Tuần Lễ Người Già (2)



Thách Đố Của Tuổi Già: Tuyên Bố Của Ủy Ban Công Lý Xã Hội Thuộc Hội Đồng Giám Mục Úc Châu



Hàng Ngũ Ưu Tú theo Thánh Kinh

Từ những suy nghĩ trên, ta có thể có một vài khái niệm về nội dung cuốn "Sách Tuổi Già" mà ta tưởng tượng có thể có trong Bộ Tân Ước. Trước nhất, Sách này nhìn nhận người già, cũng như mọi người khác, là những phản chiếu thực tại vô cùng phong phú và đa dạng của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Sách còn thấy người già đáng qúy vì họ thuộc lớp người ưu tú (elite) theo nghĩa thánh kinh, tức những người nghèo khổ và yếu đuối. Nhiều người già còn được coi như thuộc về nhóm những người ưu tú khác vì những đóng góp giá trị của họ cho gia đình, cho chức nghiệp hoặc cho cộng đoàn. Nhưng chỗ đứng của họ giữa những người bị đặt ra bên lề xã hội, dù vốn được coi như những người ưu tú theo nghĩa Thánh kinh, thách thức ta phải dành chỗ danh dự cho họ giữa lòng xã hội như họ đã được chỗ vinh dự trong Nước Thiên Chúa, và mời gọi ta phải thiết dựng cho bằng được một xã hội thực sự biết "làm người chót hết thành người trước nhất." Sau cùng, "Sách Tuổi Già" cũng trọng kính sự khôn ngoan mà nhiều người già đã đạt được, một sự khôn ngoan giúp thấy ra bàn tay của Chúa trong những nơi bất ngờ nhất và thấy ra khuôn mặt của Đức Kitô ở nơi người khác không nhìn ra ai hết.

VẤN ĐỀ THÁI ĐỘ

"Ở xứ này, các đơn vị gia đình đang xuống dốc một cách nhanh chóng, lòng kính trọng tuổì già cũng vậy." "Trong thời gian ở ViệtNam, tôi được người ta tặng hoa hồng đỏ hai lần, vì trọng tuổi già của tôi. Ở Úc này, ai được tặng hồng đỏ? Hoạ chăng mấy cô gái đẹp!" Cái nhìn của xã hội nói chung về người già thật khác xa với cái nhìn được trình bầy ở phần trên. Chính vì đã quên, đã không ý thức được hoặc đã chọn làm ngơ cái nhìn của thánh kinh và thần học về tuổi già, nên ta đã nghĩ về người già như hiện nay, nghĩa là loại bỏ họ, đặt họ ra ngoài lề, biến họ thành vô hình, coi họ như vô dụng, không sản xuất, thiếu hiểu biết và không thể sử dụng được, không thể suy nghĩ đúng nghĩa và hết còn cảm xúc. Sự bất công căn để đối với người già do chính thái độ trên tạo ra.

