HIỆP THÔNG NHÂN VỊ và QUẢN LÝ TẠO VẬT (3): Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa
II. Thời Mới phê phán nền thần học về ‘Imago Dei’
18. Nền thần học về ‘imago Dei’ vẫn giữ được vị trí trọng tâm trong khoa nhân học thần học mãi cho tới buổi hừng đông của thời mới. Suốt dòng lịch sử tư tưởng Kitô giáo, trọng lực và sự hấp dẫn của chủ đề này vững chãi cho đến độ nó có thể trơ gan trước những phê phán lẻ tẻ (tỉ như trong chủ trương bài trừ thánh tượng) cho rằng tính chất nhân hình của nó đã đưa đến việc tôn thờ ngẫu tượng. Thế nhưng, trong thời đại mới, nền thần học về ‘imago Dei’ đã gặp phải những chỉ trích nặng ký hơn và có hệ thống hơn.
19. Vũ trụ quan mà khoa học tân thời ủng hộ đã làm thay đổi ý niệm cổ điển về một vũ trụ được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa, và vì thế, cũng làm rung chuyển một phần quan trọng cái khung quan niệm vốn hỗ trợ cho nền thần học về ‘imago Dei.’ Thế là chủ đề này bị các nhà thực nghiệm coi là không phù hợp với kinh nghiệm, còn các nhà duy lý lại cho là hàm hồ. Thế nhưng, đáng sợ hơn nữa là quan niệm cho rằng con người chính là một chủ thể tự lập, tự tại, không hề có tương quan gì với Thiên Chúa cả. Do đó, khái niệm về ‘imago Dei’ không thể nào chấp nhận được. Chỉ còn một bước nhỏ nữa là người ta sẽ đi đến chỗ lật ngược lại khoa nhân học kinh thánh, dưới nhiều dạng thức khác nhau, như kiểu tư duy của Ludwig Feuerbach, Karl Marx và Sigmund Freud: không phải con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa, mà ngược lại, chính Thiên Chúa mới là hình ảnh do con nguời dọi phóng ra. Rốt cuộc, chủ nghĩa vô thần tất nhiên phải nẩy sinh nếu con người muốn tự lập tự tại..
20. Thoạt tiên, bầu khí của nền thần học phương Tây trong thế kỷ hai mươi chẳng hề mang lại chút thuận lợi nào cho chủ đề ‘imago Dei.’ Với những tư tưởng đã manh nha từ thời thế kỷ 19 như vừa nói, có thể nói rằng không thể tránh được một vài hình thức thần học biện chứng, coi chủ đề này như là cách biểu tỏ tính tự phụ của con người khi so sánh và đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa. Chính vì nhấn mạnh đến biến cố gặp gỡ Thiên Chúa, nền thần học hiện sinh đã làm xói mòn khái niệm về mối tương giao vững bền và vĩnh viễn với Thiên Chúa, vốn là kết quả của khoa đạo lý về ‘imago Dei.’ Nền thần học tục hóa thì phi bác khái niệm về một điểm quy chiếu khách quan trong thế giới vốn xác nhận việc con người được định vị trong tương quan với Thiên Chúa. “Vị Thiên Chúa vô phẩm tính” hay nói khác đi, một Thượng Đế vô ngã vị do một vài nhánh thần học tiêu cực tạo ra không bao giờ có thể được coi là kiểu mẫu con người được tạo dựng theo hình ảnh Ngài. Trong khoa thần học chính trị, vốn chú trọng đến trực tác, thì chủ đề ‘imago Dei’ bị đẩy lùi vào quên lãng. Sau cùng, các phê phán dù mang tính tục hóa hay thần học đều chỉ trích nền thần học về ‘imago Dei’ là đã khinh miệt thiên nhiên và lợI ích của loài vật.
III. ‘Imago Dei’ thời CĐ Vaticanô II và khoa thần học hiện đại
21. Cho dù chạm phải những trào lưu thiếu thuận lợi như vừa nói, nền thần học về ‘imago Dei’ vẫn dần dần được quan tâm hồi phục trong suốt khoảng giữa thế kỷ hai mươi. Việc nghiên cứu công phu về Thánh Kinh, các Giáo Phụ cũng như các thần học gia lớn đã gây được một ý thức canh tân về tính phổ thông và tầm quan trọng của chủ đề về ‘imago Dei.’ Sự khôi phục này có thể thấy được nơi các thần học gia Công giáo trước CĐ Vaticanô II. CĐ đã đưa ra một đòn bẩy mới cho nền thần học về ‘imago Dei,’ nhất là trong Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, ‘Gaudium et Spes’ (GS).
