MỘT VÀI CẢM NGHĨ VỀ TẬP THƠ NÔM CỦA CỤ PHƯỚC MÔN NGUYỄN HỮU BÀI

Khi Cha Đinh Đồng Thượng Sách, qua trung gian của G.s. Lê Đình Thông, đề nghị tôi trình bầy cảm nghĩ về tập thơ mới tái bản của Cụ Phước Môn Nguyễn Hữu Bài, phản ứng đầu tiên của tôi là khước từ. Khước từ vì tôi tự xét mình không phải là một người chuyên khảo về văn học sử Việt Nam, mà cũng không quen phê bình văn thơ, chắc chắn không tránh được những nhận định hời hợt, sai lầm : như vậy là có tội với một bậc tiền bối đã từng đóng một vai tuồng quan trọng trong lịch sử nước ta. Tuy nhiên tính hiếu kỳ của tôi đã bị kích thích mạnh mẽ. Lúc còn học ở trường Thành Chung Nam Định, từ 1933 đến 1937, tôi đã nghe danh Cụ Nguyễn Hữu Bài, biết rằng trước khi Hoàng Đế Bảo Đại hồi loan để đích thân nắm chính quyền năm 1932, cụ Bài giữ một chức rất cao, có thể nói là cao tột đỉnh trong triều đình Huế. Nhưng hồi ấy không thấy ai nói Cụ là một nhà thơ trứ danh như các nhà thơ tôi đã quen tên sau khi đọc các cuốn sách giáo khoa Quốc Văn Trích Diễm và Văn Đàn Bảo Giám.

Thế rồi bao nhiêu biến cố quan trọng đã xẩy ra ở nước ta : bị lôi cuốn theo giòng thác lịch sử tôi cũng không lúc nào nghĩ đến chuyện cụ Nguyễn Hữu Bài còn là một nhà thơ danh tiếng nữa. Lời đề nghị của Cha Sách khiến tôi ý thức sâu sắc sự thiếu sót của mình. Chính vì vậy mà tôi đã nhận lời, coi đây là một cơ hội để học hỏi thêm. Tôi rất cảm ơn Cha Sách vì ngoài tập Thơ Nôm Phước Môn xuất bản năm 1959 gồm 88 bài, cộng thêm 32 bài công bố sau đó, Cha còn gửi cho tôi bài khảo cứu của ông Lê Ngọc Bích (một tài liệu lưu hành nội bộ của Giáo Phận Huế) cùng bài khảo luận của ông Phạm Đình Tân về "Chính sách đối ngoại hòa bình" của Cụ Nguyễn Hữu Bài. Nhờ những tài liệu vừa kể, tôi đã có một quan niệm chính xác hơn về vị đại thần kiêm thi sĩ Nguyễn Hữu Bài. Và đây là một vài cảm nghĩ của tôi.

Cụ Phước Môn Nguyễn Hữu Bài
Trước hết, tôi ngờ rằng lúc sinh thời, Cụ Nguyễn Hữu Bài không hề có ý định trở nên một thi gia "chuyên nhất " : Bằng cụm từ này tôi muốn chỉ những nhà thơ đã quyết tâm dành cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp sáng tác thi phẩm, coi thơ là phương tiện chủ yếu để biểu lộ những cảm xúc, những ấn tượng, những tình ý, những ước vọng và cả vũ trụ quan cùng nhân sinh quan của mình. Vì làm thơ đối với các vị đã thành thói quen nên họ có tài xuất khẩu thành thơ. Công trình sáng tác của họ rất phong phú. Mặc dù không vị nào sinh nhai bằng cách xuất bản thi phẩm của mình nhưng những thi phẩm ấy thường được đăng trong mục thi đàn của các báo chí hoặc lưu hành bằng cách truyền tay trong các bạn bè cùng những kẻ yêu thơ : nhờ vậy ai nấy mặc nhiên công nhận đó là những thi gia chuyên nhất (tôi không dám dùng cụm từ chuyên nghiệp hay chuyên môn vì những cụm từ này không được chỉnh). Lúc sinh thời Cụ Nguyễn Hữu Bài không hề xuất bản một tập thơ nào. Phải đợi tới 24 năm sau khi Cụ từ trần, tức là năm 1959, thời Đệ Nhất Cộng Hòa, một cộng sự viên cũ của Cụ là Cụ Nguyễn Thúc mới sưu tầm được 120 bài thơ nôm do chính tay Cụ Bài ghi chép, để xuất bản ở Sài gòn dưới nhan đề "Thơ nôm Phước Môn". 120 bài thơ này đã được sáng tác rải rác trong khoảng 50 năm, như vậy trung bình mỗi năm là vài ba bài. Với một số lượng thi phẩm ít ỏi như vậy, ta không ngạc nhiên là khi Cụ Bài còn sống, không ai coi Cụ là một nhà thơ chuyên nhất. Cụ giống như nhiều người trong chúng ta đây, lúc nào cao hứng, chẳng hạn, nhân dịp đầu xuân, hoặc khi trà dư tửu hậu, thì cũng ngâm nga một vài câu thơ do chính mình sáng tác để làm duyên với văn nghệ. Chính Cụ Bài cũng từng tự thuật trong bài thơ sau đây :