Nhìn Người Già Một Cách Nghiêm Chỉnh

Có thể nói rằng như một xã hội, chúng ta chưa nhìn người già một cách nghiêm chỉnh. Điều đó không có nghĩa ta không săn sóc họ hoặc không cảm mến và cảm phục họ cũng như các thành quả của họ. Nhưng người trẻ dường như muốn xếp loại người già như là những người "ở ngoài kia", nghĩa là không còn ăn nhằm gì với những sinh hoạt phức hợp và đa dạng vốn làm nên cuộc sống của đại đa số người Úc. Chúng ta giữ họ ở một khỏang xa hẳn ta và cho rằng họ không còn hiểu hoàn cảnh sống của ta nữa, chứ đừng nói là đóng góp vào hoàn cảnh ấy. Thái độ ấy không hẳn là thái độ ý thức. Thực thế, nhiều người hành động như thế nhưng vẫn chối là họ không chủ trương một thái độ như vậy. Nhưng lối hành động không suy nghĩ cho thấy rằng những thái độ trên không những có đó mà còn ăn rễ khá xâu trong tiểm thức ta: "Tôi vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 76. Con trai và cháu gái tới sống với tôi vào ngày cuối tuần. Đúng ngày kỷ niệm, cháu gái bẩy tuổi của tôi nói với bố: Ba à, sao không có bánh sinh nhật cho Bà Nội? Con trai tôi trả lời con gái: Con à, khi người ta già như Nội, họ chẳng quan tâm gì đến những thứ như vậy nữa! Tôi bèn lên tiếng: Lầm rồi Mích ạ! Ngược lại thì có. Người già cũng có khả năng thích những cái đặc biệt y hệt như lúc họ còn trẻ. Tôi không buồn lòng, nhưng tôi muốn cháu gái hiểu điều ấy." "Khi các con đến thăm chúng tôi, lần nào tôi cũng ngạc nhiên thấy chúng... đặt cha chúng và tôi ra bên lề ra sao... dù cả hai chúng tôi đã từng có nghề nghiệp cao trong xã hội.... Khi chúng ngồi lại với nhau, câu chuyện của chúng rất ít khi bao gồm chúng tôi vì cuộc sống của chúng khác quá. Nếu biết điều đó hẳn chúng xửng sốt lắm, nhưng dĩ nhiên đó là điều đang làm cho người già trở thành cô lập." "Chỉ vì già mà thôi thì điều đó không có nghĩa là chúng tôi đã mất hết khả năng suy nghĩ."

Nguồn Gốc Các Thái Độ Tiêu Cực

Phải chăng chính các thái độ tiêu cực trên, hơn là sự tàn tạ về sức khỏe và năng lực, đã làm cho tuổi già trở thành điều không thể chịu đựng được đối với chính người già? Chắc chắn các thái độ trên hoàn toàn bất công, hạ thấp chính nhân vị người già và mở đường cho người ta đối xử với người già như vậy. Một trong các nguồn gốc của các thái độ trên có thể là vì người già không còn có mặt trong lực lượng lao động nữa. Họ thuộc con số ngày một gia tăng những người bị loại ra ngoài cái mà Comfort gọi là "quyền công dân vốn được truyền thống đặt căn bản trên việc làm". Nói cách khác, nếu bạn không làm việc, bạn không còn thuộc về xã hội nữa và do đó có thể bị lãng quên cho tiện việc. Nếu bạn không có chân ở chợ, bạn trở thành ngoại cuộc, chẳng ăn nhậu gì với ai nữa. Một xã hội mà chiều kích kinh tế đã trở thành quan trọng như vậy tất sẽ bôi đen những người xem ra ít còn dự phần vào các sinh hoạt kinh tế. Đó quả là điều đáng lo ngại khi sự phát triển kinh tế xem ra ngày càng tách khỏi việc gia tăng nhân dụng, làm gia tăng số lớn những người được coi đơn thuần thặng dư đối với các đòi hỏi kinh tế (nhưng không thặng dư đối với các đòi hỏi của xứ sở). Một nguồn gốc khác có thể là việc quá tôn vinh tuổi trẻ. Người già không những đang tiến gần đến đoạn cuối của chuỗi liên tục trẻ già, mà còn như những hình ảnh sống động cho thấy tuổi trẻ, cũng như chính cuộc đời, chỉ là cái gì đang qua đi. Người già, do đó, là lời phê bình sống động về cái bản chất phù phiếm của lòng tôn sùng tuổi trẻ, và cũng như bất cứ lực lượng phá hoại nào, tầm quan trọng của họ thường là bị bác khước hoặc làm ngơ bởi những người chủ trương tôn sùng tuổi trẻ.

