Oil Of Catechumens
Dầu dự tòng. Là một trong ba loại dầu thánh để cử hành các bí tích. Dầu này được dùng trong nghi thức Rửa tội, do đó nó mang tên này, dự tòng là người sắp lãnh nhận bí tích Rửa tội. dầu cũng dùng trong việc cung hiến thánh đường, cung hiến bàn thờ, truyền chức linh mục, và đã được dùng trong các lễ đăng quang của các vua Công giáo.
Oil Of Saints
Dầu các thánh. Là chất dầu được tin là chảy ra từ thánh tích hoặc nơi an táng một số vị thánh; cũng là dầu được thắp trong các đèn ở đền thánh các vị, và nước có thể được lấy từ giếng gần mộ các vị. Các dầu này, được tín hữu sử dụng, được cho là có thể chữa lành bệnh tật. Trong số các dầu nổi tiếng có dầu của: 1. Thánh Walburga, nữ đan viện trưởng ở Heidenheim, Bavaria, qua đời năm 780. Thi hài của ngài được đưa về Eichstadt, Bavaria, ngày 1-5-870. Năm 893, dầu được phát hiện chảy ra đều dặn từ thánh tích ngài, nay được đặt ở Eichstadt; 2. thánh Menas, dầu đến từ một giếng thánh tại Mareotis, trong sa mạc Libya, gần đền thánh quốc gia dâng kính Ngài; 3. đền thánh dâng kính thánh Nicholas thành Myra, và dầu chảy ra từ thánh tích của Ngài ở Bari, Ý.
Oil Of The Sick
Dầu bệnh nhân. Là dầu ôliu được giám mục một giáo phận làm phép để dùng cho bí tích xức dầu bệnh nhân. Thường được viết tắt là O.I. (oleum infirmorum, dầu bệnh nhân) trên vỏ lọ chứa dầu mà linh mục sử dụng. Cho đến năm 1874, khi Đức Giáo hòang Phaolô VI công bố Nghi thức Xức dầu mới, dầu ôliu được qui định là dùng cho việc cử hành bí tích Xức dầu thành sự. Điều này không còn cần thiết nữa. Bất kỳ dầu từ cây thực vật nào cũng được phép sử dụng trong khi cấp bách, và việc làm phép dầu do Giám mục, theo yêu cầu bình thường, có thể được trao cho một linh mục có thẩm quyền, và khi cấp bách, cho bất cứ linh mục nào.
Oil Stock
Bình dầu thánh. Là hộp kim loại dài có ba ngăn, mỗi ngăn ghi tên loại dầu để vào đó.
Old Age
Tuổi già, cao niên. Là tuổi mà một người được hưởng một số đặc quyền trong luật Giáo hội và hoặc trở thành chủ thể của một số hạn chế theo luật. Đây là một sự phát triển tương đối mới trong Giáo hội Công giáo như là kết quả của tuổi thọ gia tăng trên khắp thế giới. Hiện giờ tuổi tác ảnh hưởng đến nhiệm kỳ làm việc của các Giám mục, Hồng y và mục tử. Hiện nay bí tích xức dầu bệnh nhân cũng có thể ban cho “các người cao niên yếu về sức khỏe, mặc dầu họ không có triệu chứng bệnh nguy hiểm.”
Old Law
Luật cũ. Thường được biết đến bằng nhiều cách gọi, chẳng hạn các sách Cựu Ước, Giao ước Cũ, hoặc hệ thống luật Moses (Mô-sê). Là các nghi thức tôn giáo, định chế, luật lệ và phong tục truyền thống của người Do thái trước khi Chúa Giêsu Kitô giáng sinh.
