Common Good
Ích chung, công ích. Là lợi ích chung của một cộng đòan, như là đối tượng của một luật chính đáng, và được phân biệt với lợi ích cá nhân, vốn chỉ nhìn vào lợi ích của một người mà thôi.
Common Life
Đời sống chung, đời sống cộng đoàn. Đây là một điều kiện của đời tu trì, trái với một cá nhân sống trong bật giáo sĩ triều hoặc cuộc sống đan tu đơn độc. Nó có nghĩa là sống trong cộng đòan, với sự tùng phục một bề trên và một quy luật chung, và của cải là của chung, như thức ăn, quần áo, nơi ở.
Comm. Prec.
Commemoratio praecedentis -- nhớ lễ trước đó.
Comm. Seq.
Commemoratio sequentis -- nhớ lễ tiếp theo.
Communal Penance
Giải tội tập thể. Là việc giải tội chung bằng cách này hay bằng cách khác, được Đức Giáo hòang Phaolô VI cho phép từ năm 1973. Một hình thức của giải tội tập thể là sám hối tập thể, nhưng xưng tội riêng và xá giải riêng. Một hình thức khác là hòan tòan tập thể, kể cả xá giải chung. Khi việc xá giải chung được ban trong hòan cảnh đặc biệt, hối nhân buộc phải xưng các tội trọng riêng, trừ phi không thể được về mặt luân lý, ít là trong vòng một năm.
Communicable Attribute
Ưu phẩm khả thông. Sự toàn thiện của Chúa có thể được chia sẻ cho nhưng người khác ngoài Chúa, như sự sống, sự thiện và sự khôn ngoan.
Communicant
Người chịu lễ, người giữ đạo. Là người rước Mình Thánh Chúa, và từ ngữ cũng còn được dùng để chỉ tất cả những thành viên giữ đạo tốt của một giáo hội, để phân biệt với người chỉ là Công giáo theo danh nghĩa. (Từ nguyên Latinh communicare, tham gia; thông báo, thông tin.)
Communicate
Chuyển thông, thông đạt, chia sẻ. Trong linh đạo Kitô giáo, là chia sẻ với người khác những gì mình có, để cho hai bên hiệp nhất với nhau về tư tưởng hoặc sở hữu. Sự chuyển thông của cải vật chất có nghĩa là bị tước những gì đã chia sẻ. Nhưng trong những điều về tinh thần, người chuyển thông không hề bị mất chúng, chẳng hạn trong giáo dục hoặc yêu thương người khác, nhưng lại được phong phú thêm, nhờ sự chia sẻ.
Communication
Thông dự, chuyển thông, thông hiệp. Trong luật Giáo hội, đó là việc nhượng một đặc quyền cho một người khác hoặc một cơ sở khác, như là sự mở rộng đặc quyền ấy đã được Giáo hội ban cho một người.
Communication Of Properties
Chuyển thông đặc tính. Là việc gán cho Chúa Kitô có hai nhóm đặc tính, một nhóm thiên linh và một nhóm nhân linh. Bởi vì chúng ta gán các đặc tính và hoạt động cho một người, và bởi vì Chúa Kitô là một ngôi vị có hai bản tính, chúng ta có thể gán các đặc tính và hoạt động hoặc thiên linh hoặc nhân linh cho Chúa Kitô. Chúng ta có thể nói chính xác rằng Chúa Kitô là Chúa và là con người, rằng Ngài được Đức Trinh nữ sinh ra và là Chân lý vô cùng đã chết trên Thập giá. Tuy nhiên, chỉ có các tên cụ thể mới được sử dụng trong cách này, bởi vì các tên trừu tượng bị “rút ra” từ sự hiện hữu của vật gì đó trong một cá nhân cụ thể. Do đó sẽ là sai lầm khi nói rằng Đức Maria là mẹ của thiên tính.
