CHƯƠNG BA:Tạo Dựng Giống Hình ảnh Thiên Chúa: Quản Lý các tạo vật hữu hình
III. Trách Nhiệm đối với Việc Bảo Toàn Sinh Học của Con Người
81. Cùng với những tiến triển mới nhất trong lãnh vực sinh hóa và sinh học phân tử, kỹ thuật tân tiến tiếp tục cung cấp cho khoa y học hiện đại các khả năng chẩn đoán và trị liệu tân thời. Các kỹ thuật này không chỉ cống hiến các phương cách chữa bệnh vừa mới mẻ lại vừa hữu hiệu, mà còn đem lại các tiềm năng biến đổi được chính con người. Tính sẵn sàng và tiện lợi của các kỹ thuật này lại nêu lên câu hỏi sau đây một cách khẩn thiết hơn: con người được phép tái tạo chính mình tới mức độ nào? Việc thực thi quyền quản lý có trách nhiệm trong lãnh vực đạo đức sinh học đòi hỏi suy tư luân lý sâu xa về một phạm vi kỹ thuật vốn có thể tạo ảnh hưởng trên việc bảo toàn sinh học của con người. Ở đây, ta chỉ có thể cống hiến một vài chỉ dấu về các thách đố luân lý biệt loại mà nền kỹ thuật mới đặt ra, cũng như một vài nguyên tắc cần áp dụng khi thực hiện quyền quản lý có trách nhiệm về việc bảo toàn sinh học của con người, vốn được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa.
82. Quyền bố trí trọn vẹn thân xác sẽ hàm ý rằng con người có thể sử dụng thân xác như là một phương tiện đạt đến một cùng đích do mình lựa chọn: nghĩa là, con người có thể thay thế các bộ phận, cải biến hay chấm dứt nó. Nói cách khác, con người có thể xác định cứu cánh tính hay giá trị cứu cánh của thân xác mình. Quyền bố trí một cái gì đó thì áp dụng cho những đồ vật có giá trị dụng cụ thuần túy, chứ không áp dụng cho các đồ vật thiện hảo tự thân, nghĩa là có cứu cánh tự nơi mình. Vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người chính là sự thiện hảo đó. Vấn đề đặt ra, nhất là trong địa hạt đạo đức sinh học, là liệu điều này có thể hay không thể áp dụng cho các cấp độ nơi con người, các cấp độ vốn được phân định rõ, như cấp độ tâm thể lý, cảm xúc và tinh thần.
83. Việc thực hành hằng ngày nơi bệnh xá thường thừa nhận một hình thức bố trí thân xác giới hạn cũng như một vài chức năng tâm thần nhằm để duy trì sự sống, tỉ như trong trường hợp phải cắt bỏ tay chân hay lấy đi một cơ phận nào đó. Các việc này được phép làm do bởi nguyên tắc toàn thể và bảo toàn (còn được goị là nguyên tắc trị liệu). Ý nghĩa của nguyên tắc này là: con người phát triển, chăm lo và bảo trì tất cả mọi chức năng thể lý và tâm thần ngõ hầu (1) các chức năng hạ đẳng không bao giờ bị hy sinh ngoại trừ trường hợp để cho toàn thể con người có thể hoạt động tốt đẹp hơn, và làm như thế với một nỗ lực bù trừ cho cái đã bị hy sinh; và (2) các năng lực căn bản thuộc về con người một cách trọng yếu thì không bao giờ bị hy sinh cả, ngoại trừ khi cần để cứu lấy mạng sống.