Old Testament
Cựu Ước. Là từ ngữ mô tả thời kỳ từ nguồn gốc loài người cho đến Chúa Kitô; cũng là mặc khải nguyên sơ, tổ phụ và ngôn sứ; và là Giao Ước cũ của Đức Chúa với người dân Do Thái. Nhưng nói chung Cựu Ước có nghĩa là bộ sách mà Giáo hội Công giáo tin là được Chúa linh hứng cho viết ra, và không phải là các sách Tân Ước. Theo thứ tự, các sách của Cựu Ước là: sách Sáng thế (St), Xuất hành (Xh), Lêvi (Lv), Dân số (Ds), Đệ Nhị luật (Đnl), Gio-duê (Gd), Thủ lãnh (Tl, Thẩm phán), Rút (R), I và II Sa-mu-en (Sm), I và II Các Vua (V), I và II Sử Biên Niên (Sb), Ét-ra (Er), Nơ-khe-mi-a (Nkm), Tô-bi-a (Tb), Giu-đi-tha (Gđt), Ét-te (Et), I và II Ma-ca-bê (Mcb), Gióp (G), Thánh vịnh (Tv), Châm ngôn (Cn), Giảng viên (Gv, Ecclesiastes), I-sai-a (Is), Giê-rê-mi-a (Gr), Ai ca (Ac), Ba-rúc (Br), Ê-dê-ki-en (Ed), Đa-ni-en (Đn), Hô-sê (Hs), Giô-en (Ge), A-mốt (Am), Ô-va-di-a (Ôv), Giô-na (Gn), Mi-kha (Mk), Na-khum (Nk), Kha-ba-cúc (Kb), Xô-phô-ni-a (Xp), Khác-gai (Kg), Da-ca-ri-a (Dcr), và Ma-la-khi (Ml).
Oleum Catechumenorum
Oleum catechumenorum (O.C.), Dầu dự tòng.
Oleum Infirmorum
Oleum Infirmorum (O.I.), Dầu bệnh nhân.
Olive Branch
Nhánh ôliu. Là biểu tượng phổ quát của hòa bình. Đây là một dấu hiệu hòa giải giữa Chúa và con người, với hình vẽ nhánh ôliu được chim câu mang về con tàu ông Noah (Nô-ê) sau trận Hồng thủy.
Olivetans
Dòng Oliver. Là Dòng Đức Bà Núi Oliver, một nhánh của Dòng Biển Đức do thánh Bernard Tolomei thành lập năm 1313 ở Núi Oliveto gần Siena, Ý. Tu sĩ Dòng tuân giữ luật thánh Biển Đức một cách nghiêm nhặt, trong trong một thời gian dài họ kiêng rượu nho hoàn toàn. Cũng có Dòng nữ tu Olivetan, có trụ sở ở Thụy Sĩ.
Omega
Chữ Omega. Là mẫu tự thứ 24 và là mẫu tự cuối cùng trong bảng chữ cái Hi Lạp. Chữ được dùng trong kinh thánh là Alpha và Omega (Kh 21:6), trong đó Chúa Kitô tự xem mình như là Khởi nguyên và Tận cùng. Chúa là Omega (Tận cùng) của vũ trụ như là số mệnh của loài người, và là sự hoàn thành sau cùng của mọi thụ tạo. (Từ nguyên Hi Lạp omega, chữ O lớn (dài), chữ cuối cùng của bảng chữ cái.)
Omen
Điềm báo, triệu chứng. Là cơ may nào xảy ra hoặc một sự việc được xem như một dấu hiệu báo trước. Nếu dấu hiệu được báo trong giấc mơ, nó được gọi là báo mộng. Thật là sai về luân lý khi xem trọng điềm báo và hướng cuộc đời mình theo các điềm báo, trừ ra trong các trường hợp đặc biệt khi có bằng chứng rõ ràng là có sự can thiệp của Chúa. (Từ nguyên Latinh omen, điềm báo.)
Omission
Bỏ quên, bỏ sót, thiếu sót. Là sự bỏ quên cố ý hoặc sự từ chối tích cực để làm một việc lành mà lương tâm thúc giục phải làm. Sự bỏ quên như thế là có tội về luân lý, và mục độ nặng nhẹ tùy thuộc vào tầm quan trọng của việc cần phải làm, vào ý muốn của người ấy, và vào các hoàn cảnh của sự việc.
Omn
Omn, Omnes, omnibus--tất cả, cho tất cả, bởi tất cả.
