Hermesianism
Thuyết Hermes, phái ngộ đạo bí truyền. Là các sai lầm tín lý của Georg Hermes (1775-1831) đã bị Công đồng chung Vatican I lên án. Hermes người theo chủ nghĩa duy lý, với lập trường bị lên án trong ba định nghĩa của công đồng như sau: 1. “Nếu ai nói rằng sự đón nhận đức tin là không tự do, nhưng chủ yếu là do lý luận của lý trí con người; hoặc nói rằng ơn Chúa là không cần thiết cho đức tin sống động, vì đức tin họat động qua đức ái, thì người ấy bị vạ tuyệt thông”; 2. “Nếu ai nói rằng vị trí của các tín hữu và của người chưa đạt đến đức tin chân thật là như nhau, nên người Công giáo có lý do đủ để ngưng đón nhận đức tin và hòai nghi đức tin mà họ đã đón nhận dưới huấn quyền của Giáo hội, cho đến khi họ hòan tất một chứng minh khoa học về sự khả tín và chân lý đức tin, thì người ấy bị vạ tuyệt thông”; 3. “Nếu ai phủ nhận rằng thế giới được tạo thành vì vinh quang Chúa, thì người ấy bị vạ tuyệt thông” (Denzinger, 3039, 3040, 3025).
Hermit
Người sống ẩn dật, thầy ẩn tu. Là một người sống một mình, chăm lo việc cầu nguyện và suy ngắm. Cuộc sống ẩn tu đã có từ thời kỳ bách hại đầu tiên của Giáo hội, nhưng các thầy ẩn tu đã được biết đến trong thời Cựu Ước, chẳng hạn ngôn sứ Elijah và ở thời sau là thánh Gioan Tẩy Giả. Lúc ban đầu số đông thầy ẩn tu là ở Ai Cập và Tiểu Á, sau đó cuộc sống ẩn tu sớm lan ra tới Tây phương, nơi nhiều tu viện xuất hiện vốn kết hợp đời sống ẩn tu và đời sống đan sĩ, và các thầy ẩn tu biệt lập được khuyến khích thành lập cộng đòan. (Từ nguyên Latinh eremita, từ chữ Hi Lạp er_mit_s, người sống trong sa mạc.)
Hermitage
Ẩn viện. Là nơi ở của một thầy ẩn tu, cho phép thầy hòan tòan được sống riêng tư để cầu nguyện, và trong trường hợp thầy là linh mục, được cử hành Thánh lễ. Trong một số trường hợp, các ẩn viện qui tụ chung quanh một nhà thờ trung tâm, hay một tu viện trung tâm, nơi các ẩn sĩ gặp nhau theo định kỳ, để cử hành việc phụng vụ và sinh họat cộng đòan. Thánh Phanxicô Átxidi đã viết một Luật sống trong ẩn viện. Trong đoạn mở đầu, ngài viết: “Những anh em nào muốn sống đời tu hành trong các ẩn viện, thì hãy ở với nhau thành nhóm ba hay bốn người là nhiều nhất. Trong số đó, hai người sẽ làm mẹ và có hai hay ít nhất một người làm con. Hai người mẹ hãy sống như chị Mátta; hai người con hãy sống như chị Maria (x. Lc 10:38-42).”
Herod
Herod, Triều đại Hê-rô-đê. Là một triều đạo cai trị Palestine và vùng chung quanh từ khỏang năm 55 trước Công nguyên đến năm 93 của thế kỷ thứ nhất. Không vị vua Herod nào là người Do Thái khi ra đời. Vị vua đầu tiên là Antipater, tiểu vương của Idumaea, ông đến từ thành phố Ashkelon của người Philistine. Con trai ông là Herod Cả đã được đế quốc Roma bổ nhiệm cai trị Palestine dưới thời Julius Caesar, và các người kế vị ông tiếp tục cai trị trong gần 150 năm. Herod Cả là người chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát các thánh Anh hài. (Từ nguyên Hi Lạp h_r_d_s, sinh ra từ một anh hùng.)
