Perpetual Help, Our Lady Of
Đền thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Là đền thánh trên đường Via Merulana ở Roma có bức ảnh Đức Mẹ và Chúa Hài Nhi hay làm phép lạ. Bức ảnh đặt trên bàn thờ chính và được vẽ như một tranh tượng thánh. Hai thiên thần được vẽ như là thánh Michael (Mi-ca-en) và thánh Gabriel (Gáp-ri-en), hai vị như đang bay bên đầu Đức Trinh Nữ, cầm trong tay được che đậy các dụng cụ dùng trong cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, gồm Thánh giá, lưỡi đòng, miếng bọt biển. Một số người nghĩ rằng thánh sử Luca đã vẽ bức tranh này, nhưng đúng hơn đó là một nghệ sĩ Hi Lạp thuộc thế kỷ 13 hoặc 14. Lúc đầu bức tranh thuộc về một thương gia giàu có đảo Crete, sau đó tranh được đưa về Roma, và đưa vào nhà thờ thánh Mátthêu trong Thành Thánh sau khi được cung nghinh trên đường phố. Trong hơn 300 năm, khách hành hương các nơi đổ về nhà thờ này để ngắm ảnh tượng, nguồn của nhiều sự chữa lành bệnh. Năm 1812, Nhà thờ thánh Mátthêu bị bình địa và trong khỏang 54 năm, người ta không biết tượng được đặt ở đâu. Sau khi tranh tượng này được tìm thấy lại, Đức Giáo hoàng Piô IX trao tranh tượng cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, để đặt trong nhà thờ, nơi Đức Mẹ Maria được tôn kính lần đầu cách đặc biệt với tước hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đền thánh quốc gia ở Mỹ tôn kính Đức Mẹ với tước hiệu này là ở Roxbury, bang Massachusetts.
Perpetual Vows
Khấn trọn, khấn trọng thể, khấn trọn đời. Thông thường đây là lần khấn sau cùng của một người trong một Dòng tu để sống đời trọn lành Kitô giáo, với các lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Các lời khấn khác có thể được thêm vào, tùy theo hiến chương của Dòng. Cũng còn gọi là các lời khấn cuối cùng, mặc dầu một số Dòng tu cho tu sĩ khấn trọn ngay sau năm nhà tập, và một số Dòng không có lời khấn trọng thể, nhưng chỉ là khấn đơn, được nhắc lại theo định kỳ, tùy theo luật Dòng.
Phenomenon
Hiện tượng. Là điều gì có thể nhận biết bằng giác quan, hoặc quan sát ngay được, để phân biệt với bản tính hay bản thể mà lý trí phải kết luận. Trong thần học, hiện tượng là các sự kiện phi thường mà nguồn gốc có thể giải thích được bằng các luật tự nhiên chưa được biết, sự can thiệp của thiên thần hay ma quỷ, hoặc hành động nhiệm mầu của Chúa. (Từ nguyên Hi Lạp phainomenon, từ chữ phainesthai, xuất hiện.)
Philemon
Philemon, ông Phi-lê-môn. Là một người được thánh Phaolô giúp trở lại đạo, và là người có vinh dự nhận một thư riêng của thánh Tông đồ. Phaolô đã hóan cải một nô lệ chạy trốn tên là Onesimus (Ô-nê-xi-mô), sai người này trở về với chủ mình, cầm theo một lá thư tình cảm nồng ấm và van xin Philemon dủ lòng thương người nô lệ này. Thánh Phaolô còn nói là sẽ trả tiền mà người nô lệ đang mắc nợ ông nữa. Chính nhờ lời van xin thương cảm này mà ông Philemon không chỉ tha thứ cho Onesimus, nhưng còn trả tự do cho để làm anh em Kitô hữu của mình nữa (Plm 1-25). (Từ nguyên Hi Lạp phil_mon, yêu mến).