Omnipotence
Toàn năng. Là quyền năng tối cao của Chúa. Chúa có thể làm bất cứ sự gì không phủ nhận bản tính của Chúa, hoặc sự gì là không mâu thuẫn với Chúa. Bởi vì Chúa là Đấng hiện hữu vô cùng, Chúa cũng là vô biên trong quyền năng của Chúa. (Từ nguyên Latinh omnis, tất cả + potentia, sức mạnh: omnipotens, toàn năng.)
Omophorion
Dây pallium của nghi lễ Hi Lạp. Là một lễ phục của nghi lễ Hi Lạp, tương đương với dây pallium trong Giáo hội Roma. Là một dây rộng thường làm bằng tơ lụa hoặc nhung, được trang trí bằng nhiều hình thánh giá, khoác chung quanh cổ, lên vai và ngực. Dây được mang bởi các giám mục và tổng giám mục Byzantine, Armenian, và Coptic. Nguyên thủy dây này được làm bằng len, tượng trưng cho bổn phận của giám mục là người chăn đòan chiên tín hữu của mình.
Omri
Omri, vua Om-ri. Là Vua Israel từ năm 885 đến năm 874 trước Công nguyên. Ông là tổng chỉ huy quân độ, lên ngôi vua khi phế truất cách nhanh chóng Vua Zimri (Dim-ri, làm Vua chỉ bảy ngày). Có lẽ sự nghiệp đáng chú ý nhất của vua Omri là dời kinh đô từ Tirzah (Tia-xa) về một ngọn đồi tên là Samaria (Sa-ma-ri, I V 16:16). Các công trình phòng thủ đáng sợ do ông lập ra thật là vững vàng trong nhiều năm sau đó. Qua việc khôn ngoan cho thái tử Ahab (A-kháp) kết hôn với Jezebel (I-de-ven), và cho công chúa Athaliah cưới vua Jehoram (Gia-róp-am), ông củng cố liên minh có lợi với Tyre (Tia) và Judah (Giu-đa). Trong sách I Vua (V), ông bị thậm tệ nêu ra như là người “làm điều dữ trái mắt ĐỨC CHÚA và còn ăn ở tệ hơn tất cả các tiên đế" (I V 16:25). Ngôn sứ Micah (Mi-kha, Mk) chứng minh điều này: “Người ta theo các thói tục của Om-ri. . . các ngươi sẽ phải chuốc lấy nỗi nhục của dân Ta" (Mk 6:16).
Onan
Onan, ông Ô-nan. Là con trai của ông Judah (Giu-đa) và bà Shua (Su-a). Khi anh của Onan là Er (E) qua đời, ông Judah ra lệnh cho Onan cưới chị dâu là Tamar (Ta-ma), là sinh con để nối dõi cho anh mình, theo luật về anh em chồng (Đnl 25:5-6). Onan cưới chị dâu nhưng khi ăn ở với chị dâu thì cho tinh rơi xuống đất. Để trừng phạt Onan, Đức Chúa khiến Onan chết (St 38:8-10). Trong cách dùng từ ngữ hiện nay, hư dâm (onanism) được hiểu là ngừa thai hoặc thủ dâm. (Từ nguyên Do thái cổ Onan.)
Onanism
Hư dâm, giao hợp nửa chừng. Là từ ngữ thần học, hiểu là sự ngừa thai. Từ ngữ này phát sinh từ tên của ông Onan (Ô-nan), con trai của tổ phụ Judah (Giu-đa). Khi ông Judah yêu cầu Onan cưới vợ góa của anh trai, để duy trì dòng dõi của anh, Onan cưới chị dâu, nhưng khi giao hợp, Onan cho xuất tinh ra ngoài để chị không thụ thai. “Hành động của Onan không đẹp lòng ĐỨC CHÚA, nên Người cũng khiến cậu chết” (St 38:8-10). Các từ ngữ phổ thông đồng nghĩa với hư dâm là: kiểm soát sinh sản, ngừa thai, sinh đẻ có kế hoạch, và thuyết Malthus Mới.
