HAI PHIÊN TOÀ CÁCH 2.000 NĂM: BƯỚC LÙI CỦA NỀN PHÁP LÝ

Chúa nhật lễ Lá - trong các thánh đường trên khắp thế giới, những dòng người cầm cành lá trong tay, bước sau Thánh Giá mở đầu cho Thánh Lễ kỷ niệm ngày Chúa Giêsu vào Thành Gierusalem - nghi thức bắt đầu Tuần Thánh.

Những cành lá trên tay giáo dân ngày Chúa nhật này gợi lên hình ảnh những đoàn người với cành thiên tuế trong tay cách đây hơn 1 tuần trên con đường đến nơi xử án tám giáo dân Thái Hà. Chỉ khác nhau ở một điểm là đoạn đường ngày hôm nay không xa cả chục cây số như hôm trước và xung quanh không có những ánh mắt trầm trồ của dân chúng trên những con đường đoàn người đi qua.

Bài Thương khó trong Lễ Lá hôm nay kể lại câu chuyện về cái chết của Đức Giêsu Kitô cách đây gần 2.000 năm. Để dẫn đến cái chết của Đức Giêsu vào ngày thứ 6, cũng đã có một phiên toà - một phiên toà xét xử và kết án một người Công chính. Cái án tử hình đã dành cho Ngài đã mở đầu cho ơn Cứu độ nhân loại.

2.000 năm sau phiên toà đó, cũng đã có một phiên toà vào ngày thứ 6 để xét xử 8 giáo dân Thái Hà.

Hai phiên toà cách nhau 2.000 năm

Phiên toà cách đây 2.000 năm để xét xử Đức Giêsu được bài Thương khó mô tả khá chi tiết qua Kinh Thánh Macco. Ở đó, Đức Giêsu đã bị phản bội, đã bị bắt, đã bị xét xử và cuối cùng đã bị tử hình bằng cái chết nhục nhã trên cây Thánh Giá.

Phiên toà mới xảy ra đây với các giáo dân Thái Hà, các giáo dân đã bị bắt bớ, bị nhục mạ, bị đưa ra xét xử, kết án.

Vậy hai phiên toà cách nhau 2.000 năm có những gì khác nhau?

Ở phiên toà xưa, Đức Giêsu đã bị chính người đầy tớ của mình, được Ngài dạy dỗ và nuôi nấng nhiều năm, trở mặt phản bội và bán đứng Ngài cho quân dữ.

Ở phiên toà nay, các giáo dân “được” các “cán bộ - đầy tớ của nhân dân” tiến hành bắt bớ và dẫn họ ra trước vành móng ngựa.

Ở phiên toà xưa, trước khi vào chịu nạn, Đức Giêsu Kitô đã âu sầu lo lắng đến “mồ hôi máu chảy ra”, lo buồn sầu não đến độ đã kêu lên: “Ap-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn”.

Phiên toà nay, các giáo dân đã yêu cầu được bước tới vành móng ngựa để đòi Công lý, Sự thật.

Ở phiên xưa, Đức Giêsu đã một mình cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-ni còn các môn đệ thì đang ngủ.

Ở phiên toà nay, các giáo dân được cộng đồng dân Chúa chủ động dâng lời cầu nguyện ở khắp nơi, nhiều cuộc cầu nguyện tập thể rộng rãi, to lớn đã được tổ chức để chia sẻ và hiệp thông với các bị cáo trước, trong và cả sau khi ra toà.

Ở phiên toà xưa, khi Đức Giêsu bị bắt, bị điệu đi đến Toà án Philato như bắt quân trộm cướp, các môn đệ sợ hãi chạy trốn hết. Kể cả những người mạnh mẽ nhất như Phêrô cũng đã chối Thầy mình đến 3 lần trước khi gà gáy lần thứ 2.

Ở phiên toà nay, các giáo dân cũng đã từng bị bắt bởi đội quân hùng hậu cả chục công an và nhiều thành phần khác như bắt những tên tội phạm nguy hiểm. Họ đi đến Toà án với một gương mặt rạng rỡ cùng những dòng người như suối cuồn cuộn chảy. Dòng người đó đã vượt qua cả chục cây số để đồng hành cùng các nạn nhân ra toà với sự hồ hởi trên nét mặt và cành thiên tuế trên tay.

Ở phiên toà xưa, dân chúng được tham dự quá trình thẩm vấn và xét xử Đức Giêsu và được nói lên ý kiến của mình.

Ở phiên toà nay, chỉ vài thân nhân bị cáo được vào dự, còn lại dân chúng phải đứng từ xa, trước hàng rào dày đặc cảnh sát và các phương tiện khác nhau, cố ngăn cản họ đến phiên toà.

Ở phiên toà xưa, dù các vị Thượng Hội Đồng muốn kết tội Đức Giêsu, đã có những nhân chứng cáo gian, bỏ vạ cho Ngài, nhưng các thượng tế đã xem xét các chứng cứ và do các chứng cứ không khớp nhau nên không thể kết tội. Đức Giêsu đã không tự bào chữa cho mình một lời nào.

Ở phiên toà nay, cũng có nhân chứng tố cáo các giáo dân, dù chứng cứ họ đưa ra không đủ cơ sở để kết tội và dù 8 giáo dân đã phản đối, nhưng Toà vẫn cố kết tội bằng được.

