KHÁCH DỰ TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI

Dụ ngôn về tiệc cưới được coi là những hình ảnh sống động nhất trong các dụ ngôn mà Chúa Giêsu nói về Nước Trời. Bởi tiệc cưới là sự vui vẻ, thân thiện và nhất là đề cập tới hạnh phúc của gia đình.

Trong tiệc cưới mà Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn hôm nay (x. Mt 22, 1-14). Khi đọc qua, ai cũng sẽ thấy dễ hiểu, vì Chúa Giêsu muốn ám chỉ về một dân tộc đã được mời gọi là dân Do Thái. Để tham dự tiệc cưới này, họ là những người được gọi là dân riêng của Chúa từ rất sớm. Nhưng khi những sứ giả là những tiên tri của Chúa sai đến thì người ta đã quá bận rộn và mải mê với những công việc mà xem ra chỉ phục vụ cho cuộc sống hưởng thụ phần xác. Còn có những người quá khích đã ném đá các tiên tri, và thậm chí giết các tiên tri, vì họ đã chối từ ân huệ, cho nên dân tộc Do Thái đã đánh mất đi quyền lợi lớn lao là trở thành Hội Thánh của Chúa Kitô.

Vậy “Tiệc cưới Nước Trời” gồm những thành phần nào?. Xin thưa, đó là những thành phần “đi ngang qua đường”, là chúng ta thuộc về mọi thời đại, bất luận già trẻ, lớn bé. Mỗi người đang đi ngang qua đường một cách hết sức là ngẫu nhiên mà lại được mời vào dự tiệc cưới, không ai có công lao hết. Tất cả là do tình thương và sự sắp xếp của nhà vua lo cho hoàng tử. Nhà vua lo cho hoàng tử đến nỗi sắm đầy đủ cả những áo cưới cho những ai đến dự tiệc. Có nghĩa là người ta chỉ có thể vào dự tiệc trong vui mừng, trong hân hoan. Bởi vì cả bộ áo cưới cũng đã được nhà vua sắm sẵn. Tiệc dùng lại càng sẵn sàng hơn. Có một điều làm chúng ta ngạc nhiên, đó là có một người kia đã không mặc áo cưới và khi vua đi ngang qua hỏi thì anh ta không thanh minh được gì. Bởi xuất phát từ sự khinh thường, anh ta đã không mặc áo cưới. Anh ta giữ tính ích kỷ riêng của mình và rõ ràng là ích kỷ, ý riêng là những gì không hòa nhập được với cộng đồng của xã hội. Vì thế, anh ta đã bị trói chân trói tay và bị ném ra ngoài. Anh ta không xứng đáng được dự tiệc cưới như trong dụ ngôn đã kết luận. Khi nghe, chúng ta thấy có một cái gì đó nghịch lý không ổn thỏa, vì anh ta đang đi đường, được mời vào dự tiệc cưới, rồi lại trói anh ta vứt ra ngoài đường. Tuy nhiên, dụ ngôn tiệc cưới ám chỉ về Nước Trời mà mỗi người chúng ta, những người đã được kêu gọi để trở thành một dân riêng của Chúa, được hưởng tiệc cưới của hoàng tử mà ngày nay chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn là Tiệc Cưới Con Chiên, trong đó, mỗi người chúng ta trở thành xương thịt của thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô. Mỗi người chúng ta đã trở thành gia đình của tiệc cưới đó. Vì thế, trước đó thì là những người đi đường, nhưng từ đây đã trở thành người nhà, đã trở thành Hội Thánh của Chúa Kitô. Và khi đặt trước vấn đề này thì không còn có chuyện thản nhiên ở ngoài đường nữa. Mỗi người vào dự tiệc cưới sẽ cảm nhận được:

- Thứ nhất là sự yêu thương quan phòng của Thiên Chúa;

- Thứ hai là tuân theo luật của Chúa đã ban hành.