Ngâm nga vốn thói thuở xưa tê,

Đã bỏ lâu nay lại ngứa nghề.

Đủ ý, đủ câu, là có cách,

Trơn vần, trơn chữ, nói ra bề.

Tả cho thực cảnh y như thấy,

Nói hết chân tình hẳn dễ nghe.

Dở dở, hay hay, thôi nỏ ngại,

Mặc ai khen cũng mặc ai chê.

Bài thơ này cho ta thấy rõ : Cụ Nguyễn Hữu Bài làm thơ không phải để cho thiên hạ mà để cho chính mình thưởng thức : mỗi bài thơ giống như một trang nhật ký, ghi thật đúng những cảm tưởng và xúc động của Cụ trước cảnh vật hay sự việc, không tô điểm, không "thi vị hóa". Chính vì thế mà tập thơ nôm của Cụ có một giá trị rất cao về các phương diện sau đây :

a) Đó là những tài liệu chân thực giúp ta hiểu thêm một giai đoạn lịch sử rất éo le của nước nhà;

b) Những tài liệu này còn cho ta hiểu thêm tâm trạng và ý nghĩa u ẩn của một vị đại thần đã từng thay mặt vua Bảo Đại để điều khiển triều đình Huế trong 7 năm liền. Khỏi cần nói là khen cũng lắm mà chê cũng không ít. Đó là chưa kể những sự nghi ngờ nhiều khi hoàn toàn vô căn cứ. Đọc những bài thơ tự sự của Cụ Bài, ta có thể xét đoán chính xác hơn, công bằng hơn hoạt động chính trị của Cụ.

c) Về mặt văn học, tôi thành thực khâm phục tài làm thơ của Cụ Nguyễn Hữu Bài : cách dùng những chữ dí dỏm, có thể bị chê là thôn dã để tả người, tả cảnh... quả thực rất độc đáo. Tiếc rằng Cụ đã không có hoàn cảnh để sáng tác nhiều hơn nữa vì với thi tài bẩm sinh, Cụ có thể góp một phần quan trọng vào sự nghiệp phong phú hóa nền văn học của dân tộc ta.

Tôi xin lần lượt trình bầy các điểm vừa kể bằng cách viện dẫn một số thí dụ rút từ tập Thơ Nôm Phước Môn.

Về điểm 1.

Tôi xin kể một thí dụ là Bài Khai Bút năm Mậu Ngọ. Bài này tác giả sáng tác vào đầu năm Mậu Ngọ tức là khoảng tháng 2 năm 1918. Vua Khải Định lên ngôi đã được một năm rưỡi. Cụ Nguyễn Hữu Bài được nhà vua rất tín nhiệm vì Cụ kiêm lãnh hai Bộ quan trọng là Bộ Lại và Bộ Hộ. Dưới triều tiên đế Duy Tân, Cụ Bài đã làm Thượng Thư Bộ Công. Cụ không ngần ngại biểu lộ xu hướng cải cách của mình bằng một hành động nhiều ý nghĩa là nhận làm Tán Trợ Hội viên của Duy Tân Hội do một vị danh nho là Cụ Nguyễn Thành sáng lập và chủ trì. Có lẽ do ảnh hưởng của Cụ nên trong năm 1917, vua Khải Định đã ban hành một đạo Dụ cải cách phong tục, bãi bỏ các thói quen đốt vàng mã, tục lên đồng, tục tăng lễ vật cho các quan chức. Biện pháp cải cách này đã có kết quả ra sao ? Trong bài thơ khai bút của Cụ Bài, tôi thấy hai câu sau đây :

Tục-tình dân sự dường như mới,

Phong-vị quan quyền vẫn hãy xưa.