84. Các cơ phận và tứ chi vốn cùng nhau tạo thành một thể nhất trí mang tính thể lý, thì hoàn toàn gắn chặt vào, cũng như lệ thuộc thân xác như những thành phần trọng yếu. Tuy vậy, các giá trị hạ đẳng không thể bị hy sinh chỉ vì lợi ích của các giá trị cao đẳng: bởi lẽ các giá trị này cùng nhau cấu thành một nhất thể hữu cơ và lệ thuộc nhau. Do bởi thân xác, xét như một thành phần nội tại của con người, thì tự thân thiện hảo, thế nên các khả năng căn bản của con người chỉ có thể bị hy sinh nhằm để duy trì sự sống mà thôi. Thực vậy, sự sống là một thiện hảo căn bản bao hàm trọn vẹn hữu thể con người. Không có thiện hảo sự sống căn bản này thì các giá trị, tỉ như tự do chẳng hạn, vốn tự chúng có tính cách cao đẳng hơn sự sống, cũng chẳng còn giá trị. Giả như con người, trong thể xác tính của nó, cũng được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, thì nó không có toàn quyền bố trí bản chất sinh vật của mình. Chính Thiên Chúa, cũng như hữu thể được tạo dựng giống hình ảnh Ngài, không thể trở thành đối tượng cho hành đợng độc đóan của con người.
85. Khi ứng dụng nguyên lý toàn thể và bảo toàn, thì cần hội đủ các điều kiện sau đây: 1) phải có vấn đề liên quan đến thân xác vốn bị ảnh hưởng hay là nguyên nhân trực tiếp của một tình huống đe dọa mạng sống; 2) không còn một chọn lựa nào khác nhằm duy trì mạng sống; 3) có một cơ may thành công tương ứng so với các hậu quả có thể xẩy đến; 4) nạn nhân phải đồng ý với sự can thiệp. Các hậu quả và hiệu ứng tiêu cực của việc can thiệp có thể biện minh được bằng nguyên tắc song hiệu.
86. Một số người đã cố gắng giải thích giai tầng giá trị này nhằm cho phép việc hy sinh các khả năng hạ đẳng, tỉ như sinh sản, nhằm mưu ích cho các giá trị cao đẳng, như duy trì sức khỏe tâm thần và thăng tiến mối giao hảo với người khác. Tuy nhiên, ở đây, khả năng sinh sản được hy sinh nhằm duy trì các yếu tố trọng yếu đối với con người như là một toàn thể điều hành, chứ không phải như một toàn thể sống động. Thực ra, con người xét như một toàn thể điều hành thì đã bị vi phạm vì đã mất đi khả năng sinh sản, và đúng vào lúc nỗi đe dọa về sức khỏe tâm thần chưa hề cận kề mà còn có thể xoay chuyển sang chiều hướng khác. Hơn nữa, lối giải thích này về nguyên lý toàn diện thì hỗ trợ cho khả năng hy sinh một phần thân xác nhằm mưu cầu lợi ích xã hội. Cũng trên cùng nền tảng suy tư này, việc triệt sản vì lý do ưu sinh có thể biện minh được trên căn bản lợi ích chung.
87. Sự sống con người là kết quả của tình yêu vợ chồng—một món quà hỗ tương, trọn vẹn, dứt khóat, và độc chiếm mà người nam và người nữ cùng hiến tặng cho nhau—điều này phản ảnh món quà tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trao tặng cho nhau, từ đó đơm hoa kết trái trong cuộc tạo dựng, và món quà mà Chúa Kitô hiến tặng cho Hội Thánh Ngài trở thành hoa trái trong việc tái sinh con người. Sự kiện món quà trọn vẹn của con người liên quan đến cả tinh thần lẫn thể xác chính là nền móng của tính bất khả tách rời giữa hai ý nghĩa trong hành vi vợ chồng, đó là (1) sự diễn đạt chân chính của tình yêu vợ chồng trên phương diện sinh lý, và (2) sự thành toàn qua việc sinh sản trong thời kỳ thai nghén của người nữ (Humanae vitae, 12; Familiaris consortio, 32).
88. Món quà người nam và nữ trao tặng nhau trên phương diện thân mật tính dục trở thành bất toàn khi có việc ngừa thai hoặc triệt sản. Hơn nữa, nếu sử dụng một thứ kỹ thuật không nhằm giúp cho hành vi vợ chồng đạt đến mục tiêu, trái lại còn thay thế nó, để rồi đi đến kết quả là đậu thai nhờ sự can thiệp của một đệ tam nhân, thì đứa con sinh ra không xuất phát từ hành vi vợ chồng vốn diễn đạt món quà cha mẹ trao tặng cho nhau.
