơi” vì bị nuốt quá nhiều không khí khi nói.

- Cái sợ thứ ba là sợ cái nắng, cái nóng. Bị âm thanh tra tấn không thôi chưa đủ, thực khách còn bị cái nắng hành hạ, nhất là các đám cưới ở miền quê. Chỉ một tấm vải bạt mong manh che phía trên đầu, dưới là cái nắng nóng như thiêu như đốt của mùa hè, đặc biệt là ở miền Bắc, miền Trung, nơi còn được những ngọn gió lào khuyến mãi tặng kèm.

Sung sướng thế nào được, khi ăn mà mồ hôi, mồ hê nhễ nhại. Khổ hơn nữa cho các đấng bậc nào thừa mỡ thiếu da ! Có người muốn ăn cho mau mà rút, thế nhưng muốn mau cũng không được vì thức ăn thường đựơc đưa lên từng món một, vả lại hầu hết là những món chờ xào, chờ nấu ngay tại bàn tiệc. Vừa ăn vừa lấy hơi để thổi. Ngồi ăn mà khói lửa bủa vây: bò né, tôm hấp, dê xào lăn, lẩu Thái,… Toàn là mấy món mà những người ăn kiêng đều ái ngại khi hạ đũa. Bởi thế ở Sài Gòn có một số đám cưới đãi tiệc chay lại hút khách là thế!

Trời nóng hực, nhạc nóng bừng, thức ăn nóng hổi… tất cả đều làm cho thực khách mang tâm trạng cực chẳng đã phải ngồi dự tiệc. Đã vậy còn đi kèm với bia đá, nước ngọt đá (phải chăng là để hạ nóng, để giải nhiệt !?). Chưa bao giờ nơi bàn tiệc Việt Nam nói chung và tiệc cưới nói riêng lại diễn ra cách ăn uống phản khoa học như hiện nay. Tất cả thức ăn đều cực nóng đi kèm với thức uống cực lạnh (đá lạnh). Có cả “ban tiếp đá” cho khách. Tiệc càng to, ban tiếp đá càng hoạt động tích cực: gắp bỏ - bỏ gắp. Trong khi đối với người nước ngoài, nước đá là “kẻ thù số 1” trong các bữa ăn, thì người Việt ta cứ vô tư rước “kẻ thù” này vào trong nội tạng của mình, khiến cho hệ tiêu hoá một phen đấu đá nhau nóng - lạnh, lạnh - nóng. Có người nói rằng thời đại hôm nay, ai càng dự tiệc tùng càng nhiều thì càng mau chết. Cũng vì ý thức điều đó mà ngay từ đầu năm mới, một cha sở nọ đành phải đưa lí do với giáo dân là bác sĩ bắt ăn kiêng để từ chối đi ăn cưới. Và có lẽ cũng vì thế mà nhiều linh mục ngại ngần khi phải tham dự tiệc cưới.

Nói ra hết những cái sợ trên đây với ước mong rằng cách thức tổ chức các đám tiệc, nhất là tiệc cưới cũng như thực đơn được điều chỉnh đôi chút, để các khách mời không còn phải “lo” mỗi khi cầm thiệp cưới trên tay và không còn phải “sợ” khi được mời đi dự tiệc. Hãy trả lại niềm vui, niềm hân hoan thực sự cho các thực khách dự tiệc !