Qua hai câu vừa kể, ta hiểu rằng cuộc cải cách đã thất bại chỉ vì "sức ì" của các quan chức trong và ngoài Triều. Và chắc chắn cũng vì nhiều người còn nghi ngờ lòng nhiệt thành canh tân đất nước của Cụ nên vội vã gắn liền biện pháp cải cách phong tục do Cụ đưa ra với các tín điều của Thiên Chúa Giáo.

Một thí dụ khác là cuộc công du của vua Khải Định sang Pháp năm 1922. Trong dịp này, Cụ Bài đã sáng tác hàng chục bài thơ thất ngôn, bát cú như : Hộ giá đi Tây; Giá ngự ở Paris; Viếng Đài kỷ niệm Nogent sur Marne; Đi coi chiến trường Verdun; Xem Triển Lãm Marseille vân vân. Qua các bài thơ đó, tôi đã khám phá hai điều quan trọng :

a) Triều đình Huế nghĩ rằng nước Pháp đã mang ơn ta trong cuộc chiến tranh 1914-1918 vì ta đã gửi hàng vạn binh lính sang tham chiến trong hàng ngũ quân đội Pháp. Hàng ngàn lính Việt đã bỏ mạng nơi chiến trường. Vậy phải lợi dụng cơ hội này đòi Pháp trả lại hai miền Nam và Bắc Kỳ cho Triều đình Huế mặc dù Pháp vẫn giữ vai quốc gia bảo hộ. Cụ Nguyễn Hữu Bài đã tiết lộ dự tính này trong các câu thơ trích dẫn sau đây :

Lời tạ, Pháp đình bầy nghĩa trước,

Thơ thương, Thống lãnh tỏ tình sau.

(Giá ngự ở Paris)

Phương xa giao hảo vâng hàu giá,

Vận mới đồng văn thử dựng cờ.

(Hộ giá đi Tây)

Dĩ nhiên, cuộc vận động đã thất bại.

b) Mặc dù thất bại, vua Khải Định và cụ Nguyẽn Hữu Bài muốn chứng tỏ rằng dân hai miền Nam Kỳ và Bắc Kỳ vẫn hướng về triều đình Huế. Do đó, nhân dịp thăm cuộc Triển Lãm Quốc Tế ở Marseille, một buổi lễ đã được tổ chức trong một khách sạn lớn. Nhà vua mặc hoàng bào, đội vương miện, ngồi trên ngai vàng, thiết triều trong đại sảnh. Các quan hộ giá cùng đại diện của ba Kỳ, măc phẩm phục, tới triều kiến theo đúng nghi lễ truyền thống. Dĩ nhiên buổi lễ này đã bị một số người chỉ trích nặng nề vì Pháp là một nước cộng hoà : phô bầy một quang cảnh hủ lậu như vậy không lợi gì cho chế độ quân chủ của Nguyễn Triều. Dẫu sao buổi lễ đã được cụ Nguyễn Hữu Bài thuật lại như sau :

Đấu xảo mừng nay hội đại đồng,

Tam Kỳ hợp nhất : Bắc, Nam, Trung.

Quân vương chánh ngự ngai hành tại,

Thần thứ sum nghiêm án hộ tùng.

(Xem Triển Lãm Marseille)

Mấy thí dụ vừa trích dẫn cho thấy là nhiều bài thơ của vị đại thần Nguyễn Hữu Bài không phải chỉ để ngâm nga cho vui tai mà còn giúp ta hiểu thêm lịch sử nước nhà nữa.

Điểm 2

Tâm tư của sĩ phu Nguyễn Hữu Bài qua tập thơ nôm Phước Môn.

