Chúa Nhật 22 : LUẬT LỆ VÀ THÁI ĐỘ GIỮ LUẬT



Đọc Lời Chúa của Chúa nhật này có thể làm cho chúng ta lẫn lộn và thắc mắc. Ở bài đọc I và bài đọc II thì kêu gọi hãy giữ luật của Chúa, nhưng bài Tin Mừng thì cho ta biết vài môn đệ của Chúa không giữ giữ luật rửa tay trước khi ăn. Và Chính Chúa Giêsu đã kịch liệt lên án cách giữ luật của nhóm Biệt phái và Luật sĩ, Người còn gọi họ là “bọn giã hình”. Vậy tại sao Giáo Hội lại chọn những bài đọc này đọc trong cùng một thánh lễ? Đâu là Ý nghĩa Lời Chúa hôm nay?

Luật Lệ là cần thiết cho đời sống

Bất kỳ một tổ chức nào cũng đều cần có luật lệ, có nội quy. Luật lệ được đặt ra là để bảo bảo lợi ích chung và mỗi người. Chúng ta đi đường, thì phải có luật đi đường, đến Trường, có luật của Trường học. Làm việc cho một công ty, có luật lệ của công ty. Luật lệ được thiết lập để bảo vệ và đảm bảo trật tự các tổ chức và xã hội. Làm người công giáo, chúng ta có luật của Giáo Hội, luật của Chúa để tuân giữ. Luật của người kitô hữu là Lời Chúa.

Dân tộc Do Thái được Thiên Chúa ban cho họ Bộ luật Torah, như là bảo chứng của lòng trung thành giữa Dân với Thiên Chúa. Người Do thái tôn thờ Luật Chúa như chúng ta tôn thờ Thánh Thể. Họ đặt Torah trên chổ cao trọng nhất của bàn thờ và cầu nguyện bằng Torah. Nếu họ không giữ luật có nghĩa là họ bỏ Thiên Chúa, phản bội Thiên Chúa của họ.

Việc giữ lề luật Chúa là điều cần thiết vì chính các thánh dạy ta rằng: “Ai giữ luật thì luật sẽ giữ người ấy”. Và giữ luật là bằng chứng chúng ta yêu mến Chúa và giáo hội: Chính Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy”, “Ai nghe lời Thầy và đem ra thực hành là môn đệ của Thầy”. Trung thành với Luật Chúa sẽ giúp chúng ta trung thành với Chúa. Cũng như người chồng trung thành với luật bất khả phân ly của hôn nhân sẽ giúp anh trung tín với vợ của mình.

Nhưng cần thiết hơn nơi thái độ giữ luật

Chúa Giêsu đến không phải để hũy bỏ lề luật cũ, nhưng là để kiện toàn lề luật. Người cũng không phải là người vô luật lệ, Người vẫn giữ các luật Do thái, vẫn ăn chay, đến hội đường cầu nguyện. Nhưng Người mang đến cho Luật Môisen một sự mới mẻ trong cách giữ luật. Đó là luật lệ vì con người, chứ không phải trói buộc con người, lề luật là để bảo vệ quền lợi con người chứ không biến con người thành nô lệ. Và nhất là giữ luật Chúa là để thể hiện lòng yêu mến Chúa và tha nhân. Sự mới mẽ mà Chúa Giêsu mang đến là Luật Tình Yêu. Ai yêu thương là chu toàn lề luật, ai giữ luật mà không yêu thương thì phản luật.

Những người Biệt phái đã đi quá xa trong việc giữ những điều luật tỉ mĩ, nhưng họ quên đi ý nghĩa, mục đích của việc giữ luật: đó là lòng mến Thiên Chúa và bác ái với tha nhân. Họ giữ luật để được người ta ca tụng và tỏ ra mình là thanh sạch trước mặt mọi người. Chính vì thế Đức Giêsu đã gọi họ là “giả hình”, là “Dân này kính ta ngoài môi miệng nhưng lòng chúng thì xa ta. Nó sùng kính ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”.

Và nói theo ngôn ngữ của Häring, một thần học gia luân lý nổi tiếng, thì “họ là những người giữ Lề Luật của Thiên Chúa mà quên đi chính Thiên Chúa của lề luật”, chẳng khác nào như cô gái bán nước bên giòng sông mà quên đi chính giòng sông.

Vụ hình thức và giả hình là những điều bị Chúa Giêsu lên án. Thái độ đó của những người Biệt phái và luật sĩ có thể tái diễn lại trong đời sống của người kitô hữu.

- Chúng ta đến nhà thờ mỗi tuần, rước lễ sốt sắng, nhưng khi về nhà, khi ra công sở chúng ta lại đối xử tàn nhẫn với những người xung quanh.

- Nhiều đám cưới tổ chức linh đình, nhiều cha đồng tế, nhiều khách mời, nhưng lại không có dành thời giờ trước đó để học hỏi giáo lý hôn nhân.

- Không thiếu những trường hợp Cha Mẹ già bị bỏ rơi, thiếu chăm sóc quan tâm, nhưng khi cha mẹ nằm xuống mới lo đám tang um sùm, khóc bu lu bu la… Có rất nhiều trường hợp khác đó đây xẩy ra tương tự như thế. Đó không phải là lối giữ đạo vụ hình thức.


Tất cả chúng ta được mời gọi học lấy thái độ của Chúa Giêsu, là hãy yêu mến và tuân giữ luật Chúa và tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và bác ái với Tha Nhân.