Philip
Philípphê. 1. tông đồ. Philípphê phải quen biết Phêrô và Anrê, bởi vì cả ba đều là người thành Bethsaida (Bết-xai-đa). Khi Chúa Giêsu gặp ngài, Chúa mời ngài đi theo Chúa. Philípphê có ấn tượng tốt ngay với Chúa. Ngài không chỉ tham gia nhóm của Chúa, mà còn thuyết phục Nathanael (Na-tha-na-en, được biết đến nhiều hơn với tên Batôlômêô, Bartholomew) đi theo Chúa nữa (Ga 1:43, 12:21). Thường trong danh sách các Tông đồ, Philípphê và Batôlômêô được ghi tên gần nhau. Có lẽ Philípphê phụ trách việc cung cấp lương thực, bởi vì chính Chúa Giêsu thảo luận với ngài về việc nuôi ăn đám đông ở Biển hồ Galilee (Ga-li-lê, Ga 6:5-7). Philípphê là người hiểu theo nghĩa đen mối quan hệ của Chúa Giêsu với Chúa Cha, vì Chúa Giêsu đã nói với ngài: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư?" (Ga 14:9). Sau khi Chúa chịu nạn chịu chết, ngài thuộc trong số các Tông đồ chờ đợi Chúa Thánh Thần đến (Cv 1:13); 2. người loan báo Tin Mừng. Philípphê là một trong nhóm Bảy người được các Tông đồ chọn để quản lý việc phân phát lương thực, và giúp đỡ các Kitô hữu nghèo, khi Giáo hội gia tăng về số lượng tín hữu. Các Tông đồ sợ rằng việc rao giảng và làm cho người khác trở lại có thể bị ảnh hưởng nhiều, nếu các ngài tiêu hao năng lượng vào các vấn đề lo việc ăn uống cho người khác (Cv 6:1-6). Chính Philípphê là một người rao giảng có khả năng và từng làm phép lạ, như được chứng minh khi ngài ở Samaria (Sa-ma-ri). Hai thí dụ về sự nhiệt thành và lợi khẩu của ngài được kể lại trong việc ngài hóan cải Simon (Si-môn), thầy phù thủy, và một viên thái giám người Ethiopia (Ê-thi-óp, Cv 8:4-40). Lần xuất hiện cuối cùng của ngài trong Kinh thánh là khi ngài giúp vui cho thánh Phaolô trong nhà ngài ở Caesarean (Xê-da-rê), trong chuyến truyền giáo thứ ba (Cv 21:8). (Từ nguyên Hi Lạp philippos, người yêu thích ngựa.)
Philippians
Thư gửi giáo đoàn Phi-líp-phê (Pl). Là một trong bốn thư của thánh Phaolô viết trong tù gửi các tín hữu. Đây là thư cám ơn lòng tốt của người Philippian (Phi-líp-phê) tại Macedonia (Ma-kê-đô-ni-a) đối với ngài. Đoạn thư có ý nghĩa nhất là đoạn thư khuyên sống khiêm nhượng, dựa vào gương Chúa Kitô, vì “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế" (2:6-7). Đây là sự giao tiếp từ con tim tới con tim của thánh Phaolô với dân của ngài, trong đó vị Tông đồ chân thành nói với họ rằng ngài yêu mến họ biết bao, và mong muốn họ được hạnh phúc, “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em" (4:4).
Philosopher Of Protestantism
Triết gia của Tin lành. Là Immanuel Kant (1724-1804), triết gia Đức đã phân tích một cách có hệ thống và vấn nạn về nền tảng của đức tin Lutheran, trong đó ông đã sống và đã chết. Khái niệm của ông về tôn giáo là phù hợp với thuyết tổng quát của ông về tri thức và thực tại. Chẳng hạn ông cho rằng các hiện tương tự chúng không là các vật, “chúng không là gì khác ngoài khái niệm, và không thể hiện hữu vượt ngoài tâm trí chúng ta,” do đó ông tin rằng mặc khải và Giáo hội chỉ là các “công cụ tình cờ.” Quyền tôn giáo tối hậu của con người chính là tâm trí của con người. “Tiếng nói nội tại của lý trí luôn là kẻ hướng dẫn an toàn nhất." Các ý tưởng của Kant di chuyển toàn bộ tiêu điểm của tư tưởng tự do Tin lành vào thế giới hiện đại, xa rời Kinh thánh để đi vào tính đa cảm và thuyết ý chí tín điều.