Cụ Nguyễn Hữu Bài đã để lại cho chúng ta thí dụ điển hình về cuộc sống của một sĩ phu yêu nước đã ra đời, trưởng thành rồi hiển đạt trong một hoàn cảnh lịch sử cực kỳ éo le. Sinh trong một gia đình công giáo đã từng có người tử vì đạo, lớn lên ở một địa phương khét tiếng kỳ thị ngoại đạo, được giáo dục trong một chủng viện tại Mã Lai với mục đích công khai là sau này làm linh mục, người thanh niên Nguyễn Hữu Bài đã có một quyết định vô cùng quan trọng là tái nhập thế cuộc, hồi hương ngay sau khi Pháp áp đặt nền bảo hộ trên đất Trung Kỳ, để làm thông ngôn ở Nha Thương Bạc rồi tiến dần trên thang danh vọng và cuối cúng đã trở nên một vị đại thần đứng đầu cả Triều đình Huế, quyết định quốc sự suốt 7 năm liền vì vua Bảo Đại bận du học bên Pháp. Dĩ nhiên, Cụ Bài đã không thể tự mình tạo ra thời thế. Nhưng Cụ đã khéo léo đối phó với hoàn cảnh và thắng được nhiều khó khăn. Khỏi cần nói là nhiều người đã nêu nghi vấn về Cụ, có thể đưa ra những phán đoán sai lầm và bất công Do đó cần phải đọc những bài thơ mà Cụ đã sáng tác ở từng thời điểm vào mỗi cơ hội : trong những bài thơ này Cụ đã phân trần với chính lòng mình vì Cụ không thể hay không muốn tâm sự cùng ai.

Trong tập Thơ Nôm Phước Môn, các bài thơ được xếp thành ba loại : Vịnh cảnh vật, Ký, thuật sự và Thú ứng. Nhiều bài không ghi rõ niên hiệu, ví vậy tôi đã phải đọc từng bài dựa trên nội dung để chia làm 2 thời kỳ :

a/ thời kỳ Cụ Bài còn làm thư lại hoặc quan chức nhỏ và phải bôn ba khi ở Bắc Kỳ, khi ở Thanh Hóa, khi ở Huế. Thời kỳ này đi từ 1886 tới 1898.

b/ thời kỳ Cụ Bài được giao nhiều trọng trách vì vậy luôn luôn ở Huế trừ những dip đi công tác trong nước hay hộ giá Nhà Vua sang Pháp. Thời kỳ này đi từ 1899 tới năm 1935 là năm Cụ từ trần.

Trong những bài thơ về thời kỳ thứ nhất, tôi đặc biệt chú ý tới 10 bài mà Cụ đã sáng tác lúc được phái đi quân thứ ở Sơn Tây thuộc vùng Trung Du Bắc Kỳ. Lúc đó Cụ là một thanh niên 23 tuổi chưa gặp Cụ Bà nên còn sống kiểu thanh niên độc thân. Cụ đã kinh qua những tâm trạng như sau :

1/ Nhớ Huế :

bài I "Gửi cho bạn cũ ở Kinh"

Ác vàng lửng đửng góc trời Tây,

Man mác xa trông ngọn cỏ cây.

Quê cũ nhớ tình thêm nhớ cảnh,

Đất người e gió lại e mây,

Bốn phương vó ký dầu rong ruổi,

Một tấm lòng băng há đổi thay !

Non nước Trường An muôn dặm thẳm,

Vừng trăng chung ở đó và đây...

2/ Buồn vì cảm thấy bạn và thầy cũ bỏ rơi mình :

bài VI :

Tri âm sao khéo lạt tình thay !

Đèn sách xưa kia bạn lại thầy.

Nghĩa ấy ngàn năm đà mấy thuở,

Sau này một mối đến trăm dây.

Giầu sang mở mặt nơi quê vực,

Mưa gió ra đâu phận khách đày ?

Nhạn, cá bấy lâu trông vắng vẻ,

Lo đâu chốn cũ được vui vầy

3/ Bực vì bị thị phi, hối tiếc là đã bỏ tu để nhập thế cuộc :

bài V :

Thấp thoáng đèn khuya ngọn gió lay,

Tiếc công tu chẳng trót đời này !

Say nơi thế tục, hoa danh giả,

Bỏ chốn am thanh quả phước dày...

