Forgotten Sins
Tội quên tội sót, tội sót. Là các tội trọng mà một người đáng phải xưng trong Bí tích Hòa giải, nhưng đã quên một cách thành thực. Các tội này đã được tha cùng với các tội khác đã xưng, nhưng nếu sau đó người ấy nhớ lại, người ấy cần xưng lại các tội đó do đã quên sót trong lần xưng tội tiếp theo.
Formal
Thuộc mô thức, rõ ràng, chính thức. Là điều gì thuộc về yếu tính hay bản tính một vật. Là chính thức, khi quy chiếu đến những gì phải làm đúng theo luật hay chỉ thị chặt chẽ.
Formal Cause
Nguyên nhân mô thức. Là yếu tố đặc biệt trong một hữu thể, vốn liên lạc với một yếu tố bất định hay kém nhất định, và cùng với chất thể hay cơ sở này tạo thành hữu thể tòan vẹn. Đây là một trong bốn nguyên nhân chính trong triết học thánh Tôma.
Formal Co-Operation
Hợp tác cố ý. Là sự đồng tình cố ý trong hành động tội lỗi của một người khác. Sự hợp tác là cố ý và luôn là tội nếu, ngòai việc trợ giúp bề ngòai bằng mọi cách, người ấy còn muốn tự nội tâm là hành vi xấu được thực hiện nữa. Sự hợp tác cố ý ít là một tội chống đức ái bằng cách làm hại tinh thần của người lân cận, và nó cũng thường là một tội chống nhân đức khác, nhất là đức công bình.
Formal Evil
Hành vi xấu cố tình. Là hành vi nhân linh xấu, được thực hiện với sự hiểu biết rằng nó là xấu về luân lý, và với sự đồng ý thực hiện điều xấu do lợi ích nào đó cho người thực hiện nó.
Form Criticism
Khoa phê bình văn thể. Là môn khái quát, khoa phê bình văn thể nghiên cứu cấu trúc văn chương của tài liệu lịch sử, vốn duy trì một truyền thống trước đó. Giả định nền tảng của nó là việc truyền khẩu xa xưa tạo dáng cho chất liệu và trở thành nhiều hình thức văn phong khác nhau trong bài viết còn lưu lại. Một nghiên cứu phê bình các văn thể này chiếu ánh sáng vào đời sống và tư duy của những người bảo tồn truyền thống. Áp dụng vào Kinh thánh, khoa phê bình văn thể nhận định cách sai lầm rằng sức mạnh tự nhiên đàng sau truyền thống Kitô giáo thời Giáo hội sơ khai không phải là một mong muốn bảo tồn sự lưu niệm của những gì Chúa Kitô đã rao giảng và đã làm, nhưng là một nhu cầu để phục vụ nhiệt tình sống đạo của một cộng đòan mới. Sự khẩn thiết như thế có xu hướng che đậy và tô điểm, nếu không nói là bóp méo các sự kiện để đáp ứng nhu cầu của niềm tin có lý tưởng.
Formula
Công thức, thể thức, cách thức. Là lời tuyên bố hay phát biểu có hệ thống một nguyên lý. Trong triết học, có các công thức luận lý nói lên một sự thật hay một mệnh đề tổng quát về mặt tư tưởng hay cách nói. Trong lễ nghi, có các công thức qui định để ban các bí tích hay á bí tích. Trong thần học, có các công thức tín lý (định thức) để diễn tả hoặc là toàn bộ các điều thiết yếu của đức tin Kitô giáo, chẳng hạn Kinh Tin kính của các thánh Tông đồ, hoặc một số khía cạnh của đức tin, nhất là khi bị thách thức hay bị bác bỏ, chẳng hạn công thức Berengarius về Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô trong phép Thánh Thể.
Fornication
Gian dâm, thông dâm, dâm dục. Là hành động giao hợp giữa một người nam và một người nữ, khi hai người không kết hôn thành sự, mặc dầu họ được tự do để kết hôn. Theo bản tính của nó, đây là một tội trọng. (Từ nguyên Latinh fornicatio, gian dâm; từ chữ fornix, cung, nhà thổ.)
Forty Hours Devotion
Chầu lượt 40 giờ, Chầu Thánh Thể 40 giờ. Là việc chầu Mình Thánh Chúa trong suốt 40 giờ, nhằm tôn vinh 40 giờ Chúa Kitô nằm trong mồ. Việc đạo đức này được khởi xướng bởi thánh Antôn Maria Zaccaria ở Milan và Vicenza vào năm 1527, và được Dòng Tên thời thánh Ignatius phổ biến. Được phê chuẩn bởi Đức Giáo hòang Phaolô III năm 1539, Đức Giáo hòang Clement VIII năm 1592 trong tông hiến Graves et diuturnae của ngài, các Huấn thị của Đức Giáo hòang Clement XI năm 1705, vốn được Đức Giáo hòang Clement XII tái công bố năm 1731 và thiết lập hình thức chính xác của việc đạo đức này. Cuối thế kỷ mười tám, việc chầu lượt đã lan ra ở nhiều quốc gia. Thánh Gioan Neumann ở Philadelphia (1811-60) là người đầu tiên tổ chức việc chầu lượt tại Mỹ với mức độ đều đặn. Nơi nào có thể thực hiện được, việc chầu lượt 40 giờ được tạm ngưng ban đêm và giờ chầu kéo dài hơn ba ngày.
