CHƯƠNG BA:

Tạo Dựng Giống Hình ảnh Thiên Chúa: Quản Lý các tạo vật hữu hình



56. Chủ đề lớn trước tiên trong nền thần học về ‘imago Dei’ liên hệ đến việc thông phần vào đời sống hiệp thông của Thiên Chúa. Như ta đã thấy, khi được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người trở thành các hữu thể chia sẻ thế giới này cùng với các hữu thể khác, cũng mang xác thể nhưng lại nổi bật ở chỗ có trí năng, tình yêu và tự do, và chính vì thế, tự bản chất, con người phải sống hiệp thông với nhau. Bằng chứng hùng hồn đầu tiên của việc thông hiệp này chính là sự kết hiệp có tính sinh sản giữa người nam và người nữ, điều này phản chiếu sự hiệp thông tình yêu sáng tạo của Chúa Ba Ngôi. Chính cuộc khổ nạn, cái chết, và phục sinh của Chúa Kitô đã vượt thắng sự bóp méo hình ảnh Thiên Chúa do tội lỗi gây nên cùng với các hậu quả tác hại trên đời sống cá nhân và liên cá nhân. Ân sủng cứu độ từ việc thông phần vào mầu nhiệm vượt qua phục hồi lại ‘imago Dei’ theo khuôn mẫu của ‘imago Christi.’

57. Trong chương này, ta sẽ đề cập đến chủ đề chính thứ hai trong nền thần học về ‘imago Dei.’ Vì được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa để chia sẻ cuộc hiệp thông tình yêu của Chúa Ba Ngôi, thế nên, theo ý định của Chúa, con người phải nắm giữ một vị trí độc đáo trong vũ trụ: đó là hưởng đặc ân chia sẻ với Thiên Chúa quyền cai quản tạo vật hữu hình. Đặc ân này được ban cho con người từ bàn tay Tạo Hóa, là Đấng cho phép tạo vật được dựng nên giống hình ảnh mình, hầu có thể thông phần vào công trình của Chúa, đó là ý định tình yêu và cứu độ, cũng chính là thông phần vào việc cai quản vũ trụ. Do bởi vai trò quản cai của con người chính là thông phần vào việc cai quản vũ trụ của Thiên Chúa, cho nên ở đây ta nói đến một hình thức quản lý.

58. Theo ‘Gaudium et Spes’: “Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện; và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, nó qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu” (34). Ý niệm con người quản cai hoặc thống trị (địa cầu) đóng một vai trò quan trọng trong thần học Kitô giáo. Thiên Chúa chỉ định con người làm việc quản lý theo cung cách người chủ trong các dụ ngôn của Tin Mừng (x. Luke 19:12). Chỉ duy một loài thụ tạo được chính Thiên Chúa minh nhiên ưng thuận mới chiếm lĩnh được vị trí độc hữu trên chóp đỉnh tạo vật hữu hình (Gen 1:26; 2:20; Tv 8:6-7; Kn 9:2-3).

59. Thần học Kitô giáo dùng cả hai hình ảnh thông thường và vương đế để mô tả vai trò độc đáo này. Với hình ảnh vương đế, con người được kêu mời cai trị theo nghĩa nắm quyền thống lĩnh toàn thể thế giới hữu hình, y như phong cách của một hoàng đế. Thế nhưng ý nghĩa sâu kín bên trong của tư cách đế vương này, như Chúa Giêsu đã nhắc nhở các môn đệ, chính là phục vụ: bởi lẽ, chính vì tự nguyện chịu đau khổ như một nạn nhân hy sinh mà Chúa Kitô đã trở thành vua vũ trụ, với thập giá là ngai vàng. Với hình ảnh thông thường, thần học Kitô giáo đề cập đến con người như là người quản gia được Thiên Chúa tín cẩn trao phó cho việc trông coi nhà cửa (x. Mt 24:45). Con người có thể xử dụng toàn thể của cải tài nguyên có trong vũ trụ hữu hình tùy sở thích, và hành xử quyền thống trị này trên vũ trụ qua khoa học, kỹ thuật, và nghệ thuật.

