Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Diễn biến đặc biệt trong những ngày qua là chuyến viếng thăm cộng đoàn Ukraine tại Rôma của Đức Thánh Cha. Biến cố này đã được trực tiếp truyền hình tại Ukraine.
Lúc 4h chiều Chúa Nhật 28 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm đền thờ Thánh Sofia của người Công Giáo Đông phương Ukraine tại Rôma.
Đền thờ Thánh Sofia là một tiểu Vương Cung Thánh Đường, được xây dựng vào năm 1963, và được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thánh hiến năm 1969. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng thứ ba viếng thăm đền thờ này. Trước ngài, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã đến thăm đền thờ này vào năm 1984.
Nhà thờ được mô phỏng theo thiết kế của các nhà thờ Ukraine thời Trung cổ ở Kiev, và hiện là nơi thờ phượng của khoảng 14,000 người Ukraine sống trong giáo phận Rôma.
Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine là Giáo Hội Công Giáo tự trị lớn nhất, trong số các Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh.
Sau lời chào mừng ngài của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là Tổng Giám Mục Kiev, và cũng là nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, Đức Thánh Cha đã có một diễn từ trong đó ngài nhắc đến các gương sáng của Đức Hồng Y Josyp Slipyi, Đức Tổng Giám Mục Stephane Czmil, và Đức Hồng Y Lubomyr Husar.
Đức Thánh Cha cũng đã đến viếng và cầu nguyện tại ngôi mộ của Đức Tổng Giám Mục Stephane Czmil. Ngài mô tả Đức Tổng Giám Mục là “một người đã làm cho tôi biết bao điều tốt đẹp”, và giải thích rằng khi còn là một cậu bé ở Á Căn Đình, vị Tổng Giám Mục đã dạy ngài “phục vụ bàn thờ trong các Thánh Lễ, đọc bảng chữ cái của anh chị em, và từ ngài tôi đã học được vẻ đẹp trong phụng vụ của anh chị em, những câu chuyện về chứng tá sống động của bao nhiêu chứng nhân đức tin đã được thử thách và tôi luyện trong cuộc bách hại vô thần tồi tệ nhất trong thế kỷ vừa qua “.
Trong bài diễn văn của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói đến cuộc xung đột ở Ukraine và nỗi đau của người dân ở đó. Ngài nói: “Tôi hiện diện ở đây hôm nay để nói với tất cả những người Ukraine là tôi gần gũi với các bạn: gần gũi trong trái tim tôi, trong những lời cầu nguyện của tôi và khi cử hành Thánh Lễ.”
Sau đó ngài cầu nguyện xin Chúa cho vũ khí chiến tranh bị câm nín.
Đức Thánh Cha cũng ca ngợi nhiều phụ nữ Ukraine có đức tin, lòng dũng cảm và lòng bác ái. Ngài nói “Các bạn rất quý giá và các bạn đang mang đến lời tuyên xưng Thiên Chúa cho các gia đình Ý.”
2. Vài nét về Đức Hồng Y Josyp Slipyi là người đã xây dựng đền thờ Thánh Sofia tại Rôma
Đức Hồng Y Josyf Slipyj sinh ngày 17 tháng Hai năm 1893 ở làng Zazdrist, Galicia, lúc đó thuộc đế quốc Áo-Hung. Ngài theo học tại Đại học Lviv của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương Ukraine và Chủng viện Innsbruck ở Áo, trước khi được thụ phong linh mục ngày 30 tháng 6 năm 1917. Từ 1920 đến 1922, ngài theo học ở Rôma tại Viện Giáo Hoàng Đông phương, Đại Học Giáo Hoàng Thánh Thomas Aquinas, và Đại học Giáo hoàng Gregorian. Ngài trở lại Lviv, lúc đó là một phần của Ba Lan, và giảng dạy tại chủng viện Lviv trước khi trở thành Giám Đốc của trường này.