Hình Ảnh Trên Truyền Thông

Việc trình bày về người già trên truyền thông là những thí dụ điển hình cho các thái độ trên. Các cuộc nghiên cứu tại Úc và quốc tế xác nhận rằng cái nhìn tổng quát của truyền thông về người già thường khá giật gân và tiêu cực. Thí dụ, tuổi già được trình bầy như thời kỳ xuống dốc, người già thì thụ động và lệ thuộc, hoặc nếu có ai không phải như vậy thì đó chỉ là hoạ hiếm bất bình thường. Điểm cuối cùng thấy rất rõ qua những tin tức sốt dẻo dành cho những người thực hiện những việc, đối với lớp tuổi của họ, được coi là phi thường thí dụ một cụ 70 lãnh văn bằng tiến sĩ hoặc một cụ 80 xuất bản một cuốn sách. Không có lý do gì khiến một người già không làm những chuyện như thế nếu họ có thể thấy thích thú. Nhưng người ta vốn coi những công việc như trên là của tuổi trẻ. Có những thách đố khác, cũng khó khăn như vậy, mà người già phải đương đầu, như sự yếu đuối thể lý, nỗi hối tiếc và thất vọng hoặc việc gần kề sự chết. Đó là những thực tại của tuổi già. Nhiều vị cao niên đã đương đầu với chúng một cách can đảm và khôn ngoan. Nhưng sự khôn ngoan và can đảm ấy cùng với những người thực hiện chúng thuờng rất bị làm mờ nhạt đi do những biến cố giật gân như những biến cố bao quanh một cụ ông chạy marathon!

AI SĂN SÓC NGƯỜI GIÀ?

"Điều chính yếu đối với người già là được yêu mến, nhưng nhiều vị đã không được yêu mến chút nào. Các vị ấy thật cô đơn, không được ai thăm viếng. Các vị có nhiều khó khăn tài chánh, nhưng nào có ai quan tâm đến họ?" "Về thái độ của nước Úc đối với tuổi già, tôi có ý kiến đó là một trong những thái độ tốt nhất trên thế giới, và tôi nghĩ rằng điều đó là do cách người Úc chăm sóc người lân cận một cách chân thành." Thời kỳ đầu mới khẩn hoang Nước Úc, trách nhiệm đối với người già thuộc về gia đình, đôi khi được các cơ quan từ thiện nâng đỡ. Vào khỏang cuối thế kỷ 19, phản ảnh qua Thông Điệp Tân Sự (Rerum Novarum), thông điệp vĩ đại đầu tiên của Giáo hội về các vấn đề xã hội, người ta càng ngày càng ý thức ra rằng cảnh nghèo không luôn luôn là lỗi của chính người nghèo, trái lại chính phủ có trách nhiệm phải chăm sóc những người cao niên túng thiếu. Ý thức ấy dẫn đến việc thiết lập ra tiền hưu về già do chính phủ Liên Bang đảm trách từ năm 1909. Sau Thế chiến Hai, vai trò của Liên Bang được mở rộng, không những chỉ duy trì mức sống mà còn bao gồm nhiều dịch vụ và chương trình khác được coi là cần thiết. Vai trò của Tiểu bang cũng như của các chính quyền địa phương, và cả các dịch vụ do các cơ quan tư, trong đó có các giáo hội nữa, cũng được mở rộng.

Tiền Hưu Về Già

Tiền hưu về già tại Úc không giống như các nước khác ở chỗ nó không bao giờ đòi người thụ hưởng phải đóng góp chi cả. Tuy nhiên, nó được cứu xét căn cứ trên cả tiền thu nhập (income) lẫn tài sản (assets) của người thụ hưởng và được cấp cho đàn ông tuổi 65 và đàn bà tuổi 61 trở lên. Một triêụ rưỡi người hiện đang lãnh tiên hưu này, trong đó đàn bà đông gấp hai đàn ông. Mức tiền hưu gia tăng theo chỉ số giá sinh hoạt (CPI), và giả thiết không dưới 25% mức thu nhập trung bình hàng tuần của đàn ông (AMWE), tuy nhiên giả thiết này đã không được tôn trọng nhiều lần trong những năm gần đây. Vào tháng Năm 1998, mức tiền hưu dành cho người độc thân là $354.60 mỗi hai tuần, và $295.80 cho mỗi người trong hai vợ chồng. Tổng số chi toàn quốc một năm là 13.6 tỉ dollars. Các người già về hưu còn nhận được nhiều trợ giúp khác như phụ cấp thuốc men và nhiều phụ cấp khác. Họ cũng có thể được hưởng trợ cấp thuê nhà. Cùng với tiền hưu về già, ta còn thấy một loạt những phúc lợi khác dành cho các cựu chiến binh và thân nhân họ, bao gồm tiền hưu trí được lãnh 5 năm sớm hơn tiền hưu về già. Dự phóng về hiện tượng dân số về già của Úc ngày càng gia tăng và những áp lực do hiện tượng ấy đưa lại cho ngân sách quốc gia, nhiều chính sách đã được chính phủ đưa ra. Trong số đó, có chính sách khuyến khích việc tự lo lấy tiền hưu lúc về già, và việc bắt buộc giới chủ nhân phải đảm bảo có tiền hưu cho công nhân.