Communio Et Progressio
Huấn thị mục vụ “Hiệp thông và Tiến bộ”, Huấn thị mục vụ Communio Et Progressio. Đây là huấn thị của Hội đồng giáo hoàng về truyền thông xã hội, nhằm áp dụng Sắc Lệnh về các Phương tiện truyền thông xã hội (Inter Mirifica) của Công đồng chung Vatican II. Huấn thị này bàn thảo theo thứ tự: các nguyên tắc tín lý; đóng góp của truyền thông xã hội vào sự tiến bộ của con người; huấn luyện cho người tiếp thu và người truyền thông; cơ hội và nghĩa vụ của cả hai bên; hợp tác giữa công dân và chính quyền dân sự; hợp tác giữa mọi tín hữu và người thiện chí; sự dấn thân của người công giáo trong phương tiện truyền thông; công luận và truyền thông trong đời sống Giáo hội; họat động của người công giáo trong lĩnh vực viết văn, điện ảnh, truyền thanh, truyền hình, kịch nghệ, thiết bị, nhân sự, và tổ chức; nhu cầu cấp bách bởi vì các lực lượng khác ngoài Công giáo hoặc Tin lành có nguy cơ thống trị phương tiện truyền thông. Văn kiện này là một phần của giáo huấn hậu Công đồng về phương tiện truyền thông. Văn kiện bổ túc Tự sắc “Với nhiều hoa trái” (In Fructibus Multis) của Đức Giáo hòang Phaolô VI ban hành ngày 25-5-1971.
Communion
Hiệp lễ, rước lễ, hiệp thông, thông công. Trong lối nói Kitô giáo, đây là từ ngữ dùng để diễn tả cách thánh thiêng nhất bất cứ hình thức hiệp thông nào. Là sự hiệp thông giữa Chúa và linh hồn con người trong nơi cư ngụ thiên linh; rước lễ là sự hiệp thông giữa Chúa Kitô và người rước Mình Thánh Chúa; là sự hiệp thông giữa những người cùng thuộc về Nhiệm Thể trên Thiên đàng, luyện ngục, và trên Trái đất trong việc các thánh thông công; là sự hiệp thông giữa các người thuộc về Giáo hội Công giáo như là một cộng đòan đức tin. (Từ nguyên Latinh communio, chia sẻ hiệp nhất, liên kết; dự phần.)
Communion, Frequent
Năng chịu lễ, rước lễ thường xuyên. Là việc rước lễ mỗi ngày, như thánh Giáo hòang Pius X giải thích ý nghĩa của chữ “thường xuyên, năng” (frequent). Các điều kiện cho việc rước lễ mỗi ngày là sạch tội trọng, có ý hướng ngay lành, tức là để tôn vinh Chúa, lớn lên trong đức ái Kitô giáo và thắng các chiều hướng tội lỗi. Trong Giáo hội sơ khai, việc rước lễ hàng ngày là chuyện thông thường. Sau đó, việc rước lễ này không còn được áp dụng, và chỉ trong thời hiện đại việc rước lễ thường xuyên mới dần dần được tái lập. Nền tảng cho Giáo hội thúc giục tín hữu rước lễ thường xuyên được dựa vào truyền thống các giáo phụ. Thánh Giáo hòang Pius X viết: “Trong kinh Lạy Cha, chúng được bảo là hãy xin lương thực hàng ngày. Các giáo phụ của Giáo hội đều đồng thanh dạy rằng, qua các lời nầy chúng ta phải hiểu rằng lương thực vật chất bồi bổ cho thân xác chúng ta, nhưng chưa bằng Mình Thánh Chúa là của nuôi hàng ngày của chúng ta" (Sacra Tridentina Synodus, ngày 20-12-1905).
Communion, Spiritual
Rước lễ thiêng liêng. Là ước muốn rước Mình Thánh Chúa đi trước việc rước Mình Thánh Chúa thật. Việc rước lễ thiêng liêng, được làm trong hành vi đức tin và đức ái mỗi ngày, đã được Giáo hội hết lòng khuyến khích. Theo giáo lý của Công đồng chung Trentô, tín hữu “rước lễ thiêng liêng” là “người sốt sắng với đức tin sống động làm việc trong đức ái, chia sẻ trong nỗi ước ao rước Mình Thánh Chúa ban tặng cho mình, tiếp nhận từ Mình Thánh Chúa, nếu không phải là tất cả, thì ít là một phần các ơn ích thật lớn lao” (Về phép Thánh Thể).
