1. Đức Tổng Giám Mục Cordileone gắn lòng tôn kính Thánh Thể với sự tôn trọng sự sống

Trong một suy tư mới, Đức Tổng Giám Mục San Francisco Salvatore J. Cordileone xác định một sợi dây chung liên kết giữa việc phá thai, tình trạng vô gia cư và nhu cầu cấp bách về sự phục hưng Thánh Thể giữa những người Công Giáo như một thách thức để nhìn xa hơn những vẻ bề ngoài và nhìn thấy “thực tại thiêng liêng sâu xa hơn”.

“Là những vấn đề chính trị, vô gia cư và phá thai được coi như những thứ riêng biệt. Nhưng với ý nghĩa bí tích Công Giáo, chúng ta có thể thấy rằng cho dù chúng ta đang nói về những người không được nuôi dưỡng hay chưa được sinh ra, thì vấn đề cơ bản đều giống nhau: Chúng ta có thể nhìn xa hơn vật chất đơn thuần đến thực tại tâm linh sâu xa hơn không?” Đức Tổng Giám Mục Cordileone đặt câu hỏi.

Ngài nói thêm: “Điều mà các giám mục Công Giáo và các nhà lãnh đạo khác của chúng ta phải tìm kiếm không chỉ là những từ ngữ trên một trang giấy, mà còn là sự phục hưng sâu sắc về Bí tích Thánh Thể, đòi hỏi sự phục hưng trong trí tưởng tượng về bí tích Công Giáo.”

Đức Tổng Giám Mục Cordileone công bố suy tư này cho CNA hôm thứ Sáu trước một Thánh lễ dành cho Người Vô gia cư mà ngài sẽ chủ trì vào ngày 6 tháng 11. Vào hôm tháng Hai, ngài tuyên bố ủng hộ sáng kiến ”Năm cho người vô gia cư” do Viện Thánh nhạc và thờ phượng Thiên Chúa Benedict XVI đưa ra. Sáng kiến này sẽ điều phối phụng vụ tại tổng giáo phận San Francisco năm nay. Đức Tổng Giám Mục đã từng cử hành các thánh lễ cho người vô gia cư vào năm 2018 và 2019.

Phản ánh của Đức Tổng Giám Mục cũng xuất hiện chỉ vài tuần trước cuộc họp khoág đại mùa thu của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, được tổ chức từ ngày 15 đến 18 tháng 11 tại Baltimore, trong đó việc xem xét một văn kiện mới về phục hưng Thánh Thể sẽ là một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự.
Source:Catholic News Agency

2. Người Công Giáo có nên nói chuyện với những người thân yêu đã khuất của họ không?

Trong bộ phim “Coco” của Disney-Pixar, phát hành năm 2017, nhân vật chính, Miguel, vô tình đi qua vùng đất của người chết vào Ngày Các Đẳng Linh Hồn trong khi cố gắng hòa giải tình yêu âm nhạc của mình với sự cấm đoán của gia đình.

Trong bộ phim “Coco”, Miguel tình cờ gặp các thành viên gia đình đã khuất của chính mình, và tìm hiểu lịch sử gia đình thực sự của anh ta. Miguel được cho biết rằng người chết chỉ có thể đến thăm những người thân yêu của họ vào ngày lễ đó nếu có ảnh của họ trên bàn thờ tổ tiên của gia đình.

Người Việt Nam ta không xa lạ với bàn thờ tổ tiên của gia đình, tiếng Anh gọi là “ofrenda”. Đó là một bàn thờ có ảnh của những người thân yêu, những đồ trang trí đầy màu sắc và những món ăn, thức uống yêu thích và những vật lưu niệm của người đã khuất. Tuy nhiên, bàn thờ tổ tiên là một khái niệm khá xa lạ với nhiều người Tây phương.

Mặc dù trải nghiệm của Miguel là hư cấu, bộ phim “Coco” đã khích lệ nhiều người dựng các bàn thờ tổ tiên, là điều đáng khuyến khích, nhưng vấn đề còn đi xa hơn khi nhiều người tìm đến các nhà ngoại cảm để dùng đến thuật chiêu hồn.

Không có gì lạ khi những người thân yêu đau buồn trải qua điều mà các nhà tâm lý học gọi là “Giao tiếp sau khi chết”, trong đó tang quyến tin rằng họ nhìn thấy, nghe thấy giọng nói hoặc thậm chí ngửi thấy mùi của những người thân yêu đã khuất của họ.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra những trải nghiệm này, đôi khi được gọi là “ảo giác về người mất”, có thể chữa lành và an ủi cho những người đau buồn.

