Chance
Tình cờ, ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên là sự gì được cho là xảy ra mà không có mục đích rõ ràng. Nhưng theo quan điểm công giáo, không sự gì xảy ra mà không có mục đích cả; mọi sự đều có một mục đích do Chúa trao cho bởi vì mỗi việc đều thuộc về sự quan phòng phổ quát của Chúa. Do đó, tình cờ hoặc ngẫu nhiên là sự chấp nhận mình không biết tại sao một sự không giải thích được lại xảy ra, hơn là sự phủ nhận rằng mọi sự việc đều có lý do để xảy ra. (Từ nguyên Latinh cadere, rơi, rớt.)
Chancel
Cung thánh, phần chung quanh bàn thờ. Là phần cung thánh gần bàn thờ của một nhà thờ, nơi hàng giáo sĩ cử hành nghi thức phụng vụ. Danh từ này phát sinh từ chữ cancellus, bức ngăn phân cách cung thánh và lòng nhà thờ. (Từ nguyên Latinh cancellus, bức ngăn.)
Chancellor
Chưởng ấn. Trong một giáo phận chưởng ấn là vị đại diện chính của Đức Giám mục, nhất là trong việc quản lý việc đời. Vai trò của ngài thay đổi tùy theo giáo phận, nhưng có thể bao gồm việc giải quyết đơn xin năng quyền hoặc miễn chuẩn, gìn giữ và sắp xếp các tài liệu của giáo phận, và nói chung hành xử như một thư ký của Giám mục.
Chancery, Apostolic
Giáo phủ tông tòa. Trước đây là văn phòng Giáo hòang lo soạn thảo và công bố các văn kiên quan trọng hơn của Tòa thánh. Nó có tầm quan trọng lớn trong thời Trung cổ, và được thánh Giáo hòang Pius X tái tổ chức vào năm 1908, nhưng chức năng đã được giao bớt cho các văn phòng khác của Tòa thánh, kể từ khi có bộ Giáo luật năm 1918, và việc tái tổ chức Giáo triều dưới thời Đức Giáo hoàng Phaolô VI sau Công đồng chung Vatican II. (Từ nguyên Latinh cancellaria, phòng làm việc của chưởng ấn.)
Chancery, Diocesan
Văn phòng tòa Giám mục. Là bộ phận hành chính của một giáo phận dưới quyền của Đấng bản quyền địa phương; văn phòng xử lý các văn bản chính thức liên quan đến việc đạo của giáo phận.
Change
Sự thay đổi, biến đổi. Nói chung, sự thay đổi là bất cứ sự gì mới trong một hữu thể hoặc bất cứ nguồn gốc nào của sự khác biệt. Nói chính xác hơn, đó là sự chuyển từ tiềm năng qua hiện thực, vốn có lẽ là bản thể hay tùy thể. Sự thay đổi bản thể là một sáng tạo, có nghĩa là xuất hiện từ cái chưa hề có trước đó; hoặc là biến thể, tức là thay đổi hoàn toàn bản thể; hoặc là biến đổi, vốn xảy ra khi một sinh vật mới xuất hiện, khi thực phẩm biến đổi trong sinh vật hấp thụ nó, hoặc khi một sinh vật chết. Còn thay đổi tùy thể là mọi cách thay đổi khác.
Chant
Bài ca phụng vụ, điệu hát. Là bài ca thuộc về một nghi thức phụng vụ và tạo nên một phần của việc phụng tự. Bài ca phụng vụ khác với thánh ca ở chỗ là thánh ca tô điểm cho buổi phụng vụ mà tuyệt đối không thuộc về buổi phụng vụ ấy. Bài ca phụng vụ có tính độc xướng, thường là âm nguyên. Hình thức của chúng xếp từ đọc cung nhạc đơn giản cho một bài đọc đến các giai điệu trau chuốt và ấn tượng nhất. (Từ nguyên Latinh cantare, hát.)
Chantry
Thiện quỹ các linh hồn, nguyện đường các linh hồn. Là một số tiền lớn trao cho một linh mục, xin ngài dâng nhiều thánh lễ cầu cho một linh hồn qua đời. Số tiền này có thể dùng cho các công tác phụ thêm, chẳng hạn làm tuyên úy hoặc dạy học không thù lao. Từ ngữ cũng được dùng để gọi một “nguyện đường các linh hồn”, nơi linh mục phụ trách nguyện đường dâng lễ cầu cho linh hồn. Nguyện đường thuộc về các nhà thờ lớn thường lưu giữ phần mộ của người tặng tiền thiện quỹ. (Từ nguyên Latinh cantare, ca hát.)