Communion Antiphon
Điệp ca hiệp lễ. Là thánh ca hát trong khi tín hữu rước lễ. Ngòai điệp ca này, các thánh ca khác được Hội đồng giám mục địa phương chấp thuận cũng có thể được hát. Nếu không hát điệp ca hiệp lễ khi rước lễ, thì phải đọc điệp ca này.
Communion Cloth
Vải bàn rước lễ. Là dải vải trắng trước đây được treo ở hàng rào chấn song trước cung thánh. Mục đích của dải vải này là để hứng bất cứ phần nào của Mình Thánh Chúa có thể tình cờ rơi xuống khi tín hữu rước lễ. Nhưng sau đó trong hầu hết các nhà thờ, đĩa chịu lễ được người giúp lễ cầm để hứng các phần Mình Thánh Chúa có thể rơi xuống.
Communion Of Children
Trẻ em rước lễ. Vào thời xưa, trong các Giáo hội Đông phương, trẻ em được rước lễ ngay sau khi chịu phép Rửa tội; ở Tây phương, trẻ em chỉ rước lễ khi hấp hối. Công đồng Lateran thứ Tư (năm 1215) và Công đồng Trentô (năm 1551) đưa ra luật Rước lễ Phục sinh và Của Ăn đàng cho trẻ em khi đến tuổi biết phán đóan. Sau rất nhiều năm luật này bị lơ là, thánh Giáo hòang Pius X qui định việc rước lễ thường xuyên, cũng dành cho trẻ em (năm 1905) và tái lập việc Rước lễ sớm cùng với bí tích hòa giải cho trẻ em đến tuổi khôn (năm 1910).
Communion Of Saints
Các thánh thông công. Là sự hiệp nhất và hợp tác giữa các thành phần Giáo hội ở dương thế với thành phần Giáo hội trên trời và trong luyện ngục. Họ hiệp nhất với nhau vì là thành phần của một Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Các tín hữu trên dương thế hiệp thông với nhau bằng việc tuyên xưng cùng một đức tin, vâng phục cùng một giáo quyền, và giúp đỡ nhau với lời cầu nguyện và việc lành. Họ hiệp thông với các thánh trên thiên đàng bằng cách tôn vinh các ngài như là thành phần vinh hiển của Giáo hội, xin các ngài cầu nguyện và giúp đỡ, và cố gắng bắt chước nhân đức của các ngài. Họ hiệp thông với các linh hồn trong luyện ngục bằng cách giúp lời cầu nguyện và việc lành cho các vị sớm hưởng tôn nhan Chúa.
Communion Paten
Đĩa chịu lễ. Một đĩa có hình dáng khum thường bằng kim loại quý như đĩa thánh, nhưng có tay cầm nhô ra. Người giúp lễ cầm đĩa chịu lễ và đặt dưới cằm người rước lễ, để hứng bất cứ phần Mình Thánh Chúa nào có thể rơi xuống. Đĩa chịu lễ không được làm phép.
Communion Pause
Thinh lặng thánh, thinh lặng sau Rước lễ. Là thời gian cầu nguyện trong thinh lặng sau khi Rước lễ trong thánh lễ. Thay vì thinh lặng, cộng đoàn cũng có thể hát chung một bài ca tạ ơn.
Communion Rail
Hàng rào chấn song trước cung thánh. Là hàng rào chấn song bằng gỗ, kim loại hoặc đá, nằm ngang trước cung thánh, và tín hữu quỳ sát hàng rào này để rước lễ. Người ta có thói quen treo vải bàn rước lễ dọc theo hàng rào này, và người rước lễ cầm tấm khăn đặt dưới cằm mình khi rước Mình Thánh Chúa.
Communion Rite
Nghi thức rước lễ. Là việc cử hành bí tích Thánh Thế như một bữa ăn Vượt qua. Nghi thức này hàm ý rằng các tín hữu trong sự chuẩn bị tốt sẽ đáp trả lệnh truyền của Chúa, bằng cách rước Mình Máu Thánh của Ngài để làm của ăn thiêng liêng cho mình. Họ chuẩn bị Rước lễ và cảm tạ Chúa sau đó, bằng một loạt nghi thức phụng vụ, bắt đầu với Kinh Lạy Cha và kết thức với phần hậu Hiệp lễ.