89. Trong trường hợp ‘nhân bản’—việc sinh ra những cá thể giống hệt nhau về mặt di truyền qua phương pháp cấy phôi hoặc hạch tử--thì đứa con sinh ra sẽ thành phi giới tính và không thể coi là kết quả của món quà tình yêu được. Do đó, ‘nhân bản’—trong trường hợp sinh ra nhiều người từ cùng một người—sẽ gây ra việc vi phạm căn tính con người. Cộng đồng nhân loại—như ta thấy, cũng được coi như hình ảnh Chúa Ba Ngôi—trong tính khác biệt của nó, đã biểu lộ một điều gì đó trong mối tương giao Ba Ngôi với một duy nhất tính đã đánh dấu cho những khác biệt, qua cùng một bản thể.
90. Có thể chấp nhận được việc kiến tạo dòng di truyền thai chủng vì mục đích trị bệnh nơi con người, miễn là không vì sự kiện khó mà tưởng tượng làm sao nó có thể hoàn thành được (a) nếu không có những nguy cơ bất tương xứng, nhất là trong bước thí nghiệm đầu tiên, tỉ như sự tổn thất hàng loạt các phôi thai cũng như việc xẩy ra các rủi ro, và (b) nếu không dùng đến các kỹ thuật sinh sản. Một chọn lựa khác có thể là: sử dụng việc trị liệu di truyền trong các tế bào gốc sản xuất ra tinh trùng người nam, nhờ đó có thể sinh ra dòng dõi khỏe mạnh bằng chính hạt giống của mình qua hành vi vợ chồng.
91. Việc kiến tạo tăng tiến di truyền là nhắm mục đích phát huy một số nét đặc trưng biệt loại. Có thể dùng ý tưởng về con người như là “đồng tạo hóa” với Thiên Chúa nhằm biện minh cho việc điều hành tiến hóa con người qua phương thức kiến tạo di truyền này. Tuy nhiên, như thế là hàm ý con người đã có toàn quyền bố trí bản chất sinh học của mình. Làm thay đổi căn tính di truyền của con người xét như là nhân vị qua việc sản xuất ra một hữu thể con người hạ đẳng là một hành vi triệt để vô luân. Việc thay hình đổi dạng di truyền hầu sản xuất ra một siêu nhân hay một hữu thể có những khả năng tinh thần hoàn toàn mới là một điều không thể quan niệm được, lý do là nguyên lý sự sống tinh thần của con người—tức chất thể được mô thức hóa vào trong thân xác con người—không phải là sản phẩm từ bàn tay con người làm ra, và không hề lệ thuộc vào khoa kiến tạo di truyền. Tính duy nhất của mỗi một nhân vị, một phần được cấu tạo bằng những đặc trưng tính thuộc di truyền sinh học và được phát triển qua nuôi dưỡng và tăng triển, thì thuộc về con người một cách tự nội, chứ không thể được coi như dụng cụ nhằm thăng hoa một vài tính đặc trưng ấy. Một người chỉ có thể thực sự thăng hóa khi thể hiện trọn vẹn hơn hình ảnh Thiên Chúa nơi mình bằng cách kết hợp với Chúa Kitô và noi gương Ngài. Những việc thay đổi vừa nói đều vi phạm tự do của những con người trong tương lai vốn không hề có phần quyết định nào trong việc định đoạt cơ cấu và đặc trưng của thân xác mình một cách có ý nghĩa và một cách không thể đảo ngược được. Việc trị liệu di truyền, trực tiếp nhắm vào việc làm vơi nhẹ những điều kiện bẩm sinh như hội chứng Down, chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến căn tính của người trong cuộc, xét về hình dáng bên ngoài cũng như các khả năng tâm thần, nhưng việc thay đổi này cũng sẽ giúp người ấy hoàn toàn bộc lộ được thực chất của mình, điều đã bị di truyền khiếm khuyết ngăn chận lại.