Người coi thường và không giữ luật ấy, đương nhiên là bị phạt, và chúng ta dừng lại ở nơi đây để tìm hiểu thêm một vài khía cạnh khác mà dụ ngôn muốn nói tới.

Trước hết là chúng ta khám phá ra trong tiệc cưới hôm nay không nói đến cô dâu, chỉ nói đến tiệc cưới cho hoàng tử. Phải chăng mỗi người chúng ta được gọi là “hiền thê” của Chúa Kitô, được mời gọi từ những gì mà mỗi người một mục đích, mỗi người đi từ một con đường khác nhau để được vào dự tiệc cưới, không chỉ là khách mà còn đóng vai của cô dâu, là hiền thê dự tiệc cưới Con Chiên. Hiểu như vậy, chúng ta thấy đây là một tình thương sâu xa, một ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban nhưng không cho chúng ta, để từ trạng thái là người đi đường trở thành hiền thê của Chúa Kitô, trở thành Hội Thánh của Chúa Kitô. Một ân huệ lớn lao như vậy, lẽ ra phải dành cho dân riêng của Chúa, là dân Do Thái được Chúa tuyển chọn từ đầu với Abraham, Isaac, Jacop. Nhưng vì dân tộc này đã khước từ sứ mệnh Thiên sai của con Thiên Chúa nhập thể làm người, đã khước từ ân huệ từ trời ban cho, cho nên chúng ta mới được thừa hưởng. Vậy ở khía cạnh này, chúng ta phải biết sống để tạ ơn Thiên Chúa và hiểu được vai trò của mình: từ nay không còn là kẻ đi qua đường nữa thì phải cư xử như thế nào trong tiệc cưới Nước Trời mà chúng ta được dự với tư cách là ruột thịt, là hiền thê.

Một khía cạnh thứ hai mà chúng ta khám phá ra ở nơi đây, trong bữa tiệc này, chẳng ai là có công lao hết!. Từ những chi tiết ban đầu, từ những nhu cầu cần thiết nhất, nhỏ nhất đều đã được quan phòng sắp xếp ổn thỏa. Dường như mỗi người vào đó mặc áo, dự tiệc, ăn uống linh đình, rồi được hưởng thụ. Do vậy đây là một ân huệ nhưng không Chúa ban cho chúng ta. Qua đó, chúng ta thấy rằng, người nào mà còn khước từ cả áo cưới nữa; người nào đã coi thường một tình thương rộng mở như vậy thì thật đáng phạt. Chúng ta không lấy làm bỡ ngỡ và không đặt mình làm “quan sát viên” ở bên ngoài để bình luận về người đi đường kia tự nhiên bị gọi vào, rồi bỗng nhiên bị trói chân trói tay và bị phạt nữa. Chúng ta chỉ còn biết tạ ơn, vì Chúa đã thương và ban ân huệ nhưng không cho mỗi người chúng ta.

Từ những gì kể trên, chúng ta khám phá ra rằng: Nước Trời là tình yêu. Nước Trời là hạnh phúc. Nước Trời được trao ban cho con người là một ân huệ nhưng không. Nước Trời được mời gọi với những gì mà Thiên Chúa đã định từ thủa đời đời. Cho nên người nào không đón nhận lòng tri ân và không mở rộng tấm lòng để hiểu ra tình của Người Cha thì người đó thật sự không chỉ là vô ơn tệ bạc mà còn đáng bị phạt. Điều phạt đó không phải là từ những gì nghịch lý và mâu thuẫn của vua thiết đãi tiệc nhưng nó mâu thuẫn nội tại từ chính những con người đứng trước những ân huệ lớn lao mà tự mình gây mâu thuẫn. Muốn hưởng thụ mà mình lại không tuân giữ nội qui. Muốn vào để được đón tiếp nhưng bản thân mình lại khinh thường ông chủ. Trong cuộc sống của chúng ta vẫn song song có những sự kiện như vậy. Người ta hưởng thụ mà người ta không biết ơn. Người ta muốn mình là tất cả mà người ta lại không lúc lắc ngón tay. Chúa Giêsu đã từng kết án những người ngồi trên tòa Môisê, dạy luật nhưng lại không muốn lúc lắc ngón tay lay thử (x. Mt 23, 4). Và Chúa gọi thứ bệnh đó là bệnh giả hình.