Mấy độ thăng trầm cơn nước lũ,

Ghe phen thành bại cuộc cờ vây !

Thôi đà lỡ bước sao đành vậy,

Phi thị mặc ai hãy giả ngây !

4/ Tự hào là thành công nhờ ở tài trí của chính mình :

bài II :

Con Tạo xoay vần cũng đã hay,

Bĩ rồi lại thái nghĩ càng may.

Từ đây rộng bước dầu ngang dọc,

Bõ thuở ôm lòng những đắng cay !

Phú quý nhờ chưng ba tấc lưỡi,

Công danh cậy có một bàn tay !

Lầm than đem lại đường xe ngựa :

Mới biết Trời không phụ kẻ ngay !

5/ Tự an ủi khi hoạn nạn là mọi sự đều do vận mệnh :

bài IX và X :

Đất bằng tiếng sấm nổ đùng đùng !

Mưa gió bất kỳ nổi tứ tung !

Một phút tan tành nền phú quý,

Trăm năm biến cải vận hanh thông.

Người đời cho trải vòng dâu bể

Miệng thế chi nao dạ đá đồng !

Trong cuộc tuần hoàn cơ Tạo Hóa :

Ai đem thành bại luận anh hùng !

Cuộc đời thấy đã ngán ngao lòng !

Ai ngỡ ngàn dâu hóa bể đông !

Khuôn Tạo đúc nên tài lỗi lạc

Nước đời bắt phải bước long đong.

Cơ đồ mới đó đà tan tác,

Luy tiếc no nao được vẫy vùng !

Bĩ thái chẳng qua câu vận mạng :

Rồi đây lại đến hội mây rồng !

6/ Quyết tâm giữ vững đạo đức trước mọi cám dỗ :

bài IV :

Vui thú giang sơn lửng tháng ngày :

Ai ngờ chốc đã mấy năm chày !

Nguy nga núi Tản mây giăng phủ,

Uyển chiuyển giòng Thoa nước cuộn xây.

Rượu thánh thơ thần, dầu phỉ thích,

Nghĩa tôi đạo Chúa há nguôi khuây ?

Một câu thận độc lòng son sắt :

Trăng gió bên mình cũng trốc thây !

Trong thời kỳ thứ hai, từ 1899 trở đi Cụ Nguyễn Hữu Bài giữ nhiều chức vụ quan trọng, lúc đầu chỉ là đại thần làm việc ở Cơ Mật Viện, sau làm thượng thư thành viên của Cơ Mật Viện, rồi giữ trọng trách Viện Trưởng Cơ Mật Viện (tương đương Thủ Tướng) và sau cùng là thay nhà Vua vắng mặt để cai quản Triều đình (từ 1925 đến 1932 ). Cụ đã dùng lời thơ để nói lên những trăn trở cũng như quyết tâm của mình mặc dù như ta đã biết, thơ này không hề công khai phổ biến.

1/ Có một bài khiến tôi đặc biệt chú ý : đó là bài Đêm nằm không ngủ

Thao thức đêm nằm chẳng ngủ cho,

Cũng ra như bệnh cũng như lo.

Trên đầu nặng trịu đà ngây ngất,

Trong dạ lao lư, lại rối vò.

Bao quản tóc sầu đem nhúng tuyết,

Chỉn e lòng khổ hóa thành tro !

Những nghe tiếng vạc kêu canh mãi,

Mở mắt trông xem vẫn tối mò !

Qua bài này tôi cảm thấy Cụ Bài đang bị đặt trong một tình thế rất khó khăn, không biết nên quyết định ra sao vì xử sự cách nào cũng có thể mang lụy. Tôi nghĩ tới một nghi vấn chắc chắn đã có người nêu lên : Cụ Bài là người công giáo, không hề có một bằng cấp nào cần thiết để xuất chính, vào thời của Cụ, như Tiến sĩ hay Cử nhân; Cụ được tuyển làm thông ngôn - cấp thừa phái - ở Nha Thương Bạc vào năm 1884. Thế mà chỉ 14 năm sau, Cụ được bổ nhiệm làm Bố Chánh ở Thanh Hóa rồi làm Thị Lang ở Bộ Lại, kiêm Thương Tá Cơ Mật Viện. Tại sao có sự thăng tiến ngoạn mục như vậy ? Phải chăng Cụ đã được nhà cầm quyền thuộc địa chọn làm tai mắt và "cánh tay nối dài " ở Triều đình Huế ? Người ta còn có thể nhận xét là trong tập thơ Phước Môn không thấy một bài nào chỉ trích chính quyền bảo hộ Pháp. Bài "Đêm nằm không ngủ " vừa kể cho ta thấy nghi ngờ như vậy là oan cho Cụ vì Cụ thành thực yêu nước.