Forum
Tòa, diễn đàn. Là không gian trong đó Giáo hội hành xử quyền tư pháp của mình. Tòa ngoài giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích chung của Giáo hội và dân Chúa; tòa trong liên quan đến thẩm quyền của Giáo hội trong các vấn đề lương tâm, nhất là bí tích, nơi đó tội lỗi được tha hay không được tha, và các vấn để luân lý tính được quyết định, chẳng hạn phạm tội, đền bù hay trách nhiệm.
Founder
Vị sáng lập, Đấng sáng lập. Là người thành lập một định chế hay một công ty nào đó, và tổ chức này tiếp tục phát triển sau khi người ấy qua đời. Từ ngữ này thường được áp dụng cho Chúa Kitô như là Đấng thành lập Giáo hội. Từ ngữ cũng áp dụng cho một người nam hay nữ sáng lập một Dòng, Tu hội, hoặc bằng cách viết bản luật nguyên thủy, như thánh Biển Đức (480-547), hoặc bằng cách thành lập một tu hội, như nhiều vị sáng lập đã làm. Từ ngữ cũng được áp dụng cho nhưng người khai sinh bất cứ hội đòan, đoàn thể, hội hay tổ chức nào đang phát triển trong Giáo hội.
Founder's Charism
Đòan sủng của Đấng sáng lập Dòng. Là linh đạo nổi bật của vị sáng lập Dòng Tu hội, và linh đạo này phân biệt Dòng ấy với các hình thức đời sống thánh hiến khác trong Giáo hội. Đây là tính cách riêng của một cộng đoàn tu trì được vị sáng lập để lại. Theo Công đồng chung Vatican II, đặc sủng này “phải trung thành nhận thức và noi giữ tinh thần cùng ý hướng đặc biệt của các Ðấng Sáng Lập" (Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu Perfectae Caritatis, 2).
Fountain
Dòng suối, suối mát, giếng nước. Một biểu tượng của Đức Trinh Nữ. “Dòng suối nghiêm phòng canh mật” trong sách Diễm ca (Dc). Các cụm từ được áp dụng cho Đức Maria là người được Chúa chọn và duy nhất là “em là khu vườn cấm, là dòng suối canh phòng nghiêm mật, là giếng nước niêm phong" (Dc 4:12)
Four Horsemen
Bốn người cỡi ngựa, Bốn kỵ mã. Là các hình ảnh phúng dụ trong Kinh thánh, được thánh Gioan mô tả (Kh 6:1-8). Người cỡi con bạch mã rất có thể tượng trưng Chúa Kitô; người cỡi con ngựa đỏ tượng trưng chiến tranh; người cỡi con ngựa ô tượng trưng nạn đói; và người cỡi con ngựa màu xanh nhạt tượng trưng tử thần.
Four Last Things
Bốn sự sau. Đó là sự chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục. Bốn sự này có nghĩa rằng không có luân hồi, nhưng ngay sau khi chết mỗi người được phán xét cho vận mệnh đời đời của mình. Từ ngữ truyền thống bằng Latinh là novissima (các điều cuối cùng).
Four Temperaments
Bốn tính khí. Là bốn tâm tính cổ điển của con người, được triết gia Aristotle xếp loại, đó là nóng nảy, đa sầu, lãnh đạm và sôi nổi. Trong khi chưa có ai chỉ có duy nhất một tính khí trên, mỗi người thường có một hay hai tính khí nổi bật nhất trong mình. Khi biết mình như vậy, người ta chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các yếu đuối và xu hướng tự nhiên của mình, trong việc theo đuổi con đường trọn lành.
Fourth Crusade
Cuộc Thập tự chinh thứ Tư. Đây là cuộc Thập tự chinh được xem là quan trọng nhất nếu xét về kết quả đạt được (1202-1204). Đức Giáo hòang Innocent III chủ trương cuộc Thập tự chinh này. Hiệu quả chính trị là chiếm được Constantinople, nhưng phải trả giá bằng sự căm ghét của các Giáo hội Đông phương. Các Giáo hội này cáo buộc cách sai lầm là Đức Giáo hoàng phải chịu trách nhiệm về sự cướp phá các nhà thờ và tàn sát người dân, với đội quân thánh chiến được người Venice tài trợ tiền bạc.