60. Ở trên, và ở tận trong cõi thân mật của lương tâm mình, con người khám phá ra sự hiện hữu của một thứ luật mà truyền thống gọi là “luật tự nhiên.” Luật này phát xuất từ Thiên Chúa, và chính cái ý thức của con người về thứ luật này đã là sự thông phần vào lề luật của Thiên Chúa. Nó quy chiếu con người về các nguồn gốc chân thật của vũ trụ cũng như của chính nó (‘Veritatis Splendor’ số 20). Luật tự nhiên này thúc bách tạo vật có lý trí tìm về sự thật và điều thiện hảo trong khi thống lĩnh vũ trụ. Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người hành xử quyền thống lĩnh tạo vật hữu hình này chỉ nhờ ở đặc ân Thiên Chúa ban cho. Nó noi theo luật Chúa, nhưng không thể thay đổi luật ấy được. Thánh Kinh đã từng cảnh báo về thứ tội danh tiếm quyền Thiên Chúa. Là một sai lầm nghiêm trọng về mặt luân lý khi con người quản cai vũ trụ hữu hình này mà lại tách mình khỏi lề luật cao cả của Chúa. Họ hành động như là quản gia thay quyền gia chủ (x. Mt 25:14 ff) để tự do và dùng sáng kiến táo bạo hầu đem những nén bạc gia chủ giao cho mà sinh lợi.

61. Người quản gia phải tính sổ về cách quản lý của mình, và Thiên Chúa trong vai gia chủ sẽ phán định các hành động của người quản gia này. Cách thức người quản gia sử dụng các phương tiện có hợp luật và kiến hiệu về mặt luân lý hay không chính là tiêu chuẩn cho việc phán định này. Khoa học cũng như kỹ thuật tự chúng đều không phải là cùng đích; cái khả hữu xét về mặt kỹ thuật không nhất thiết sẽ trở thành hữu lý hay hợp với đạo đức. Khoa học và kỹ thuật phải dùng để phục vụ kế hoạch Thiên Chúa đã an bài cho toàn thể công trình tạo dựng và cho hết mọi tạo vật. Kế hoạch này đem lại ý nghĩa cho vũ trụ và cho các công trình của con người nữa. Việc con người quản lý vũ trụ này chính là cách cai quản bằng thông phần vào quyền cai trị của Chúa, và lúc nào cũng phải phụ thuộc quyền này. Con người hành xử việc quản lý này bằng cách thủ đắc kiến thức khoa học về vũ trụ, bằng cách dùng tinh thần trách nhiệm mà chăm lo cho thế giới tự nhiên này (bao gồm cả thú vật và môi sinh), và bằng cách bảo vệ tính liêm khiết sinh học của chúng.

I. Khoa Học và Quyền Quản Lý Tri Thức

62. Nỗ lực thấu hiểu vũ trụ đã đánh dấu nét văn hóa của con người mọi thời và trong mọi xã hội. Trong bối cảnh niềm tin Kitô giáo, nỗ lực này chính là một bằng chứng quyền quản lý mà con người thực hành theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa. Không hề tuân theo chủ nghĩa thỏa hiệp bất tín, các Kitô hữu có trách nhiệm định vị tri thức khoa học về vũ trụ trong bối cảnh của nền thần học tạo dựng. Vị trí của con người trong lịch sử vũ trụ tiến hoá này, như khoa học tân thời phác họa, chỉ có thể được nhìn thấy một cách toàn vẹn trong ánh sáng đức tin, như là một lịch sử cá biệt của việc Thiên Chúa Ba Ngôi can thiệp vào thế giới con người.