Chỗ Ở và Việc Chăm sóc trong Cộng Đồng

Song song với tiền hưu lúc về già, còn có hệ thống chăm sóc người già theo ba cấp: các viện dưỡng lão (nursing homes), các ký túc xá (hostels) và một loạt các dịch vụ khác giúp người già sống ngay trong cộng đoàn. Con số các viện dưỡng lão và ký túc xá hiện nay vào khoảng 3,000 và cung cấp chổ ở cho khoảng 137,000 người cao niên. Phần lớn các cơ sở này do các tổ chức tư nhân (thương mại) hoặc các hội từ thiện và cộng đồng không vụ lợi điều hành. Ngân khoản do tài trợ của Chính phủ Liên bang và do lệ phí đánh trên người thụ hưởng. Đáng lưu ý một điều là 27% tổng số chỗ tại các cơ sở được Liên Bang trợ cấp phải dành riêng cho người có lợi tức thấp.Tuy nhiên 95% người 65 tuổi trở lên sống ngay trong cộng đồng. Nhiều người sống tự lập, tuy nhiên nhiều dịch vụ sẵn sàng dành cho họ khi họ cần đến. Hơn 9,800 tặng khỏan (packages) thuộc chương trình chăm sóc người già trong cộng đồng được dành sẵn cho những ai chọn sống tại nhà nhưng cần sự chăm sóc giống như ở ký túc xá. Chương Trình Chăm Sóc Tại Gia và Tại Cộng Đồng cung cấp những dịch vụ có quy mô nhỏ hơn cho người cao niên sống tại gia cũng như một số người trẻ bị tàn tật. Các trung tâm điều trị ban ngày cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, như vật lý trị liệu hoặc điều trị nghề nghiệp, cho những ai sống tại nhà hoặc tại các ký túc xá. Sự chăm sóc kiểu viện dưỡng lão cũng được cung cấp cho những ai cần đến, và còn có những dịch vụ đa dạng đang hoạt động tại những cộng đồng nhỏ ở nông thôn và cung cấp hàng loạt những dịch vụ dành cho người cao niên. Các dịch vụ trên do hơn 2,000 tổ chức điều hành. Đại đa số là những cơ quan bác ái trong cộng đồng, thiểu số còn lại là những cơ quan của các chính quyền tiểu bang và địa phương. Các tỗ chức giáo hội chiếm phần đa số. Các chương trình trên được tài trợ một phần do trợ cấp của các Chính phủ Tiểu và Liên Bang, một phần do lệ phí thu từ người thụ hưởng. Ở Úc, mọi người đều thừa nhận một điều là các thành viên gia đình đóng góp phần lớn lao nhất vào việc đứng ra chăm sóc người già. Sự trợ giúp dành cho những người đứng ra chăm sóc người già tại gia đã gia tăng nhiều trong những năm gần đây dưới hình thức được người khác tạm thay thế để nghỉ xả hơi (respite care), trợ giúp tài chánh, thông tín cố vấn...

Chăm Sóc Sức Khỏe

Chăm sóc sức khỏe chiếm phần lớn hơn cả trong các dịch vụ dành cho người già. Người già chiếm 12% dân số, nhưng có đến 35% tài nguyên y tế, lên đến 11 tỉ dollars trong tài khóa 1993-1994, dành cho họ. Ngân khoản trên bao gồm chi phí bệnh viện và bác sĩ, thuốc men, nhà dưỡng lão và các chi phí sức khỏe khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chi phí sức khỏe dành cho người già gia tăng chậm hơn so với chi phí dành cho công chúng nói chung. Những giòng trên đã phác họa ra các dịch vụ chính dành cho người già. Chúng bao gồm cả ba cấp chính quyền, khu vực tư, hàng ngàn tổ chức cộng đồng, cả tôn giáo lẫn thế tục, hàng ngàn cá nhân đứng ra đảm trách vai trò chăm sóc, và hàng tỉ dollars hàng năm.

Những Ngắt quãng trong Hệ thống

Nhưng liệu đã đủ chưa? Nhiều người cho hay họ cảm thấy hài lòng và thoải mái với việc chăm sóc. Nhưng không thiếu người vẫn cảm nhận có những đứt đoạn trong phương thức xã hội Úc đáp ứng các nhu cầu và hoài vọng của người già. Một vài đứt đoạn ấy xin được phác họa dưới đây.

* Tiền Hưu: Cuối năm 1997, tiền hưu già dành cho các cặp vợ chồng có cao hơn mức nghèo (poverty line) chút đỉnh, nhưng cũng tiền ấy dành cho người độc thân thì lại thấp hơn. Những người có nhà (đa số người già thuộc loại này) có thu nhập cao hơn mức nghèo một cách đáng kể. Còn những người, tuy không có nhà, nhưng đủ tiêu chuẩn để lãnh phụ cấp thuê nhà, thì thu nhập chỉ cao hơn mức nghèo chút đỉnh. Sự khác biệt về hoàn cảnh ấy khiến những người được tài liệu này phỏng vấn đã đưa ra những câu trả lời khá khác nhau. Nhiều người cho là có thể sống được, nhưng hơi lo âu và chật vật. Một thiểu số chỉ có thể sống còn nhờ phải sống trong những căn nhà thiếu tiện nghi. Những ưu tư trên được một cuộc nghiên cứu gần đây do Mạng Lưới Các Phụ Nữ Già (Older Women's Network, tắt là OWN) công bố củng cố. Trong cuộc nghiên cứu này, 84% những người lệ thuộc tiền hưu này như nguồn thu nhập duy nhất cảm thấy họ phải chật vật lắm mới sống còn được. Những người này cho hay có những chi phí phải vất vả lắm mới thanh toán được đặc biệt là tiền bảo quản nhà, chi phí chuyên chở và điện thoại, dù đã được phụ cấp và giảm giá.

* Những người già độc thân thuê nhà tư nhân: như các nhà trọ có ăn hay không có ăn, là nhóm có nhiều khó khăn lớn. Con số những người như vậy khá khó ước lượng và các nghiên cứu trong phạm vi này rất hiếm hoi. Nhưng các nhân viên cộng đồng cho hay rằng nhiều người phải sống trong những căn nhà thiếu tiêu chuẩn, đôi khi thiếu vệ sinh và an toàn. Mặt khác môt số lớn lại bị những các xáo trộn về tâm lý và tri thức. Một số đông gần như không nhà ở và hầu như không được ai nâng đỡ. Chỉ cần một bất hạnh nhỏ như tiền thuê nhà tăng, nhà được dùng để khuếch trương địa ốc, hay một người từng giúp đỡ họ nay không còn nữa, cũng đủ đưa họ ra hè phố.

* Người già Thổ dân: Duy trì một sức khỏe tốt là chìa khóa giúp người ta hưởng một tuổi già hoạt động và thoải mái. Nhưng tình trạng y tế của người Thổ Dân lại được nhiều tài liệu chứng minh là rất tồi tệ. Thêm vào đó, phúc trình của Uỷ Ban Cơ Hội Đồng Đều (Equal Opportunity Commission) về "các thế hệ bị cướp mang đi" (stolen generations) đã đưa ra nhiều đau đớn người Thổ dân, trong đó có nhiều người lón tuổi, đã phải trải qua. Chỉ nguyên hai yếu tố trên mà thôi cũng đủ cho thấy người già Thổ dân gặp nhiều khó khăn hơn những người Thổ Dân khác. Mặc dầu vậy, xã hỗi lại đã dành rất ít dịch vụ cho họ.

* Những Người Di Dân Già Xuất Thân Từ Các Xứ Không Nói Tiếng Anh: Một nghiên cứu năm 1991 cho thấy tỷ lệ khá cao những người di dân già sống dưới mức nghèo. Nhưng những người già không nói tiếng Anh nghèo túng hơn những người già nói tiếng Anh. Nhiều yếu tố góp phần khiến họ lâm hoàn cảnh đó. Không thông thạo tiếng Anh có nghĩa là họ chỉ làm được những công việc ít lợi nhuận, hoặc không kiếm ra việc làm. Mạng lưới gia đình thì giới hạn do đó dễ có nguy cơ bị cô lập. Họ ít biết đến các dịch vụ do cộng đồng cung cấp. Những người chăm sóc người già di dân ít có khả năng chia sẻ được các dịch vụ trợ giúp của công cũng như của tư.

TRIỀU THIÊN CỦA TUỔI GIÀ

" Bây giờ, vào lúc cuối đời, tôi cảm thấy mình có thể nghỉ ngơi trong sự cao cả của Chúa... và tìm thấy Chúa ở mỗi bông hoa đang nở, những ngọn núi hùng vĩ và từng trời mênh mông." Sách Huấn ca (25:6) nói rằng khôn ngoan là triều thiên của tuổi già. Nó thực sự là một triều thiên rất khó đạt được và không phải ai ai trong chúng ta cũng đạt tới nó. Nhưng đối với những người đạt được, đối với thế giới họ đang sống hoặc đối với các thế hệ tương lai, đó quả là điều vô cùng giá trị.

Thái độ Chấp nhận

Sự khôn ngoan mà nhiều người già chiếm hữu được này thật ra nhìn nhận thì dễ hơn là diễn tả hoặc phân tích. Nó có thể có nhiều chiều kích: từ những điều đơn giản như tính hài hước đến những cái xâu sắc hơn như sự thanh thản (serenity) trước cái chết. Dường như có thể gọi nó là thái độ chấp nhận, một khả năng biết ý thức cái đa dạng và khác biệt mà không bị bối rối vì nó, một khả năng biết chào đón việc không thể tránh được các đổi thay trong khi nhìn nhận rằng mình có thể không đủ khả năng cỡi lên sóng gió của nó, một khả năng biết chấp nhận chính tình trạng mỏng dòn hay chết của mình, không phải chỉ chính thực tại sự chết giữa dòng đời, nhưng còn là thực tại yếu đuối bệnh hoạn giữa lúc đang mạnh khoẻ, thực tại thất bại giữa lúc đang thành đạt, thực tại ân hận giữa lúc đang thỏa mãn. Chiều kích căn bản của khôn ngoan chính là khả năng chấp nhận rằng sự tổng hợp đầy phức tạp giữa tích cực và tiêu cực, giữa ánh sáng và bóng tối này là chính bản sắc của chúng ta, và biết ra rằng chính sự phối hợp này tạo nên cuộc sống ta.