Chantry Schools
Trường học thiện quỹ. Nơi dành cho giáo dục trẻ em, trong thời Tiền Cải cách, nhờ tiền thiện quỹ các linh hồn. Tại Anh Quốc, đa số các trường do chính quyền điều hành sau khi tách rời khỏi Giáo hội công giáo Roma là các trường học thiện quỹ.
Chaos
Vực thẳm, hỗn độn. Là một nơi không có hình dạng, hỗn độn, hoàn tòan mất trật tự và hỗn lọan vô cùng. Triết gia Plato (427-347 trước Công nguyên) áp dụng từ ngữ này cho vật chất vô trật tự trước khi Hóa công đưa trật tự vào vũ trụ, thay đổi vực thẳm thành vũ trụ. Vực thẳm cũng là điều kiện gốc của thế giới như được mộ tả trong Kinh thánh (Stk 1:2). (Từ nguyên Hi Lạp chaos, vực thẳm; nghĩa đen là kẽ nứt; tiếng Latinh chaos, hỗn độn, hỗn mang.)
Chapel
Nhà nguyện, nguyện đường. Là nơi tương đối nhỏ để làm việc thờ phượng Chúa cho các thành viên của một gia đình hoặc Dòng tu. Đôi khi đó là một nhà nguyện trong một tòa nhà lớn hơn, hoặc trong một phòng tách riêng được cung hiến và có bàn thờ. Các nhà nguyện cạnh trong nhà thờ lớn thường có mục đích đặc biệt là để chầu Mình Thánh Chúa hay dùng như một đền thánh. (Từ nguyên Latinh capella, nguồn gốc ban đầu là một đền thánh bảo tồn chiếc áo của thánh Martin thành Tours, Pháp.)
Chapel Of Ease
Nhà nguyện tùy tiện. Là một nhà nguyện phụ được xây dựng dành cho những người sống xa nhà thờ giáo xứ, thường ở vùng ngọai ô hoặc khu ngọai thành. Giáo sĩ phụ trách nhà nguyện này có thể là cha phó của giáo xứ chính. Trước hết, không có giếng rửa tội trong các nhà nguyện này, vì lúc đầu một số chức năng giáo xứ được dành cho nhà thờ giáo xứ, nhưng rồi nhiều nhà nguyện tùy tiện cũng có giếng rửa tội riêng. Lễ cưới và lễ an táng thường được làm ở nhà thờ giáo xứ, vì nghĩa trang luôn ở gần nhà thờ chính. Các nhà nguyện tùy tiện thường sẽ trở thành giáo xứ độc lập, khi số tín hữu trở nên đông đến độ cần phân chia giáo xứ.
Chaplain
Tuyên úy. Là một linh mục phục vụ một nhà nguyện hoặc một nhà thờ nhỏ, hoặc được bổ nhiệm làm mục vụ tại một cơ sở, chẳng hạn một tu viện, cô nhi viện, bệnh viện hay nhà giam. Cũng là một linh mục hay người có chức thánh được bổ nhiệm phục vụ một lớp người đặc biệt, chẳng hạn quân đội, hoặc được phép thực hiện nghi thức tôn giáo tại các hội nghị của các tổ chức huynh đệ, cơ quan lập pháp hoặc các tổ chức khác. (Từ nguyên Latinh cappellanus; từ chữ cappella, đền thánh.)
Chaplet
Tràng chuỗi, tràng hạt. Là một chuỗi hạt kết đính lại với nhau để đếm số lần lời kinh được đọc. Chuỗi 50 là chuỗi nổi tiếng nhất. Cũng có chuỗi gồm nhiều hạt kết đính để đếm số lần lời cầu dâng lên một vị thánh. (Từ nguyên Pháp chaplet, vật trùm đầu, tràng hoa.)
Chapter, Ecclesiastical
Hội kinh sĩ. Là một nhóm các kinh sĩ được thiết lập để tuân giữ sự trang trọng trong phụng tự, và tại nhà thờ chính tòa để giúp đỡ Đức Giám mục theo giáo luật. Tên này phát sinh từ tập tục đọc một chương (chapter) luật tại một cuộc gặp định kỳ của các thành viên theo qui định. Nơi nào không có kinh sĩ giáo phận, các tư vấn giáo phận hành xử như là một hội đồng của Giám mục. Hội kinh sĩ có thể là chính tòa, tập đòan, triều, Dòng, tùy vào thành phần của các thành viên. Trong các thế kỷ đầu, hội kinh sĩ thuộc về nhà xứ và được thiết lập rõ ràng vào thế kỷ 13. (Từ nguyên Latinh capitulum, nghĩa đen, cái đầu nhỏ, sự phân chia chính yếu.)
