Tôi trở lại Kẻ Vàng trong một ngày đầu xuân tiết trời se se lạnh, những hạt mưa bụi lất phất bay, những chồi non đang bung nở trên những cành lá xanh mơn mởn. Trên con đường bê tông phẳng phiu, rắn chắc, tay lái tôi thêm yên tâm và tự tin hơn nhiều.

Cũng con đường này cách đây không lâu, sự ghồ ghề và trơn trượt đã không ít lần gây ra bao tai nạn, nhiều giáo dân đã trầy da xước thịt, đi lại muôn vàn bất tiện…trở lại Kẻ Vàng sau 1 năm, dường như giáo xứ đang trên đà thay da đổi thịt.

Gíáo xứ Kẻ Vàng là 1 trong những giáo xứ nhỏ và nghèo vào bậc nhất Giáo Phận Thanh Hoá. Nằm trên địa bàn xã Yên Thịnh - huyện Yên Định - tỉnh Thanh Hoá, một vùng trung du heo hút của vùng núi phía Bắc. Nơi của bạt ngàn lúa, ngô, sắn, lạc. Nơi của những đợt không khí lạnh rét căm căm, của những đợt gió Lào nắng cháy, nơi của những con người lam lũ một nắng hai sương quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời và cũng là nơi của những giáo dân sùng đạo, yêu mến Chúa nhất.

Cách đây một năm, lần đầu tiên Đức Cha Giáo Phận đã bổ nhiệm cho Kẻ Vàng một vị linh mục chính xứ. Một vị linh mục trẻ đầy lòng nhiệt thành và giàu đức hy sinh. Một con người có rất nhiều điều đáng để cho cá nhân tôi học hỏi.

Về làm chánh xứ Kẻ Vàng sau những tháng ngày tu nghiệp bên đất Pháp, ngỡ tưởng khó hoà hợp giữa một vị linh mục “đi Tây” với bà con giáo dân quê mùa, thường dân áo vải. Ấy thế mà có ai ngờ… sau những bộ lễ phục sang trọng trên bàn thờ, sau những chiếc complê, cà vạt lịch sự mỗi khi tiếp khách… tôi nhận thấy sự bình dị của ngài trong chiếc áo phông giản dị, đôi dép tổ ong sờn, cái đồng hồ casio “trăm hai mươi nghìn”, cái điện thoại “cục gạch” với chiếc wave “cà tàng”… Có ai ngờ vị linh mục thư sinh trắng trẻo kia lại sẵn sàng xắn quần, lội bì bõm dưới ruộng với bùn đất bẩn thỉu để cùng cày cấy, đến vụ thu hoạch thì cùng bà con gặt lúa, bẻ ngô. Những động tác hết sức lành nghề của một người con của vùng nông thôn Thanh Thuỷ.

Thấy đường làng đêm về tối om, bà con đi lại khó khăn, nguy hiểm. Ngài đã vận động lắp đặt cho giáo xứ một đường điện nối dài, Kẻ Vàng đêm về lại sáng trưng ánh điện, trẻ con trong xóm lại nô nức đùa vui. Thấy giáo xứ chưa có khuôn viên kính viếng Đức Mẹ, ngài vận động cho xây dựng tượng đài Đức Maria và đã hoàn thành được hơn 50% công trình.

Khổ cực nhất có lẽ là những tháng ngày làm công trình đường bê tông hoá nông thôn. Thật đúng là trăm công nghìn việc, trăm mối lo toan, trăm ngàn thách thức. Công việc vất vả khiến ngài thường xuyên muộn bữa sáng, có khi gấp gáp thì nghỉ ăn luôn, làm lễ sáng xong là ra công trường cầm cái bánh mỳ hay miếng xôi ăn lót dạ. Bỏ ngủ trưa để bốc xi đến bãi trộn, đương đầu với những giáo dân “cù nhầy” trong việc múc dỡ mấy gốc tre. Cái chuyện tế nhị và phức tạp khiến cho mấy đời chủ tịch xã phải chịu bó tay chịu trận. ấy thế mà đến tay ngài lại được “giải quyết” một cách êm thấm.