Biết Buông Ra

Một mặt của thái độ chấp nhận là phải biết bằng lòng để sự vật rời khỏi tay mình. Thực ra việc để sự vật rời khỏi tay không phải là nét đặc thù của riêng tuổi già. Từ lúc lọt lòng mẹ, chúng ta đã bước vào diễn trình chuyển động từ cái quen thuộc đến cái không quen thuộc rồi. Diễn trình đó tiếp diễn xuyên suốt đời sống ta, chuyển động từ nhà đến trường, từ trường đến sở, đến việc lập gia đình, đến công việc mới. Cao tuổi hơn chút nữa, ta phải để con cái rời khỏi bàn tay và cái buông tay sự chết cũng chẳng còn bao xa. Ta cảm nghiệm sự chết của chính cha mẹ ta, rồi, chẳng bao lâu sau, cái chết của những người cùng lứa tuổi với ta. Ta có thể sẽ phải đau đớn vì cái chết của người bạn đời. Đôi khi vì sức khỏe tồi tệ, ta phải buông tay cả quyền kiểm soát chính cuộc sống mình và cảm thấy đầy lo âu xao xuyến. Cuối cùng, ta sẽ hiểu ra rằng nhiên hậu chính ta cũng sẽ được yêu cầu để sự sống mình ra đi. Đối với nhiều người, sự nâng đỡ của niềm tin Kitô giáo là điều cần thiết để có thể đương đầu với các đòi hỏi của tuổi già. Ý thức rằng Đức Kitô chia sẻ thân phận làm người với ta, cũng như biết rằng với việc phục sinh, Ngài đã vượt thắng sự chết và hứa cho những ai yêu mến Ngài cũng sẽ vượt thắng như vậy, là một nguồn sức mạnh to lớn cho ta.Tuy nhiên, đa số, có thể là đa số tuyệt đối hiện nay, đang đương đầu với tuổi già mà không có niềm tin tôn giáo. Đôi khi, với môt lòng can dảm và thanh thản vượt bực. Có thể vì những người có khả năng này đã tích dẫn vào đời họ những mẫu sống đã đề cập ở trên. Họ ý thức ra rằng diễn trình tăng trưởng nhân bản chỉ có thể xẩy ra qua diễn trình để những cái quen thuộc ra đi và tiếp tục bước tới cái chưa biết. Bước lớn sau cùng vào cõi vô minh chính là sự chết và điều này, như Elizabeth Kubler-Ross đề nghị, có thể được coi như "giai đoạn tăng trưởng sau cùng", một cái gì không hẳn đi ngược lại sự sống, nhưng là thành phần của chính cấu trúc sự sống.

Nguồn Hy Vọng và Tự Hào

Dù có tôn giáo hay không, tuổi già là lúc nhất định ta sẽ duyệt lại đời ta, làm sống lại trong trí ta những biến cố không thể quên được của dĩ vãng. Có lẽ ta đang tìm kiếm nơi đó những dấu chỉ giúp ta quả quyết rằng đời ta quả có giá trị. Trong thế giới ngày nay, đối với những người cao tuổi, có nhiều điều đáng tự hào. Nhiều người được phỏng vấn để chuẩn bị tài liệu này đã nói về điểm đó. Dù họ đã sống những thời điểm cực kỳ nhiễu nhương của lịch sử thế giới: Đại khủng hoảng Kinh tế, Thế chiến Hai, trong đó, họ mất cha mẹ, thân nhân, bạn bè. Họ gầy dựng gia đình, làm việc cho đến lúc về hưu rồi hiến mình cho những công tác cộng đồng vào những lúc có những thay đổi xã hội chưa từng có. Điều quan trọng là nhìn những công việc ấy trong điều mà Kitô hữu vốn gọi là viễn tượng chân thực của nó. Chúng ta vẫn thường gọi công việc gầy dựng một gia đình là hành vi phụ tạo (procreation), chia sẻ quyền năng sáng tạo của chính Chúa. Và việc làm của chúng ta cũng có một giá trị cao cả như vậy. Công đồng Vatican II nói rằng: "Trong khi cấp dưỡng cho mình và cho gia đình mình, những người đàn ông đàn bà thực sự.... đang biểu hiện công trình của Tạo Hóa" Con người đã được dựng nên giống hình ảnh Chúa Hóa Công. Chính sự sống họ chủ yếu mang tính sáng tạo. Ngay cả những người đảm nhận những công việc thấp hèn nhất, trong gia đình, nơi làm việc, trong cộng đoàn, cũng vẫn là những hùn hạp viên của Chúa. Sống, yêu thương và lao nhọc trên đời không những là một thành tích đầy ý nghĩa mà còn thánh thiêng nữa. Nó phải được coi là nguồn tự hào và hy vọng. Khá nhiều người cao niên đóng góp tư tưởng vào tập tài liệu này đã nhắc đến sự hài lòng họ cảm thấy chỉ vì đã có giờ và có khuynh hướng suy tư về cuộc đời và thế giới bao quanh mình. Một vài vị đề cập đến việc đó như một hình thức chiêm niệm trong đó càng ngày họ càng ý thức hơn về sự huyền nhiệm của Chúa trong thế giới và trong đời họ. Việc ấy sản sinh trong họ cảm thức tin tưởng vào tương lai và vào sự quan phòng của Chúa, một cảm nhận rằng mình đang nằm trong "bàn tay nhân hậu". Người ta cũng thường ví đời ta như hình ảnh bốn mùa quanh năm. Tuổi trẻ như mùa xuân, trưởng thành và trung niên như mùa hạ, và tuổi già như mùa thu. Thường thì hình ảnh mùa thu đem vào trí ta những lá vàng rơi và cái chết đến gần của mùa đông. Nhưng mùa thu cũng là mùa gặt hái và thu lượm hoa trái đã chín mọng dưới nắng hạ."Khi vào thu trong đời, những sự việc xẩy ra trong quá khứ, hoặc những kinh nghiệm được gieo trong thửa đất trái tim, gần như bạn không biết đến, nay đã mang hoa trái. Mùa thu trong đời là mùa thu hoạch lớn. Là lúc gặt hái những hoa quả kinh nghiệm đời bạn" (John O'Donoghue, Anam Cara, Bantam Press, London 1996, tr.167).