92. Việc can thiệp mang tính trị liệu giúp phục hồi các chức năng thể lý, tâm lý và tinh thần, đặt con người vào trung tâm và hoàn toàn tôn trọng cứu cánh tính của các cấp độ khác nhau nơi con người. Vì sở hữu tính chất trị liệu, nền y học nào phục vụ con người và thân xác con người như là những mục tiêu tự chính nó, thì tôn trọng hình ảnh Thiên Chúa trong cả hai. Theo nguyên tắc tương ứng, các phương pháp trị liệu nhằm kéo dài đời sống một cách ngoại thường đều phải được sử dụng khi có một sự tương ứng giữa các kết quả tích cực nhắm tới và sự thiệt hại có thể xẩy ra cho chính bệnh nhân. Thiếu sự tương ứng này, có thể phải loại bỏ việc trị liệu, cho dù như thế sẽ làm cho mau chết hơn. Việc làm cho mau chết trong phương pháp trị liệu giảm đau bằng cách gây mê chính là một hậu quả gián tiếp, giống như các phản ứng phụ trong y học, có thể được đặt trong nguyên tắc song hiệu, miễn là liều lượng được sử dụng là nhằm vào việc làm thuyên giảm các triệu chứng đau đớn, chứ không nhằm dứt khoát kết thúc sự sống.
93. Việc bố trí cái chết thực sự là cách bố trí đời sống triệt để nhất. Trong việc trợ tử, an tử trực tiếp, và trực tiếp phá thai—cho dù tình huống cá nhân có bi đát và phức tạp thế nào chăng nữa—sự sống thể lý được hy sinh vì một cứu cánh tự chọn. Nằm trong cùng trường hợp này là việc biến phôi thai trở thành dụng cụ bằng thí nghiệm phi-trị-liệu trên các phôi thai, cũng như bằng các cách chẩn bệnh trước khi cấy ghép.
94. Thực trạng hữu thể học của con người chúng ta trong tư cách là thụ tạo được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa đặt ra một số giới hạn cho khả năng bố trí bản thân. Quyền thống trị ta đang thụ hưởng thì không phải là vô hạn: ta thực hiện quyền thống trị này trên thế giới tạo vật theo nghĩa thông phần, để rồi rốt cuộc, ta phải tính sổ quản lý với Đấng làm Chúa Tể Vũ Trụ. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng con người không phải là Thiên Chúa.
KẾT LUẬN
95. Qua các suy tư này, chủ đề ‘imago Dei’ đã cho thấy một sức mạnh có tính hệ thống trong việc soi sáng nhiều chân lý của niềm tin Kitô giáo. Nó giúp ta trình bầy một quan niệm về con người, một quan niệm mang tính tương giao và ngã vị. Chính mối tương giao với Thiên Chúa đã xác định căn tính con người và đặt nền cho mối tương giao với các tạo vật khác. Tuy vậy, như đã thấy, mầu nhiệm con người chỉ hoàn toàn được mạc khải trong ánh sáng của Chúa Kitô, Ngài là hình ảnh tuyệt hảo của Chúa Cha, và qua Chúa Thánh Thần, Ngài đưa ta vào thông phần mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính trong sự hiệp thông tình yêu này mà mầu nhiệm của mọi hữu thể--được Thiên Chúa cưu mang—mới tìm được ý nghĩa trọn vẹn nhất. Vừa cao sang, lại vừa khiêm hạ, quan niệm về con người như là hình ảnh Thiên Chúa đã tạo thành một bản hiến chương của các mối tương giao giữa con người với thế giới tạo vật, và một nền tảng để căn cứ vào đó mà thẩm định tính cách chính đáng của các tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn có ảnh hưởng trực tiếp trên đời sống con người và môi sinh. Trong các lãnh vực này, vì là các nhân vị được mời gọi làm chứng cho việc thông phần vào quyền sáng tạo của Thiên Chúa, con người cũng cần phải thừa nhận vị trí của mình như là các tạo vật đã được Thiên Chúa trao phó cho trách nhiệm quý báu là quản lý vũ trụ vật chất này.
(hết)