Hôm thứ Năm, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles đã thảo luận về sự trỗi dậy của các hệ tư tưởng thế tục mới và các phong trào nhằm thay đổi xã hội ở Hoa Kỳ trong một bài diễn văn ảo trước Đại hội Người Công Giáo và Đời sống Công cộng ở Madrid.

Ngài khẳng định rằng điều quan trọng là “Giáo hội phải hiểu và tham gia vào các phong trào mới này - không phải a dua theo các khái niệm xã hội hay chính trị này, nhưng coi chúng như những thứ thay thế nguy hiểm cho tôn giáo chân chính.”

“Các lý thuyết và ý thức hệ chính yếu ngày nay là vô thần sâu sắc,” Đức Tổng Giám Mục Gomez nói hôm 4 tháng 11. “Chúng phủ nhận linh hồn, chiều kích tinh thần, siêu việt của bản chất con người; hoặc họ cho rằng điều đó không liên quan đến hạnh phúc của con người”.

Theo luận điểm của Đức Cha Gomez, các phong trào xã hội mới tồn tại ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như “công bằng xã hội”, “thức thời”, “chính trị bản sắc”, “tính giao thoa” hoặc “hệ tư tưởng kế thừa”, nên được hiểu là “các tôn giáo giả, và thậm chí là những thứ thay thế và là đối thủ với niềm tin Kitô Giáo truyền thống,” và có thể dẫn đến chủ nghĩa bộ lạc.

Ngài nói trong bài phát biểu: “Chúng giản lược ý nghĩa thế nào là nhân bản xuống thành các tính chất thể lý - như màu da, giới tính, quan niệm về giới tính, nền tảng sắc tộc hoặc vị trí của chúng ta trong xã hội”.

Đức Tổng Giám Mục Gomez cảnh báo rằng:

“Với sự phá vỡ thế giới quan Do Thái - Kitô Giáo và sự trỗi dậy của chủ nghĩa thế tục, các hệ thống niềm tin chính trị dựa trên công bằng xã hội hoặc bản sắc cá nhân đã lấp đầy khoảng trống mà niềm tin và thực hành Kitô Giáo đã từng chiếm giữ”.

Đức Cha Gomez cho rằng các phong trào xã hội ngày nay nguy hiểm hơn cả phong trào Mácxít và lưu ý rằng chúng giống với các phong trào dị giáo khác được tìm thấy trong lịch sử Giáo hội.

“Giống như những người theo thuyết Ngộ đạo, chúng bác bỏ sự sáng tạo và cơ thể. Họ dường như tin rằng con người có thể trở thành bất cứ thứ gì chúng ta quyết định tạo ra cho chính mình.”

“Những phong trào này cũng giống phái Pelagian, tin rằng ơn cứu chuộc có thể được thực hiện thông qua nỗ lực của chính con người chúng ta, mà không cần đến Chúa”.

Đức Cha Gomez chỉ trích các nhóm người tham gia vào các phong trào xã hội vì muốn ưu tiên cho một “nền văn minh toàn cầu, được xây dựng trên nền kinh tế tiêu dùng và được hướng dẫn bởi khoa học, công nghệ, các giá trị nhân đạo và các ý tưởng nặng về kỹ thuật trong việc tổ chức xã hội” trong khi quyết liệt muốn “loại trừ hệ thống tín ngưỡng và tôn giáo” mà họ là lỗi thời.

Đức Cha Gomez cũng lưu ý đến hiện trạng người ta “thu hẹp không gian” mà các Kitô Hữu, các tổ chức Giáo hội và các cơ sở kinh doanh Kitô Giáo được phép chiếm giữ với những thay đổi xã hội tại nơi làm việc.

“Chúng ta nhận ra rằng thông thường người ta đang tấn công và loại bỏ là những quan điểm bắt nguồn từ niềm tin Kitô - về cuộc sống và nhân vị con người, về hôn nhân, gia đình, và hơn thế nữa”.

Thông điệp của Đức Tổng Giám Mục, được chia thành ba phần, thảo luận về phong trào thế tục hóa và phi Kitô Giáo hóa trên toàn cầu, và tác động của đại dịch; một cách diễn giải tinh thần về các phong trào công bằng xã hội và bản sắc chính trị ở Hoa Kỳ; và các ưu tiên truyền giáo cho Giáo hội.

Theo Đức Cha Gomez, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ quyết liệt của các trào lưu ý thức hệ mới, nhưng không phải đại dịch gây ra những trào lưu này. Ngài cho rằng vụ sát hại George Floyd là một thảm kịch “đã trở thành một lời nhắc nhở rõ ràng rằng bất bình đẳng về chủng tộc và kinh tế vẫn còn ăn sâu trong xã hội của chúng ta.”

“Các phong trào xã hội và ý thức hệ mới mà chúng ta đang nói đến ngày nay, đã được gieo mầm và chuẩn bị trong nhiều năm trong các trường đại học và các tổ chức văn hóa của chúng ta. Nhưng với sự căng thẳng và sợ hãi do đại dịch và sự cô lập xã hội, cùng với việc giết một người da đen không vũ trang bởi một cảnh sát da trắng và các cuộc biểu tình diễn ra sau đó ở các thành phố của chúng ta, những phong trào này đã hoàn toàn bộc phát trong xã hội của chúng ta.”

Ngài nhấn mạnh rằng, mặc dù có những điều kiện là khá chuyên biệt đối với Hoa Kỳ, nhưng “các mô hình thế tục hóa mạnh mẽ tương tự” có thể được nhìn thấy ở Âu Châu. Ngài gọi những người đang hoạt động trong các phong trào như vậy là “một tầng lớp lãnh đạo ít quan tâm đến tôn giáo và không có sự gắn bó thực sự với các quốc gia họ sinh sống hoặc với các truyền thống hoặc văn hóa địa phương”.

Ngài gợi ý rằng các phong trào xã hội đưa ra lời giải thích cho các sự kiện xảy ra trên thế giới, cùng với cảm nhận về ý nghĩa hoặc mục đích của chúng — đó là không gian mà thế giới quan Kitô Giáo từng chiếm đóng trước đây.

Cuối cùng, Đức Cha Gomez nói: “Thế giới không cần một tôn giáo thế tục mới để thay thế Kitô Giáo. Nó cần bạn và tôi trở thành những nhân chứng tốt hơn. Kitô Hữu tốt hơn. Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc tha thứ, yêu thương, hy sinh vì người khác, bỏ đi những chất độc tinh thần như oán hận và đố kỵ”.

Ngài cho biết ngài lấy cảm hứng từ cuộc đời của các nhân vật Hoa Kỳ như Dorothy Day và bậc đáng kính Augustus Tolton.

“Cha Tolton đã từng nói, ‘Giáo Hội Công Giáo lên án một chế độ nô lệ kép - đó là nô lệ tâm trí và thể xác. Giáo Hội cố gắng giải thoát cho chúng ta cả hai thứ gông xiềng nô lệ ấy'. Ngày nay, chúng ta cần sự tin tưởng này vào sức mạnh của Tin Mừng.”

Ngài kết thúc bài diễn văn của mình bằng cách kêu gọi việc nhận ra một “sự thức tỉnh tôn giáo đích thực” ở Hoa Kỳ và xin Đức Mẹ Guadalupe, đấng bảo trợ của Mỹ Châu tiếp tục chuyển cầu cho chúng ta.
Source:Catholic News Agency