Nhưng người Công Giáo nên thận trọng khi “giao tiếp” với người chết, hai nhà tâm lý học Công Giáo nói với CNA, và khuyên họ nên giao tiếp bằng lời cầu nguyện.

Dana Nygaard là một người Công Giáo và là một cố vấn tâm lý, tư vấn cho những người vừa mất người thân. Nygaard nói với CNA rằng nhiều người Công Giáo hiểu sai về những gì xảy ra với linh hồn sau khi chết, nên cô ấy khuyến cáo hãy thận trọng khi nói về ý nghĩa của việc nói chuyện với những người thân yêu đã khuất. Cô cho biết nhiều người Công Giáo đã gặp các nhà ngoại cảm để dùng các thuật chiêu hồn.

Theo Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, “tất cả các hình thức bói toán đều bị cấm” bao gồm cả việc “gọi hồn người chết”.

Tuy nhiên, Giáo hội khuyến khích người Công Giáo cầu nguyện cho người chết như một trong những việc làm của lòng thương xót về phần hồn.

Sách giáo lý Công Giáo nêu rõ:

“Ngay từ đầu, Giáo Hội đã tôn kính việc tưởng nhớ những người đã chết và dâng những lời cầu thay nguyện giúp cho họ, trên hết là hy tế Thánh Thể, để nhờ đó, họ được thanh tẩy, có thể được hưởng kiến thánh nhan Chúa. Giáo hội cũng tuyên dương những việc bố thí, ân xá và các công việc đền tội được thực hiện thay cho những người đã chết”.

“Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã chết và cầu nguyện cho họ.”
Source:Catholic News Agency

3. Thủ tướng cứng rắn của Ấn Độ mời Giáo hoàng đến thăm trong bối cảnh căng thẳng về tự do tôn giáo

Sau cuộc gặp kéo dài 75 phút với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Bảy đã chào mừng Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đến Vatican trong 55 phút. Đó là một thời gian rất lâu theo tiêu chuẩn của Vatican.

Hầu như không có thông tin nào được đưa ra bởi một trong hai bên liên quan đến nội dung các cuộc thảo luận của Đức Thánh Cha và ông Modi.

“Trong một cuộc trò chuyện ngắn, mối quan hệ thân tình giữa Tòa thánh và Ấn Độ đã được thảo luận,” một tuyên bố được văn phòng báo chí của Vatican đưa ra sau đó. Sau cuộc gặp gỡ với Đức Phanxicô, Ông Modi đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh.

Bản thân Modi đã lên Twitter để nói với hơn 72 triệu người theo dõi của mình rằng ông đã có một “cuộc gặp rất ấm áp” với Đức Giáo Hoàng.

“Tôi đã có cơ hội thảo luận nhiều vấn đề với ông ấy và cũng mời ông ấy đến thăm Ấn Độ,” ông viết trong một thông điệp được minh họa bằng bốn bức tranh.

Ngày 16 tháng Năm 2014, lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata, gọi tắt là BJP, lên làm thủ tướng. Từ đó cho đến nay, các Kitô hữu lãnh đủ các hình thức bách hại.

Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều. Các con số thống kê tiêu biểu cho thấy có 736 vụ tấn công chống lại Kitô hữu vào năm 2017, so với 348 vụ vào năm 2016.

Được sự khích lệ ngấm ngầm của BJP do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này.

Ngay cả ở cấp trung ương, ngày 5 tháng 7 năm 2017, bộ trưởng Tư Pháp Ấn Prem Prakash Chaudhary, thành viên BJP, còn táo tợn đến mức đề nghị rằng các linh mục chỉ được phép giải tội cho nam giới, không được phép giải tội cho phụ nữ để tránh lạm dụng tính dục.

Năm 2019, trước cuộc bầu cử toàn quốc lần thứ 17, kéo dài từ 11 tháng Tư cho đến 23 tháng Năm vừa qua, các Kitô hữu đã mừng thầm vì sau 5 năm vác thánh giá mệt mỏi, chắc đã đến lúc chấm dứt một triều đại kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Chẳng may, vô cùng chẳng may, khi số phiếu bầu được đếm xong, ngày 23 tháng 5, 2019, cha John Dayal, nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn Độ và nhà hoạt động nhân quyền cho biết các Kitô hữu tại Ấn “tái mặt” nhận ra rằng Đảng BJP còn thắng đậm hơn kỳ bầu cử trước. Trong Quốc Hội gồm 542 ghế, BJP giành được 303 ghế. Đảng liên minh với nó là đảng Lok Sabha giành được 46 ghế khác. Với 349 ghế trong một Quốc Hội 542 ghế như thế, BJP dễ dàng thông qua bất cứ dự luật nào nhằm Ấn Giáo hoá quốc gia này.

Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.

Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị coi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.


Source:Crux