One
Một, duy nhất. Là toàn thể và không thể phân chia tự bản tính, và khác với hữu thể khác hay phân biệt với hữu thể khác. Chỉ có Chúa là tuyệt đối duy nhất, bởi vì Chúa không có các thành phần hoặc phần cấu tạo, và vì là Đấng Tạo thành vũ trụ, Chúa hoàn toàn không giống với thế giới mà Ngài đã tạo ra. (Từ nguyên Latinh unus, một.)
Onesimus
Onesimus, ông Ô-nê-xi-mô. Là một nô lệ chạy trốn khỏi chủ mình là ông Philemon (Phi-lê-môn). Ông gặp thánh Phaolô và trở lại đạo. Điều này được kể lại trong Thư gửi ông Philemon (Plm), một thư viết tay cho thấy khía cạnh nhân ái và từ tâm trong nhân cách của của thánh Phaolô. Phaolô xin ông Philemon (người cũng có lẽ do thánh Phaolô rửa tội) tỏ một thái độ Kitô giáo với người nô lệ hoán cải, thậm chí ngài nói sẵn sàng trả nợ mà Onesimus đã mắc (có thể là các vật có giá trị bị mất) (Plm 1:8-21). Phaolô kết thúc lời van xin bằng cách diễn tả sự tin cậy đối với ông Philemon “Tôi biết rằng anh sẽ còn làm hơn những gì tôi xin nữa" (Plm 21). Người ta kể rằng ông Onesimus không chỉ được tha thứ, mà còn được trả tự do hoàn toàn nữa. (Từ nguyên Hi Lạp onesimos, có lợi, có ích.)
Ontogenesis
Phát sinh cá thể, phát triển cá thể. Là sự phát triển của một sinh vật, để phân biệt với sự gia tăng của lòai vật ấy. Áp dụng vào con người, đây là lịch sử tiến triển của mỗi người, với tư cách là một cá nhân. (Từ nguyên Hi Lạp ontos, hữu thể + genesis, nguồn gốc.)
Ontologism
Thuyết bản thể, trực thể luận, duy hữu thể. Là một thuyết chủ trương rằng mỗi người có một thấu thị trực giác về Chúa, và thấu thị này là nguồn và là nền tảng cho mọi tri thức của con người. Phát sinh với hiện tượng thần nghiệm của thuyết Plato, thuyết này được Marsilio Ficino (1433-99) nêu ra đầu tiên, sau đó được tổ chức có hệ thống bởi Nicolas Malebranche (1638-1715), và được Vincenzo Gioberti (1801- 52) khai triển. Thuyết bị Bộ Thẩm tra lên án năm 1861 là sai lạc dưới triều Đức Giáo hoàng Piô IX.
Ontology
Hữu thể học. Là khoa học về hữu thể. Trong triết học kinh viện, khoa này là tương đương với siêu hình học, hoặc ít là một nhánh của siêu hình học bàn bạc về triết học của thực tại. (Từ nguyên Hi Lạp ontos, hữu thể + logia, khoa học, tri thức.)
Open Placement
Sự sắp đặt mở. Là tập quán trong một số Dòng tu cho phép các thành viên quyết định về công tác hoặc việc tông đồ của họ, với sự chấp thuận chính thức của bề trên nhưng không tùy thuộc thật sự vào quyền của bề trên.
Operating Grace
Ơn hoạt động. Tương đương với ơn phòng ngừa hay ơn dự phòng, ơn này đi trước sự đồng ý tự do của ý chí, hoặc đi kèm ý chí trong thực thi một hành động. Tư tưởng về làm việc lành tự gợi ý hành động mà không có nỗ lực về phía con người, như là một xung năng vô tình.
Operative Habit
Tập quán hoạt động. Là một khuynh hướng, hoặc phú bẩm hoặc thủ đắc, mà qua đó một khả năng con người trở nên thành thạo trong hoạt động. Do đó mọi nhân đức (và tật xấu) là các tập quán hành động, để phân biệt với tập quán thuộc hữu thể tính của ơn thánh hóa.