Philosophical Truth
Chân lý triết học. Là sự giải thích sau cùng theo lý trí của một sự việc. Nhất là lý do tại sao một biến cố lịch sử lại được xem là vượt quá trật tự tự nhiên của hiện tượng.
Philosophy
Triết học, triết lý. Nghĩa đen là sự yêu mến đức khôn ngoan. Là khoa học mà trong đó lý trí tự nhiên, tách rời mặc khải, tìm cách hiểu biết mọi điều nhờ sự hiểu các nguyên nhân đầu tiên của chúng. (Từ nguyên Hi Lạp philein, yêu mến + sophia, sự khôn ngoan: philosophus.)
Philosophy Of Life
Triết lý cuộc đời. Là thái độ nền tảng của một người đối với cuộc đời và vận mạng con người, và mục đích của xã hội con người.
Philosophy Of Man
Triết học con người. Là khoa học về bản tính con người, nghiên cứu sự hợp nhất cốt yếu của một con người như là một hữu thể có lý tính, và mục đích của con người trong thế giới, như là một cá nhân và một hữu thể xã hội.
Philosophy Of Religion
Triết học tôn giáo. Là khoa học về con người như người có tôn giáo. Nó có thể mang nhiều hình thức, tùy vào chủ thể được điều tra và cơ sở của sự điều tra. Do đó nó có thể nghiên cứu các tôn giáo lịch sử để xác định mẫu số chung của chúng, và tìm ra các khác biệt của chúng với nhau; hoặc nó có thể tìm cách thiết lập các nền tảng hữu lý của các tôn giáo lịch sử, nhằm xác định tính cách đáng tin của chúng; hoặc nó có thể thừa nhận giá trị của một tôn giáo đã cho, chẳng hạn Kitô giáo, và phân tích các giáo lý chính yếu và tập tục của tôn giáo này dựa trên nền tảng triết học.
Ph.M.
Ph. M., Philosophiae Magister--Thạc sĩ Triết học.
Phoenix
Chim phượng hoàng. Là một biểu tượng Phục sinh của Chúa Kitô. Là con chim huyền thoại, gốc ở Arabia, biết trước cái chết của mình và tự thiêu, và ba ngày sau phát sinh thành một con chim mới. Truyền thuyết dễ dàng lấy con chim phượng hoàng làm tượng trưng cho ba ngày của Chúa Kitô trong mồ trước ngày Phục sinh. Hoàng đế Constantine sử dụng biểu tượng này, bằng cách vẽ con phượng hoàng lên đồng tiền của đế quốc.
Photianism
Ly khai do Photius. Là cuộc ly khai gây ra do Photius (khoảng năm 815-97), Thượng phụ Constantinople, dọn đường cho cuộc Ly khai Đông Tây trong thế kỷ 13. Khi Ignatius, Thượng phụ đương nhiệm của Constantinople, khiển trách các thói xấu của Bardas, đồng nhiếp chính triều Hoàng đế Michael III, thượng phụ bị truất chức và Photius, một giáo dân, được truyền chức linh mục và tấn phong Giám mục để thay thế thượng phụ năm 857. Đức Giáo hòang Nicholas I ra vạ tuyệt thông cho Photius. Và Photius cáo buộc Roma là lạc giáo vì đưa cụm từ ngữ Filioque (và bởi Đức Chúa Con) vào Kinh Tin Kính. Khi Hoàng đế Michael băng hà, hoàng đế kế vị truất chức Photius và đưa Ignatius trở lại làm thượng phụ. Cả hai động thái đã bị kết án bởi Công đồng chung Constantinople IV (công đồng chung thứ tám), năm 869-70, là Công đồng chung đầu tiên không được Chính thống giáo Đông phương chấp nhận.
Physical Certitude
Sự chắc chắn thể lý. Là sự đồng ý chắc chắn liên quan đến các điều trong thiên nhiên vật lý, mà không loại trừ khả năng của một phép lạ, hoặc sự can thiệp tình cờ của một luật tự nhiên chưa được biết đến.