Herod Antipas
Herod Antipas, Tiểu vương Hê-rô-đê Antipas. Là con trai của Herod Cả. Ông là Tiểu vương Galilee (Ga-li-lê) từ năm 4 trước Công nguyên đến năm 39. Bởi vì thời kỳ cai trị của ông gần như là song song với cuộc đời Chúa Giêsu, ông thường được nhắc đến trong Tân Ước nhiều lần hơn so với các Herod khác. Do các phương pháp xảo quyệt của ông, Chúa Giêsu nói đến ông như là một “con cáo” (Lc 13:32). Ông phạm luật khi cưới cháu gái là Herodias (Hê-rô-đi-a), vì trước đó bà này đã kết hôn với anh trai của ông (việc chặt đầu Gioan Tẩy Giả là hậu quả của việc Gioan tố cáo cuộc hôn nhân tội lỗi này.) Sự hiếu kỳ của Herod Antipas được gây nên bởi các lời kể mà ông nghe được về sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (Mt 14:1-12; Lc 9:9). Tổng trấn Pontius Pilate (Phon-xi-ô Phi-la-tô) đề nghị đưa Chúa Giêsu đến với Herod, người đã mong có cuộc gặp từ trước với Chúa. Nhưng Chúa Giêsu từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào của ông. Herod tức giận sai trả Chúa Giêsu về lại với Pilate để Chúa bị kết án. Năm 39, Herod Antipas bị đày đi xứ Gaul (Lc 23:7-11).
Herodians
Người thuộc phe Herod, người thuộc phe Hê-rô-đê. Là một tổ chức của người Do Thái, ủng hộ triều đại Herod và trung thành với đế quốc Roma. Họ tham gia âm mưu gài bẫy Chúa Giêsu để xem Chúa có bất trung khả dĩ với hòang đế Caesar (Xê-da) hay không (Mt 22:16-22). Thánh Marcô cáo buộc họ còn âm mưu với nhóm Biệt phái để tiêu diệt Chúa nữa (Mc 3:6). Đây là một tổ chức chính trị hơn là tôn giáo.
Herodias
Herodias, bà Hê-rô-đi-a. Là con gái của ông Aristobulus, và là em gái của Herod (Hê-rô-đê) Agrippa. Cô kết hôn với chú Philip (Phi-líp-phê), nhưng rồi bỏ ông để kết hôn với một chú khác là Herod Antipas. Gioan Tẩy Giả tố cáo cuộc hôn nhân này, và bà Herodias quyết tâm trả thù. Khi con gái bà là nàng Salome (Sa-lô-mê) trình bày điệu vũ làm vui lòng vua Herod Antipas, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô xin cái đầu của Gioan Tẩy giả (Mt 14:3-11). Vua buồn rầu chấp nhận lời xin. (Mc 6:17-29). Ít năm sau đó Herodias tháp tùng với Herod Antipas khi ông bị lưu đày.
Herod Philip
Herod Philip, Hê-rô-đê Phi-lip-phê. Là em cùng cha khác mẹ của Herod Antipas, là con trai của Herod Cả. Ông kết hôn với Salome (Sa-lô-mê), con gái của bà Herodias (Hê-rô-đi-a). Từ năm 4 trước Công nguyên đến năm 34, ông làm tiểu vương vùng Ituraea và Trachonitis. Có lẽ công trình đáng lưu ý nhất của ông là tái thiết các thành Caesarea Philippi (Xê-da-rê Phi-líp-phê) và Bethsaida (Bết-xai-đa).
Heroic Act
Nghĩa cử anh hùng, hành động anh hùng. Là hành vi bác ái mà một nguời làm dâng lên Chúa, vì lợi ích các linh hồn ở luyện ngục, mọi việc đền tội mà người ấy sẽ làm suốt đời mình, và mọi kinh cầu cho người chết sẽ có trong đời hoặc sau khi mình qua đời nữa. Đây không phải là lời khấn, mà là khỏan dâng hiến vốn có thể thu hồi tùy ý. Sự anh hùng nằm trong sự sẵn sàng chịu đựng đau khổ ở đời này và trong luyện ngục để làm giảm hình phạt luyện ngục cho người khác. Giáo hội đã hơn một lần chuẩn thuận nghĩa cử bác ái anh hùng này.