63. Theo lý thuyết khoa học đã được công nhận rộng rãi, vũ trụ này được khai sinh cách đây 15 tỉ năm từ một cơn bùng nổ gọi là “vụ Nổ Lớn” (Big Bang) khiến nó phồng giãn ra rồi nguội lại. Sau đó dần dần nẩy ra các điều kiện cần thiết tạo thành các nguyên tử, rồi kết tụ lại thành các giải ngân hà và tinh tú, để rồi khoảng 10 tỉ năm sau tạo thành các hành tinh. Trong thái dương hệ và quả đất chúng ta (thành hình khoảng 4.5 tỉ năm trước đây), các điều kiện thuận lợi đã làm nẩy sinh sự sống. Cho dù các khoa học gia ít đồng ý về cách lý giải nguồn gốc của mầm sống đầu tiên xẩy đến như thế nào, nhưng đại đa số đều đồng ý rằng sinh vật đầu tiên xuất hiện trên hành tinh này vào khoảng 3.5 đến 4 tỉ năm trước đây. Khoa học đã minh chứng rằng mọi sinh vật trên địa cầu, xét về mặt di truyền học, đều có tương quan với nhau, do đó, hiển nhiên là mọi sinh vật đều phát xuất từ sinh vật đầu tiên này. Nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu trong khoa vật lý và sinh học đã hỗ trợ cho một vài lý thuyết về tiến hóa xét về mặt phát triển và đa dạng hóa sự sống trên trái đất, cho dù vẫn có tranh cãi về tiến độ và cơ giới tính của tiến hóa. Trong khi vấn đề nguồn gốc con người mang tính phức tạp và cần nhiều nghiên cứu và duyệt xét, thì tổng hợp kết quả của khoa nhân học vật lý và khoa sinh học phân tử đã đem lại các kết luận vững chắc về nguồn gốc nhân loại tại Phi Châu vào khoảng 150 ngàn năm trước đây, trong một tập thể con người mang cùng dòng giống di truyền chung. Tuy nhiên, cần phải giải thích thêm rằng yếu tố quyết định nguồn gốc con người chính là việc kích thước não bộ liên tục tăng triển, đạt cao điểm nơi ‘homo sapiens’ (con người thông thái). Với việc phát triển não bộ, bản chất và mức độ tiến hóa đã vĩnh viễn thay đổi: với việc du nhập các yếu tố nhân bản độc đáo như ý thức, chủ ý tính, tự do và sáng tạo tính, cuộc tiến hóa sinh học đã được đúc kết lại như là cuộc tiến hóa về xã hội và văn hóa.

64. Vài năm trước đây, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Gioan Phaolô II đã nói rằng “tri thức thời mới dẫn đến việc nhìn nhận rằng: lý thuyết tiến hoá có tính chất cao hơn là một giả thuyết. Điều đáng chú ý là lý thuyết này đã dần dần được các nhà nghiên cứu thừa nhận tiếp theo sau một chuỗi những khám phá trong nhiều lãnh vực tri thức khác nhau” (‘Sứ điệp gửi cho Hàn lâm viện khoa học giáo hoàng về Tiến Hoá’ 1996). Nối tiếp giáo huấn của Giáo Hoàng trong thế kỷ 20 về tiến hoá (nhất là Thông Điệp ‘Humani Generis’ của ĐGH Piô XII), sứ điệp của ĐGH Gioan Phaolô II nhìn nhận rằng có “nhiều lý thuyết tiến hoá mang tính duy vật, duy giản lược và duy linh” và do đó, không phù hợp với đức tin Công giáo. Chính vì thế mà ta không thể coi sứ điệp của ĐGH Gioan Phaolô II như là sự tán thành theo kiểu trùm mền trên tất cả mọi lý thuyết về tiến hoá, bao gồm cả chủ nghĩa tân-Darwin vốn minh nhiên chối bỏ sự quan phòng của Thiên Chúa, coi đó không phải là nguyên nhân phát triển sự sống trong vũ trụ. Quan ngại chủ yếu đối với thuyết tiến hoá chính là vì nó có “liên quan đến vấn đề con người,” tuy nhiên, sứ điệp của ĐGH Gioan Phaolô II đã cực lực phê phán lối lý giải duy vật về nguồn gốc con người, đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết của khoa triết học và thần học hầu có được một tri thức tương đối đầy đủ về “bước nhẩy vọt hữu thể học” hướng đến con người, vốn không thể nào dùng các từ ngữ thuần túy khoa học mà giải thích được. Mối quan tâm chính của Hội Thánh về thuyết tiến hoá tập chú vào “quan niệm về con người,” là nhân vật đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, thành ra “không thể được coi như chỉ là phương tiện hay cách thức nhằm phục vụ chính nòi giống mình hoặc phục vụ xã hội.” Là ngôi vị được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người có khả năng thiết lập các mối tương quan hiệp thông với các ngôi vị khác và với Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng như hành xử quyền thống lĩnh và quản lý trong vũ trụ. Các nhận định này hàm ý rằng các lý thuyết về tiến hoá và về nguồn gốc vũ trụ đều trĩu nặng nỗi trăn trở của thần học khi chạm đến giáo lý về việc tạo dựng ex nihilo--từ hư vô, và việc tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa.