Physical Evil
Điều xấu thể lý. Là thiếu sự thiện hảo tự nhiên được con người ước muốn. Là thiếu sự thỏa mãn mà một tham muốn của con người ước ao, dù là tinh thần hay thể xác. Nói chung, nó có thể tương đương với sự đau khổ. Đó là sự mất mát hoặc sự thiếu cái mà con người mong muốn.
Physical Freedom
Tự do thể lý. Là thiếu sự bắt buộc hoặc bạo lực bề ngoài, vốn ép một người phải hành động hay không hành động theo một cách thức nào đó. Là thiếu áp lực thể lý để thúc ép làm một hành động nào đó. Tự do thể lý là tương đương với hành động tự phát.
Physical Miracle
Phép lạ vật lý. Là một sự việc do Chúa làm ra mà vượt quá các khả năng của tự nhiên vật lý và thân xác con người. Có hai loại phép lạ vật lý được biết đến trong thần học Công giáo: 1. là phép lạ chủ yếu siêu nhiên, chẳng hạn làm cho kẻ chết sống lại, mà chỉ quyền năng Chúa mới có thể làm được (phép lạ lớn); và 2. là phép lạ siêu nhiên cách tương đối, chẳng hạn chữa lành bệnh bất ngờ, mà các thiên thần có thể thực hiện theo ý Chúa quan phòng (phép lạ nhỏ).
Physiologus
Physiologus, Ngụ ngôn động vật. Là một bộ sưu tập các biểu tượng Kitô giáo, trong đó các chân lý tôn giáo được tượng trưng bằng các con vật. Một thí dụ nổi bật là con bồ nông nuôi sống con nhỏ của nó, bằng cách làm đổ máu chảy ra cho con uống, như Chúa Kitô cứu rỗi nhân loại bằng đổ máu mình ra. Các biểu tượng này là rất phổ biến trong thời Trung Cổ, và ảnh hưởng nhiều đến nghệ thuật Giáo hội và văn chương Trung cổ.
Piarists
Tu sĩ Dòng Calasanz, Dòng Piarist. Là một Dòng giáo sĩ, được thánh Giuse Calasanctius thành lập năm 1597. Danh từ Piarists phát sinh từ chữ cuối trong tên gọi chính thức của Dòng, đó là “Tu sĩ nghèo của Mẹ Thiên Chúa cho Trường học Tình thương, Congregatio Clericorum regularium pauperum Matris Dei scholarum piarum.” Họ bắt đầu mở trường tiểu học miễn phí, và kể từ đó việc tông đồ chính yếu của họ là dạy học. Tu hội được Đức Giáo hòang Phaolô V phê chuẩn là một Hội Dòng năm 1617, và tu sĩ Dòng có thêm lời khấn là tận hiến cho việc giáo dục giới trẻ.
Pietà
Pietà, tượng Sầu bi. Là một từ ngữ chung áp dụng cho các tượng điêu khắc trong nghệ thuật, diễn tả Chúa Kitô chịu chết. Trong tượng này thường có thêm Đức Mẹ. Trong số các nghệ sĩ bậc thầy làm hoặc vẽ tượng Pietà, nổi tiếng nhất là Bellini, Botticelli, Caravaggio, Dürer, Fra Angelico, Murillo, Raphael, Rubens, Titian, và Van Dyck. Tượng Sầu Bi nổi tiếng nhất là tượng do nghệ sĩ tài hoa Michelangelo thực hiện, và đặt trong Vương cung thánh đường thánh Phêrô tại Roma. (Từ nguyên Latinh pietas, đạo hạnh, đạo đức, sùng đạo.)
Pietism
Sùng tín, mộ đạo phái. Nói chung, là sự nhấn mạnh vào việc sở hữu cá nhân một chân lý tôn giáo, và đưa ra thành hành động luân lý và thiêng liêng, trái với sự đồng ý thuần túy một chân lý với tâm trí. Nhiều phong trào khác nhau trong Kitô giáo được gọi là sùng tín, với hàm ý rằng họ tỏ ra sống đạo bằng tình cảm nhiều hơn thực tế.