22. Khi gợi lại chủ đề hình ảnh Thiên Chúa, GS đoạn 12 đã xác nhận phẩm giá của con người như đã nói trong Sáng Thế 1:26 và Thánh Vịnh 8:6. Trong cái nhìn của Vaticanô II, ‘imago Dei’ chính là xu hướng căn bản của con người hướng về Thiên Chúa, điều làm nền tảng cho phẩm giá cũng như các quyền bất khả nhượng của con người. Mỗi con người, nếu đã là hình ảnh Thiên Chúa, thì không thể làm đầy tớ phục vụ cho bất kỳ một hệ thống hay mục tiêu trần thế nào. Quyền vượt trổi trên toàn vũ trụ, khả năng sống hợp quần trong xã hội, cùng sự hiểu biết và yêu mến Tạo Hoá, tất cả đều đâm rễ sâu trong hữu thể con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Căn bản giáo huấn của CĐ chính là khía cạnh Kitô học của hình ảnh: chính Chúa Kitô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình (Col 1:15) (GS 10). Chúa Con chính là Con Người hoàn hảo, đã phục hồi sự tương đồng với Thiên Chúa nơi những con cái Ađam vốn đã bị tội nguyên tổ làm thương tổn (GS 22). Được mạc khải bởi Thiên Chúa là đấng tạo dựng con người theo hình ảnh mình, chính Chúa Con đã vạch cho con người thấy các câu trả lời cho các vấn nạn về ý nghĩa sự sống và sự chết (GS 41).
23. CĐ còn nhấn mạnh đến cơ cấu tam vị của hình ảnh: khi sống hòa hợp với Chúa Kitô (Rm 8:29) và nhờ các ân huệ Chúa Thánh Thần (Rm 8:23), một con người mới được tạo thành, có khả năng làm tròn giới răn mới (GS 22). Các bậc thánh nhân là những vị đã được hoàn toàn cải hoá trong hình ảnh Thiên Chúa (x. 2 Cor 3:18); chính nơi các ngài mà Thiên Chúa đã tỏ lộ sự hiện diện và ân sủng của mình như là dấu chỉ của nước Chúa (GS 24). Dựa trên căn bản đạo lý về hình ảnh Thiên Chúa, CĐ dậy rằng sinh hoạt của con người thì phản ảnh tính sáng tạo của Thiên Chúa xét như mẫu mực (GS 34), và phải được quy hướng về công bình cũng như tình tương thân của con người ngõ hầu xây dựng nên một gia đình trong đó tất cả đều là anh chị em với nhau (GS 24).
24. Sự quan tâm phục hồi nền thần học ‘imago Dei’ vốn đươc khai sinh từ CĐ Vaticanô II được phản ảnh trong nền thần học hiện đại, nơi đó có thể ghi nhận nhiều bước phát triển trong các lãnh vực khác nhau. Trước hết, các thần học gia đang nỗ lực chứng minh rằng nền thần học về ‘imago Dei’ đã soi sáng như thế nào cho mối quan hệ giữa khoa nhân học với khoa Kitô học. Không những không hề chối bỏ ân sủng độc đáo đã đến với con người qua cuộc nhập thể, các thần học gia còn muốn nhìn nhận giá trị nội tại của việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Các khả thể mà Chúa Kitô mở ra cho con người không hề bao hàm việc tiêu diệt thực tại con người trong tạo vật tính của nó, mà bao hàm sự cải hóa và hiện thực hóa theo hình ảnh hoàn hảo của Chúa Con. Hơn nữa, chính sự canh tân hiểu biết về mối dây liên kết giữa khoa Kitô học và khoa nhân học đã đem đến sự thấu hiểu sâu xa hơn về tính năng động của ‘imago Dei.’ Không hề chối bỏ ân huệ con người được đặc biệt tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, các thần học gia còn muốn nhìn nhận chân lý này: trong ánh sáng lịch sử con người cũng như sự tiến hóa của văn hóa loài người, có thể nói rằng ‘imago Dei’ thực sự vẫn ở trong tiến trình hình thành. Hơn thế nữa, nền thần học về ‘imago Dei’ còn liên kết khoa nhân học với khoa thần học luân lý, bằng cách chứng minh rằng, tự nơi hữu thể mình, con người đã sở hữu sẵn sự thông phần vào quy luật của Thiên Chúa. Luật tự nhiên này hướng dẫn con người đi tìm sự thiện hảo trong hành động của mình. Sau cùng, ‘imago Dei’ còn mang một chiều kích hữu đích và cánh chung nói lên khía cạnh lữ hành của con người (homo viator), hướng về ngày thế mạt (parousia) cũng như ngày hoàn thành kế hoạch mà Thiên Chúa đặt định cho vũ trụ như được thể hiện trong lịch sử ân sủng nơi cuộc đời mỗi người cũng như trong lịch sử của toàn thể nhân loại.
Source: Communion and Stewardship: Human Persons Created in the Image of God, by International Theological Commission, www.catholicculture.org