Fourvières
Đền thánh Đức Mẹ Fourvières. Là một đền thờ dâng kính Đức Bà và thánh Tôma thành Canterbury, gần thành phố Lyons, Pháp. Một vương cung thánh đường, trên ngọn đồi ở Fourvières, được xây lên để tạ ơn Thiên Chúa đã giữ gìn thành phố Lyons khỏi sự xâm lược trong Chiến tranh nước Phổ vào năm 1870, nhưng một đền thánh địa cổ gần đó được biết tới nhiều hơn. Nhà thờ rất cũ kỹ này được dâng kính cho Ðức Mẹ gồm có hai gian hông. Trong thời kỳ trùng tu nhà thờ vào thế kỷ 12, Ðức Tổng Giám Mục Tôma thành Canterbury, đang sống lưu vong tại Lyons, đã đến thăm nhà thờ. Biết rằng có một gian hông dẫn tới đền thánh Đức Mẹ, ngài đã hỏi vị giám chức phụ trách rằng gian hông thứ hai dành dâng cho ai. Ngài được trả lời: “Dạ, dành cho vị thánh tử đạo Anh Quốc kế tiếp.” Trước khi đền thánh được hoàn tất, Tổng giám mục Tôma đã bị giết tại Anh. Kể từ đó, Fourvières đã được đồng hóa với tên của ngài và là một địa điểm hành hương, nhất là khách từ nước Anh, để tưởng nhớ thánh Tôma Becket (1118-1170).
Fr., F.
Fr., F., Frater, frère – Sư huynh, thầy, đệ, tu sĩ, anh, tu huynh.
Fragrant Odors
Hương thơm, danh thơm đức hạnh. Đôi khi được gọi là hương thơm thánh thiện, chúng là mùi thơm như nước hoa, tóat ra từ thân thể của các thánh khi các vị còn sống cũng như sau khi qua đời. Chúng được xem là biểu tượng của danh thơm đức hạnh lạ thường. Vì vậy năm dấu thánh của thánh Phanxicô Átxidi được cho là thỉnh thỏang tiết ra hương thơm dìu dịu. Khi thánh nữ Theresa qua đời năm 1582, nước tắm cho thân thể thánh nữ trở thành nước có mùi thơm đáng chú ý. Suốt trong chín tháng, một mùi hương nhiệm mầu tỏa ra từ ngôi mộ của ngài. Cả hai hiện tượng này đã được nghiên cứu cẩn thận trong tiến trình điều tra phong thánh cho ngài. Trong các điều kiện Giáo hội đặt ra để xác minh hiện tượng là liệu có phép lạ thể lý nào liên quan đến việc tỏa mùi hương hay không.
Franciscan Crown
Chuỗi Phanxicô, Chuỗi bảy sự vui Đức Mẹ. Là chuỗi bảy chục tưởng nhớ bảy sự vui của Đức Bà, cụ thể là Truyền tin cho Đức Bà, Đức Bà đi viếng bà Elizabeth, Sinh Chúa Kitô, Ba Đạo sĩ thờ lạy Chúa, Tìm Chúa Giêsu trong Đền thờ, Chúa Kitô Phục sinh hiện ra với Đức Bà, Đức Bà hồn xác lên trời và tôn làm Nữ vương Trời Đất. Được phổ biến trong Dòng Phanxicô vào năm 1422, chuỗi nguyên thủy có bảy Kinh Lạy Cha, 70 Kinh Kính Mừng. Sau đó người ta thêm vào hai Kinh Kính mừng nữa, thành 72 Kinh Kính Mừng, và đây là tuổi được suy đoán của Đức Mẹ khi Ngài về trời.
Frankincense
Nhũ hương. Là nhựa màu trắng của cây tô hợp hương và được dùng trong nước hoa và dược phẩm. Một trong các sự kiện sau khi Chúa ra đời là ba đạo sĩ từ phương Đông đến viếng Máng cỏ, mang theo các quà tặng gồm có vàng, nhũ hương, và mộc dược (Mt 2:10-11). (Từ nguyên Pháp cổ encens, hương trầm.)
Fraternal Charity
Bác ái huynh đệ. Là sự thực thi đức ái với tình thương nhìn nhận người khác như là con cái của Chúa, và do đó như là anh chị em của mình trong Chúa.
Fraternal Correction
"Anh em sửa lỗi nhau”. Việc này thường liên quan đến một lỗi nặng, hoặc người phạm lỗi không biết là nặng hoặc hy vọng được sửa trị bằng lời khuyên bảo của người khác. Đây là thực thi bác ái huynh đệ và được khuyên làm như vậy. Nó không bao giờ được làm vì lợi ích của người bị xúc phạm, nhưng chủ yếu nhằm giúp người phạm lỗi, hoặc có lợi cho bên thứ ba. Trong một số cộng đòan tu trì, việc này là một hình thức được nhìn nhận để cổ vũ sự khiêm hạ, và là sự trợ giúp có giá trị để tăng trưởng trong đường trọn lành Kitô giáo.
