Tiểu sử Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài 1863-1935 (Bài 1)

Mây nước mấy lần đà lỗi hẹn

Vẻ vang có thể được lòng sau. N.H.B.

Thay lời mở đầu

Năm 1965, tác giả bài này biên soạn tiểu sử Phước Môn Nguyễn Hữu Bài nhân dịp 30 năm vị đại thần Nam Triều qua đời tại Huế.

Năm 1965 đồng thời cũng là kỷ niệm 30 năm linh mục Hồ Ngọc Cẩn được tấn phong giám mục, vị giám mục đầu tiên gốc địa phận Huế, đã chủ tế lễ quy lăng Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài tại Quảng Trị.

Nguyễn Hữu Bài (1863-1935), đăng trên Văn Hóa Nguyệt San, Sàigòn,1965, từ đó về sau được nhiều tác giả trích dẫn làm tài liệu biên khảo.

TSH số đặc biệt 2000, kỷ niệm 150 năm thành lập Địa Phận Huế, cơ hội để nhắc lại một giáo hữu đã để lại nhiều công nghiệp tại địa phận nhà: Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài. Chủ đích là như vậy. Nhưng vì lý do kỹ thuật, số trang hạn hẹp, TSH không thể đăng tải toàn bộ, mà chỉ ngắn ngủi được một trang cuối bài “Căn Cứ Tân Sở”, gọi là vinh họa thêm địa danh Cùa, Cam Lộ, Tân Sở trong thơ Nôm Phước Môn.

Vì sự thiếu sót “chẳng-đặng-đừng” ấy, TSH số này có bài bạn đọc lâu nay đòi hỏi và chờ đợi. Trích đăng lại từ Văn Hóa Nguyệt San. Sàigòn. 1965, TSH giữ nguyên bản văn cũ, ngoại trừ thêm phần Chú Thích xét cần thiết và hữu ích đối với bạn đọc thế hệ trẻ ở nước ngoài. Thêm vào đó, có đoạn nhắc lại lần gặp gỡ vua tôi lần đầu tiên: Hoàng Đế Bảo Đại, vị tân quân vừa hồi loan đang tập sự cầm quyền và vị lão thần Cố Vấn Nguyên Lão Nguyễn Hữu Bài. Phần này, phải nói ngay rằng trước nay chưa ai biết, trích dẫn từ tác phẩm xuất bản năm 1990: “Bảo Đại: Con Rồng Việt Nam”.

Bài viết cũ, được bổ túc thêm bằng tài liệu mới do chính nhân vật trong cuộc và chứng nhân lịch sử thời đại là Cựu Hoàng Bảo Đại ghi lại, thiết nghĩ tiểu sử Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài như vậy đã được bổ túc, đầy đủ hơn xưa.


* * *

Ngày 28 tháng 7 năm 1935 lúc 2 giờ 30 sáng tại Huế, một hung tín không những làm xôn xao triều đình mà còn gây bùi ngùi xúc động dân chúng trong nước: Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài tạ thế.

Nguyễn đại thần mất, cuộc đời và sự nghiệp tiên sinh bao trùm cả một giai đoạn lịch sử mấy mươi năm trong đó nổi bật nhất lòng yêu nước, khí tiết hào hùng trượng phu xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của quần chúng.

Xuất thân chỉ là một sĩ nhân, một người có học thức thường, không đỗ đạt bảng nhãn thám hoa, cũng không kế nghiệp cha truyền con nối chức trọng quyền cao, nhưng bằng năng lực tinh thần, bằng trí thông minh mẫn tiệp, bằng cố gắng liên tục hằng ngày, sĩ nhân ấy đã tự tạo cho mình một địa vị và sự nghiệp sáng lạn được lịch sử ghi chép và hậu thế nhắc nhở còn hơn bảng vàng bia đá.

“...Có một điều không ai có thể phủ nhận là trong lịch sử nước nhà từ cuối thế kỷ 19 đến nửa thế kỷ 20, trong giới quan lại Nam Triều lúc bấy giờ không ai nổi tiếng bằng Quận Công Nguyễn Hữu Bài.

Ông Nguyễn Hữu Bài nổi tiếng không phải vì chức trọng quyền cao, mà nổi tiếng vì trong lúc đương thời khi vận nước suy đồi vì ách đô hộ ngoại quốc, lắm kẻ trong giới quan lại chỉ biết xu nịnh chính quyền Bảo hộ, riêng một mình Quận Công Nguyễn Hữu Bài, đã tỏ ra vững vàng với tinh thần quốc gia, dám đương đầu với người Pháp và giữ vững được những đức tính liêm sỉ phong nhã của một vị quan chức thấm nhuần Nho học.

Ông Nguyễn Hữu Bài nổi tiếng vì đã tiêu biểu cho thế hệ giao thời lúc bấy giờ đang giữa hai nguồn ảnh hưởng tư tưởng Đông-Tây. Đáng chú ý là đối với ông, sự hấp thụ ảnh hưởng văn minh mới không làm cho mình mất căn bản Khổng Mạnh và tâm hồn Nho học truyền thống.”

Nhận xét trên của cụ Nguyễn Thúc, một danh nho đất Thần Kinh, tác giả tập: “Thơ Nôm Phước Môn” (1) đã phản ảnh những nét chính thân thế và sự nghiệp Nguyễn Hữu Bài: một cuộc đời ngoại hạng, nhà chính trị dũng khí trong những ngày tàn của triều đại đã nêu cao được tinh thần bất khuất của nòi giống.

Nguyễn Hữu Bài, vị nho học đạo đức suốt đời được dân chúng kính mến, một giáo hữu nhiệt tình với Đức Tin, bằng đủ mọi cách và trong mọi trường hợp biểu lộ được đức Ái tuyệt vời của đạo giáo mình, một tâm hồn thơ văn tế nhị và phóng khoáng tiêu biểu cho tinh thần Quốc Gia và Dân Tộc.

(Còn tiếp)