Opinion
Ý kiến, dư luận, quan điểm. Là sự đồng ý của một lập trường có thể có, mà không chắc chắn lọai trừ sự mâu thuẫn của nó như là không đúng. Cũng là sự kết luận dựa vào bằng chứng khả dĩ nhưng không chắc chắn. (Từ nguyên Latinh opinio, từ chữ opinari, suy nghĩ.)
Opportunity
Cơ hội, dịp tốt, thời cơ. Trong luân lý, là mặt tích cực của nhân quyền trao cho con người sự tự do làm điều gì, trái với sự miễn trừ, vốn là sự tự do để làm điều gì đó.
Oppression Of The Poor
Áp bức người nghèo. Một trong những tội kêu lên tận trời xin trả thù, nhắc nhớ lại việc dân Do Thái bị áp bức ở Ai Cập “Con cái Ít-ra-en rên siết trong cảnh nô lệ. Họ ta thán, và tiếng họ kêu từ cảnh nô lệ đã thấu tới Thiên Chúa" (Xh 2:23).
Optatam Totius
Sắc lệnh Optatam Totius. Sắc lệnh của Công đồng chung Vatican II về đào tạo linh mục. Sắc lệnh nhắm đến việc canh tân tòan thể Giáo hội, vốn “phần lớn tùy thuộc việc thi hành chức vụ Linh Mục đã được Thần Linh Chúa Kitô thúc đẩy.” Sắc lệnh tập trung vào việc chăm sóc các ơn gọi tốt, chú ý nhiều hơn đến huấn luyện đường thiêng liêng, xem lại các môn học, chuẩn bị công tác mục vụ, và tiếp tục học tập sau khi đã được truyền chức linh mục. Sự quan tâm đặc biệt là giúp đào tạo linh mục như thế nào để cảm thức của họ về Giáo hội sẽ diễn tả vào sự gắn bó khiêm hạ và hiếu thảo với Vị Đại diện của Chúa Kitô, và sau khi truyền chức, vào sự cộng tác trung thành với các giám mục và sống hài hòa với các anh em linh mục khác (ngày 28-10-1965).
Optima Interpres Legum
Optima Interpres Legum. Người giải thích luật giỏi nhất, tập tục. Từ ngữ dùng để nói về tập tục, như là sự bình luận chính xác nhất về cách thức luật Giáo hội được hiểu như thế nào.
Optimism
Chủ nghĩa lạc quan, sự lạc quan. Là quan điểm cho rằng ý muốn ngay lành luôn thắng điều dữ, và rằng có nhiều sự lành trong thế giới hơn là sự dữ, và rằng thế giới là chủ yếu tốt lành. Nhiều tiền đề được nêu ra để ủng hộ chủ nghĩa lạc quan. Thiên Chúa, là Đấng chí thiện, được nghĩ rằng đã sáng tạo một thế giới tốt nhất có thể được. Các phát triển của khoa học hiện đại đã cổ vũ khái niệm tiến hóa phổ quát; sự gì hiện hữu là tốt lành và mọi sự thay đổi là sự tiến bộ chắc chắn xảy ra. Về tình cảm, những người chủ trương lạc quan là người chỉ nhìn các khía cạnh vui vẻ và thỏa mãn của cuộc sống, trong khi không nhìn đến khía cạnh không vừa ý. (Từ nguyên Latinh optimus, tốt nhất.)
Optional Celibacy
Đời sống độc thân tùy chọn. Là đường lối được một số giới Công giáo bênh vực, nhằm làm thay đổi tập quán từ nhiều thế kỷ qua về đời sống độc thân bắt buộc, cho linh mục trong nghi lễ Latinh của Giáo hội Công giáo. Mặc dầu đường lối này được cổ vũ mạnh mẽ trước Công đồng chung Vatican II, Công đồng chung đã tái khẳng định truyền thống của Giáo hội về luật độc thân bắt buộc cho giáo sĩ, và Công đồng tuyên bố rằng “chắc hẳn nếu càng có nhiều người trong thế giới ngày nay nghĩ rằng sự chế dục hoàn toàn không thể có được, thì các Linh Mục càng phải hiệp cùng với Giáo Hội mà khiêm nhượng và kiên nhẫn hơn nữa để cầu xin ơn trung thành, vì Chúa không bao giờ từ chối những người kêu xin” (Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống các Linh Mục, III, 16).