Chapter House
Phòng đại hội. Là tòa nhà gần nhà thờ chính tòa hay một tu viện, dùng để hội họp, thực hiện các giao dịch, đọc sách các thánh tử vì đạo, chỉ định các công tác mỗi ngày. Tên chapter house phát sinh từ tập tục sửa chữa các lỗi lầm của hội kinh sĩ trong tòa nhà này.
Chapter, Legislative
Tổng tu nghị, tổng công hội, tu nghị miền. Là tổng tu nghị hoặc tu nghị miền của các đại biểu một Dòng tu để thảo luận và quyết định về các vấn đề liên quan đến đời sống thiêng liêng và việc tông đồ của cộng đòan. Các tổng tu nghị Dòng tu có tầm quan trọng ngọai thường kể từ Công đồng chung Vatican II. Tổng tu nghị có quyền "tạm thời thay đổi một số khỏan của hiến chương Dòng…theo cách thử nghiệm, miễn là mục đích, bản chất và tính chất của Dòng tu vẫn được bảo tòan.” (Tự sắc Ecclesiae Sanctae, 1966, II, 6).
Chapter, Liturgical
Bài đọc ngắn. Trước đây là câu ngắn đi sau các Thánh vịnh trong giờ Kinh Sáng, Kinh giờ Ba, Kinh giờ Sáu, Kinh giờ Chín, Kinh Trưa, Kinh Chiều, và thánh thi trong giờ Kinh Tối của Kinh Nhật Tụng. Tên mới là Lectio Brevis, Bài đọc ngắn.
Chapter, Monastic
Tu nghị đan sĩ. Là hội nghị định kỳ của các thành viên một cộng đòan đan tu. Tại hội nghị này, có thói quen đọc tiểu sử các thánh của ngày ấy trong Sách các thánh tử vì đạo, tự tố cáo lỗi lầm của mình đối với luật Dòng, bề trên ra hình phạt thích đáng, và thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống và kỷ luật của cộng đòan.
Chapter Of The Bible
Chương sách thánh. Là sự phân thành chương trong sách Kinh thánh, được thực hiện lần đầu tiên bởi Stephen Langton (qua đời năm 1228), thần học gia ở Paris và sau là Tổng giám mục ở Canterbury. Hầu như ngài sử dụng một sự phân chia chương đã có sẵn.
Character
Tính tình, tính cách, cá tính. Tính tình là các phẩm chất luân lý của một người, thành hình từ tính khí của người ấy và được phát triển bằng các chọn lựa tự do, vốn phân biệt người ấy như một cá nhân; tính cách là các đức tính và điểm yếu quen thuộc của một người làm cho người ấy trở thành một cá nhân luân lý riêng biệt. Trong nghĩa ca ngợi, cá tính là sự sát nhập bản tính và sự dưỡng dục vào các tập quán luân lý của một người và diễn tả chúng trong cuộc sống thường ngày. (Từ nguyên Latinh character; từ chữ Hi Lạp charakt_r, dấu khắc, dấu ấn.)
Charis
Charis, ân sủng. Charis là từ ngữ cơ bản trong Tân Ước để chỉ “ân sủng”, nhất là trong các thư của thánh Phaolô. Dựa vào nghĩa trần tục là hấp dẫn hoặc duyên dáng, ý nghĩa Kinh thánh của charis là sự thiện của Chúa, vốn là hào phóng và nhưng không, con người không xứng đáng và được Chúa thánh hóa. Charis được đồng hóa chặt chẽ với tòan bộ Tin Mừng. Cuối cùng, charis xác định tại sao Tin Mừng là tốt lành, bởi vì tình thương của Chúa nâng con người lên để chia sẻ trong thần tính của Chúa (Ep 1:6), cứu chuộc con người khỏi tội (Rm 5:15), và giúp con người thực thi nhân đức theo gương Chúa Giêsu Kitô (I Cr 1:4). Trong ngôn từ của thánh Phaolô ân sủng (charis) khác với đòan sủng (charisma) như một ân ban của Chúa để thánh hóa con người, và khác với ân ban thiêng liêng vốn giúp cho người lãnh nhận chu toàn một chức vụ hoặc một chức năng cho nhiều người khác trong Giáo hội. (Từ nguyên Hi Lạp kharisma, hồng ân, ân ban, từ chữ kharizesthai, ủng hộ, từ chữ kharis, ơn, sự ủng hộ.)