Heroic Virtue
Nhân đức anh hùng. Là sự thực thi các hành động nhân đức phi thường với sự sẵn sàng và trong một thời gian dài. Các nhân đức luân lý được thực hiện với sự thỏai mái, trong khi các nhân đức tin cậy mến được thực thi với một mức độ xuất sắc. Sự hiện diện của các nhân đức này được Giáo hội yêu cầu như là bước thứ nhất tiến tới việc phong thánh. Người thực thi nhân đức anh hùng được tuyên bố là Chân Phước, và được gọi là “Tôi tớ Chúa” hay “Người tôi tớ Thiên Chúa.”
Herrenmoral
Đạo đức chủ. Nghĩa đen là đạo đức của người chủ (Herren). Là một khái niệm của thái độ ứng xử tàn nhẫn liên quan đến thuyết đạo đức của Friedrich Nietzsche (1844-1900), triết gia Đức và tác giả cuốn “Der Antichrist” (Phản Kitô). Các ý tưởng như là ý chí quyền lực, siêu nhân, chủng tộc chủ, và sự ưu thắng của người ý chí mạnh mẽ không quan tâm đến các nguyên tắc Kitô giáo đã thấm sâu vào xã hội Tây phương.
Hesychasm
Thuyết tĩnh tọa, kỷ thuật tĩnh tọa, linh đạo tĩnh tọa. Là một hệ thống của khoa thần nghiệm, lúc ban đầu được bảo vệ bởi các tu sĩ Chính thống giáo trên Núi Athos trong thế kỷ 14. Thuyết cho rằng qua biện pháp khổ chế và sự thực thi một số lời nguyện xin, người ta có thể nhìn thấy ánh sáng vô tạo của Chúa ngay ở đời này. Đượm sắc màu của tân học thuyết Plato, và có vay mượn từ thuyết phiếm thần, thuyết tĩnh tọa bị phản đối bởi một số tín hữu Chính thống giáo, khi những người này tìm hiệp nhất với Roma và ủng hộ lối tiếp cận Chúa một cách phản tĩnh hơn. Những người Tĩnh tọa thời nay nói rằng hình thức khoa thần nghiệm của họ là một tín điều của Giáo hội Chính thống.
Heteronomy
Tha luật, quyền dị trị. Là một thuyết luân lý nói rằng con người lệ thuộc vào các luật vốn không do mình tạo ra, nhưng do người khác tạo ra, và cuối cùng là do Chúa tạo ra. Trái nghĩa của nó là autonomy (tự chủ). (Từ nguyên Hi Lạp hetero, khác + nomos, luật.)
Hexameron
Lục nhật trình thuật, trình thuật sáng tạo sáu ngày. Là sáu ngày tạo dựng trong Kinh thánh, được mô tả bởi tác giả thánh, để tuyên bố sự kiện chính yếu của đức tin là toàn thể thế giới được Chúa tạo thành, và để gợi ý hai hệ luận của đức tin cho các tín hữu. Đó là họ cần bắt chước Chúa để làm việc sáu ngày và nghỉ một ngày, và họ cần phải lao động bây giờ, trong sự cộng tác với Chúa, để điểm tô cho thế giới, bởi vì Chúa đã dựng nên thế gian, và muốn chúng ta phát triển những gì Chúa đã sáng tạo. (Từ nguyên Hi Lạp hexameron, công việc sáu ngày; trong sáu ngày.)
Hexapla
Sách sáu cột. Là sưu tập phê bình Cựu ước do Origen trình bày bằng tiếng Do Thái cổ và tiếng Hi Lạp vào cuối thế kỷ thứ hai. Bộ Kinh thánh sáu cột trong 50 cuốn được sắp xếp thành sáu cột song song, gồm bản văn Do thái cổ bằng chữ Do Thái cổ và chữ Hi Lạp, Bản Bảy Mươi, và ba bản khác bằng tiếng Hi lạp. Origen muốn chứng tỏ có mối quan hệ giữa Bản Bảy Mươi và các bản tiếng Do Thái cổ và tiếng Hi lạp. Cột trình bày Bản Bảy Mươi là cột duy nhất còn tồn tại. (Từ nguyên Hi Lạp hexapla, nếp gấp sáu.)
Hexateuch
Lục thư Thánh kinh, lục kinh bộ, bộ sáu quyển. Là sáu cuốn đầu tiên của Kinh thánh, từ sách Sáng thế (St) đến sách Gio-duê (Joshua, Gd), được gọi là Lục thư vì chúng tạo nên một tổng thể văn chương. (Từ nguyên Hi Lạp hex, sáu + teuchos, sách.)