Ở phiên toà xưa, quan Philato khi thấy Đức Giêsu không tự bào chữa cho mình một lời nào, nhưng “ông biết các Thượng tế chỉ vì ghen tị mà nộp Người” nên đã tìm cơ hội để giải thoát cho Đức Giêsu trước đám dân chúng bằng những câu hỏi có lợi cho Người. Cũng chính quan Philato này đã tạo điều kiện để Đức Giêsu bào chữa cho mình trong khi Ngài im lặng… Nhưng đám đông gào thét đòi đóng đinh Đức Giêsu, nên phải chiều lòng đám đông mà trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.

Ở phiên toà nay, các bị cáo muốn luật sư đến bào chữa cho mình. Nhưng luật sư Luật, người được quyền bào chữa cho họ đã bị cản trở. Mặc dù luật lệ đã quy định rõ và chính các quan toà thừa sức biết các giáo dân vô tội, nhưng đã không phán quyết theo cán cân công lý. Trái lại, các luật sư tranh luận bào chữa cho họ đã bị cắt ngang. Những chứng cứ, lý lẽ họ đưa ra đã không được quan toà xem xét.

Hàng ngàn dân chúng đã hô vang “vô tội, vô tội…” nhưng quan toà vẫn không để ý đến ý nguyện của dân chúng và phán quyết rằng họ có tội qua những bằng chứng mơ hồ.

Ở phiên toà xưa, sau khi thi hành bản án với Đức Giêsu, thì “viên đại đội đứng đối diện với Đức Giêsu thấy người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là con Thiên Chúa”.

Ở phiên toà nay, những người đã kết án dẫn đến cái án cho các giáo dân Thái Hà, đã coi như mình hoàn thành một nhiệm vụ.

Hậu quả và kết quả của hai phiên toà

Hai phiên toà đã xảy ra cách nhau 2.000 năm, một ở vào thời kỳ đời sống xã hội đang còn tối tăm, lạc hậu, điều kiện thông tin và các cơ sở vật chất cũng như nhận thức của người dân đang có nhiều hạn chế dưới thời của Đế quốc La Mã.

Phiên toà hôm nay, khi nhân loại đang bước vào ngàn năm thứ ba, đời sống và nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi lớn lao. Thông tin toàn cầu đã đến với mọi ngõ ngách, mọi gia đình. Phiên toà hôm nay xảy ra dưới một chế độ được mệnh danh là “dân chủ, văn minh” của một “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Ở phiên toà xưa, một Đấng Cứu chuộc nhân loại đã phải chịu cái chết nhục nhã. Ở đó, bị cáo đã chấp nhận bản án tử hình dành cho mình mà không hề phản ứng. Do vậy nguồn ơn cứu độ đã được khơi thông để thực hiện công cuộc cứu chuộc, cứu rỗi nhân loại.

Ở phiên toà nay, các giáo dân đã phải nhận bản án một cách bất công và ấm ức. Họ đã khẳng định mình vô tội và hoàn toàn không thoả mãn với cách xét xử và khép tội họ. Họ đã bị kết án và những hi sinh của họ đã làm cháy lên một tinh thần mạnh mẽ của dân chúng trong bước đường tìm công lý, sự thật.

Ở phiên toà xưa, Quan Philato dù đã rửa tay trước mặt dân chúng để chứng minh sự vô can của mình trong tội ác giết chết con Thiên Chúa. Nhưng đến muôn đời, tội ác đó vẫn được ghi trong sử sách rằng đã có một quan toà không dám đấu tranh để cho Sự thật được sáng tỏ, góp phần giết chết môt con người công chính.

Ở phiên toà nay, dù các quan toà có tự nguỵ biện rằng đó là nhiệm vụ, thì đến muôn đời sau, vẫn sẽ còn phải tự thấy ân hận và bị phán xét bởi toà án lương tâm mình vì đã kết tội những người công chính.

Hai phiên toà xảy ra cách nhau 2.000 năm, nhưng qua cách hành xử như trên, người ta thấy những chuẩn mực của nền pháp lý, đạo đức, công lý và sự thật đã có những bước lùi lớn. Hai ngàn năm trước, bản án dành cho Đức Giêsu là bất công, đã bị cả thế giới lên án cho đến bây giờ và muôn đời sau.

Hai ngàn năm sau bản án đó, bản án hôm nay đã có khi được coi là chuyện nội bộ hay một chuyện nhỏ nhặt không đáng lên tiếng, đó phải chăng là sự phỉ nhổ vào nền pháp lý và công lý thế giới.

Vì vậy, con đường đi tìm kiếm Sự thật – Công lý – Hoà bình cho mỗi người dân, cho đất nước và trước hết là cho giáo dân đang là một con đường hết sức khó khăn đầy cam go và vất vả.

Một tuần thương khó mới đã bắt đầu, cả thế giới đang chuẩn bị cho một tuần Thánh, kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa chịu nạn và chịu chết.

Nhân loại đang chờ ngày con Thiên Chúa phục sinh. Mỗi chúng ta cũng hi vọng sẽ được phục sinh cùng với Đức Kitô trong niềm hân hoan, dù còn nhiều khó khăn trên bước đường đã chọn, con đường của Sự thật, Công lý và Hoà bình.

Nguyện cầu cùng Đức Giêsu Kitô, đấng đã chịu chết nhục nhã trên cây Thánh giá xưa để cứu chuộc lại loài người. Xin Ngài đổ xuống thêm những hạt máu cứu độ cho nhân dân lầm than trên con bước đường đi tìm Chân lý, Sự thật và Sự sống của mình.

Bởi Ngài đã phán: “Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14, 6), và “Ai theo Ta sẽ không đi vào con đường tối tăm” (Ga 8, 12).

Hà Nội, ngày 6 tháng 4 năm 2009.