Người Kitô hữu hôm nay muốn thực sự được tham dự vào tiệc cưới Nước Trời, họ phải tránh cái việc đầu tiên là tội giả hình. Bởi tội này khiến người ta chỉ biết bề ngoài mà không biết bên trong, chỉ biết hưởng thụ mà không bao giờ chịu đóng góp, chỉ biết ý riêng của mình để phán quyết mà không biết lắng nghe. Còn mỗi người chúng ta là những người Kitô hữu đích thực thấy được Thiên Chúa đã đề cao hôn nhân trong Kitô giáo. Tiệc cưới Nước Trời hay là Chúa Giêsu Kitô yêu thương Hội Thánh như người chồng yêu thương người vợ là những hình ảnh được rút ra từ hôn nhân, và chính những hình ảnh ấy, cho chúng ta thấy được rằng tình yêu mà Chúa mời gọi chúng ta là một tình yêu hiến thân. Nước Trời mà Chúa mời gọi chúng ta tham dự là một sự từ bỏ. Từ bỏ con đường mình đang đi để vào dự tiệc. Từ bỏ ý riêng của mình, từ bỏ áo cũ của mình để mặc áo cưới, mặc áo mới mà vua đã định trước. Nước Trời là như vậy, chúng ta đừng kể công lao vì mình chẳng có gì để mà kể. Chúng ta cũng đừng nghĩ mình là những gì xứng đáng cho nên được chọn. Nhưng điều quan trọng là hãy biết lắng nghe và hãy biết cảm tạ tri ân. Tất cả chỉ có thế. Chúng ta khám phá ra rằng: Nước Trời sao đơn giản như vậy? Nước Trời là một sự cho không.

Trong Cựu Ước, tiên tri Isaia kêu gọi: “Rượu đây, hãy đến mà uống. Sữa đây, hãy đến mà uống. Không phải trả đồng nào” (Is 55, 1). Không ai có thể hiểu nổi. Còn bây giờ, chúng ta đã thấy, chứ không chỉ là hiểu. Chúng ta thấy và thấy rõ ràng. Một tiệc cưới như vậy vẫn đang tiếp tục trải ra trước mắt chúng ta. Một tiệc cưới như vậy vẫn đang tiếp tục thịnh soạn cho chúng ta mỗi ngày. Trong bí tích Thánh Thể, trong bàn tiệc Lời Chúa, trong mỗi lễ nghi cử hành cộng đồng. Chúng ta có nhận ra không? Chúng ta có tham dự với tất cả tấm lòng yêu thương và tri ân cảm tạ không? Chúng ta có thực sự đổi một để lấy nghìn lấy triệu không? Và đó chính là kết quả để hôm nay, bài học cuối cùng của chúng ta là, đừng giữ ý riêng, đừng chết trong con người ốc đảo ích kỷ của mình, đừng giữ bộ óc cũ mà không chịu mặc áo mới. Đừng giữ bầu da cũ, để rồi rượu mới đổ vào làm nứt bầu da và mất đi cả rượu.

Lạy Chúa Giêsu,

Tiệc cưới Nước Trời vẫn đang mở rộng trước mắt chúng con.
Xin đừng để ai trong chúng con đánh mất đi cơ hội và tình thương lớn lao này.
Nhưng cho chúng con được vào dự tiệc cưới Con Chiên
để chúng con an vui, hạnh phúc và hạnh phúc đời đời. Amen.


Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc