Chúa Nhật XXXII Thường Niên A

Kn 6, 12-16; 1Tx 4, 13-18; Mt 25, 1-13

Tiến sĩ Alexander Findlay ghi lai những điều ông đã thấy về đám cưới ở xứ Palestine:”Khi chúng tôi đến gần cổng một thị xã Galilê, tôi thấy 10 cô gái vẫy tay và đánh đàn vui vẻ, nhảy múa dọc theo con đường phía trước xe chúng tôi. Tôi hỏi người hướng dẫn: họ đang làm gì vậy ? Anh trả lời là họ gia nhập đoàn với cô dâu chờ chàng rể đến. Tôi hỏi anh ta xem có dịp thấy đám cưới này không, anh lắc đầu đáp :”Không thể vì đám cưới có thể diễn ra tối nay, tối mai hay có khi cả hai tuần lễ nữa, không ai biết chắc chắn lúc nào đám cưới cử hành”.

Nguyên nhân vì sao thì anh tiếp tục giải thích: một trong những niềm vui lớn nhất trong một đám cưới trung lưu ở Palestine là làm sao bắt gặp nhà gái đang ngủ, vì vậy, chàng rể thường đến bất ngờ, đôi khi vào lúc nửa đêm. Theo ý của công chúng thì chàng rể phải cho một người đi trước để la lên rằng :”Kìa, chàng rể đang đến”. Việc đó có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, nên nhà gái phải luôn luôn sẵn sàng đi ra đường để đón chàng rể khi chàng đến. Những điểm quan trọng khác là không ai được phép ở ngoài đường sau khi trời tối nếu không có đèn. Khi chàng rể đến và cửa đóng lại thì những người đến trễ không được phép vào.

Những lời giải thích đó giúp chúng ta hiểu hơn dụ ngôn Mười cô Trinh nữ đi đón chàng rể mà Đức Giêsu đã lấy cảm hứng từ tập tục cưới hỏi Do Thái để diễn tả giáo huấn Quang Lâm của Người: ngày giờ bất ngờ Chúa đến, nên phải luôn sẵn sàng, sẵn sàng như năm Trinh Nữ khôn ngoan mang đèn và mang cả dầu.

Theo tập tục lễ cưới, chàng rể đến đón cô dâu tại nhà cha cô dâu rồi cả hai được một đoàn tùy tùng long trọng rước về nhà chú rể. Lễ cưới sẽ được cử hành với một bữa tiệc nhà chú rể. Các cô phù dâu cùng với cô dâu, chờ đợi chú rể đến. Các cô có nhiệm vụ cầm đèn hoặc đuốc rước đoàn rước dâu ban đêm.

Mười cô trinh nữ phụ dâu chờ đón tân lang là hình ảnh mọi người chúng ta cùng chờ đón Đức Kitô quang lâm qua hình ảnh Tân Lang. Trong mười cô trinh nữ, năm cô được gọi là khôn ngoan, Phronimos - “khôn”, có nghĩa là người có trái tim (phrên), nghĩa là thông minh, Trong Tin mừng Mattheu: người khôn là người biết “xây nhà trên đá” (x. Mt 7,24), người khôn là người biết sẵn sàng theo lệnh của chủ ( Mt 24,45). Trong ý nghĩa khôn là người có trái tim, các Trinh Nữ khôn ngoan có tấm lòng với cô dâu, chú rể, với dòng tộc hai họ, biết lo xa, liệu trước, chuẩn bị mọi sự cho việc đón chàng rể: đèn và dầu đầy đủ đến tham dự hội hoa đăng, rước đôi tân hôn về mái nhà mới. Còn năm cô được gọi là khờ dại vì ít có tấm lòng với chú rể, cô dâu. Các cô chỉ lo “xoe xua” làm nổi cho bản thân mà chẳng để ý gì đến người khác. Hơn nữa từ dại - môros, “dại”, là rỗng, phàm tục, ngu đần, thiếu phán đoán, các cô chểnh mảng bổn phận của mình, để đèn tắt vì không lo liệu cho đủ dầu, nên chạy đi mua. Chính lúc khi các cô ra đi, chàng rể đến, các cô đã trễ hẹn cho hội Hoa đăng tiệc cưới.

Đèn không dầu như cầu không nhịp”.

Thật thế, Đèn không dầu thì đốt sẽ không thể cháy sáng, cũng giống như cầu không nhịp thì người đi qua dù là khách bộ hành hay người đi xe có ngày sẽ bị té xuống sông….

Cho nên người khôn ngoan luôn biết sẵn sàng cho tương lai. Khôn ngoan của con người là phải cùng đích của mình, mà muốn tới cái cùng đích ấy thì phải chuẩn bị cách tỉnh thức và sẵn sàng vì “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”.

Tân Lang đến vào lúc nửa đêm, Dụ ngôn nhấn mạnh: Nửa đêm có tiếng la lên: “Kìa chú rể, ra đón đi!”. "Nửa đêm!” Tin Mừng nhấn mạnh: Thiên Chúa luôn luôn đến trong đêm (x. Lc 12,39-40; Mt 24,43-44; Lc 12,20; Mc 13 35-36) ý nói đến sự bất ngờ. "Ngày của Chúa đến sẽ như kẻ trộm ban đêm" (1 Tx 5,2). "Một tiếng la" giữa bóng đêm làm giật mình mọi người: Thiên Chúa đến bất ngờ, vào giờ mà người ta không ngờ (x. Mt 24,44), "lóe sáng như tia chớp" (Mt 24,27). Không báo trước như một tiếng sét giữa bầu trời quang đãng, như một tiếng kèn loa vang (x. 1Tx 4, 16). Bất ngờ như dụ ngôn về lụt đại hồng thủy : sự phán xét của Thiên Chúa ập xuống nghiệt ngã giữa dòng đời thường của con người. Bất ngờ như kẻ trộm đến trong Dụ ngôn kẻ trộm đến vào giữa khuya cho nên phải tỉnh táo truớc mọi thứ bất ngờ không hẹn trước ( x. Mt 24,37 – 44 ; Mc 13,32 -37; Lc 17,26 -30, 35 -36 ). Vì bất ngờ cho nên phải sẵn sàng như dụ người đầy tớ trung tín chờ đợi chủ về, anh sẵn sàng chu toàn trách nhiệm dù giữa đêm khuya (x. Mt 24,45 -51 ; Lc 12,42 -46 ).

Cho nên như dân gian nói :

Người đời hữu tử hữu sinh

Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm.

Vì thế : ”Sống lành chết thiêng”, khi tỉnh thức và sẵn sàng, sống trong ơn nghĩa với Chúa, sẽ bảo đảm được hạnh phúc đời đời.

Các nhà chú giải Thánh Kinh giải thích: “dầu đèn” có ý nghĩa là những việc tốt, việc lành. Những ai “khôn” – Phronimos, như trinh nữ khôn ngoan có nghĩa là người có trái tim đã có tấm lòng biết yêu mến thì không bỏ qua một cơ hội dù nhỏ, để làm điều tốt, việc lành cho tha nhân. Là người luôn tiên liệu mang đèn dầu họ đón chờ Chúa Kitô - Tân Lang đến để vào dự tiệc cưới Nước Trời.

Các trinh nữ dại khờ khi đi mua dầu và quay trở lại, cửa tiệc cưới đã đóng, các cô cất tiếng gọi dốn dập: “"Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! " Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! " ( Mt 25,11-12). Lối trả lời dứt khoát đó gợi cho chúng ta nhớ đến lời khẳng định của Đức Kitô trong Bài Giảng trên núi: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,21-23).

Mang tâm tỉnh thức sẵn sàng

Cầm đèn cháy sáng dự hội Hoa Đăng,

Hoa Đăng – tiệc cưới Nước Trời

kìa Tân lang đến, tưng bừng hoan ca.

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn