Đặc ngữ Công Giáo Việt Nam: Tìm hiểu các danh xưng Kirixitô - Kitô - Gia Tô - Cơ Đốc.
Hầu như người Công Giáo Việt Nam nào cũng biết đến các danh xưng Kitô, Kirixitô, Gia Tô, Cơ Đốc. Vậy các từ này bắt nguồn từ đâu? Công Giáo dùng từ nào? Tin Lành dùng từ nào? Các sử gia triều Nguyễn dùng từ nào? Để trả lời các câu hỏi này bài viết sau đây trình bày nguồn gốc các từ Kirixitô - Kitô, Gia Tô và Cơ Đốc
Kirixitô - Kitô: là tiếng phiên âm của từ Cristo trong tiếng Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha có nghĩa là Đấng Cứu Thế. Các nhà Truyền Giáo đầu tiên đến Việt Nam hầu hết là người Bồ Đào Nha và dĩ nhiên các Ngài chưa biết lấy từ nào trong tiếng Việt để dịch chữ Cristo có nghĩa là Chúa Cứu Thế nên đã phiên âm từ Cristo thành Kirixitô. Theo Linh Mục Trần Anh, Dòng Tên tại Georgetown Jesuit Community,Washington cho biết danh từ Kirixitô thật ra là phiên âm từ Christus, tiếng Latin qua tiếng Nhật. Người Nhật ở thế kỷ XVI đã dùng danh tư Kirishitan để gọi các Kitô Hữu. Các thừa sai dòng Tên đã làm việc ở Nhật trước khi sang Việt Nam làm việc với Nhật kiều ở Hội An nên đã dùng danh từ Kirixitô. Hai giả thuyết nguồn gốc trên đây cần được xác minh bằng tài liệu cụ thể. Người Công Giáo Việt Nam dùng từ Kirixitô mãi tới giữa thế kỷ 20 thì đổi sang Kitô. Theo tác giả Nguyễn Khắc Xuyên trong “Tiến Trình Thánh Nhạc Việt Nam” (bản Roneo) do Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo xuất bản năm 1992, trang 190 thì trước những năm 1950, người Công Giáo dùng từ Kirixitô trong kinh sách để chỉ Chúa Giêsu. Đến khoảng năm 1950, các chủng viện họp nhau tại Nam Định, có sự hiện diện của cha Giám Đốc Đại Chủng Viện Phát Diệm là Phạm Ngọc Chi để bàn về một số danh từ thần học. Hội nghị đã chấp thuận từ Kitô thay cho tiếng Kirixitô. Từ Kitô là do âm đầu và âm cuối của từ Kirixitô. Từ đó đến nay từ Kitô hay có người viết là Kytô được dùng chính thức trong kinh sách Công Giáo.
Gia Tô: Từ Hán Việt, phỏng theo cách phiên âm của Hoa ngữ để chỉ từ Jesu mà nay ta viết là Giêsu. Từ Giêsu có hai âm: Giê và Su nên người Tàu viết là 耶 蘇 và được phát âm là /Ye/ và /Su/. Như vậy người Tàu đã viết tên Chúa Giêsu dựa theo cách phát âm của tiếng La tinh Jesu. Các nhà nho Việt Nam phỏng theo cách phiên âm của Hoa ngữ rồi đọc sang âm Hán Việt là Gia Tô để chỉ Chúa Giêsu. Tàu đọc 耶 là /Yê/, Việt đọc là /Gia/. Tàu đọc 蘇 là /Su/, Việt đọc là Tô. Do vậy người Việt đã đọc tên Chúa Giêsu là Gia Tô. Kinh sách Công Giáo không dùng từ Gia Tô chỉ có sử gia triều đình nhà Nguyễn và nhóm Văn Thân dùng từ này. Ví dụ triều đình nhà Nguyễn đã dùng cụm từ Gia Tô Tả Đạo trong sử sách, còn nhóm Văn Thân đã viết sách Tây Dương Gia Tô Bí Lục để xuyên tạc đạo Công Giáo. Các từ điển của người Công Giáo như Dictionarium Anamitico-Latinum của Đức Cha Taberd xuất bản năm 1836 cũng như Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùynh Tịnh Paulus Của xuất bản năm 1895-1896 không có từ Gia Tô.
Sử sách triều đình nhà Nguyễn cũng dùng các cụm từ như Gia Tô Đạo Trưởng hay Gia Tô Giáo Trưởng để chỉ các linh mục đạo Gia Tô tức đạo Công Giáo. Đôi khi họ cũng dùng cụm từ Gia Tô Đại Giáo Trưởng tức giáo trưởng lớn nhất để chỉ Đức Giám Mục.
Ngoài ra còn có từ Gia Tô Tả Đạo: Tả Đạo 左道: hai tiếng Hán Việt chỉ đường hay tôn giáo không ngay chính. Cụm từ Gia Tô Tả Đạo được thấy trong các bộ sử như Đại Nam Thực Lục của triều nhà Nguyễn. Quan điểm chính thức của nhà Nguyễn vào những năm giữa thế kỷ 19 cho rằng đạo Công Giáo là một tà đạo. Ví dụ vào năm 1847, Đại Nam Thực Lục, bộ sử của triều đình nhà Nguyễn ghi sắc dụ của vua Thiệu Trị giải thích từ Gia Tô Tả Đạo như sau: Gia Tô là tả đạo, từ tây dương đến, cái đạo của chúng không thờ cha mẹ, không kính qủy thần, thác ra cái thuyết Giêsu với thập tự giá mê hoặc lòng người, đặt ra thuyết thiên đường và nước phép để người ta nghe đến thì mê. Tả đạo ấy rất hại cho phong hóa. (Đại Nam Thực Lục, Tập 6, NXB Giáo Dục,2007,tr. 997)
Cơ Đốc: Tiếng Hán Việt phỏng theo cách phiên âm của Hoa ngữ để chỉ từ Christus trong tiếng La Tinh hay Cristo trong tiếng Bồ Đào Nha. Từ Christus có hai âm và người Tàu viết là 基督. Từ 基 người Tàu phát âm là /ji/, người Việt đọc là Cơ. Từ 督 người Tàu phát âm là /du/, người Việt phát âm là Đốc nên ta có từ Cơ Đốc. Có những tác giả Việt Nam không phải Công Giáo đã bắt chước người Tàu, gọi Chúa Giêsu Kitô là Chúa Cơ Đốc và đạo của Ngài là Cơ Đốc Giáo. Người Việt bắt đầu dùng từ Cơ Đốc từ khi đạo Tin Lành du nhập Việt Nam. Từ Cơ Đốc thông dụng nơi các Giáo Hội Tin Lành và người Công Giáo không dùng từ Cơ Đốc. Ví dụ “Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm”.Từ Điển của Đức Cha Taberd: Dictionarium Anamitico-Latinum và Đại Nam Quấn Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của không có từ Cơ Đốc.
Chúng ta cũng hay gặp cụm từ Cơ Đốc Phục Lâm. Phục 復: trở lại. Lâm 臨: sắp sửa, tới, đến. Cơ Đốc Phục Lâm là giáo phái Tin Lành bắt nguồn từ Hoa Kỳ nhấn mạnh đến việc Chúa Kitô sắp sửa trở lại. Từ ngữ tiếng Anh chỉ giáo phái này là Adventist.
thaonguyen918@yahoo.com