65. Ta đã thấy con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa hầu trở thành kẻ thông chia bản tính của Ngài (x. 2 Pet 1:3-4) và nhờ thế, chia sẻ cuộc hiệp thông đời sống Chúa Ba Ngôi cũng như việc Thiên Chúa thống trị trên tạo vật hữu hình. Trọng tâm hành vi sáng tạo của Thiên Chúa chính là thánh ý Ngài muốn dành chỗ cho con người thụ tạo được sống thông hiệp với các Ngôi Vị không-được-tạo-dựng là Chúa Ba Ngôi qua ơn làm nghĩa tử nhờ Chúa Kitô. Hơn thế nữa, việc có chung tổ tiên và tính duy nhất tự nhiên của loài người đã trở thành nền tảng cho sự hiệp nhất trong ân sủng của những con người đã được cứu chuộc dưới quyền thủ lãnh của Adam Mới trong niềm hiệp thông mang tính Hội thánh của các nhân vị hợp nhất với nhau và với các Đấng không-được-tạo-dựng là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Món quà đời sống tự nhiên chính là nền tảng của món quà đời sống ân sủng. Chính vì thế, ở đâu có sự thật chính yếu liên quan đến một nhân vị hoạt động tự do, thì ở nơi ấy không thể nói đến tính thiết yếu hoặc quyết lệnh sáng tạo, rốt cuộc là, nếu nói về Tạo Hoá như một quyền lực, hoặc năng động lực, hoặc nền móng thì chẳng hề thích hợp chút nào. Sáng tạo từ hư vô chính là hành động của một tác nhân siêu việt, hoạt động tự do và đầy chủ đích, với cái nhìn hướng về các mục tiêu bao trùm của việc dấn thân cá nhân. Trong truyền thống Công giáo, giáo lý về nguồn gốc con người biểu tỏ chân lý mạc khải về sự hiểu biết Thiên Chúa và con người, một sự hiểu biết tận căn bản đã mang tính tương giao và nhân vị. Việc loại trừ chủ trương phiếm thần và duy xuất phát (emanationism) trong giáo lý về tạo dựng có thể được lý giải như một phương cách để bảo vệ chân lý mạc khải. Giáo lý về việc tạo dựng trực tiếp hay đặc biệt của mỗi linh hồn con người không chỉ nêu lên tính bất liên tục hữu thể học giữa thể chất và tinh thần, mà còn thiết lập nền tảng cho mối dây thân mật xuất phát từ Thiên Chúa phủ trùm lên từng mỗi con người khởi đi từ khoảnh khắc hiện hữu đầu tiên của họ.

(còn tiếp)