2/ Cụ đã biểu lộ nguyện vọng được thấy Pháp trả lại Triều đình Huế đất Nam Kỳ (xem bài Hộ giá đi Tây); ước vọng này còn được giãi bầy trong bài Thăm Lăng Ông và Đức Cha Cả :

Thôi có thiêng thời phò vận mới,

Một nhà bốn bể, hội tam đồng.

(nghĩa là Trung, Nam, Bắc tái thống nhất)

Trong những bài tả cảnh, Cụ cũng thường nhân dịp, nói lên ý muốn làm ích quốc lợi dân. Thí dụ, trong bài Vịnh vườn hoa Huế, có câu :

Theo cây, có kẻ hay không chán,

Hái quả dầu ai cũng cứ trồng !

Câu này khiến tôi nhớ lại bài ngụ ngôn của La Fontaine "Cụ tám mươi với ba chàng tuổi trẻ " : trong bài thơ ngụ ngôn đó, cụ già đã cho ba chàng trẻ tuổi biết rằng cụ trồng cây không phải để chính mình ăn trái mà để cho các thế hệ sau.

Một thí dụ khác là bài Vịnh sông Lợi Nông, trong đó có câu :

Khen ai muốn đặng nhà nông lợi,

Đào tạc công lao tiếng để đời...

3/ Với những chức vụ được trao cho mình, nhất là trong thời kỳ ấu chúa Bảo Đại vắng mặt, cụ Nguyễn Hữu Bài có bao giờ tính chuyện lộng quyền không ? Cụ đã biểu lộ lòng trung quân của Cụ trong nhiều bài thơ. Thí dụ, dưới đời Duy Tân, nhân dịp tháp tùng nhà vua nghỉ mát ở Cửa Tùng, Cụ có viết mấy câu thơ chứa đầy tinh thần tôn quân :

Hầu ngự thừa lương lại tới đây,

Nước trời in một sắc hây hây.

Ba tầng cửa Võ, ba tầng sóng,

Chín bực thềm Nghiêu, chín bực mây.

Lúc hộ giá vua Khải Định sang Pháp, Cụ cũng đã viết :

Vua tôi sau trước nghĩa nào sơ !

Từ thuở đâu đâu nhẫn tới giờ

Đầu đội quân vương hai mái tóc,

Lòng lo xã tắc mấy vòng tơ...

Chính để tưởng thưởng lòng trung quân bất biến của Cụ, mà sau khi hồi loan, Vua Bảo Đại đã phong cho Cụ tước Phước Môn Quận Công.

4/ Ai cũng rõ là sau khi vua Khải Đinh băng hà, năm 1925, nhà cầm quyền bảo hộ Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn để tước đoạt quyền hành của Triều đình Huế ngõ hầu biến hai miền Bắc và Trung Kỳ thành những thuộc địa do Pháp trực trị. Ở cương vị Viện Trưởng Viện Cơ Mật, đứng đầu Triều Đình, Cụ Nguyễn Hữu Bài đã phải đối phó chật vật với những mưu toan này : trong tay không có một phương tiện nào hết, kể cả tài chánh lẫn nhân sự, Cụ Bài chỉ trông cậy ở " ba tấc lưỡi " và ngòi bút. Tình trạng này cho ta hiểu rõ tại sao có bài thơ Đêm nằm không ngủ nói trên. Cụ đã ví thân phận mình như bức bình phong hay cây tọa đăng :

Vịnh bình phong

Đất thấp, trời cao, giữa có ta,

Một mình trước cửa lại sau nhà.

Đứng ngay thẳng ngõ mà che bóng,

Dòm dỏ ngoài đường cũng mặc ma !

Thử sức đã sành cùng gió bụi,

Phô màu son phấn với trăng hoa !