Ngày 22 Tháng Mười Hai năm 1939, với sự cho phép của Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngài được tấn phong Giám mục giáo phận Serrae và kiêm nhiệm Giám Mục phó tổng giáo phận Lviv với quyền kế vị. Đức Tổng Giám Mục Andrey Sheptytsky đã tiến hành việc tấn phong này một cách bí mật vì sự hiện diện của quân Liên Xô và tình hình chính trị phức tạp tại Ukraine.
Đức Cha Slipyj trở thành người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine vào ngày 01 Tháng Mười Một năm 1944, sau cái chết của Đức Tổng Giám Mục Sheptytsky.
Sau khi quân đội Liên Xô chiếm Lviv, Đức Tổng Giám Mục Slipyj bị bắt cùng với các giám mục khác vào năm 1945, bị kết án là hợp tác với chế độ Đức quốc xã. Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch giải tán Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine của bọn cầm quyền Xô Viết. Sau khi trải qua các nhà giam tại Lviv, Kiev và Mạc Tư Khoa, một tòa án của Liên Xô đã kết án ngài tám năm lao động khổ sai ở Siberia.
Nhiều lần Stalin cố thuyết phục ngài tuyên bố giải tán Giáo Hội tại Ukraine nhưng ngài cương quyết từ chối. Vì thế, cộng sản Liên Xô triệu tập một hội đồng gồm 216 linh mục vào ngày 09 tháng 3 năm 1946 và ngày hôm sau, cái gọi là “Thượng Hội Đồng Lviv” được tổ chức tại Nhà thờ St. George, tuyên bố giải tán Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, và “tái hợp” với Giáo Hội Chính Thống Nga.
Trong thời gian chịu tù đầy tại Siberia, ngài vẫn lén lút viết và các tác phẩm của ngài được bí mật lưu hành. Năm 1957, Đức Giáo Hoàng Piô XII gửi cho ngài một bức thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 40 năm thụ phong linh mục. Bức thư đã bị tịch thu. Vì bức thư này và các tác phẩm được lưu hành bí mật của ngài, cộng sản kết án ngài thêm bảy năm tù.
Vào ngày 23 Tháng Giêng năm 1963, ngài được Nikita Khrushchev trả tự do chính quyền sau những áp lực chính trị từ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy. Ngài đến Rôma tham gia Công Đồng Chung Vatican II.
Năm 1949, ngài đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII tấn phong Hồng Y in pectore /in-pêk-tô-rê/, nghĩa là không công khi danh tính, nhưng điều này hết hiệu lực vào năm 1958 khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời.
Năm 1965, Đức Tổng Giám Mục Slipyj được tấn phong Hồng Y công khai, và được bổ nhiệm là Hồng Y đẳng linh mục hiệu tòa Sant' Atanasio. Vào thời điểm đó, ngài là vị Hồng Y thứ 4 trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine.
Ngài qua đời tại Rôma vào ngày 7 tháng 9 năm 1984. Sau sự tan rã của Liên bang Xô viết, di tích của ngài đã được trả lại cho Nhà thờ Thánh George ở Lviv vào năm 1992.
3. Vài nét về quốc gia Ukraine
Thế giới chiến tranh lần thứ II chấm dứt ngày 8/5/1945 sau 2,076 ngày mịt mù khói lửa. Trong khi Liên Sô tổ chức những buổi lễ mừng chiến thắng trong cuộc chiến mà họ gọi là “Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Ðại” hết sức tưng bừng và náo nhiệt vào ngày 9/5/1945, thì ngay bên cạnh họ, những người Ukraine lại không vui mừng chút nào về chiến thắng này. Ukraine là nạn nhân bi đát nhất trong thế giới chiến tranh lần thứ hai tại Âu Châu. Họ chịu nhiều thống khổ vì số người chết và thiệt hại vật chất lớn lao sau hai cuộc triệt thoái “đồng không nhà trống” của cộng sản và quốc xã. Nhà báo Mỹ Edgar Snow, đã kinh ngạc trước nổi thống khổ và sự tàn phá kinh hoàng do chiến tranh mang lại. Ông đã viết trên tờ Saturday Evening Post bài báo “Ukraine Pays The Bill” - Ðồng Minh thắng trận nhưng người Ukraine phải trả giá.
Ukraine ngày nay là một quốc gia có diện tích 603,700 km vuông (lớn gần bằng tiểu bang Texas - Hoa Kỳ) với dân số là 44,573,200 (theo thống kê vào tháng 7 năm 2013). Phía Ðông và Ðông Bắc giáp Nga, phía Bắc giáp Belarus., phía Tây giáp Ba Lan, Slovakia và Hung Gia Lợi, phía Nam giáp Rumani.
Cuối năm 1991, Liên Sô sụp đổ và Ukraine trở thành một quốc gia độc lập như ngày nay. Tuy vậy, ngày nay người Nga (chiếm ¼ dân số) vẫn tiếp tục nắm giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy công quyền và trong các hoạt động xã hội. Cả về mặt tôn giáo, Ukraine cũng còn chịu nhiều ảnh hưởng của Nga.
Từ bốn năm qua, Ukraine đã bị Nga xâm lược trực tiếp và gián tiếp thông qua các phiến quân thân Nga. Theo các cơ quan Liên hợp quốc, ngày nay ở Ukraine có 2 triệu người phải di dời bên trong nội địa. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine vẫn đang tiếp tục và có khuynh hướng leo thang dần. Những số liệu thống kê cho thấy đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất ở châu Âu sau Thế chiến II. Mặc dù vậy, đó là một “cuộc chiến tranh bị lãng quên”, như Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nói trong chuyến thăm Nga hồi tháng Tám vừa qua.
4. Tòa Thánh công bố Tông Hiến Veritatis Gaudium của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi một sự “chuyển đổi mô hình sâu rộng” và một “cuộc cách mạng văn hoá đậm nét” tại các cơ sở đại học của Giáo Hội, trong một tông hiến được ban hành vào ngày 29 tháng Giêng.
Tông Hiến gồm 87 trang, có tựa đề Veritatis Gaudium (“Niềm vui Chân lý”) thay thế cho Tông hiến Sapientia Christiana, được Thánh Gioan Phaolô II công bố vào năm 1979. Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng tài liệu cũ của vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan cần được “cấp tốc cập nhật dưới ánh sáng của những thay đổi trong xã hội và trong đời sống đại học”.
(Văn kiện giáo hoàng mới chỉ áp dụng cho các trường đại học và các cơ sở giáo dục khác cung cấp các văn bằng và các chứng chỉ do Toà Thánh chấp thuận. Điều này không áp dụng trực tiếp cho hầu hết các trường cao đẳng và đại học Công Giáo, là những cơ sở giáo dục vẫn được quản trị theo những chuẩn mực quy định bởi Tông Hiến Ex Corde Ecclesiae được ban hành vào năm 1990.)
Trong Tông Hiến Veritatis Gaudium, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các cơ sở giáo dục Đại Học của Giáo Hội phải phục vụ cho nhu cầu chính yếu của Giáo Hội hôm nay, đó là “để Dân Thiên Chúa sẵn sàng bắt tay vào một giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa ‘đầy Thánh Linh’. Ngài viết rằng thách đố này đòi hỏi “một quá trình đầy quyết tâm trong việc phân định, thanh lọc, và cải tổ.”
Theo lời Đức Giáo Hoàng, nhu cầu phải có một cách tiếp cận mới là rõ ràng, dưới ánh sáng của “những thay đổi sâu xa” trong xã hội, được thể hiện rõ trong “cuộc khủng hoảng về nhân học và môi trường.”
Đức Thánh Cha viết tiếp:
“Trên thực tế, hàng ngày chúng ta thấy những dấu hiệu chỉ ra rằng mọi thứ đang lên đến một điểm đột phá, do tốc độ thay đổi nhanh chóng và sự suy thoái; những điều này hiển nhiên trong các đại thảm hoạ thiên nhiên cũng như những khủng hoảng tài chính và xã hội. Nói cách khác, điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi các mô hình phát triển toàn cầu và xác định lại khái niệm tiến bộ của chúng ta. Nhưng, vấn đề là chúng ta vẫn thiếu nền văn hoá cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng này. Chúng ta thiếu hàng lãnh đạo có khả năng vạch ra các con đường mới”.