Optional Memorial
Lễ nhớ tùy ý. Là một ngày lễ trong phụng vụ duyệt lại; linh mục có thể tùy chọn lễ nhớ này khi cử hành thánh lễ, và những ai đọc Phụng vụ các Giờ Kinh cũng có thể tùy chọn để đọc về lễ nhớ này. Niên lịch Roma mới có 95 lễ nhớ tùy ý. Đó là các ngày lễ kính các thánh, mà Giáo hội khuyến khích tín hữu kính nhớ, nhưng không quy định dâng lễ nhớ cách bắt buộc.
Opus Dei
Opus Dei, Thần vụ, công việc cho Chúa. Là danh từ mà Dòng Biển Đức dùng để gọi Thần vụ, hay Thần tụng, nhằm diễn tả ý nghĩa rằng cầu nguyện là trách nhiệm đầu tiên của con người đối với Chúa.
Opus Dei
Hội Opus Dei. Là một hội của các tín hữu Công giáo dấn thân vào công tác tông đồ và sống đời hoàn thiện Kitô giáo trong thế giới. Tuy nhiên, họ không từ bỏ môi trường xã hội và tiếp tục sống nghề nghiệp của mình. Được thành lập tại Madrid (Tây Ban Nha) ngày 2-10-1928, bởi Đức Ông José María Escriva de Balaguer (đã được phong thánh), hội nhận được sự chuẩn y sau cùng của Tòa thánh ngày 16-6-1950. Tên chính thức đầy đủ của hội là Societas Sacerdotalis Sanctae Crucis (Tu Hội Linh Mục Thánh giá), có trụ sở tại Roma, Ý. Có hai nhánh của hội Opus Dei, một dành cho nam và một dành cho nữ, nhưng hai nhánh độc lập với nhau như hai tổ chức riêng, chỉ thống nhất trong con người của vị Giám Quản chung. Nhánh phụ nữ được thành lập năm 1930. Một tổng công hội, gồm người của nhiều quốc gia, trợ giúp vị Giám quản trong việc điều hành hội. Các linh mục thuộc về Hội Opus Dei và thành viên của Hội Opus Dei được truyền chức linh mục. Những người đã kết hôn cũng có thể thuộc về Hội Opus Dei, tự hiến sống đời hoàn thiện Kitô giáo trong bậc sống của mình. Các cộng tác viên, không là thành viên chính thức của Hội, giúp đỡ trong nhiều công tác tông đồ khác nhau.
O.R.
O.R., Office of Readings, Kinh sách.
Or
Or, Oratio--cầu nguyện, kinh.
Orate Fratres
Orate Fratres, “Anh chị em hãy cầu nguyện”. Là lời mở đầu của kinh nguyện, nói với tín hữu sau khi Dâng lễ trong thánh lễ: “Anh chị em hãy cầu nguyện, để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em, được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận.” Câu đáp của tín hữu nhấn mạnh sự khác biệt và sự giống nhau giữa hy lễ của linh mục trên bàn thờ và hy lễ của các tín hữu.
Oratio Imperata
Oratio Imperata, Lời nguyện buộc đọc. Là lời cầu nguyện theo ý chỉ đặc biệt, ngoài lời cầu nguyện được qui định theo nghi thức, mà Đức Giáo hòang hoặc vị Giám mục giáo phận có thể yêu cầu đọc trong Thánh lễ, chẳng hạn cầu cho hòa bình.
Oration
Tổng nguyện. Là lời nguyện phụng vụ, đặc biệt trong Thánh lễ, và thường được đồng hóa với lời nguyện đầu lễ, được đọc trước bài đọc Kinh thánh. Nói chung, tổng nguyện là lời kinh chính thức để ca tụng và xin ơn, được thưa với Chúa, Đức Mẹ, các thiên thần hoặc các thánh.