Piety
Lòng mộ đạo, đạo đức, hiếu thảo. Là sự tôn vinh và kính trọng đối với những người có trách nhiệm về sự hiện hữu hoặc tình trạng hạnh phúc của chúng ta. Như vậy, đó chính là Chúa là Đấng Sáng tạo nên chúng ta và là Đấng Nuôi nấng chúng ta, là cha mẹ, bà con thân thuộc, đất nước, sắc tộc hoặc dân tộc.
Pilaster
Trụ bổ tường. Trong kiến trúc nhà thờ, là một phần của trụ hay cột được gắn phần nào vào bức tường gần đó.
Pilate, Pontius
Quan Pontius Pilate, quan Phôn-xi-ô Phi-la-tô. Là quan tổng trấn Roma ở Judaea từ năm 26 đến năm 36, do Hòang đế Tiberius bổ nhiệm. Nhiều lần trong thời gian ông công tác, đã có nhiều cuộc biểu tình náo lọan do người Do Thái tổ chức, khi các tập truyền của họ bị vi phạm hoặc quyền lợi của họ bị xâm phạm. Các cuộc biểu tình này gây tức tối cho Hòang đế Tiberius, và quan Philatô nôn nóng xoa dịu người Do Thái, để người ta không báo cáo các vụ lộn xộn của họ về Roma nữa. Đây là tình hình chính trị, khi Philatô phải đối đầu với nhóm các tư tế tức giận và người Pharisee (Pha-ri-sêu) đến yêu cầu xử tử Chúa Kitô. Cả bốn thánh sử đều làm chứng rằng ông Philatô biết rõ ràng rằng người bị họ buộc tội là vô tội (Lc 23:4; Ga 18:38). Ông cố gắng làm mọi mưu mẹo với hy vọng rằng các cáo buộc sẽ giảm thiểu, và sự giận dữ của nhóm người ấy sẽ dịu đi. Ông đề nghị tha Chúa Kitô hay tha Barabbas (Ba-ra-ba). Nhưng rồi ông không thể bênh vực cho Chúa Giêsu được (Mt 27:15-26; Lc 23:14-16). Ông làm nghi thức rửa tay để nhấn mạnh quan điểm của ông về việc buộc tội, với hy vọng có thể làm đổi hướng sự quyết tâm của người Do thái. Nhưng cuối cùng ông đầu hàng và đồng ý để cho Chúa chịu đóng đinh (Mc 15:15), hơn là để cho Hòang đế bực tức và chiếc ghế cai trị của ông cũng sẽ bị đe dọa. (Từ nguyên Latinh Pontius Pilatus.)
Pilgrimage
Cuộc Hành hương. Là chuyến đi đến một nơi thánh, và chuyến đi được xem như là một hành vi sùng đạo. Mục đích cuộc hành hương có thể là đơn giản kính viếng một thánh nhân hay xin một ơn thiêng liêng, xin chữa lành phần xác hay làm một việc đền tội; để tạ ơn hay chu tòan một lời hứa. Từ thời Kitô giáo sơ khai, các cuộc hành hương là đi về Đất Thánh, và thời gian sau đó là đi đến Roma, nơi hai thánh Phêrô và Phaolô cùng nhiều Kitô hữu đã chịu tử vì đạo. Từ thế kỷ thứ tám, người ta bắt đầu đi hành hương đến nơi làm việc sám hối công khai. Kết quả là trong thời Trung Cổ, các cuộc hành hương được tổ chức ở tầm vóc lớn, và đã trở thành đối tượng của luật đặc biệt trong Giáo hội. Trong thời hiện đại, ngòai Roma và Đất Thánh, nhiều đền thánh nổi tiếng như Lộ Đức, Fátima, và Guadalupe thu hút hàng ngàn người hành hương mỗi năm của thế giới Công giáo.
Pilgrim Church
Giáo hội lữ hành. Là Giáo hội Công giáo trên trần gian này, hoặc là Giáo hội Chiến đấu. Giáo hội này được cho rằng đang hành hương tiến về Giáo hội Vinh Thắng trong vinh quang thiên đàng.