Charisma
Đặc sủng, đòan sủng. Sự thu hút cá nhân mạnh mẽ hoặc sức quyến rũ mà một số người có được, và nó giống với đoàn sủng siêu nhiên được biết tới trong mặc khải Kitô giáo. Người có ơn này thường được gọi là "charismatic", người đoàn sủng, người hấp dẫn, người cuốn hút. Họ có thể tạo ảnh hưởng trên người khác mà không phải nỗ lực nhiều, và khả năng họ làm như vậy dường như để cùng chia sẻ phép lạ nào đó. (Từ nguyên Hi Lạp charisma, ơn ban, sự ủng hộ.)
Charismatic Movement
Phong trào đặc sủng, phong trào Thánh Linh. Là một sự canh tân của Phong trào Thánh Linh trong nhiều giáo hội Kitô giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo. Từ ngữ “đoàn sủng” (charismatic) được công giáo dùng nhiều hơn là từ ngữ “Thánh Linh” (Pentecostal), vốn thường được các nhà lãnh đạo phong trào Tin lành dùng nhiều hơn.
Charism For Miracles
Đặc sủng làm phép lạ. Là một trong nhiều ân ban siêu nhiên được hưởng trong thời Giáo hội ban sơ để làm các hiện tượng phép lạ: 1. lòng tin (I Cr 12:9, 13:2), một hình dạng đặc biệt của hồng ân đức tin, vốn dẫn con người tin một cách mặc nhiên rằng, trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, Thiên Chúa sẽ tỏ hiện quyền năng làm phép lạ của Ngài để đáp trả lời cầu nguyện của con người; 2. làm phép lạ (I Cr 12:10, 28), là một đoàn sủng lạ thường nhờ đó một cá nhân có thể cầu xin ơn Chúa để làm một phép lạ; 3. chữa lành lạ lùng (I Cr 12:9, 30), là một ơn đặc biệt để làm cho một người đang bị bệnh nặng được lành hẳn.
Charisms Of Administration
Đặc sủng quản trị. Là các ân ban siêu nhiên để tổ chức và quản trị dân Chúa, được thánh Phaolô nêu ra như sau: 1. người mục tử (Ep 4:11; TĐCV 20:28), trước kia là một ơn đặc biệt về quản trị mà các giám mục-kỳ mục được hưởng để quản trị dân Chúa, nhưng đừng lầm lẫn với quyền linh mục do chức thánh ban cho; 2. nhà quản trị (Rm 12:8; I The 5:12; I Tim 5:17), là đoàn sủng đặc biệt của một chức sắc trong Giáo hội để quan tâm ân cần, duy trì sự quân bình khôn ngoan giữa việc quan tâm về công tác tổ chức được thực hiện tốt, và lo lắng quan tâm cho từng cá nhân mà người quản trị có trách nhiệm chăm sóc; 3. thừa tác viên (I Cr 16:15; Rm 12:7), là người giúp đỡ các linh mục-kỳ mục và là phụ tá cho các nhà quản trị Giáo hội, thừa tác viên cần có tính khiêm nhường và lòng sẵn sàng phục vụ để làm việc.