Fraticelli
Tu sĩ Dòng Hành khất, Nhánh Dòng Phanxicô. Trong cách dùng thông thường, từ ngữ này qui chiếu đến mọi thành viên của các dòng nam, nhất là các dòng hành khất và ẩn sĩ. Nhưng trong lịch sử Giáo hội, nó có nghĩa là các nhánh tách ra khỏi Dòng Phanxicô trong thế kỷ 14 và 15, mà họ cho là đã thỏa hiệp với nhau về tinh thần nghèo khó nguyên thủy của thánh Phanxicô. (Từ nguyên Ý fraticelli, anh em nhỏ, tiểu đệ.)
Fraud
Gian lận, lừa đảo, lừa gạt. Tước đi nơi người khác cái gì đó mà người ấy có quyền. Một người bị lừa gạt hoặc bằng cách tước đi một vật của người ấy hoặc thu giữ vật ấy. Sự lừa gạt bao hàm các tuyên bố làm sai lạc hay cố ý xuyên tạc một sự thật, như là một phương tiện để tước đọat, và đây là ý nghĩa thường thấy trong Kinh thánh: “Các ngươi không được trộm cắp, không được nói dối, không được lừa gạt đồng bào mình" (Lv 19:11).
Free Catholicism
Giáo hội tự trị, Giáo hội tự do. Từ ngữ mà một số phát ngôn viên của các Giáo hội tự trị ở Anh dùng để chỉ một phong trào hướng đến việc giải thích Kitô giáo theo cách Công giáo, nhưng không nhất thiết chấp nhận các niềm tin và tập tục Công giáo, và không cần trở về tuân phục Tòa thánh.
Free Cause
Nguyên nhân tự do. Là một tác nhân hành động từ sự hiểu biết và với mục đích có cân nhắc, nó khác với nguyên nhân cần thiết.
Free Churches
Hội thánh tự trị. Là các giáo phái Tin lành trong truyền thống Giáo đòan. Họ được gọi là Hội thánh tự trị (hay tự do) bởi vì họ nhấn mạnh đến sự tự do trong việc tin các tín điều, nhưng cũng bởi vì họ tin rằng mỗi hội thánh là tự trị, không tùy thuộc bất cứ giáo quyền nào trên cộng đòan địa phương.
Freedom
Tự do. Là sự miễn trừ khỏi việc quyết định hoặc sự cưỡng bách; do đó thiếu vắng mọi sự cần thiết trước đó, dù là nội tại (trong ý chí con người) hay ngọai tại (từ nguồn bên ngòai).
Freedom Of Contradiction
Tự do mâu thuẫn. Là sự tự do hành động hay không hành động, là sự tự do làm hay bỏ một hành động đã cho. Cũng gọi là “tự do hành xử” (the freedom of exercise).
Freedom Of God
Sự tự do của Chúa. Là sự tự do của Chúa liên quan đến các tạo vật. Chúa nhất thiết yêu chính Ngài, nhưng Ngài yêu thương và muốn vươn ra khỏi mình với sự tự do. Sự tự do thiên linh là tự do hành động hay không hành động (tự do mâu thuẫn, the freedom of contradiction), thí dụ sáng tạo thế giới. Và đây là sự tự do chọn lựa nhiều hàng đa dạng hay nhiều hành động trung lập (tự do định lọai, the liberty of specification), thí dụ sáng tạo thế giới này hay thế giới nọ.
Freedom Of Specification
Tự do định loại. Là sự tự do để xác định cách nào trong hai cách hay nhiều cách khác nhau một người sẽ hành động. Đây là sự tự do để làm cái này hay cái khác; là quyền hành động khi chọn lựa một trong nhiều biện pháp có thể được để đi đến một mục đích.
Freedom Of Spontaneity
Tự do tự phát. Là khả năng chuyển động hoặc bị chuyển động trong bất cứ hướng nào. Đặc biệt từ ngữ này qui chiếu đến sự tự do mà một người có, khi dưới sự thúc đẩy của ân sủng, tự do này không ép buộc một hành động mà nó cần mời ý muốn của con người đáp ứng.
Freedom Of Thought
Tự do tư tưởng. Trong nghĩa chính xác, là khả năng của tâm trí con người để phân biệt đúng sai. Trong nghĩa này, nó là nền tảng cho sự tự do của ý chí, để chọn lựa giữa tốt và xấu. Nhưng về mặt lịch sử, từ ngữ trên trở thành mốt như một khẩu hiệu cho Nhóm người độc lập tư tưởng, tức là những người hoài nghi thực sự. Hume (1711-76) và Voltaire (1694-1778) đều tự xưng là Người độc lập tư tưởng, bởi vì họ chọn không tin vào mặc khải của Chúa, và trong thực tế họ đã lọai bỏ các tiếng gọi cơ bản của lý trí đứng đắn.