Pillar, The Holy
Cột Thánh. Là chiếc cột nơi Chúa chúng ta bị đánh roi nhiều trong cuộc Khổ nạn. Một phần của chiếc cột bằng đá porphia nguyên thủy được bảo tồn tại nhà thờ thánh Praxedes ở Roma, sau khi chiếc cột được đưa từ Jerusalem về khỏang năm 1223. Phần còn lại của thánh tích lớn này được gìn giữ ở nhà nguyện Phanxicô trong Nhà thờ Thánh Mộ ở Jerusalem.
Pious Association
Hội đạo đức, tổ chức từ thiện. Trong luật Giáo hội, là một tổ chức gồm nhiều người, được Đấng bản quyền chấp thuận, chủ yếu lo các công tác bác ái vật chất và tinh thần. Nó thường có quy chế của một tu hội, trước khi các thành viên được phép tuyên khấn công khai nhân danh Giáo hội.
Pious Belief
Lòng tin đạo đức. Là một lập trường tín lý, mặc dầu không được định tín hoặc không là một phần của huấn quyền bình thường của Giáo hội, được chấp thuận trong đạo Công giáo Roma, và phù hợp với phần còn lại của đức tin và sự sống đạo.
Pious Union
Hiệp Hội đạo đức. Trong luật Giáo hội, là một hội của giáo dân, được tổ chức nhằm làm việc đạo đức hay từ thiện. Hiệp hội đầu tiên có quyền kết hợp các tổ chức tương tự lại. Hiệu quả cũng giống như sự sáp nhập một phụng hội vào một liên phụng hội. Tước hiệu “Hiệp hội Đầu Tiên” đôi khi được Tòa thánh ban cho như một dấu hiệu công nhận đặc biệt.
Piscina
Chậu thánh. Là cái chậu đựng nước, có đường ống dẫn xuống đất, để trút đổ nước không còn dùng cho mục đích thánh và không còn cần dùng nữa. Tên này cũng dành cho giếng rửa tội hay một bình chứa (cistern.) Một giếng thánh (sacrarium), đồng nghĩa với chậu thánh, chứa đựng nước đã rửa các bình thánh và giặt vải và khăn. Giếng thánh thường nằm trong phòng áo (phòng thánh) của một nhà thờ. (Từ nguyên Latinh piscis, con cá.)
Pity
Lòng từ tâm, trắc ẩn, từ bi. Sự buồn sầu nổi lên từ nỗi đau khổ hoặc sự bất hạnh của người khác. Sự từ tâm là kém hơn sự cảm thông, vốn chia sẻ vào cảm nghiệm của người khác. Đây là một hình thức của sự cảm thông hạ mình.
P.K.
P.K., Pridie Kalendas—ngày cuối tháng, ngày trước ngày đầu tháng
Placet
Placet, đồng ý, tán thành. Nghĩa đen là “vừa ý, vừa lòng”, áp dụng cho nhiều tình huống, khi sự phán đóan hoặc sự đồng ý của một người sẽ diễn tả hay ảnh hưởng đến lời dạy hoặc quyền tài phán của Giáo hội. Thường được hiểu như là phiếu thuận tại một Công đồng chung, và trong các quyết định của Roma liên quan đến vấn đề tranh cãi. Nó cũng quy chiếu đến nghĩa vụ theo luật của các sắc lệnh Giáo hòang lệ thuộc vào sự đồng ý của chính quyền Nhà nước, chẳng hạn trong các quốc gia Cộng sản. (Từ nguyên Latinh placet, it pleases.)
Placet Juxta Modum
Placet Juxta Modum, đồng ý với điều kiện. Nghĩa đen là “Không thỏa mãn hòan tòan." Đây là phiếu thuận đủ tư cách, mặc dầu không đồng ý hòan tòan, của một Giám mục tại một Công đồng tỉnh hay Công đồng chung.