Để hướng dẫn phương pháp tiếp cận mới trong các cơ sở đại học của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra bốn tiêu chuẩn:
- Việc trình bày “Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô một cách mới mẻ và thu hút hơn bao giờ”
- Một sự cống hiến cho “cuộc đối thoại rộng khắp” và “nền văn hoá gặp gỡ”;
- Một dấn thân cho các phương pháp học tập bên trong các bộ môn và giữa các bộ môn với nhau.
- Một sự nhấn mạnh vào “mạng lưới” với các tổ chức khác để thúc đẩy các nghiên cứu về lợi ích chung.
Tông Hiến Veritatis Gaudium bao gồm các tiêu chuẩn mới trong việc chỉ đạo các cơ sở Đại Học của Giáo Hội, được thực hiện bởi các Hội Đồng Giám Mục quốc gia dưới sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục Công Giáo Tòa Thánh. Các chuẩn mực này đòi hỏi một sự tập trung vào các văn bản huấn quyền, với một sự chú trọng đặc biệt vào các tài liệu của Công Đồng Vatican II. Các giáo sư, Đức Giáo Hoàng nói, phải “ý thức về bổn phận của họ là thực hiện công việc của mình với sự hiệp thông hoàn toàn với Huấn Quyền thực sự của Giáo Hội, nhất là với vị Giám Mục Rôma.”
Các chuẩn định mới sẽ có hiệu lực khi các trường khai giảng năm học mới 2018-2019. Mỗi phân khoa giáo hoàng phải làm sao cho tình trạng và chương trình học của họ phù hợp với tông hiến mới và trình các kế hoạch sửa đổi cho Bộ Giáo dục Công Giáo trước ngày 8 tháng 12 năm 2019.
5. Tòa Thánh thành lập phân khoa “Vui mừng và hy vọng” để nghiên cứu mối quan hệ giữa tư tưỏng Kitô giáo và tư duy thế tục
Một phân khoa mới nhằm mục đích thúc đẩy việc nghiên cứu sự tương tác giữa tư tưởng Kitô giáo và tư duy thế tục đã được thiết lập hôm Thứ Năm 25 tháng Giêng, như là một phần của Học viện Thần học Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Khoa học Hôn nhân và Gia đình.
Học viện Thần học Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng chỉ mới được hình thành hôm 19 tháng Chín năm ngoái với tự sắc “Summa familiae cura” (Hết lòng chăm sóc cho gia đình) của Đức Thánh Cha Phanxicô ký ngày 8 tháng Chín, 2017.
Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô
Lễ ra mắt của phân khoa “Gaudium et spes” (Vui mừng và hy vọng) được đánh dấu với một bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô, được Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, và cũng là Hiệu trưởng của Học viện công bố.
Trong bức thư của ngài, Đức Thánh Cha đã bày tỏ lòng biết ơn đối với công việc của Học Viện, những hy vọng và những lời cầu chúc tốt nhất cho phân khoa mới. Ngài lưu ý rằng tông hiến “Vui mừng và hy vọng” được ban hành vào ngày cuối cùng của Công đồng Vatican II, và theo Đức Thánh Cha tông hiến này “có thể diễn tả và phác họa những ý định sâu sắc đã hướng dẫn việc triệu tập và mở rộng Công đồng”.
Dấn thân cho tông hiến “Vui mừng và hy vọng”
Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất vui mừng khi Học Viện “đã dấn thân cách riêng để giữ cho sống động sự chú ý đến tài liệu này của Công đồng và đào sâu sự nghiên cứu tài liệu này, ngỏ hầu làm cho di sản quý giá của nó trở nên hữu hiệu hơn bao giờ hết”.
Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng phân khoa mới, “phù hợp với tầm nhìn của sứ mệnh nghiên cứu đặc thù của anh chị em đối với hôn nhân và gia đình.” Giáo hội, qua tông hiến “Vui mừng và hy vọng”, đã có thể “thể hiện một sự hiểu biết sâu sắc về 'phúc âm của gia đình' tối hậu dẫn đến một “thời kỳ công đồng cao độ mà đỉnh cao là Tông Huấn Amoris Laetitia.”
6. Đức Thánh Cha khai mạc năm tư pháp của tòa Rota
Đức Thánh Cha đề cao tương quan giữa lãnh vực lương tâm và các vụ án cứu xét hôn phối vô hiệu, và cảnh giác đừng phản bội lương tâm.
Ngài trình bày lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29 tháng Giêng, dành cho các vị thẩm phán tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma, nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới.
Ngài nói: “Mối liên hệ chặt chẽ giữa lãnh vực lương tâm và các vụ xét xử hôn phối mà anh em thi hành hằng ngày, đòi anh em phải tránh làm cho việc thực thi công lý bị thu hẹp vào một hoạt động bàn giấy thuần túy. Nếu các tòa án của Giáo hội rơi vào cám dỗ ấy, thì sẽ phản bội lương tâm Kitô. Chính vì thế, trong các vụ xét xử vắn tắt các vụ án hôn phối, không những tôi đã qui định rằng cần làm nổi bật và minh bạch vai trò canh chừng của Giám Mục giáo phận, nhưng đồng thời cũng nêu bật sự kiện chính Giám Mục là thẩm phán tự nhiên trong giáo phận được ủy thác cho ngài, vì thế Giám Mục xét xử ở cấp 1 những vụ tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Chúng ta phải làm sao để lương tâm của các tín hữu gặp khó khăn về hôn nhân đừng khép kín đối với một hành trình ơn thánh. Chúng ta có thể đạt tới mục đích đó bằng sự đồng hành mục vụ, với sự phân định lương tâm (Xc Amoris laetitia) qua các hoạt động của các tòa án hôn phối”
7. Ðức Thánh Cha tiếp 7 ngàn thành viên Hội Chữ Thập Ðỏ Italia
Ðức Thánh Cha Phanxicô đề cao sứ mạng của Hội Chữ Thập đỏ là “kiến tạo sự cảm thông nhau giữa con người và các dân tộc, làm nảy sinh một nền hòa bình lâu bền.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 27 tháng 1 năm 2018, dành cho 7 ngàn thành viên Hội Chữ Thập Ðỏ Italia.
Trong bài diễn văn, Ðức Thánh Cha nhắc đến các hoạt động của các thành viên Hội Chữ Thập đỏ cứu giúp các nạn nhân thiên tai và cả những người di dân. Những hoạt động của họ phản ánh hoạt động của người Samaritano trong Phúc Âm. Ngài cũng quảng diễn 3 nguyên tắc hoạt động của Hội Chữ Thập Ðỏ là tình nhân đạo. Chính tình người này đã thúc đẩy người Samaritano nhân lành cúi mừng trên người bị thương nằm trên đất.
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng bao nhiêu người trên trái đất, trẻ em, người già, người nam người nữ trở nên “vô hình”, vì họ ở trong bóng tối của sự dửng dưng.. Thái độ này đã ngăn cản không cho nhiều người nhìn thấy tha nhân, không nghe được tiếng kêu của họ và nhận thức những đau khổ. Nền văn hóa gạt bỏ là một nền văn hóa vô danh, không có tương quan cũng chẳng có khuôn mặt. Thứ văn hóa này chỉ chăm sóc một vài người và loại bỏ bao nhiêu người khác.
Nguyên tắc thứ hai là “không thiên vị”, không phân biệt quốc tịch, chủng tộc, tín ngưỡng, giai cấp hoặc chính kiến. Thứ ba là “trung lập”, không đứng về phe nào trong các cuộc xung đột và tranh luận chính trị, chủng tộc hoặc tôn giáo. Tiêu chuẩn hành động này chống lại xu hướng đang lan tràn ngày nay, phân biệt giữa người đáng được quan tâm và cứu giúp, người thì không đáng giúp. Ðức Thánh Cha nói: Với sự không thiên vị, người Samaritano không gạn hỏi người bị thương nằm trên đất trước khi giúp đỡ họ, không đòi phải biết họ gốc gác thế nào và tín ngưỡng ra sao thì mới giúp đỡ.