Freedom Of Worship
Tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Là một phần của tự do tôn giáo liên quan đến việc thờ phượng Chúa, theo tiếng gọi lương tâm của mình. Đặc biệt từ ngữ này qui chiếu đến sự tự do khỏi sự ép buộc của dân luật. Công đồng chung Vatican II đã nhận định về tự do tín ngưỡng như sau: “Hơn nữa theo bản chất, những hành vi tôn giáo nào còn giúp con người tự ý hướng tới Thiên Chúa một cách riêng tư hay công khai đều vượt trên phạm vi trần thế và thời gian của sự vật. Bởi vậy, quyền bính dân sự, vì mục đích riêng biệt là phục vụ công ích trần thế, nên phải nhìn nhận và nâng đỡ đời sống tôn giáo của người công dân. Nhưng nếu tự ý hướng dẫn hay ngăn cản hành vi tôn giáo, thì quyền bính này phải nói là đã vượt quá những giới hạn của mình (Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo, I, 3).
Free Love
Yêu đương tự do. Là quan hệ tình dục tự do, hoặc giữa những người chưa lập gia đình, hoặc với vợ (hay chồng) của người khác, hoặc giữa những người đồng phái. Tất cả các quan hệ tính dục này đều bị cấm bởi luật tự nhiên, mặc khải của Chúa và giáo huấn của Giáo hội.
Freemasonry
Hội Tam Điểm, Bè Tam Điểm. Là các lời dạy và nghi lễ của một tổ chức bí mật quốc tế, mà nguồn gốc trong thời cận đại là từ thời đầu của thế kỷ 18. Hội tự định nghĩa là “hoạt động của một nhóm người thân thiết với nhau, dùng các biểu tượng chủ yếu vay mượn từ nghề thợ nề và ngành kiến trúc, cùng nhau hoạt động cho phước thiện của nhân loại, cố gắng tự cải thiện bản thân và người khác, và do đó tạo ra một liên đoàn toàn thể nhân loại.” Hội Tam Điểm khởi đầu là một nhóm ái hữu những người Hữu thần tại châu Âu, và định hướng căn bản là tự nhiên chủ nghĩa, nghĩa là bài siêu nhiên. Sự thù địch của các chi nhánh Tam Điểm với Giáo hội công giáo đã gây ra nhiều tuyên bố của Tòa Thánh, nhất là của các Đức Giáo hoàng Clement XII (1738), Benedict XIV (1751), Pius IX trong nhiều văn kiện, đặc biệt Danh mục các Mệnh đề Sai lầm (1864), và Leo XIII trong thông điệp Humanum Genus (1884). Bộ Giáo luật năm 1918 nói rằng không người Công giáo nào được phép “tham gia các bè Tam Điểm hoặc bất cứ tổ chức tương tự nào có âm mưu chống phá Giáo hội” (Điều 2335). Vì không phải mọi chi hội Tam Điểm là chống Công giáo một cách công khai, một quyết định của Thánh bộ Giáo lý Đức tin làm giảm nhẹ tính cách cứng rắn của luật trên, khi nói: “Khi xem xét các trường hợp đặc biệt, cần phải nhớ rằng hình luật là luôn luôn được giải thích chặt chẽ. Do đó, người ta nên dạy và áp dụng cách an toàn ý kiến của các tác giả, vì họ cho rằng Điều 2335 chỉ nói đến các người Công giáo tham gia các hiệp hội chống phá Giáo hội" (ngày 18-9-1974). Như thế, trong các trường hợp đặc biệt, người giáo dân có thể tham gia một chi hội Tam Điểm, tuy nhiên các giáo sĩ, tu sĩ và thành viên các tu hội đời không thể tham gia chi nhánh Tam Điểm.
Free Speech
Tự do phát biểu, tự do ngôn luận. Là sự tự do phát biểu niềm tin hoặc ý kiến của mình trong lời nói hay bài viết, phù hợp với luật luân lý và quyền lợi hợp pháp và phẩm giá của con người. Sự tự do phát biểu là một quyền tự nhiên, và cũng giống như các quyền tự nhiên khác, nó không bị hạn chế. Không có có quyền luân lý để nói nhưng điều không đúng sự thật, hoặc xúc phạm đến người khác hay làm hại cho xã hội. Hơn nữa, nhà nước có quyền hạn chế sự tự do ngôn luận khi xét thấy cần cho công ích.
Freethinker
Người độc lập tư tưởng, người vô tôn giáo. Từ khởi đầu phát sinh cho tới nay, từ ngữ này có nghĩa là một người bác bỏ mặc khải Kitô giáo và tuyên bố là vô tri trong vấn đề tôn giáo. Đôi khi từ ngữ này được dùng để mô tả một người cho rằng mình độc lập có ý kiến, không tùy thuộc vào người khác.
Free Will
Ý chí tự do. Là sức mạnh của ý chí để tự quyết định và tự hành động, mà không bị bắt buộc từ bên trong và bị cưỡng bức từ bên ngoài. Đây là khả năng của một hữu thể thông minh để hành động hay không hành động, hành động bằng cách này hay bằng cách khác, và do đó là khác với với hoạt động của các loài không có lý trí, vốn chỉ đáp ứng cho một kích thích và bị điều kiện hóa bởi đối tượng có giác quan.