Plague Medal
Ảnh đeo ngừa dịch bệnh. Là một ảnh đeo vào cổ để cầu xin Chúa che chở trong mùa dịch bệnh hoặc dịch hạch. Được phổ biến rộng rãi thời Trung Cổ, ảnh đeo ngừa dịch bệnh có ảnh thánh Roch hoặc thánh Sebastian, nhưng thường có ảnh Đức Trinh Nữ, hoặc một trong các đền thánh dâng kính Đức Mẹ. Khi sao chỗi là đối tượng của sự khiếp đảm, người ta đeo ảnh này để tránh khỏi tai ương có thể xảy đến; các ảnh đeo khác ghi nhớ những sự kiện quan trọng trong lịch sử của Giáo hội.
Plagues, Ten
Mười tai ương. Là mười tai ương được Chúa gửi xuống người Ai Cập để buộc Pharaoh (Pha-ra-ô) nước này phải trả tự do cho con cái Israel (Xh 7, 12). Bảy tai ương được thực hiện qua Moses (Mô-sê), hoặc qua Moses và Aaron (A-ha-ron), còn các tai ương thứ bốn, thứ năm và thứ mười được Chúa trực tiếp thực hiện. Mười tai ương đó là: nước biến thành máu, ếch nhái, muỗi, ruồi nhặng, ôn dịch, ung nhọt, mưa đá, châu chấu, cảnh tối tăm, các con đầu lòng của người Ai Cập sẽ phải chết.
Plain Chant
Bình ca. Đôi khi được gọi không chính xác là nhạc Gregorian, nhưng bình ca là một sự sửa đổi của nhạc Gregorian, được sử dụng nơi người Franks trong thế kỷ thứ chín. Nó là đồng âm và không có nhịp điệu, được viết lên thang âm với hàng nhạc có bốn dòng. Thang âm bình ca được giới hạn cho các quãng tự nhiên của giọng hát con người, và các giai điệu cũng phù hợp với tính cách tự nhiên của con người. Các đặc điểm của bình ca là thường tránh “một giọng nổi bật”; hai ca đòan có thể được dùng để luân phiên hát một giai điệu. Nét đẹp của bình ca phát sinh từ giai điệu trong trẻo, chất lượng giọng hát và nhịp điệu tinh tế.
Plain Song
Bình ca. Là một thánh ca, chẳng hạn nhạc Gregorian, có giai điệu đơn giản, không có nhạc đệm.
Planned Parenthood
Làm cha mẹ có kế họach. Là từ ngữ chung để chỉ việc ngừa thai, và khi ngừa thai thất bại, chỉ việc phá thai. Cũng là một chính sách có tổ chức của chính quyền, để bắt ép người ta, bằng các biện pháp chế tài kinh tế hoặc các trừng phạt khác, phải thực hiện ngừa thai hay phá thai, hoặc phải triệt sản.
Platonism
Học thuyết Platon. Là hệ thống tư tưởng được khởi xướng bởi triết gia Hi Lạp Plato (năm 427-347 trước Công nguyên), học trò của triết gia Socrates. Học thuyết Platon, trong ảnh hưởng lên Kitô giáo, có các đặc tính là xem thường tri thức giác quan và nghiên cứu kinh nghiệm, bằng cách nhớ về một thế giới khác tốt đẹp hơn, bằng quan điểm thuần túy tinh thần về cuộc đời, bằng phương pháp thảo luận hoặc đối thọai giữa người với người, để có được sự hiểu biết sâu xa hơn nhờ lý luận thuần túy, và nhất là bằng niềm tin vào tâm trí con người để đạt được chân lý tuyệt đối, và dựa vào nhãn quan nội tâm để định hướng đời sống luân lý của mình.
Pleasure
Lạc thú, khoái lạc. Là sự thỏa mãn đi kèm hoạt động của một cơ phận nào của thân xác. Tùy vào cơ phận sử dụng, có nhiều loại lạc thú khác nhau, hoặc nhục dục hoặc trí tuệ. Trong thực hành cả hai hình thức này không hề tách biệt nhau, bởi vì sự thỏa mãn thân xác ảnh hưởng đến phần lý trí của con người, và sự thỏa mãn trí tuệ có ảnh hưởng lên thân xác. Một số tác giả phân biệt giữa lạc thú và niềm vui, vì lạc thú là nói đến sự thỏa mãn ham muốn của xác thịt, chẳng hạn ăn uống và tình dục, còn niềm vui là nói đến việc sử dụng các khả năng lý trí, chẳng hạn suy nghĩ và yêu thương.