Charisms Of Knowledge
Đặc sủng hiểu biết. Là các ân ban siêu nhiên lạ thường cho tâm trí để giáo dục các người khác trong đức tin công giáo. Trong các sách viết của thánh Phaolô, có sáu hạng người nổi bật như được phú cho khả năng đặc biệt để loan truyền Tin Mừng. Các đặc sủng này không giới hạn cho 12 Tông đồ ban đầu và thánh Phaolô, nhưng cho bất cứ ai được sai đi loan báo Tin Mừng: 1. ngôn sứ (I Cr 12:28), là người nói thay mặt Chúa và với quyền uy của Chúa. Trong các mặc khải mà các ngôn sứ nhận được, thỉnh thoảng có lời báo trước về các sự việc sẽ xảy ra (TĐCV 11:27-30, 21:10-14). Các ngôn sứ khuyến dụ và củng cố lòng tin của các tín hữu (TĐCV 15:32), họ nói lời xây dựng, khích lệ và an ủi (I Cr 14:3), và họ có thể đọc tâm hồn người khác (I Cr 14:24-25). Các phụ nữ cũng được chia sẻ đặc sủng này (I Cr 11:5; TĐCV 21:9); 2. người loan báo Tin Mừng (TĐCV 21:8; II Tim 4:5), đừng lầm lẫn với các thánh sử viết Tin Mừng, một người loan báo Tin Mừng có thể là một người được chỉ định để củng cố các giáo đoàn mới nhưng không thành lập ra các giáo đoàn nữa; 3. người dạy bảo (Rm 12:7; Ep 4:11; I Tim 4:13, 16), một giáo lý viên có khả năng giải thích ý nghĩa nội tại của Tin Mừng cho người lắng nghe; 4. người khuyên răn (Rm 12:8; I Tim 4:13; TĐCV 4:36), một người rao giảng có tài đặc biệt là thuyết phục người khác đem lời dạy của Chúa Kitô vào áp dụng thực hành; 5. người có ơn khôn ngoan để giảng dạy (I Cr 12:8), là người có thể giải thích các mức độ cao nhất của Mặc khải; 6. người có ơn hiểu biết để trình bày (I Cr 12:8), là người có thể giải thích các chân lý mặc khải bằng cách so sánh với kiến thức của con người. Hai đặc sủng cuối cùng này hầu như được bốn hạng người nêu trên sở hữu, ở các mức độ khác nhau.
Charisms Of Prayer
Đặc sủng cầu nguyện. Là các ơn ban lạ thường để giao tiếp với Chúa, như thánh Phaolô mô tả. Trọn chương 14 thư thứ nhất của ngài gửi cho tín hữu Côrintô (I Cr 14) dành cho chủ đề này, dưới khía cạnh ơn ban nói tiếng lạ. Ngài phân biệt hai hình thức của đặc sủng này. Có đòan sủng cầu nguyện với Chúa với tấm lòng nhưng bằng các từ ngữ không thể hiểu được với trí khôn. Thánh Phaolô nói với Kitô hữu là hãy xin Chúa ban cho họ hiểu được điều họ đang cầu nguyện với tấm lòng. Họ cũng cần đoan chắc rằng nếu họ dùng hồng ân này nơi công cộng, cần người có ơn ban về giải thích nói tiếng lạ hiện diện ở đó để giải thích điều được nói ra. "Nếu không có người giải thích, thì phải giữ thinh lặng trong cộng đoàn, mỗi người chỉ nói với mình và với Thiên Chúa thôi" (I Cr 14:28). Trên hết, mọi sự phải được làm vì công ích, chứ không vì cá nhân nào cả.
Charisms Of Service
Đặc sủng phục vụ. Là các ơn ban siêu nhiên đã được thánh Phaolô miêu tả, được trao cho những người phục vụ các tín hữu: 1. phân phát (Rm 12:8), nhận được sự khéo xử siêu nhiên trong việc phục vụ người nghèo khổ với ý hướng đơn sơ; 2. tỏ lòng thương xót (Romans 12:8), phẩm chất tỏ lòng thương cảm với người bất hạng, người tù đày, người bệnh, cùng với khả năng luôn sống hòa nhã vui tươi dùu khi gặp gian truân vất vả; 3. giúp đỡ người khác (I Cr 12:28), đặc sủng sống đơn sơ và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai túng thiếu; 4. quản trị (I Cr 12:28), phân biệt với đặc sủng quản trị vốn là một ơn ban siêu nhiên để đưa ra sáng kiến và hướng dẫn người khác vì lợi ích của Nhiệm thể Chúa Kitô.
Charity
Đức ái, đức mến. Là nhân đức siêu nhiên thiên phú nhờ đó một người yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và yêu mọi người vì Chúa. Đây là nhân đức dựa vào đức tin hoặc vào chân lý mặc khải của Chúa, và không thủ đắc được nếu chỉ nhờ nỗ lực của con người mà thôi. Nhân đức này chỉ được trao bởi ân sủng Chúa. Bởi vì nó được thiên phú cùng với ơn thánh hóa, nhân đức này thường được đồng hóa với tình trạng ân sủng. Vì thế, một người mất đức ái thì cũng mất tình trạng ân sủng, mặc dầu người ấy vẫn còn có đức tin và đức cậy.
