Chúa nhật 22B (Mc 7:1-8, 14-15, 21-23)

“Con chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng con hằng liên lỉ ngợi khen Người.” (TV 73) Lời Thánh Vịnh ấy cùng nhiều lời khác trong Kinh Thánh cho thấy dân Thiên Chúa qua muôn ngàn thế hệ vẫn không ngừng mở miệng ca ngợi và cầu khẩn cùng Thiên Chúa của mình. Nhưng trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu lại dùng lời ngôn sứ Isaia mà quở trách người Pharisiêu: “Dân này thờ Ta bằng môi miệng”. Vậy thì rõ ràng Chúa không trách mắng họ vì việc dùng môi miệng thờ phượng Chúa, mà điều đáng bị trách mắng nằm ở câu sau: “lòng chúng thì xa Ta”. Vâng, việc cầu nguyện, hay thờ phượng bằng lời là điều cần thiết và cao quí, Chúa Giêsu đã không ngừng nhắc đi nhắc lại. Nhưng nếu lòng trí xa Chúa khi cầu nguyện thì lại là điều đáng phàn nàn. Vậy thế nào là lòng trí xa Chúa?

Tin Mừng hôm nay trả lời cho chúng ta câu hỏi đó. “Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”. Nếu mục tử nào không quan tâm đến Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh mà chỉ cố làm sao để lấy lòng người trần thế, nhất là lấy lòng những kẻ cao ngạo, ác đức và chống đối Thiên Chúa, thì lúc ấy họ bị quở trách. Khi họ ngồi vào chiếc ghế mà thế gian kê sẵn, đứng lên bắt tay với cường quyền và quên mất lời răn dạy của Thiên Chúa, quên mất người nghèo chung quanh họ, thì họ đang “làm theo giới luật phàm nhân”.

Về phần dân Thiên Chúa, khi vì sợ hãi hay vì lợi lộc riêng mà không giữ luật Chúa, lại nghe theo những qui định, những thúc ép của các thế lực trần gian chung quanh, thì họ sẽ xa Thiên Chúa vì chính họ đã tự do chọn lựa điều gian ác. Trong một xã hội mà người Công giáo là công dân hạng hai, không có chỗ đứng nào chính thức, thì người môn đệ Chúa dễ bị cám dỗ chạy theo tiếng gọi phía đối nghịch để dễ tồn tại. Nhưng chính lúc cố gắng len lỏi để tồn tại, họ đánh mất sự sống thật của mình.

Cách đây ít năm, tôi có trách nhiệm phỏng vấn nhân viên mới cho một Công ty bảo hiểm ngoại quốc hoạt động ở Sàigòn. Một anh sinh viên mới ra trường nộp hồ sơ và được mời phỏng vấn. Sau khi anh ta đã trả lời các câu hỏi, tôi nhận thấy anh ta không đủ tiêu chuẩn, nên hỏi thêm một câu để biết đời sống tôn giáo của anh ta có giúp gì cho chính anh ta không. “Xin bạn vui lòng cho biết bạn có theo tôn giáo nào không và bạn nghĩ gì về tôn giáo?” Anh ta hăng hái nói: “Em đã học môn triết Mác Lê và biết tôn giáo là thuốc phiện mê dân. Ba mẹ em muốn em phấn đấu vào đảng như ba mẹ nên em không thích các tôn giáo”.

Nghe đến đó, tôi đưa anh ta xem bảng ghi các tiêu chí đánh giá và mỉm cười nói nhẹ nhàng: “Bạn tưởng công ty này giống các công ty nhà nước nên bạn nói mạnh quá. Thật ra công ty này là một định chế tài chính, và chúng tôi đánh giá cao những người có tôn giáo. Rất tiếc vì câu trả lời của bạn, bạn mất 100 điểm theo thang điểm mà công ty qui định, chứ nếu nếu bạn nói khác thì cũng đỡ cho bạn”. Nghe vậy, anh ta thay đổi ngay: “Dạ hồi nãy em nói là theo bài học sách vở, chứ cá nhân em đề cao tôn giáo lắm ạ và em nghĩ tôn giáo là rất cần thiết”. Tôi nói: “Cám ơn bạn, nhưng hy vọng sẽ có dịp khác chúng ta trao đổi lại”.

Rõ ràng cái lối giáo dục này chẳng biết làm sao mà khiến con người coi thường các giá trị tinh thần, lại thay đổi nhanh chóng mà lại chẳng bao giờ dám chắc chắn gì về chính mình. Khi người ta “theo giới luật phàm nhân” thì họ xa Chúa vời vợi, và khi xa Chúa thì chính họ tách mình ra khỏi những cộng đồng biết đề cao các giá trị nhân bản.

Chúa Giêsu nói: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”. Truyền thống người phàm là truyền thống mang tính hình thức, chiếu lệ, giả hình. Đó còn là loại truyền thống đề cao lòng hận thù, hành vi liều lĩnh, thô bạo. Truyền thống người phàm còn là những “bửu bối” để tiến thân trong xã hội mà coi thường lương tâm và đạo đức. Mà đã theo truyền thống người phàm thì không thể tuân giữ lề luật Thiên Chúa.

Người Công giáo thời đại này vẫn bị cám dỗ hành xử theo thế gian, theo các truyền thống phàm nhân. Và cả những vị đã được mời gọi sống đời tận hiến cũng không thiếu những lúc hoặc vì bị “nắm tẩy” hoặc vì ham danh ham lợi mà hy sinh làm tôi tớ cho phàm nhân, cho quyền lực phù vân và cho những người cầm roi quất mạnh vào thân mình mầu nhiệm Đức Kytô.

Theo Chúa không phải là một cam kết xã hội mà trước hết là một khế ước tình yêu. Mà đã nói đến tình yêu là nói đến cái gì sâu xa nhất của cuộc đời con người. Đã chọn lựa yêu thương thì người môn đệ Chúa hướng tới mà không quay lại để bám víu vào bất cứ cái gì chung quanh mình, bởi so với gia sản mà mình đã chọn thì “giới luật phàm nhân” chẳng là gì.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã chọn lựa chính xác và đã kiên trung với chọn lựa tuyệt vời ấy. Xin Mẹ dẫn chúng con đi vững vàng trên lối đi mà Chúa đã chỉ cho chúng con, để chúng con đi theo Chúa mà không để lòng mình xa Chúa.