Plenary Council
Công đồng toàn miền, Công đồng quốc gia. Là hội nghị chính thức của các tổng giám mục và giám mục của một quốc gia hoặc một miền, dưới sự chủ tọa của một đặc sứ của Đức Giáo hòang, và vị này sẽ quyết định các vấn đề nào sẽ được cứu xét và phê chuẩn các sắc lệnh của Công đồng. Các sắc lệnh ràng buộc mọi tín hữu thuộc quyền tài phán của các giám mục dự Công đồng. Trong lịch sử Giáo hội, quyết định của một số Công đồng miền sau đó đã trở thành quyết định của Giáo hội phổ quát. (Từ nguyên Latinh plenus, đầy đủ.)
Plenary Indulgence
Ơn toàn xá, đại xá, ân xá tòan phần. Là một ân xá có thể xóa bỏ mọi hình phạt tạm do tội đã được tha. Không ai ngoài Chúa biết chắc chắn rằng khi nào một ơn đại xá được hưởng đầy đủ thật sự, bởi vì chỉ có Chúa biết liệu các sự dọn mình của người ấy đã xứng hợp hay không. Một quy định cho các điều kiện dọn mình này là “không còn sự dính bén nào với tội, kể cả tội nhẹ.” Nếu các điều kiện dọn mình ấy là chưa được trọn vẹn, ân xá chỉ là tiểu xá. Quy định này cũng áp dụng cho ba điều kiện ngoại tại cần thiết để được ơn toàn xá: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hòang. Nếu các điều kiện này không được thỏa mãn, một đại xá đã ban sẽ trở thành tiểu xá. Các điều kiện này có thể được thỏa mãn nhiều ngày trước hoặc sau khi thực thi một việc được quy định, mặc dầu việc rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hòang diễn ra cùng ngày với việc hưởng đại xá. Một đại xá chỉ có thể hưởng một lần trong một ngày mà thôi.
Plen. Ind.
Plen. Ind., Plenary indulgence, ơn tòan xá, đại xá, ân xá toàn phần.
Pleroma
Pleroma, đầy đủ, viên mãn, sung mãn. Là một từ ngữ Hi lạp được thánh Phaolô sử dụng theo nghĩa thông thường là “đầy đủ, viên mãn.” Từ ngữ có nghĩa là toàn bộ phúc lành đầy đủ được Chúa Kitô mang đến trần gian (Rm 15:29; Ep 1:23; 3:19). Từ ngữ cũng áp dụng cho sự viên mãn của thần tính trong Chúa Kitô (Cl 1:19), và Giáo hội như là tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô (Ep 4:13). (Từ nguyên Hi Lạp pler_ma, đầy đủ, viên mãn.)
Plough Monday
Thứ Hai sau lễ Hiển linh. Là ngày thứ Hai đầu tiên sau lễ Hiển Linh. Trước đây, tiền oi dâng trong ngày này được dùng cho các nhu cầu của Giáo hội, và người ta nhận được phúc lành cho cánh đồng được cày bừa trong thời gian này.
Pluralism, Doctrinal
Thuyết đa thức giáo lý. Là thuyết nói rằng một người Công giáo có thể giữ một lập trường tín lý cách hợp pháp, vốn không mâu thuẫn với những gì Giáo hội dạy, hoặc vì được định tín hoặc bởi quyền giáo huấn bình thường của Giáo hội. Điều này có nghĩa rằng các học thuyết mâu thuẫn trong đức tin và luân lý có thể được công bố bởi nhiều người khác nhau, cùng bình đẳng về lập trường tốt trong Giáo hội Công giáo. Thuyết đa thức giáo lý đã bị Công đồng chung Vatican I, năm 1869-70, lên án (Denzinger 3042, 3043).