H.H.
H.H., His Holiness - Đức thánh, Đức Giáo hòang, Đức Thượng phụ (tiếng tôn xưng)
Hierarchy
Hàng giáo phẩm, phẩm trật. Là những người kế vị các thánh Tông đồ dưới quyền của Đức giáo hoàng như là Đấng kế vị thánh Phêrô. Có ba quyền trong hàng giáo phẩm Công giáo: gíao huấn, mục vụ và tư tế. Ba quyền này phù hợp với sứ vụ ba cách của Chúa Kitô trong công việc cứu độ trần gian; sứ vụ ngôn sứ hay là thầy dạy, sứ vụ mục vụ hay là vương đế của người cai trị, và sứ vụ tư tế để thánh hóa các tín hữu. Chúa Kitô chuyển sứ vụ này, với quyền tương ứng, cho các Tông đồ và các người kế vị các ngài. Một người đi vào hàng giáo phẩm bằng việc tấn phong Giám mục khi người ấy nhận lãnh chức linh mục vẹn toàn. Nhưng vị này tùy thuộc vào sự hiệp nhất Giám mục đoàn, cùng với Giám mục Roma và hàng giáo phẩm Công giáo, để có thể thực sự thi hành hai quyền khác, đó là giảng dạy chân lý của Chúa, và cai trị cách hợp pháp các tín hữu dưới quyền tài phán của mình. (Từ nguyên Latinh hierarchia, quyền bính thánh, từ chữ Hi Lạp hierarchia, quyền của một hierarch_s, người quản lý nghi lễ thánh.)
Hierarchy Of Being
Bậc thang hữu thể. Là khái niệm kinh viện của một trật tự đi lên của các hữu thể trong vũ trụ, bao gồm vật chất bất động, thảo mộc, động vật và con người có lý trí; cao hơn các loài này là các hữu thể vô hình và các thiên thần; và trên hết là Chúa, với yếu tính là siêu phàm vô biên hơn bất cứ thụ tạo nào. Mỗi cấp trong bậc thang này là hòan hảo trong yếu tính của nó, và không có việc chuyển từ cấp này sang cấp khác, trong khi mỗi cấp thấp hơn lệ thuộc vào các hữu thể ở cấp cao kế tiếp; và tất cả các cấp đều hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa.
Hieromonk
Đan sĩ linh mục. Là một đan sĩ trong các Giáo hội Kitô Đông phương, trong đó có các Giáo hội hiệp nhất với Roma, được truyền chức Linh mục.
Hieronymites
Tu sĩ Dòng thánh Hiêrônimô. Cũng gọi là tu sĩ Jeronymite hoặc Hierohymitae. Đây là các nhóm ẩn tu tuân theo lối sống tu trì của thánh Jerome (Hiêrônimô, 342-420), là người đã qui tụ một cộng đoàn các tu sĩ nam nữ chung quanh ngài ở Bethlehem (Bê-lem). Sau đó họ tuân theo luật sống của thánh Âu Tinh. Dòng nữ tu Hieronymite được thành lập tại Tây Ban Nha năm 1426. Trong thế kỷ 16, Dòng này là một trong các tổ chức, mà qua đó Phong trào Cải cách Công giáo diễn tả ý nghĩa của mình.
Hierurgia
Tác vụ thánh, tác vụ thánh chức. Là một họat động phụng vụ thánh, nhất là Thánh lễ, trong nghi lễ Byzantine của Giáo hội Công giáo.
Higher Religions
Các tôn giáo bậc cao. Là các tôn giáo sống động của loài người, đã được hệ thống hóa thành các tín lý, nghi lễ và bộ luật luân lý. Các tôn giáo này được phân biệt với các tôn giáo thời sơ thủy hoặc tôn giáo bộ tộc, vốn không có tín lý hoặc lời tuyên xưng niềm tin.
High Mass
Lễ hát. Tiếng Latinh gọi là Missa Cantata, là từ ngữ thông thường để chỉ một Thánh lễ được linh mục hát, và không có phó tế (thầy sáu) hoặc phụ phó tế (thầy năm) tham dự.