Vừa lo lắng xây dựng cơ sở vật chất cho giáo xứ, vừa lo lắng công tác mục vụ. Tôi đặc biệt ấn tượng với sáng kiến của ngài tổ chức giờ chầu vào mỗi tối chủ nhật, nói đúng hơn đó là một buổi giảng đạo hàng tuần, nơi mà Ngài sẽ cung cấp cho bà con giáo dân những kiến thức căn bản và sâu rộng về Đạo, nơi mà Ngài và bà con cùng nhau đối thoại, trao đổi về phúc âm, về luật Chúa và Hội Thánh. Qua những buổi như thế, tôi tin chắc rằng, niềm tin của bà con càng được xác tín mạnh mẽ hơn.

Không chỉ có giảng đạo trong nhà thờ, Ngài còn thường xuyên lui tới các gia đình trong xứ, trò chuyện, vận động bà con hăng say sống tin mừng, chung vui với bà con bên những nồi ngô nồi sắn khiến cho tình cha con ngày một khăng khít hơn.

Ngài còn tổ chức lại cơ cấu giáo xứ hết sức chặt chẽ với các hội đoàn, lên danh sách cụ thể thậm chí đang thử nghiệm hình thức dùng thẻ giáo dân. Mục đích của việc làm này là tạo mối liên kết mạnh mẽ và tinh thần hiệp nhất cao trong giáo xứ, giúp cho việc quản lý và coi sóc giáo xứ được thuận lợi và dễ dàng hơn, nhất là trong bối cảnh đạo chúng ta đang có nhiều thế lực phá hoại muốn trà trộn và gây rối.

Bên cạnh đó, ngài luôn chú trọng đến vấn đề giáo dục và quan tâm đến những người nghèo, người neo đơn, đau yếu. Chú trọng khâu vệ sinh môi trường với việc phát động giáo dân xây nhà vệ sinh tự hoại, có nắp đậy nhằm thay đổi những thói quen cổ hủ, lạc hậu có từ xa xưa…

Các đấng cứ lắc đầu trêu: không biết “Bác lấy tiền ở đâu?”. Thực ra tiền ngài không có. Ngài thường bảo: “cứ làm rồi Chúa lo liệu hết”. Tôi cảm phục Ngài, có những lần xe chở ximăng về nhưng tiền thì đã hết, Ngài phải chạy đến giáo dân vay nóng sau đó lại đi trả dần. Có những lần sai người mang tiền đi lấy thiết bị, ở nhà kẹt quá lại phải hoãn gọi đem tiền về lo chuyện ở nhà trước. Việc làm đường, không biết bao nhiêu người can ngăn, không muốn Ngài đụng vào vì sợ Ngài vất vả và tốn kém nhưng Ngài trả lời bằng một câu khiến tôi suy nghĩ: “Mình phải chịu khổ để cho bà con giáo dân được nhờ”

Có lẽ nếu đọc được những dòng này chắc Ngài sẽ trách tôi vì cái tội “hóng hớt ”. Vâng, người tôi muốn nói đến là linh mục Toma Bùi Huy Cường. Xin thay mặt cho bà con giáo dân xứ Kẻ Vàng cảm ơn Ngài đã không quản khó khăn, vất vả xây dựng giáo xứ, đã không sợ khó, sợ khổ để làm những việc mà chẳng mấy thảnh thơi, đã quên ngủ quên ăn hết lòng phục vụ giáo dân, Giáo Hội. Riêng đối với con, Ngài dạy cho con một tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, miệt mài, một nghị lực phi thường và sự can đảm, quyết đoán trong mọi quyết định, hơn thế nữa đó là sự giản dị, đơn sơ trong lối sống thường ngày. Cảm ơn Ngài và xin Chúa cùng Mẹ Maria tuôn đổ thêm nhiều hồng ân hơn nữa giúp Ngài có một sức khoẻ dồi dào và lòng mến sắc son để chu toàn những công việc mà nhà Cha trao phó.

Hà Nội những ngày trong cái rét tháng 3