Charity, Act Of
Hành vi bác ái, nghĩa cử bác ái. Là một hành vi siêu nhiên, dựa vào đức tin, khi Chúa được yêu vì chính Chúa, chứ không phải vì hy vọng được thưởng công. Hành vi bác ái đòi hỏi ơn Chúa, hoặc là ơn thánh hóa hoặc là ơn hiện sủng hay là cả hai. Hành vi này cần thiết cho sự công chính hóa, trong trường hợp chưa được rửa tội, chưa xưng tội hoặc chưa xức dẩu. Đây cũng là cách bình thường để tăng trưởng đức ái. Kinh mến thường đọc là: "Lạy Chúa con, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen." (Từ nguyên Latinh caritas, tình yêu; từ chữ carus, thân mến.)
Charm
Sức quyến rũ, duyên dáng, lá bùa, bùa mê. Nói chung, là sức thu hút hay là sức quyến rũ. Đặc biệt là lá bùa, vật được mang hay đeo nơi người để tin rằng nó giúp trừ ma quỷ hoặc đem lại vận may cho mình. Bùa mê cũng có thể là lời nói hoặc cử chỉ được tin là có súc mạnh như trên đây. Do đó, làm bùa mê có nghĩa là gây ảnh hưởng trên người khác ngoài sức mạnh thông thường của thiên nhiên. Là một hình thức của mê tín dị đoan, dùng bùa mê và lá bùa là có tội. Là một phần của phiếm hồn luận, chúng cũng tương đương như bùa hộ mạng, và thuộc về cùng loại như ma thuật.
Charterhouse
Tu viện dòng thánh Bruno. Charterhouse là chữ tiếng Anh của từ ngữ Pháp maison chartreuse, một tu viện chartreux. Một trường học nổi tiếng Anh cũng có tên này, lúc đầu được xây dựng trên vị trí của tu viện dòng thánh Bruno ở London, mà vị bề trên cuối cùng đã chịu tử vì đạo cùng với 15 tu sĩ, vào khoảng năm 1535-40, dưới triều vua Henry VIII (1491-1547). (Từ nguyên Pháp Chartreuse.)
Chartres
Nhà thờ chính tòa Chartres. Là nhà thờ đẹp nhất trong các nhà thờ chính tòa Pháp, nằm ở vùng bằng phẳng Beauce, cách Paris khoảng 77km về phía tây nam. Nhà thờ được dâng hiến cho Đức Trinh Nữ Maria. Trong nhà thờ bên trên có nhà nguyện Đức Bà Đứng Trên Cột (Our Lady of the Pillar) và trong nhà thờ bên dưới có nhà nguyện tôn kính "Virgini Pariturae", tại đó người ta cho rằng dân ngọai giáo Druids đã tôn kính tượng trinh nữ ngồi với con trẻ trên đầu gối bà, trong hang động nhỏ chứa tượng. Vào năm 300, một nhà thờ công giáo xây trên hang này. Năm 1195, nhà thờ hiện nay được xây dựng và hoàn tất vào năm 1250. Nhiều ô cửa kính màu thật đẹp mô tả chi tiết cuộc đời và các nhân đức của Đức Maria, là Đức Trinh Nữ và là Mẹ Chúa Giêsu. Nhà thờ Chartres cũng có khăn chòang đầu của Đức Mẹ để trưng cho khách hành hương xem, đựng trong một hòm thánh tích tuyệt đẹp. Thánh tích này thuộc về Charlemagne (742-814), người đã chuyển đưa từ Aachen về Chartres vào năm 876. Thánh tích nổi bật thứ hai ở Chartres là tượng Đức Bà Đen, Đức Bà Đứng Trên Cột ở nhà thờ trên, Đức Mẹ ẳm Chúa Hài Đồng ở tay trái trong khi tay phải cầm một vương trượng bằng vàng. Hốc chứa các tượng này có đầy những đồng tiền hình trái tim bằng vàng, đó là quà tạ ơn do các sự chữa lành bệnh, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ qua nhiều thế kỷ.
Chasuble
Áo lễ ngòai. Là chiếc áo ngoài không có tay áo, được linh mục mang khi dâng lễ. Áo này được mang bên ngoài các áo khác, và được làm bằng tơ lụa, nhung, hoặc vải quý khác và được tô điểm với các biểu tượng. Cánh tay linh mục được tự do khi mang áo này. Áo tượng trưng cho ách của Chúa Kitô và diễn tả sự bác ái. (Từ nguyên Latinh casula, cái nhà nhỏ, áo khóac.)