Communism
Chủ nghĩa Cộng sản. Là một học thuyết xã hội khẳng định mọi của cải là của chung và từ chối quyền tư hữu tài sản. Như đã được phân tích trong nhiều văn kiện giáo hoàng kể từ thời Đức Giáo hòang Pius IX năm 1846, chủ nghĩa cộng sản dựa vào một triết thuyết, một lý thuyết lịch sử, và một chiến lược rõ ràng hoặc một phương pháp luận. Triết học này là chủ nghĩa duy vật biện chứng, vốn cho rằng vật chất chứ không phải tinh thần, và không phải Tinh thần vô cùng là Chúa, là thực tại đầu tiên trong vũ trụ; và mọi lưc vật chất trong xung đột (biện chứng) giải thích mọi tiến bộ trong thế giới. Lý thuyết lịch sử của cộng sản cho rằng kinh tế là nền tảng duy nhất của văn minh con người, biến mọi tư tưởng đạo đức, tôn giáo, triết học, mỹ thuật, xã hội và chính trị trở thành kết quả của các điều kiện kinh tế. Chiến lược của chủ nghĩa cộng sản là một thủ đoạn thay đổi, vốn bất chấp sự phân tích, nhưng có hai hằng số không hề thay đổi: nhồi sọ tập thể cho người dân, và xóa bỏ không thương tiếc mọi ý tưởng hoặc định chế nào có thể đe dọa sự kiểm soát chuyên chế của đảng Cộng sản.
Community
Cộng đoàn, cộng đồng. Một nhóm người chia sẻ cùng một niềm tin, sống chung nhà dưới quyền một vị bề trên, và cộng tác với nhau trong việc theo đuổi các mục đích chung vì lợi ích của nhiều người khác ngòai những người trong nhóm với mình. Mức độ niềm tin chung, sống chung nhà, và hoạt động sẽ xác định tầm vóc của cộng đoàn và căn tính nổi bật như là một hội gồm nhiều người. (Từ nguyên Latinh communitas, cộng đồng, sỡ hữu chung; hội; dòng, tu hội, giáo xứ; tính tổng quát.)
Community, Clerical
Đời cộng đoàn giáo sĩ. Là việc sống và chia sẻ chung mà Giáo hội đã có truyền thống ủng hộ và cổ vũ cho người nam trong bậc giáo sĩ.
Commutation
Thay thế, giao hoán, chuyển hoán. Là việc bề trên cho thay thế một công việc khác cho một người, khi người này bị buộc phải làm một công việc theo luật hoặc lời khấn. Công việc thay thế phải là tốt hơn hoặc tương đương với công việc buộc ban đầu, mặc dầu không nhất thiết là khó khăn cho bằng. (Từ nguyên Latinh commutatio, thay đổi, biến đổi; trao đổi.)
Commutative Justice
Công bằng giao hoán. Là nhân đức điều hành các hoạt động liên quan đến quyền lợi giữa một cá nhân này với một cá nhân khác. Nếu một người ăn cắp tiền của một người khác, người ấy vi phạm công bằng giao hoán. Bất cứ vi phạm nào với công bằng giao hoán buộc bên có tội phải đền bù, nghĩa là có bổn phận phải sửa chữa thiệt hại cho người kia. Thật ra, nói cách chặt chẽ, chỉ có các vi phạm về công bằng giao hoán mới nêu lên bổn phận phải bồi thường hay đền bù.
Comparative Religion
Tôn giáo đối chiếu. Là khoa học so sánh tôn giáo này với tôn giáo khác, để tìm ra các yếu tố chung giữa các tôn giáo, và nêu ra sự phát triển của tôn giáo từ hình thức ban đầu đến niềm tin và thực hành tín ngưỡng hiện nay. Giáo hội Công giáo khuyến khích việc nghiên cứu như thế, miễn là mục đích nghiên cứu không bác bỏ tính chất duy nhất của Kitô giáo, hoặc cố gắng chứng minh rằng Kitô giáo chỉ hình thành và phát triển một cách tự nhiên từ các hệ thống tôn giáo trước đó.
Compassion
Lòng thương, lòng trắc ẩn. Là lòng thương cảm trước nỗi buồn hoặc bất hạnh của người khác, với mong muốn làm giảm nhẹ nỗi buồn này, hoặc đôi khi có thể chịu đau khổ thay cho người ấy.
