SAIGÒN - Chiều 19/4/2008 vừa qua, Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức buổi tọa đàm về thân thế, sự nghiệp và nỗi oan khuất của một trong những vị khai quốc công thần lẫy lừng của Nhà Nguyễn - Đức tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832) - người được nhân dân Nam bộ đặc biệt tôn kính trong việc mở mang, bình định và phát triển vùng đất này, với hai lần được bổ nhiệm làm Tổng trấn Gia Định.

Người Nam bộ tôn xưng ông là “Ông Lớn Thượng” và khi ông mất, đã lập đền thờ - tức Lăng Ông - tại Bình Thạnh hiện nay. Phan Thanh Giản từng hết lời ca ngợi đức độ và tấm lòng vì dân của Lê Văn Duyệt: “Gia Định này thật có phúc mới gặp được một Tổng trấn như đại quan”. Theo các nhà nghiên cứu, riêng đối với người Công giáo và đồng bào Hoa kiều, Lê Văn Duyệt cũng đã có những đối sách sáng suốt, khoan hòa. Cái nhìn của ông trước cục diện dân tộc vào thời điểm ấy đáng khâm phục và ghi ân.

Mới đây, ngày 4/2/2008, lần đầu tiên kể từ biến cố 30/4/1975, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã long trọng cử hành lễ an vị bức tượng đồng của Đức tả quân, cũng đặt tại Lăng Ông Bà Chiểu.

Buổi tọa đàm - gồm các diễn giả chính là PGS. TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), Nhà Sử học Dương Trung Quốc (Tổng Biên tạp chí Xưa - Nay) và Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu - đã tập trung vào mấu chốt khiến Lê Văn Duyệt đã trở thành “nạn nhân” của lịch sử kể từ ngày ông qua đời. Lê Văn Duyệt đã phải hứng chịu bao điều thị phi do cách đánh giá thiên lệch. Chính điều này, đã đang là một phần nguyên nhân của những vấn nạn dạy và học sử ở nước ta hiện nay, khiến dư luận bức xúc.

Tham dự buổi tọa đàm tại Trung tâm Nguyễn Văn Bình (số 43 Nguyễn Thông, Quận 3, Sài Gòn) còn có nhà văn Hoàng Lại Giang (tác giả tiểu thuyết lịch sử “Lê Văn Duyệt - Từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông”, Hà Nội - 1999), ông Bành Quang Huệ (người tài trợ cho việc đúc tượng đồng Đức tả quân và bộ sách “Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam bộ”), TS. Nguyễn Chơn Trung (Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam), Lm Trần Tam Tỉnh, Nữ tu Mai Thành, Lm Thiện Cẩm, nhà báo Nguyễn Quốc Thái, ông Trần Duy Nhiên, ông Vương Đình Chữ, nhà thơ Lê Đình Bảng… cùng gần 200 tham dự viên thuộc nhiều thành phần.