Hindering Impediment
Ngăn trở cản hôn. Còn gọi là ngăn trở tiêu hôn, là một điều kiện làm cho hôn nhân trở thành bất hợp pháp, không có phép chuẩn và không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của nó. Lời khấn đơn tu sĩ, ngăn trở khác đạo, và một số liên hệ pháp lý được xem là ngăn trở cản hôn.
Hiram
Hiram, vua Khi-ram, triều đại Hiram. Triều đại các vua ở thành Tyre (Tia), một cảng gần thành phố Beirut hiện nay (I V 5:1). Vua nổi tiếng nhất của triều đại Hiram là một bạn thân của David (Đa-vít) và Solomon (Sa-lô-môn, II Sm 5:11). Vua cung cấp thợ mộc và thợ nề cho hai vị, và gửi gỗ bá hương và gỗ trắc ở các rừng Lebanon (Li-băng) cho hai vị trong thời gian xây dựng Đền thờ Jerusalem (I Sb 14:1). Chính nhờ sự cộng tác hữu hiệu của Hiram mà vua Solomon có thể hoàn tất chương trình xây dựng này (I V 5:1-18). Liên minh thương mại có thể thực hiện được nhờ kỹ thuật khéo léo của các thủy thủ thành Tyre trên tàu buôn của họ (I V 9:11).
His Holiness
Đức thánh, Đức Giáo hòang, Đức Thượng phụ (tiếng tôn xưng). Là danh tước của Giáo hoàng và Thượng phụ. Là một tước hiệu để tôn vinh và kính trọng trong Giáo hội Tây phương dành cho Đức Thánh Cha, Đức Giáo hoàng, do sứ vụ của ngài là quản lý công việc thánh. Đôi khi từ ngữ cũng dùng cho các thượng phụ ở Đông phương, chẳng hạn thượng phụ của Giáo hội bảo hoàng (Melkite) ở Antioch, hiệp nhất với Roma, khi ngài được gọi là “Đấng Thánh nhất trong phụng vụ”, và thượng phụ Chính thống ở Constantinople, được gọi là “His All-Holiness” (Đức Toàn thánh).)
Historical Determinism
Thuyết tất định lịch sử. Là một triết học lịch sử cho rằng mọi hành động con người đều được quyết định bởi các tiền lệ của chúng. Trong hòan cảnh như nhau, con người luôn xử lý cùng theo một cách. Do đó công việc của sử gia là chứng tỏ rằng chuyển động của các quốc gia là đều đặn, và giống như các chuyển động khác, chúng được quyết định bởi các tiền lệ của chúng. Khái niệm lịch sử này, với tư cách là một khoa học tất định, là khác với giáo lý Công giáo, vốn tin vào sự tự do của con người.
Historicism
Thuyết lịch sử, chủ nghĩa duy sử. Là thuyết cho rằng lịch sử thế tục của bất cứ sự gì là sự giải thích thích đáng cho ý nghĩa của nó; rằng giá trị của một phong trào hay một triết học chỉ được hiểu đúng nhờ tìm hiểu gốc gác của nó; và rằng một điều được hiểu rõ hoàn toàn nếu sự phát triển của nó được giải thích theo lịch sử. Các thí dụ đầu tiên của thuyết lịch sử hiện đại là các triết học lịch sử của Georg Hegel và Karl Marx.
Historicity
Lịch sử tính, sử tính. Áp dụng vào Tin Mừng, giá trị của Tin Mừng nằm ở chỗ trung thực kể lại các sự việc và biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu Kitô, với nguyên nhân và hậu quả được giải thích theo linh hứng của Chúa Thánh Thần.
History Of Dogma
Lịch sử các tín điều. Là sự trình bày có hệ thống lịch sử mặc khải của Chúa, bởi vì lịch sử này chấm dứt vào cuối thời các Tông đồ, cho đến ngày nay. Lịch sử này bao gồm sự xác định của Giáo hội về những gì đã được mặc khải trong Kinh thánh và Thánh truyền; lập định thức lời Chúa trong kinh Tin kính, định nghĩa, và từ ngữ tín lý; giải thích điều được mặc khải; phát triển việc hiểu ý nghĩa lời mặc khải; và bảo vệ chân lý mặc khải chống sự xâm nhập của lạc giáo.
H.O.
H.O., Ngày lễ buộc.