Cheating
Gian lận, lừa đảo, lừa gạt. Lừa gạt bằng mưu mẹo hoặc bằng gian lận để giành lợi về vật chất, xã hội hoặc tâm lý. Gian lận luôn là tội. Mức độ nặng nhẹ tùy vào thiệt hại cho người bị gạt hoặc cho người thứ ba. Sự ăn năn thật lòng cho gian lận đòi hỏi ít nhất sự mong muốn đền bù thiệt hại mà mình đã gây ra.
Cherub
Thần phẩm Cherubim, Minh thần, thần hộ giá. (số nhiều là cherubim). Là các lòai tạo dựng ở trên trời, được nêu ra trong Kinh thánh như là thần hộ giá, hoặc người bảo vệ. Cherubim là thần hộ giá cư ngụ trong Vườn Eden (Stk 3:24); các ngài là thần hộ giá bằng vàng gò dựng trên Hòm Bia (Xh 25:18). Chúa Giavê ngự trên thần hộ giá để giải cứu David khỏi quân thù (II Sa 22:11). Trong truyền thống Kitô giáo, các cherubim được đồng hóa là các thiên thần. (Từ nguyên Do Thái cổ k_r_bh; tiếng Latinh cherub; tiếng Hi Lạp cheroub.)
Cherubic Contemplation
Chiêm niệm kiểu Cherubim. Là sự nâng lòng trí lên với Chúa và các thuộc tính của Ngài, trong đó tri thức có ưu thế hơn tình yêu thương. Nó trái ngược với chiêm niệm kiểu seraphim.
Cherubim
Cherubim, Kêrubim. Là phẩm thứ hai trong chín phẩm thiên thần. Theo thánh Giáo hòang Gregory Cả, thiên thần Kêrubim có “đầy tràn sự hiểu biết, hòan hảo hơn bởi vì các thiên thần nhìn ngằm vinh quang Chúa gần gũi hơn” (Stk 3.).
Childermas Day
Lễ các Thánh Anh Hài. Là tên tiếng Anh cổ của lễ các Thánh Anh Hài, được kính vào ngày 28-12 hàng năm. Một tập tục của công giáo là vào ngày này cha mẹ chính thức chúc phúc cho con cái.
Childlikeness
Như trẻ em, ngây thơ, hồn nhiên. Là đức tính cởi mở hồn nhiên mà Chúa Kitô tuyên bố là một trong các điều kiện để được ơn cứu độ (Mt 18:3). Đây là nhân đức khiêm nhường, sẵn sàng làm theo thánh ý Chúa và không có tư lợi ích kỷ cho mình.
Children
Thiếu nhi, Trẻ em. Là những người đã đến tuổi biết phán đóan nhưng chưa phải là thanh niên, và trong luật giáo hội có nhiều điều khỏan dành riêng cho họ. Nói chung, thiếu nhi được tính từ bảy tuổi, khi các em có thể nhận các bí tích Hòa giải và bí tích Thánh thể, cho đến 14 tuổi, khi các em bắt đầu giữ luật kiêng thịt. Thiếu nhi cũng có thể nhận lãnh các bí tích Xức dầu và Thêm sức.
Children Of God
Con của Chúa, con cái Chúa. Là từ ngữ kinh thánh dành cho mọi người tin vào Chúa Kitô và cố gắng làm theo thánh ý Chúa: "Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa" (I Ga 3:1).
Children'S Crusade
Nghĩa binh thiếu nhi. Là cuộc hành quân của hàng ngàn trẻ em từ khắp nơi của châu Âu để tạo thành Cuộc Thập Tự Chinh Thứ Tư và chiếm lấy Đất Thánh. Niềm tin thời ấy cho rằng các địa điểm thánh ở Palestine chỉ có thể được bảo vệ an tòan bởi người có tâm hồn thanh sạch, đó là thiếu nhi. Một số trình thuật nói đến ba nhóm người: một nhóm dưới quyền một trẻ chăn chiên ở Vendôme, một nhóm dưới quyền một thiếu niên ở Cologne, và nhóm thứ ba đến Brindisi và gặp nhiều số phận khác nhau. Đa số các em chết vì đói và kiệt sức, một số chết ngòai biển và một số bị các chủ tàu gian lận bán cho người Moor để làm nô lệ. Tòan bộ hành động trên là một thí dụ cho sự nhận thức sai và sự hướng dẫn sai gây vấp phạm.