Oratorians
Tu sĩ Dòng Oratory. Dòng này do thánh Philip Neri thành lập năm 1564 và được Đức Giáo hòang Phaolô V phê chuẩn năm 1612. Đây là Hội Dòng các linh mục triều, là một tu hội có đời sống chung. Qua nhiều năm tháng, tu hội có nhiều cộng đoàn độc lập, và sau cùng tạo nên một liên hiệp vào năm 1942. Thành viên là các linh mục và tu huynh sống đời sống chung, nhưng không có lời khấn công khai. Bề trên được bầu cứ ba năm một lần. Mục đích của Dòng là cổ vũ sự phát triển thiêng liêng và văn hóa qua công tác mục vụ, rao giảng và dạy dỗ, nhất là cho sinh viên học sinh và giới trẻ.
Oratorio
Oratorio, nhạc phẩm Ôratô. Là một bài ca dài kiểu kịch nghệ dành cho đơn ca, hợp ca và dàn nhạc đệm, nội dung thường dựa vào một trình thuật trong Kinh thánh.
Oratory
Nhà nguyện, nguyện đường. Là một địa điểm cầu nguyện khác với nhà thờ giáo xứ, được giáo quyền cho phép để cử hành Thánh lễ và làm việc đạo đức tại đó. Nhà nguyện có thể là công cộng, bán công cộng hoặc tư riêng và không nhằm sử dụng cho đại chúng.
Ord
Ord, Ordo, ordinatio, ordinarius--trật tự, Giáo lịch, phong chức, bản quyền.
Order
Trật tự, thứ tự, Dòng tu, chức thánh, phẩm, nghi thức, giai cấp, hội. Là sự sắp xếp các vật có phương pháp; Dòng tu, là một tố chức gồm nhiều người, liên kết với nhau bằng sự ràng buộc chung và sống theo qui định tôn giáo hay xã hội; là một thứ bậc trong thừa tác vụ Kitô giáo; là phẩm ca đoàn trong các phẩm thiên thần; là một phụng hội hay một hội; là hình thức quy định cho buổi phụng vụ, chẳng hạn Lễ quy; là một nhóm người cùng công việc, cùng nghề nghiệp, hay cùng hội. (Từ nguyên Latinh ordo, thứ tự, bậc, hàng.)
Order, Religious
Dòng tu. Là một Hội Dòng nam hay nữ, trong đó ít nhất một số người có lời khấn trọng về khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.
Orders, Anglican
Các chức thánh Anh giáo. Vấn đề hiệu lực tính của việc truyền chức linh mục Anh giáo đã được Đức Giáo hòang Lêo XIII bác bỏ trong văn kiện Apostolicae Curae (ngày 13-9-1896). Việc truyền chức này được tuyên bố là “vô hiệu lực tuyệt đối và vô giá trị hoàn toàn”, dựa vào nền tảng là thiếu mô thức trong nghi lễ và thiếu ý hướng nơi thừa tác viên. Trong trường hợp Roma không đưa ra tuyên bố này, các chức thánh Anh giáo vẫn bị xem là vô hiệu lực trong thực hành, bởi vì các giáo sĩ Anh giáo được yêu cầu phải lãnh chức linh mục lại sau khi họ gia nhập Công giáo. Kể từ tuyên bố của Đức Giáo hòang Lêo XIII, rất ít người Anh giáo được truyền chức linh mục bởi các giám chức Chính thống giáo và các giám chức khác, vì chức thánh của các giám chức này được Roma xem là có hiệu lực. Tuy nhiên, quy định hiện nay của Giáo hội Giám chế (Episcopal) tại Mỹ (và nơi khác) đưa ra hai hình thức truyền chức thánh, tùy theo sự chọn lựa của ứng viên và của Giám mục; một hình thức là dành cho chức linh mục và một dành cho thừa tác vụ không linh mục.