Holiness
Tính thánh thiêng, tính chất thánh thiện, sự thánh thiện. Trong Cựu Ước từ ngữ Do Thái cổ Kadosch (thánh) có nghĩa là tách rời khỏi thế tục hay sự đời, hoặc tận hiến phục vụ Chúa, như dân Do thái được gọi là thánh vì là dân của Chúa. Sự thánh thiện của Chúa xác định sự phân cách của dân này với mọi sự dữ. Trong các thụ tạo, dân này là thánh do mối tương quan với Chúa. Sự thánh thiện trong các thụ tạo là chủ quan, khách quan hoặc là cả hai. Nó là chủ quan yếu tính nhờ sự sở hữu ơn Chúa và thực thi nhân đức về mặt luân lý. Sự thánh thiện khách quan trong thụ tạo biểu thị sự thánh hiến đặc biệt của họ để phục vụ Chúa: các linh mục bởi lễ truyền chức, các tu sĩ bởi lời tuyên khấn; nơi thánh, đồ thánh, lễ phục bởi việc làm phép và mục đích thánh thiêng mà chúng được dành cho.
Holiness, Essential
Sự thánh thiện yếu tính. Còn gọi là sự thánh thiện bản tính, là sự sở hữu ơn thánh hóa. Nó hiện diện trong một người từ lúc người ấy được rửa tội, và làm cho người ấy trở nên giống như Chúa. Nhưng nó là độc lập với sự cư xử luân lý của người ấy. Nó là sự thiện nội tại của hữu thể, và là lý do cơ bản để cho Tân Ước nói về tín hữu như là các “thánh”. Họ là thánh thiện vì họ làm vui lòng Chúa.
Holiness, Moral
Sự thánh thiện luân lý. Còn gọi là sự thánh thiện đạo đức, là sự thực hành các nhân đức. Mặc dầu nó rất gần với sự thánh thiện yếu tính, nó không hề giống với sự thánh thiện này. Đây là sự thiện của một người được tỏ lộ trong hành động, khác với sự thiện của người ấy trong tình trạng bạn hữu với Chúa. Đôi khi Chúa cho phép một số người thánh thiện hơn về luân lý, so với chính việc bề ngoài của họ hay của người khác. Nhưng vì sự thánh thiện được chứng tỏ trong việc thực hiện nhân đức, nên nó là luân lý hay đạo đức. Lẽ tất nhiên sự thực hành nhân đức là cần thiết để ở lại trong ân sủng Chúa, nhưng hãy để cho người ta một mình lớn lên trong đường thánh thiện.
Holiness, Objective
Sự thánh thiện khách quan. Là sự tận hiến hay cung hiến để phục vụ Chúa, dù đó là người, chẳng hạn linh mục hay tu sĩ, hoặc là vật, chẳng hạn nhà thờ hay lễ phục; hoặc một cơ hội, chẳng hạn ngày lễ trọng.
Holiness, Subjective
Sự thánh thiện chủ quan. Là sự thánh thiện vốn có của một người, để phân biệt với vai trò của người ấy trong Giáo hội, như là một người được đặc biệt hiến thánh cho Chúa.
Holocaust
Lễ toàn thiêu. Là lễ vật được thiêu hoàn toàn bằng lửa nơi người Do Thái xưa và nơi nhiều tín hữu ngòai Kitô giá hiện nay. Trong truyền thống Do Thái, chỉ có các động vật mới được dâng làm lễ vật, vốn được xem là sự diễn tả trọn vẹn nhất của lòng kính mến Chúa. Lễ toàn thiêu có thể được luật qui định hoặc con người tự ý làm, để chu toàn một lời khấn riêng tư hay một hành vi sùng mộ. Trong Cựu Ước, lễ toàn thiêu là sự nhắc nhở sống động cho sự thống trị tuyệt đối của Chúa trên mọi thụ tạo. Đó là các biện pháp đền tội, và chúng tiên báo hy tế vẹn toàn của Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá. (Từ nguyên Hi Lạp holokaustos, tòan thiêu.)