Children'S Mass
Thánh lễ dành cho thiếu nhi. Là thánh lễ dành cho trẻ em ở tuổi tiền thanh niên. Năm 1973, Thánh bộ Phụng tự công bố các hướng dẫn đặc biệt dành cho thánh lễ thiếu nhi. Thánh bộ nêu ra một số thích nghi cho phù hợp mức độ tâm sinh lý của thiếu nhi, trong khi vẫn giữ nguyên các phần chính của Thánh lễ. Một sách hướng dẫn thánh lễ thiếu nhi đã được Đức Giáo hòang Phaolô VI phê chuẩn ngày 22-10-1973.
Chiliasm
Thiên niên thuyết. Thuyết một ngàn năm hoặc thuyết cho rằng việc Chúa Kitô lại đến sẽ kéo dài một ngàn năm trước khi đến ngày tận thế.
Chime
Chuông chùm, chuông hòa âm. Là một lọat nhiều chuông khác cường độ để tạo ra nhiều âm thanh nhạc. Từ ngữ này cũng dùng để áp dụng cho tiếng chuông hòa âm và tiếng chuông chùm lắc tay trong phụng vụ. Hệ thống chuông chùm ở đền thờ thánh Phêrô tại Roma được rung với một chương trình nghi lễ phức tạp. Nét đẹp hòa âm của một số chuông chùm tại một số nhà thờ làm cho chúng trở nên nổi tiếng thế giới.
Chimes
Hệ thống chuông chùm. Là một hệ thống chuông gồm 5-12 chuông, tạo nên một hòa âm tuyệt vời khi gõ bằng búa.
China, Our Lady Of
Đức Mẹ Trung Hoa. Là đền thánh Đức Mẹ tại làng Tong Lu gần Bắc Kinh, Trung Hoa. Năm 1900, làng này bị khỏang 10.000 người nổi lọan tấn công trong cuộc Nổi lọan Quyền Phỉ. Trong cơn giận dữ, họ bắt đầu bắn lên trời, nơi có một bà mặc áo trắng đã hiện ra, nhưng sự hiện ra này vẫn không mờ nhạt. Đám người bị kích động này buộc phải chạy trốn khi thấy sự xuất hiện của một kỵ mã xa lạ. Linh mục Wu, người Hoa, nhìn nhận đã cầu nguyện Đức Mẹ cứu giúp. Một nhà thờ được xây dựng tại địa điểm ấy, tôn kính một bức hình Đức Mẹ ẳm Chúa Hài Đồng, tượng được đặt trên bàn thờ chính. Trong thời kỳ nổi dậy của cuộc Cách mạng Đỏ ở Trung Hoa, người dân đã sao chép bức hình, và khi Cộng sản Trung Quốc phá hủy nhà thờ Tong Lu, bản sao của bức hình bị đốt hủy. Tuy nhiên, bức hình gốc gọi là ảnh Đức Mẹ Trung Hoa đã được cất giấu và hiện nay được cho là thuộc về một số linh mục trung thành đang sống giả dạng.
Chinese Rites
Nghi lễ Trung Hoa. Là những nghi lễ công giáo cổ được tín hữu Trung Hoa tuân giữ, sau khi các tín hữu này được các nhà truyền giáo Dòng Tên rửa tội thành người công giáo, trong các thế kỷ 17 và 18. Các nghi lễ này cho phép tôn kính ông bà tổ tiên và tỏ lòng tôn kính đối với Đức Khổng Tử. Các nhà truyền giáo Dòng Tên, nhất là linh mục Matteo Ricci (1552-1610), xem các nghi lễ này có tính văn hóa là chủ yếu, chứ không có tính tôn giáo, và như thế không đụng đến sự nguyên tuyền của đạo công giáo. Các ngài cũng tin rằng tập tục này sẽ làm cho người dân khoan dung với đạo công giáo hơn. Một số nhà truyền giáo chống lại chuyện này và sự hiểu lầm như thế được khai triển mạnh. Trong tông hiến Ex illa die, Đức Giáo hòang Clement XI vào năm 1715 và Đức Giáo hòang Benedict XIV vào năm 1742 đã cấm các nghi lễ Trung Hoa được tuân giữ nơi người trở lại đạo, với lý do rằng các nghi lễ này có nền móng mê tín, vốn không thể bỏ qua được. Tòa Thánh, cảm thấy rằng sai lầm của cha Ricci là sai lầm về phán đóan chứ không về đức tin, đã cấm bất cứ ai nói rằng nhà truyền giáo tốt lành này đã chấp thuận việc thờ ngẫu tượng.