French Revolution
Cách mạng Pháp. Là cuộc lật đổ chính trị và tôn giáo bắt đầu tại Pháp năm 1789 và có ảnh hưởng cho toàn thế giới. Trong các khía cạnh lớn ảnh hưởng đến Giáo hội Công giáo có lời thề trung thành với chính quyền dân sự, vốn hàm ý từ bỏ đức tin. Đã có nhiều vị tử vì đạo, cùng với việc chính quyền xóa bỏ nhiều dòng tu và tịch thu tài sản của Giáo hội.
Frequent Communion
Năng rước lễ, rước lễ thường xuyên. Từ các thế kỷ đầu của Giáo hội, đây là tập tục rước lễ thường xuyên, như một phương tiện để sống kết hiệp với Chúa. Việc rước lễ hàng tuần là thói quen đã có từ thời các thánh tông đồ. Từ cuối thế kỷ thứ hai, nhiều linh mục và giáo dân rước lễ mỗi ngày. Đến thế kỷ 13, tập tục đã gỉam sút đến mức Công đồng chung Lateran IV phải ra luật rước lễ mỗi năm ít là một lần trong mùa Phục Sinh. Trong thế kỷ 16, Công đồng chung Trent thúc giục việc rước lễ mỗi lần tham dự thánh lễ. Trong các thế kỷ chịu ảnh hưởng của phái Jansen (đạo lý khắc khổ), việc rước lễ, như một việc được Chúa Kitô và Giáo hội Công giáo rất mong muốn, “nên mở rộng cho mọi tín hữu” (Denzinger 3375-83). Các điều kiện duy nhất là người muốn rước lễ phải đang trong tình trạng ân sủng và có ý ngay lành.
Freudianism
Học thuyết Freud. Là học thuyết và thực hành của phân tâm học do bác sĩ Sigmund Freud (1856-1939) lập ra. Đây là một trong các thách thức chủ yếu đối với thần học luân lý Công giáo. Trong các nét đặc trưng của thuyết này, có vai trò của tiềm thức trong hành động của con người, sự nguy hại tâm lý của ức chế tình cảm, ưu thế của tính dục trong hành vi con người, ảnh hưởng suốt đời của kinh nghiệm trong thời thơ ấu và thiếu niên. Lập trường của thuyết Freud về tôn giáo nói chung là tiêu cực: 1. các giả định của thuyết đều là vô thần, cho rằng khái niệm của con người về Chúa là một mơ ước-viên mãn cho mình; 2. đời sống thiêng liêng bị loại trừ cách mặc nhiên bởi mối bận tâm nhiều đến bản năng con người; và 3. tôn giáo được cho là sự thăng hoa của dục tính.
Friar
Sư huynh, thầy, đệ, tu sĩ, anh, tu huynh. Nguyên thủy là hình thức thưa gửi nói chung giữa các tín hữu Kitô giáo, như được thấy rõ ràng trong các chữ “anh, em” và “anh em” trong Tân Ước. Sau đó từ ngữ được dành riêng cho các thành viên Dòng tu, và sau cùng, kể từ thế kỷ 13, nó quy chiếu đến thành viên các Dòng Hành khất, chủ yếu là Dòng Phanxicô và Dòng Đaminh, mặc dầu còn mở rộng cho các Dòng chiêm niệm. Tuy nhiên, nói một cách chặt chẽ hơn, một tu sĩ khác với một đan sĩ ở chỗ tu sĩ làm tác vụ ngoài tu viện, trong khi theo truyền thống, cầu nguyện và lao động của một đan sĩ được thực hiện bên trong đan viện mà đan sĩ ấy đang ở. (Từ nguyên Pháp cổ frère, freire, anh, em; Latin frater, anh, em.)
Friars Minor
Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM). Là một nhánh của Dòng Nhất của thánh Phanxicô, thường được gọi là Dòng Phanxicô, được thánh Phanxicô Átxidi (1181-1226) thành lập và chính thức được Tòa thánh phê chuẩn năm 1209. Năm 1517 tất cả các nhóm cải cách ban đầu, như nhóm Clareni và nhóm Coletani, hiệp nhất với nhau thành một nhánh, và từ đó được gọi là Dòng Anh Em Hèn Mọn của thánh Phanxicô, hoặc Dòng Anh Em Hèn Mộn Nhánh Tuân Thủ. Năm 1897, Đức Giáo hoàng Leo XIII chấp thuận cho một số nhóm khác, như nhóm Reformati (Cải cách), nhóm Recollects (Cải tổ), và nhóm Đi Chân Đất gia nhập vào Dòng Anh Em Hèn Mọn.
Friary
Huynh đòan, tu viện. Là một cộng đoàn các tu sĩ; cũng là tu viện mà họ sinh sống. Từ ngữ được áp dụng đặc biệt cho Dòng Phanxicô, Dòng Đaminh, Dòng Carmêlô, Dòng Âu Tinh và Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ.