Holofernes
Holofernes, tướng Hô-lô-phéc-nê. Là vị tướng chỉ huy quân đội hùng mạnh Assyrian (Át-sua) của Vua Nebuchadnezzar (Na-bu-cô-đô-nô-xo), người định đoạt số mệnh của quân đội Do Thái ở Bethulia. Quân đội Do Thái là yếu về bộ chỉ huy và việc huấn luyện, và nguồn cung cấp nước đang bị cạn kiệt. Trong tình hình tuyệt vọng ấy, bà Judith (Giu-đi-tha) xuất hiện. Bà là một phụ nữ Do thái xinh đẹp và đạo đức, tin tưởng vào Chúa hơn là vào sức mạnh của vũ khí. Bà mở cuộc chiến với tướng Holofernes, không bằng sức mạnh vũ khí nhưng bằng sắc đẹp và trí thông minh của mình. Tướng quân này mê say sắc đẹp của bà và mời bà đến nghỉ đêm với mình trong lều. Ngay trong cơ hội đầu tiên, bà cắt đầu ông và đem về trại binh Do Thái. Trong trận đánh sau đó, quân Assyrian tỏ ra hoảng hốt và thiếu người chỉ huy, đã bị tiêu diệt. (Gđt 1-16).
Holy Alliance
Liên minh Thánh. Là một tuyên bố, được ký lúc đầu vào năm 1815 giữa các nước Nga, Áo, và Phổ, và sau đó hầu như toàn bộ các nhà lãnh đạo châu Âu, ngọai trừ Hoàng thân nhiếp chính của Anh, Đức Giáo hoàng và Vua Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên tắc cơ bản của liên minh, kể từ đó, là quyền dân sự có thể được hướng dẫn, trong tương quan với “các chân lý siêu phàm mà Tôn Giáo Thánh của Chúa Cứu thế chúng ta đã dạy.” Được Sa hoàng Nga khởi xướng và chân thành nhắm tới việc củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc, liên minh không bao có hiệu quả như một công cụ ngoại giao. Tuy nhiên năm 1899, liên minh đã thúc đẩy sa hoàng Nga Nicholas II đã tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế lần thứ nhất tại The Hague (tức La Haye), Hà Lan.
Holy Childhood Association
Hiệp Hội Chúa Hài Đồng. Được thành lập năm 1843, đây là hội chính thức quốc tế của thiếu niên để trợ gíup công tác truyền giáo của Giáo hội. Hội trợ giúp các chương trình giáo dục truyền giáo, và dụng cụ học hành cho các trường tiểu học Công giáo và các lớp giáo lý. Hội thuộc quyền của Dòng Chúa Thánh Linh.
Holy Chrism
Dầu thánh. Là dầu ôliu trộn với một ít nhựa tô hợp hương. Đây là một trong ba dầu thánh, và là cần thiết cho bí tích Thêm sức. Nó cũng được dùng trong nghi thức Rửa tội long trọng; việc cung hiến nhà thờ và tấn phong Giám mục; làm phép các chuông nhà thờ lớn, nước Rửa tội, đĩa thánh và chén thánh. Việc xức dầu với dầu thánh có nghĩa là ban truyển đầy đủ ơn Chúa.
Holy Coat
Tấm áo chòang của Chúa, tấm áo dài của Chúa. Là chiếc áo choàng liền mảnh, không có đường khâu, của Chúa Kitô (Ga 19) mà các binh lính đã bắt thăm đế lấy trên đồi Calvary (Can-vê). Hai thành phố đã tuyên bố là giữ chiếc áo đích thực này. Thành phố Trier, nước Đức, cho rằng đây là thánh tích mà thánh nữ Helena (255-330) đã gửi đến, và được chứng minh bởi một tấm thẻ trong thế kỷ thứ sáu, và nhiều tài liệu của thế kỷ 12. Trong khi đó tấm áo tại Argenteuil, nước Pháp, được nhắc đến trong một tài liệu năm 1156 và ghi là “cappa pueri Jesu” (áo của Chúa Giêsu Hài đồng). Do hai truyền thống này, truyện kể rằng chiếc áo, do Đức Trinh Nữ dệt và được Chúa Giêsu mặc, đã lớn rộng dần ra cùng với thân thể Chúa lớn lên. Các người bênh vực thánh tích ở Argenteuil nói rằng tấm áo choàng ở Trier là không phải tấm áo liền mảnh được kể ra trong Tin Mừng, mà là một tấm áo khoác. Tuy nhiên cả hai thánh tích là đối tượng của các cuộc hành hương nổi tiếng của tín hữu.