Compathy
Đồng cảm. Một sự thương cảm giữa những người cùng chịu nỗi buồn hoặc hoạn nạn chung. Còn có nghĩa là đồng cảm và chia sẻ với nhau một nỗi đau tinh thần.
Compensationism
Thuyết bù trừ. Là một thuyết trong thần học luân lý để giải quyết các hoài nghi thực tiễn. Cũng còn gọi là nguyên tắc của lý do đủ. Thuyết này cho rằng khi một người nghi ngờ tính hợp pháp của một hành động, người ấy phải có lý do quan trọng vừa đủ để quyết định thuận theo một ý kiến trái với luật. Luật càng quan trọng để có các lý do ủng hộ nó, thì các lý do cũng phải càng lớn hơn để có thể liều mình phá luật ấy. (Từ nguyên Latinh compensatio, sự cân bằng, trao đổi.)
Compl., Comp., Cpl.
Completorium – Kinh tối.
Compline
Giờ kinh tối. Là giờ kinh kết thúc Thần vụ mỗi ngày. Nguồn gốc giờ kinh ở Tây phương thường được gán cho thánh Biển Đức (480-547). Lúc đầu, giờ kinh tối được đọc sau cơm tối hoặc trước khi đi ngủ. Hiện nay, nó đi theo sau giờ kinh Chiều. Giờ kinh Tối gồm một thánh thi, một hoặc hai thánh vịnh, bài đọc Kinh thánh ngắn, một câu xướng đáp, bài ca “An bình ra đi” (Nunc Dimittis) của Simeon, và một kinh kết thúc. (Từ nguyên Latinh completorium, bổ túc.)
Compos Mentis
Làm chủ bản thân, tỉnh táo. Trong luật Giáo hội, đây là từ ngữ để chỉ một người có khả năng làm một hành động tự do, khi làm một thỏa ước, nhận lãnh bí tích hoặc thực hiện một hành động mà người ấy phải chịu trách nhiệm về luân lý sau đó.
Compostela, Santiago De
Đền thánh Compostela (Santiago de). Là một đền thánh dâng kính thánh Giacôbê Tông đồ, trên vùng núi miền tây bắc Tây Ban Nha, không xa đại dương. Sau Roma và Jerusalem, Compostela được xếp hạng thứ ba trong thứ tự về tầm quan trọng của các trung tâm hành hương cho thế giới Kitô giáo. Đền thánh được dâng kính thánh Giacôbê Tiền, người được cho là đã làm việc truyền giáo tại Tây Ban Nha và thánh tích của ngài vẫn còn đó. Mặc dầu ngài bị xử trảm tại Jerusalem và an táng ở đó, truyền thống nói rằng thi hài của ngài sau đó được đưa đến Galicia và năm 830 được đưa đến Compostela. Câu chuyện về nỗ lực truyền giáo của ngài ở Tây Ban Nha đã được tranh cãi, nhưng năm 1884 Đức Giáo hòang Leo XIII đã tuyên bố rằng thánh tích của thánh Giacôbê được tôn kính tại Compostela là thật của ngài. Thánh tích này được lưu giữ trong một chiếc hòm bằng kim lọai ở phía sau và trên bàn thờ của nhà thờ chính tòa. Năm 1976 là năm thánh cho đền thánh nổi tiếng này.
Compunction
Ăn năn, thống hối, hối hận, hối tiếc. Là sự ăn năn hoặc hối hận về một điều xấu đang làm hoặc đã làm. Nó có thể là một tình cảm hối tiếc nhẹ, mà không hàm chứa một sự hối hận trọn vẹn hoặc một quyết tâm không tái phạm điều sai lỗi ấy nữa. (Từ nguyên Latinh compunctio, ăn năn, vòi lương tâm; từ chữ compungere, châm chích.)
Con
Contra -- chống lại, ngược lại.
Conc
Concilium – Công đồng.
Concealment
Che giấu, giữ bí mật. Là một vấn đề luân lý, giữ bí mật là hành vi che giấu điều nên giữ kín, và đó là một nhân đức; hoặc che giấu điều có thể bị tiết lộ, vốn là tội và làm cho người che giấu trở thành một người chia sẻ trong lỗi của người phạm tội.