Friday
Friday, thứ Sáu. Tên này phái sinh từ tiếng Anh Cổ điển frigedaeg, ngày của Frig', là nữ thần vợ của Odin, thượng đẳng thần Norse. Đây là ngày thứ sáu của tuần lễ. mà từ thời đầu của Kitô giáo, đã được dành để kính nhớ cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Mỗi ngày thứ Sáu mời gọi một hành vi sám hối ăn năn, khi người ta không kiêng ăn thịt. Đây là vấn đề luật buộc như Đức Giáo hoàng Phaolô VI quy định trong tông hiến Paenitemini (Khỏan II, 2) năm 1966.
Friday Abstinence
Kiêng thịt ngày thứ Sáu. Là việc kiêng ăn thịt ngày thứ Sáu để kính nhớ cuộc Thương Khó và cái Chết của Chúa Kitô. Tập tục này là phổ biến giữa các Kitô hữu từ thế kỷ thứ nhất. Tập tục được kéo dài qua ngày thứ Bảy tại Tây phương sau đó. Cho đến tông hiến của Đức Giáo hoàng Phaolô VI năm 1966, mọi ngày thứ Sáu đều buộc phải kiêng thịt trong toàn Giáo hội, ngoài trừ một số lãnh thổ được miễn luật kiêng thịt. Tuy nhiên từ năm 1966 luật kiêng thịt cho toàn Giáo hội chỉ còn buộc trong ngày thứ Tư Lễ Tro và các ngày thứ Sáu Mùa Chay. Luật buộc kiêng thịt áp dụng cho mọi người đã tròn 14 tuổi. Luật kiêng thịt cấm ăn thịt, nhưng cho phép ăn trứng, các sản phẩm từ sữa, và đồ gia vị làm từ mỡ động vật. Việc hủy bỏ kiêng thịt ngày thứ Sáu thường bị hiểu lầm. Việc kiêng khem ngày thứ Sáu không bị hủy bỏ; thay vào đó hiện giờ các tín hữu được quyền chọn hoặc kiêng thịt hoặc làm việc sám hối nào đó trong các ngày thứ Sáu. Theo luật Giáo hội, “việc giữ ngày thứ Sáu” như là ngày đền tội sám hội, trong đó người ta kiêng thịt hay làm những việc đền tội khác, “là một bổn phận quan trọng" (Tông hiến Paenitemini, khỏan II, 2).
Friendship
Tình bạn, tình bằng hữu, tình bạn hữu. Là tình yêu hỗ tương. Trong từ ngữ triết học, một người bạn là người mà ta biết và thương người ấy, và người ấy cũng biết và thương ta, vì lý do đạo đức. Trong Tân Ước, khái niệm Kinh thánh về tình bạn đưa thêm một nét vị tha hoàn tòan theo gương Chúa Giêsu Kitô, vì tình thương của Chúa là quảng đại, tha thứ, và chỉ tìm lợi ích cho người Chúa thương. Sự chia sẻ tâm sự cũng là một phần của việc hiểu biết tình bạn theo Kinh thánh (Ga 15:15).
Fruits Of The Holy Spirit
Hoa quả Chúa Thánh Thần. Theo thánh Phaolô, đó là các việc siêu nhiên chứng tỏ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Người nào chu toàn các việc này sẽ nhận biết sự hiện diện của Chúa qua niềm hạnh phúc mà mình cảm nghiệm, và các người khác nhận biết sự hiện diện của Chúa khi chứng kiến các việc lành đó (Gl 5:22-23). Nói cách khác, các việc này là hiệu quả có thể nhận biết của Chúa Thánh Thần. Trong Kinh thánh Phổ thông, các hoa quả này là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, bao dung, hòa nhã, tiết độ và khiết tịnh.
Fruits Of The Mass
Hoa quả của Thánh lễ. Là các phúc lành thiêng liêng và trần thế mà người ta có được qua Hy lễ Tạ ơn. Các hoa quả chung của Thánh lễ được ứng dụng cho tòan Giáo hội, trong đó mọi tín hữu, kể cả người sống và người đã chết, đều được chia sẻ. Các hoa quả đặc biệt được ứng dụng trước hết cho các linh mục cử hành Thánh lễ, sau đó đến các người được Thánh lễ dâng ý chỉ cho, sau cùng đến với những người tham dự phụng vụ Hy tế Tạ ơn.
Frustulum
Phần ăn nhỏ. Là một phần ăn nhỏ được dùng điểm tâm trong các ngày ăn chay. Điều này được giáo luật (Điều 1251) dự liệu, vốn cho phép ăn chút thức ăn, vào buổi sáng và buổi tối, ngoài bữa ăn trưa đầy đủ.
Fulfillment
Chu tòan, thực hiện, hoàn thành, hoàn tất. Là việc hòan thành một điều gì đã hứa, hoặc có được điều gì đã hy vọng. Cũng là sự chu tòan điều gì được yêu cầu hoặc đòi hỏi. Chu tòan hay thành tựu là một nét nổi bật của đường thiêng liêng hiện nay, vốn nhấn mạnh đến nhu cầu hài lòng cá nhân như một động lực để hòan thành công việc.