Ðức Thánh Cha khuyến khích các thành viên Hội Chữ thập đỏ Italia tiếp tục sứ mạng cao quí của mình và ngài nói: Ai nhìn tha nhân với đôi mắt thân hữu, chứ không qua lăng kính cạnh tranh hoặc xung đột, thì trở thành người xây dựng một thế giới dễ sống và nhân bản hơn.
8. Sự dấn thân của Giáo hội vì người bệnh phong tại 5 châu lục
Chúa Nhật cuối tháng Giêng hàng năm là Ngày Thế giới Bệnh nhân phong. Ngày này được ông Raoul Follereau, một nhà văn và nhà báo Pháp, người được gọi là “tông đồ của người phong”, thành lập năm 1954. Ông Follereau đã đấu tranh chống lại các hình thức bất công và loại trừ đối với bệnh nhân phong.
Mỗi năm, có hơn 210 ngàn ca bệnh phong mới, trung bình 2 phút có 1 trường hợp. 10% các bệnh nhân dưới 15 tuổi. Hàng triệu người bệnh phong bị tàn tật vĩnh viễn và bị gạt ra bên lề xã hội vì bệnh phong cùi, trong khi bệnh này ngày nay có thể chữa lành dễ dàng.
Giáo hội, đặc biệt là các miền truyền giáo, luôn dành sự trợ giúp cho các bệnh nhân phong, là những người thường bị bỏ rơi bởi những người trong gia đình của họ và bị gạt ra bên lề bởi bối cảnh xã hội. Bên cạnh việc cung cấp cho họ những chăm sóc y tế và trợ giúp tinh thần, Giáo hội cũng giúp cho họ khả năng được phục hồi và tái hòa nhập vào xã hội. Ở nhiều nơi, việc phân biệt đối xử với những bệnh nhân này vẫn còn nặng nề, do ý tưởng là bệnh này không thể chữa được và bởi sự tàn hại khủng khiếp do nó gây ra.
Có nhiều chứng tá của các nhà truyền giáo nam nữ trong lãnh vực này; một số các ngài đã được tuyên phong chân phước hay hiển thánh, những người đã hiến trọn cuộc đời để xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân phong, ví dụ như thánh Jozef Daamian De Veuster - thường được gọi là cha Damien, thánh nữ Marianna Cope, chân phước Jan Beyzym, Ðấng đáng kính Marcello Candia, vv.
Ngày 06 tháng 11 năm 2017, cha Gaetano Nicosia, thừa sai người Utalia tại Hongkong, vị tông đồ của bệnh nhân phong cùi, đã qua đời sau 48 năm chia sẻ cuộc sống với các người phong ở Macao. Nhờ các hoạt động của cha, trại phong đã được đóng cửa và các bệnh nhân hiện này được hội nhập lại với xã hội.
Theo thống kê hàng năm của Giáo hội, Giáo Hội Công Giáo điều hành 604 trại phong trên thế giới; 187 nhà ở châu Phi, châu Mỹ có 48 nhà, Á châu có 296, châu Âu có 72 và 1 ở châu Ðại dương.
Các quốc gia có nhiều trại phong là: ở châu Phi có Cộng hòa dân chủ Congo (31), Madagascar (24), Kenya (21); ở Bắc Mỹ: Hoa kỳ (2); ở Trung mỹ: Mêxicô (7); ở châu Mỹ Latinh: Haiti (2); ở Nam mỹ: Brazil (16); ở châu Á: Ấn độ (236), Việt nam (14), Indonesia (12),; ở châu Ðại dương: Papua Nuova Guinea (1); ở châu Âu: Bồ đào nhà (63), Ðức (5), Ba lan (2).