Hình vuông, nghĩa hạnh đều vuông cả,

Dẫu kẻ trông vào kẻ ngó ra !

Vịnh tọa đăng

Âm dương khí chất khéo điều hòa,

Hai chữ hành tàng vẫn đạo ta.

Ngày trắng mình ngồi yên một chỗ,

Đêm đen bong tỏ rạng muôn nhà.

Cho hay gần mới trông thêm sáng,

Bằng để cao càng ánh lại xa.

Thương hại còn nơi chưa thấu khắp :

Bồi hồi tấc dạ hạt châu sa.

Qua hai bài thơ vừa rồi, ta cảm thấy Cụ Nguyễn Hữu Bài tin tưởng là Cụ có một sứ mạng lịch sử. Thành công hay thất bại là tùy ở Trời, ở Vận Mệnh. Điều này Cụ khẳng định trong nhiều bài thơ tả cảnh cũng như thuật sự. Ngay từ lúc đi quân thứ ở Sơn Tây, Cụ cũng đã viết :

Ai đem thành bại luận anh hùng ?

Như vậy, từ lúc còn hàn vi tới khi hiển đạt, triết lý nhân sinh của Cụ không hề thay đổi.

Điểm 3

Tài làm thơ nôm của Cụ Nguyễn Hữu Bài.

Trong hai điểm trên, tôi đã phân tích tập thơ nôm của vị đại thần Nguyễn Hữu Bài. Đến đây, ta hãy tạm quên tư cách đại thần của tác giả, coi Cụ là một nhà thơ như nhiều nhà thơ khác và xét xem cách làm thơ của Cụ có gì đặc sắc không. Về mặt này, tôi thành thực khâm phục cách tả cảnh của Cụ Bài cùng cách xử dụng chữ nôm của Cụ. Đúng như Cụ đã nói trong bài thơ tự thuật về Chứng hay làm thơ :

Tả cho thực cảnh y như thấy !

Cụ đã tả nhiều cảnh thật là chính xác, sống động, đôi khi ngộ nghĩnh nữa. Thí dụ bài Vịnh tầu bay. Chiếc tầu bay có chi là thi vị ! Thế mà Cụ đã viết được bốn bài thơ trong đó tôi xin trích mấy câu sau đây :

Đầu như lòng chóng, cánh như diều,

Lưng ngựa, chân xe, thực cớ trêu.

Nẩy vóc nghìn cân nên uẩn súc,

Thở hơi một mảy, thoát tiêu diêu !

Và lúc chiếc tầu bay đã cất cánh :

Mới đó nhập nhờn vừa khỏi đất

Bỗng đâu phất phới đã ngang trời

Bài Múa ba dao cũng rất sống động :

Xốc xách ba dao nắm một tay

Tung hấng hấng tung nhanh thể cắt

Xuống lên lên xuống rõ như bay.

Ánh lòa nhấp nhới, hoa hoa múa,

Gió vả chào rào lá lá bay !

Có một bài rất ngộ nghĩnh khiến tôi bật cười : đó là bài tả người Thượng :

Gùi ríp sau lưng đi lụi cụi,

Quàng chăn bên cổ bước loi thoi.

Phơi đầu, phơi óc, tai đeo hột,

Không áo không quần khố có đuôi.

Đừng tưởng rằng nhà thơ Nguyễn Hữu Bài chỉ ưa tả thực như vậy đâu : Khi ngồi trên thuyền câu, Cụ đã tức cảnh :

Thuyền nan đủng đỉnh, nước lênh đênh,

Gió thổi hiu hiu, sóng nhập nhình

Hai câu này khiến cho tôi nhớ lại một bài thơ - nếu tôi không lầm - là của Cụ Nguyễn Khuyến mà tôi đã thuộc lòng hồi theo học trường Thành Chung Nam định :

Ao thu lạnh lẽo, nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo...

Cả hai bài thơ của hai thi sĩ, người miền Trung, người miền Bắc, đều đáng coi là những bông hoa đẹp tuyệt vời trong vườn thơ của dân tộc Việt.

Với nhận định này, tôi xin phép kết thúc bài thuyết trình của tôi về tập " Thơ nôm Phước Môn ".

nguồn: www.giaoxuvnparis.org