Concelebrant
Vị đồng tế. Là một linh mục cùng dâng Thánh lễ với một hay nhiều linh mục khác. Phụng vụ phân biệt ba phần rõ ràng trong một thánh lễ đồng tế: phần được vị chủ tế đọc, phần được mọi vị đồng tế đọc (chẳng hạn lời truyền phép), và phần do một vị đồng tế này hoặc vị đồng tế khác đọc.
Conception
Thụ thai. Một sự sống mới được bắt đầu. “Từ lúc trứng thụ tinh, một đời sống mới bắt đầu không phải của người cha, cũng không phải của người mẹ; mà đúng hơn là một con người mới với khả năng tăng trưởng riêng của mình. Hữu thể người này không bao giờ có thể là người nếu nó không phải đã là người.” (Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về sự phá thai có chủ ý, ngày 5-12-1974).
Conceptualism
Thuyết khái niệm, chủ hướng duy ý niệm. Là thuyết cho rằng các khái niệm phổ quát chỉ là các ý tưởng chủ quan mà không có nền tảng khách quan trong thực tế. Được Peter Abelard (1079-1142) phát triển, thuyết khái niệm chối bỏ rằng các khái niệm phổ quát hiện hữu độc lập với tâm trí, nhưng cho rằng chúng có sự hiện hữu trong tâm trí với tư cách là ý niệm. Mặc dầu không phải là các phát minh tùy tiện, chúng chỉ là sự phản chiếu của các sự tương tự giữa các vật đặc biệt.
Conciliarity
Công đồng tính, sự điều hành Giáo hội bằng công đồng chung. Trong thần học Chính thống giáo, công đồng tính được cho là hình thức cao nhất trong quản trị Giáo hội, và trên nguyên tắc lọai bỏ tối thượng quyền của Giáo hòang. Chính thống giáo Đông phương chỉ công nhận bảy công đồng chung đầu tiên, từ công đồng Nicaea I năm 325 đến công đồng Nicaea II năm 787, như là các Công đồng chung đích thực.
Conclave
Mật nghị hồng y, cơ mật viện. Là cơ mật viện của các Hồng y khi bầu chọn Giáo hòang mới. Để tránh liên hệ với bên ngòai, Đức Giáo hòang Gregory X, vào năm 1274, đã ra lệnh việc bầu chọn giáo hòang phải diễn ra trong mật nghị. Chính việc bầu chọn ngài làm Giáo hòang đã kéo dài và kết thúc sau hai năm và chín tháng trống ngôi giáo hòang. Đôi khi (chẳng hạn Đức Giáo hòang Leo XIII) các Giáo hòang cho phép các Hồng y, với đa số phiếu, được miễn mật nghị hồng y trong trường hợp khẩn cấp. Đức Giáo hòang Phaolô VI, trong tông hiến Romano Pontifici Eligendo (ngày 1-10-1975), đã đưa thêm nhiều thay đổi trong luật nói về bầu chọn Đức Giáo hòang mới. Đó là: 1. chỉ những vị đã là Hồng y của Giáo hội mới có quyền bầu Giáo hòang; 2. hiện nay số lượng cử tri được giới hạn ở con số 120 vị, cho phép mỗi Hồng y đưa 2-3 phụ tá đến cơ mật viện; 3. trong khi cơ mật viện không được yêu cầu cách tuyệt đối để có tính hợp pháp, đây là phương cách bình thừơng để bầu Giáo hòang, trong điều gọi là cuộc cấm phòng thánh được thực hiện trong thinh lặng, xa cách và cầu nguyện; 4. có ba hình thức bầu chọn được cho phép, nghĩa là, bằng sự đồng thanh tung hô của mọi cử tri, bằng sự thỏa hiệp trong đó một số cử tri hành xử nhân danh tất cả, và bằng bầu phiếu; 5. nếu vị được bầu chọn là một giám mục, ngài tức khắc trở thành Giáo hòang, nhưng nếu ngài chưa là Giám mục, ngài phải được phong lên hàng giám mục ngay tức thời; 6. nếu không vị nào được bầu chọn làm Giáo hòang sau ba ngày bầu, cơ mật viện sẽ dành một ngày cầu nguyện trong khi cho phép các cử tri được tự do đàm luận với nhau; 7. bí mật phải tuyệt đối tuân giữ, và hình phạt cho việc vi phạm là vạ tuyệt thông; 8. nếu một công đồng chung hoặc một thượng hội đồng Giám mục đang nhóm họp lúc đó, nó phải tự động ngưng lại cho đến khi vị tân Giáo hòang cho phép tiếp tục làm việc lại. (Từ nguyên Latinh con-, với + clavis, chìa khóa: conclave, một căn phòng được khóa lại.)