Holy Cross Congregation
Dòng Thánh giá. Là một Dòng giáo sĩ, với lời khấn đơn, dấn thân trong công việc truyền giáo trong nước và nước ngòai, giảng tĩnh tâm, công tác giáo dục và mục vụ, dịch vụ xã hội, và việc tông đồ trong ngành xuất bản. Được linh mục Basile-Antoine Moreau thành lập tại Pháp năm 1837.
Holy Days Of Obligation
Ngày lễ buộc. Là các ngày lễ buộc, trong các ngày này tín hữu phải tham dự Thánh lễ và hết sức kiêng việc xác. Số và ngày lễ buộc thay đổi tùy theo từng quốc gia. Tại Mỹ có sáu ngày lễ buộc: lễ Đức Mẹ Mẹ Thiên Chúa ngày 1-1; lễ Chúa Lên Trời, 50 ngày sau lễ Phục sinh; lễ Đức Mẹ Lên Trời ngày 15-8; lễ Các Thánh ngày 1-11; lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ngày 8-12; và lễ Chúa Giáng Sinh ngày 25-12. Vào các ngày lễ buộc này, cha xứ phải dâng lễ họ đặc biệt cho giáo dân của mình. Tại Việt Nam, các ngày lễ buộc đều đã đưa hết vào Chủ Nhật rồi, chỉ thêm ngày Lễ Chúa Giáng Sinh thôi.
Holy Doors
Cửa thánh. Là các cửa chính của các vương cung thánh đường ở Roma là Đền thờ thánh Phêrô, đền thờ Lateran, đền thờ thánh Phaolô Ngọai thành, Đền thờ Đức Bà Cả; các cửa này được đóng kín trừ ra trong các năm thánh. Đức Giáo hòang đích thân mở và đóng cửa đền thờ thánh Phêrô, gần Điện Vatican, trong khi các Hồng y đặc sứ sẽ mở và đóng cửa các đền thờ khác khi khai mạc và bế mạc năm thánh. Các lễ nghi này tượng trưng cho quyền của đền thờ, vốn có lịch sử từ thời ngọai đạo xa xưa, và thật sự chỉ được tuân giữ tại nơi có đền thờ Lateran hiện giờ.
Holy Face, Scapular
Áo Thánh Nhan, áo tôn nhan Chúa. Là áo nhỏ trắng có ảnh Thánh Nhan Chúa Kitô. Đây là huy hiệu của Liên phụng hội Thánh Nhan Chúa.
Holy Family, Devotion To The
Tôn sùng Thánh gia. Mặc dầu gia đình của Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và thánh Giuse là nổi bật trong Tin Mừng, việc tôn sùng Thánh Gia trên diện rộng chỉ bắt đầu từ thế kỷ 17. Nhiều liên phụng hội, trên phạm vi quốc tế, đã được thành lập để cổ vũ việc tôn sùng này. Trong số các Giáo hòang hiện đại, Đức Giáo hòang Piô IX năm 1847 và Leo XIII năm 1892 đã khuyến khích các tổ chức này và chính thức phê chuẩn họ. Một số tu hội cũng được thành lập, đặc biệt dấn thân làm việc tông đồ giúp đỡ các gia đình Kitô giáo sống mạnh và thịnh vượng, qua việc tôn sùng Thánh Gia của Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và thánh Giuse. Trong phụng vụ mới được duyệt lại, ngày Chủ nhật trong tuần Bát nhật lễ Giáng sinh là Lễ Thánh Gia, với Lễ đặc biệt riêng và Thần vụ riêng.
Holy Father
Đức Thánh Cha. Là một tước hiệu của Đức Giáo hòang, thường dùng với nghĩa như là Beatissimus Pater. Từ ngữ này diễn tả vai trò của Đức Giáo hòang như là người cha tinh thần của mọi tín hữu Kitô giáo.
Holy Grail
Chén thánh. Là Chén huyền thọai được cho là Chúa Kitô đã dùng trong bữa Tiệc Ly, và từ Chén này các Tông đồ đã lãnh nhận Máu Thánh. Việc truy tìm Chén thánh này là cơ sở cho nhiều câu truyện nổi tiếng. Một trong những truyện nổi tiếng nhất nói rằng ông Giuse Arimathaea (A-ri-ma-thê) đã đem Chén thánh qua nước Anh. Chén thánh cũng trở thành chủ đề cho nhiều thơ văn đời vua Arthur.