Việc gặt hái khôn ngoan và tu đức này có thể có giá trị vô song đối với thế giới và các thế hệ tương lai. Chúng ta, với tư cách là một cộng đồng, đang cần rất nhiều những giá trị từ mùa gặt kia. Thái độ bất khoan dung với những dị biệt, bất kể vì lý do chủng tộc, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, chính kiến, quốc tịch, giai cấp hoặc văn hóa, thường là mồi lửa châm ngòi cho bạo hành và áp bức. Tinh thần chấp nhận, vốn được coi là đặc điểm của người già, sẽ là một thách đố đối với thái độ bất khoan dung kia. Não trạng tích góp (acquisitiveness), hay nói trắng là lòng tham lam, đã được giáo huấn của Giáo Hội về xã hội nhận dạng như là nguồn sinh ra tranh chấp, bất bình đẳng vá áp bức. Não trạng này sẽ bị khả năng biết buông ra nói trên thách thức, vì ý thức rằng hiện hữu quan yếu hơn là chiếm hữu. Xã hội ta đang mang sắc thái của một thái độ, gần như một thứ cuồng tín (cult), gọi bằng bận bịu làm ăn (busy-ness). Nó hiện được coi như một nhân đức, và thường nơi làm việc đòi bạn phải làm việc lâu giờ, quên cả nghĩ ngơi nhàn tản, làm cả trong những lúc nghỉ ngơi. Thói quen chiêm niệm, mà nhiều người già thấy thích thú, có thể đặt vấn nạn cho cái lối sống quá ư ngược xuôi trên. Thói quen này nhấn mạnh giá trị của khả năng biết thinh lặng, khả năng dành thì giờ đi tìm ý nghĩa đời mình hơn là cảm thức phải tộng vào nó đây ứ những khích động.

Các phẩm tính vốn dồi dào nơi người già ấy hiện xã hội đang rất cần. Chúng quan trọng không những đối với thế hệ này, nhưng còn cho các thế hệ tương lai, vì những thói hư mà chúng chống đối nếu không bị thách thức sẽ phát sinh ra một thế giới trong đó các giá trị nhân bản sẽ mất đi. Hy vọng rằng tập tài liệu này sẽ khuyến khích người cao niên nhìn thấy từ lối sống thinh lặng, nhiều suy tư hơn của mình một đóng góp không thể do ai khác làm được. Chắc chắn họ có nhiều điều phải học từ lớp trẻ, nhưng họ cũng có nhiều điều để dạy người khác. Chúng tôi khích lệ người trẻ biết mở rộng tâm tư nhận ra giá trị việc tìm hiểu người già và ý thức được rằng trong các ngài các bạn sẽ tìm thấy túi khôn xâu sắc không đâu có được. Người trẻ đôi lúc có khuynh hướng trách cứ dĩ vãng và khước từ tương lai. Tặng phẩm lớn nhất mà người già mang tới cho thế giới của lớp trẻ có thể là việc càng ngày càng biết tự hào một cách chính đáng về dĩ vãng và một thái độ cởi mở và hy vọng về tương lai.