Full Of Grace
Đầy ơn phúc. Một từ ngữ áp dụng trong Tân Ước (Kinh Thánh Phổ thông) cho Chúa Kitô, Đức Trinh Nữ, các Tông đồ và thánh Stephen (Xtêphanô). Nhưng theo truyền thống từ ngữ này áp dụng đặc biệt cho Đức Mẹ Maria, như trong lời kinh “Kính mừng Maria, đầy ơn phúc.” Đây là lời giải thích chính thức của Giáo hội cho từ ngữ Hi Lạp Kecharit_men_ in trong lời chào của Sứ thần, mà mọi bản dịch Latinh thời đầu đều là gratia plena (Lc 1:28). Áp dụng cho Mẹ Maria, Mẹ của Chúa, Mẹ được nhiều ơn phúc, chỉ thua kém Chúa Kitô nhưng hơn nhiều hơn so với tất cả các thiên thần và các thánh. Cho rằng việc đầy ơn phúc trong Chúa Kitô là một bổ túc cần thiết của ngôi hiệp, và việc đầy ơn phúc của Đức Mẹ là hoàn tòan nhưng không, một số thần học gia (chẳng hạn Francis Suarez) chủ trương rằng ơn thánh hóa của Đức Mẹ vượt xa toàn bộ sự thánh thiện cộng lại của mọi tạo vật khác.
Function
Chức năng, nhiệm vụ, buổi lễ. Là họat động đặc thù của bất cứ lực nào hay cơ quan nào trong con người, như thính giác hay thị giác. Trong thần học, chức năng là mục đích của bất cứ bí tích nào; là nhiệm vụ của bất cứ tác vụ đặc biệt nào; là buổi lễ của nghi thức Giáo hội; là trách nhiệm của một văn phòng hay một chức vụ trong việc phục vụ của Giáo hội đối với tín hữu.
Functional Love
Tình yêu chức năng. Là tình thương tỏ ra cho một người không vì ích lợi của người ấy, nhưng vì mục đích người ấy có thể giúp cho, hay vì sự lợi dụng có thể có được nhờ sự giúp đỡ của người ấy.
Fund
Fund, Fundatio – Quỹ, Cơ sở.
Fundamental Theology
Thần học cơ bản. Là một phần của thần học, vốn thiết lập sự việc rằng Chúa đã thực hiện việc mặc khải siêu nhiên, thiết lập Giáo hội, mà Chúa Kitô đã sáng lập, và Giáo hội là người giữ gìn và giải thích chính thức Lời Chúa. Được gọi là thần học, bởi vì nó là một khoa học về Chúa; và được gọi là cơ bản, do vai trò của nó là đưa ra các nền tảng hợp lý của đức tin Công giáo. Tại một số giới, từ ngữ “thần học cơ bản” có một nghĩa phái sinh và thứ yếu, đó là khoa học về các tín lý cơ bản của đức tin Kitô giáo.
Funeral Rites
Nghi thức mai táng. Là các cuộc lễ phụng vụ mà Giáo hội thực hiện tại lễ an táng một thành viên của Giáo hội Công giáo. Hiến chế về Phụng vụ của Công đồng chung Vatican II chỉ thị rằng các nghi thức mai táng cần được duyệt lại, để diễn tả rõ ràng hơn tính cách Vượt qua của cái chết Kitô hữu, và nghi thức an táng trẻ em cần được thực hiện trong một thánh lễ đặc biệt. Cả hai điều khỏan này đã được thực hiện trong nghi thức mới được Đức Giáo hòang Phaolô VI công bố và có hiệu lực từ ngày 1-6-1970. Sự nhấn mạnh mới là vào niềm cậy trông Kitô giáo cho sự sống đời đời, và cho sự sống lại từ cõi chết trong ngày tận thế.
Future
Tương lai, mai sau. Trong triết học kinh viện, là sự gì chưa hiện diện hoặc chưa xảy ra nhưng sẽ đến và sẽ xảy ra. Thường qui chiếu đến thế giới bên kia như “sự sống tương lai” hoặc “hạnh phúc tương lai”.
Futurible
Vị lai khả hữu. Là các hành động tự do tương lai của thọ tạo có lý trí, vốn sẽ xảy đến nếu một số điều kiện được đáp ứng. Mặc dầu chúng sẽ không xảy đến, nhưng Chúa đã biết đến chúng trong điều được gọi là tri thức trung gian thiên linh, tức scientia media, có nghĩa là sự hiểu biết nằm giữa sự biết trước của Chúa với các khả năng thuần túy và các việc tương lai sẽ thật sự xảy ra.
Futurology
Tương lai học. Là nghệ thuật hay sự thực hành tiên đóan các phát triển tương lai trong xã hội, hoặc trong giai đọan nào đó của nỗ lực con người, chẳng hạn trong luân lý, tôn giáo hoặc Kitô giáo. Được vay mượn từ các khoa học tự nhiên, tương lai học dựa vào một khái niệm tiến triển của con người và xã hội.