Concomitant Grace
Ân sủng đồng thời, ơn kèm theo. Đôi khi được gọi là ơn hợp tác, là sự trợ giúp để đáp trả cho một ơn phòng ngừa. Nó có thể so sánh với một bà mẹ, sau khi dỗ con tập đi, đã cầm tay con và giúp con bước đi chập chững trong những bước đầu tiên. Trong ơn phòng ngừa, Chúa hành động không cần sự hợp tác của con người; trong ơn kèm theo, Chúa hành động cùng với sự hợp tác tự do của ý chí con người.
Concordat
Thỏa ước. Là một thỏa thuận chính thức giữa Đức Giáo hoàng, trong quyền bính thiêng liêng của ngài với tư cách là thủ lĩnh hữu hình của Giáo hội Công giáo, và chính quyền của một Nhà nước. Thường được chấp nhận như là một hợp đồng giữa Giáo hội và Nhà nước, thỏa ước là một hiệp ước được luật quốc tế chi phối, và đã được Giáo hội sử dụng từ thời đầu Trung cổ. Thỏa ước đầu tiên là Thỏa ước Worms (1122), qua đó Đức Giáo hòang Calixtus II và Hoàng đế Henry V (1081-1125) chấm dứt cuộc tranh đấu về việc giáo dân chỉ định giáo sĩ giữ các chức vụ Giáo hội. Thỏa ước nổi tiếng nhất trong thời hiện đại là Thỏa ước Lateran năm 1929. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một số thỏa ước đã bị các chế độ Cộng sản hủy bỏ. (Từ nguyên Latinh concordatus, điều thỏa thuận.)
Conc.Trid.
Concilium Tridentinum. Công đồng chung Trentô.
Concubinage
Sống chung ngoài giá thú, tư hôn. Là sự sống chung thường xuyên ít hay nhiều của một người nam và một người nữ mà không kết hôn. Bất cứ mối quan hệ nam nữ kéo dài nào, dù có ngăn trở hôn phối hay không, đều là tư hôn. (Từ nguyên Latinh con-, với, chung + cubare, nằm: concubina.)
Concupiscence
Dục vọng, ham muốn, dâm dục. Là sự bất tuân của các ham muốn con người đối với mệnh lệnh của lý trí, và sự hướng chiều của bản tính con người với tội được xem là hậu quả của tội tổ tông. Nói chung, dục vọng quy chiếu tới một chuyển động tự phát của thèm muốn cảm tính, mà óc tưởng tượng mô tả bất cứ cái gì là khoái lạc và nếu xa cái đó là đau khổ. Tuy nhiên, ham muốn cũng bao gồm các thèm muốn phóng túng của ý chí, chẳng hạn kiêu ngạo, tham vọng và ghen tương. (Từ nguyên Latinh con-, hòan tòan + cupere, ước muốn: concupiscentia, ước muốn, thèm muốn, ham muốn.)
Concupiscence Of The Eyes
Thị dục. Là sự hiếu kỳ không lành mạnh và lòng mến thái quá của cải đời này. Đầu tiên là sự tò mò hiếu kỳ, là sự ước muốn không hợp lý để nhìn xem, nghe ngóng và biết cái gì có hại cho nhân đức của mình, không phù hợp với bậc sống của mình, hoặc có hại cho các bổn phận cao hơn. Còn lòng mến tiền bạc thái quá, là ước muốn sở hữu nhiều của cải vật chất, bất chấp phương tiện kiếm tiền bạc, hoặc chỉ là để thỏa mãn các tham vọng của mình, hoặc để nuôi dưỡng tính cao ngạo của mình.