1. Chuyện lạ phi thường: Một Vận động viên Olympic người Ba Lan đã đấu giá huy chương bạc để trả tốn phí phẫu thuật tim cho một em bé

Maria Andrejczyk, vận động viên thế giới đã giành được huy chương bạc môn phóng lao tại Thế vận hội Tokyo 2020 (2021) vừa qua, tấm huy chương này có giá trị hơn bất kỳ một kim loại quý nào… Nhưng cô đã quyết định bán đấu giá để trả chi phí cho một ca phẫu thuật tim của một em bé 8 tháng tuổi.

Vận động viên Olympic người Ba Lan này đã sống sót sau căn bệnh ung thư xương vài năm trước đây. Cô chia sẻ: “Tôi đã gắng sức như một con sư tử cái, vượt qua rất nhiều đau đớn căm go.” Vì vậy, cô quá hiểu nỗi lo lắng của gia đình bé Miłoszek Małysa trước căn bệnh hiểm nghèo của người con bé bỏng của họ.

Rất may, cuộc đấu giá đã đạt được $ 125,000 một giá đáng ngạc nhiên để chi trả cho ca mổ tim cho bé Miłoszek tại Trung tâm Y tế thuộc Đại học Stanford.

Cô Maria chia sẻ trên trang Facebook của cô: “Tôi rất vui khi giao cho khổ chủa Żabka, một cửa hàng nhỏ, huy chương của tôi, mà đối với tôi nó là biểu tượng của niềm tin và sự kiên trì vượt thắng mọi trở ngại khó khăn”, cô Maria 25 tuổi chia sẻ như vậy trên trang Facebook của cô.

Cô cũng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ Eurosport Polska: “Giá trị thực sự của tấm huy chương luôn ở trong tim tôi. Kỷ vật đó tuy chỉ là một kỷ vật, nhưng nó có giá trị rất to lớn với tôi và người khác. Tấm huy chương bạc này có thể cứu mạng một người, thay vì tôi cất giữ nó trong tủ của tôi. Đó là lý do tại sao tôi quyết định bán đấu giá nó để giúp đỡ đứa bé bị bệnh”.

Trong một cử chỉ đầy xúc động, Ông Żabka, chủ cửa hàng Ba Lan, người đã mua huy chương, đã tặng lại cho vận động viên với một lời tâm tình trên tweet như sau: “Chúng tôi rất xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của vận động viên Olympic này, vì vậy chúng tôi quyết định hỗ trợ hoạt động gây quỹ cho Miłoszek. Chúng tôi cũng quyết định huy chương bạc này phải luôn ở lại với cô Maria”.

Theo nguồn tin NBC cho hay: Hy vọng bé sẽ được phẫu thuật càng sớm càng tốt vì cậu đang trong tình trạng nguy kịch. Bé hiện đang ở Ba Lan, đang được chăm sóc tại một trung tâm tim mạch vì áp huyết của bé rất cao, gây ảnh hưởng đến các động mạch ở cả tim và phổi.

Đây là một câu chuyện hy hữu, cô vận động viên Andrejczyk chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Onet.Sport trước khi đến Tokyo thi đấu: Tôn giáo với tôi thật là quan trọng, vì “Cha mẹ đã nuôi dưỡng chúng tôi bằng một đức tin Công Giáo sâu sắc. Niềm tin này rất thật quan trọng trong cuộc đời tôi”.

Cô ấy giải thích rằng cô luôn cám tạ Chúa về thành công này như cô chia sẻ: “Tôi xác tín rằng mọi sự xảy ra, đều nằm trong chương trình của Chúa. Tôi đã luôn cầu nguyện trước mọi cuộc thi đấu”.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho em bé Miłoszek sẽ vượt qua được cuộc phẫu thuật và sẽ được gặp người nữ vận động viên Olympic quảng đại, ân nhân của bé.

2. Thông Cáo Báo Chí mang lại vui mừng cho người Công Giáo

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giữa những tin đồn về tình trạng sức khoẻ của Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, ngày 10 tháng 8, Đức Hồng Y khẳng định mình bị nhiễm coronavirus.

Chỉ vài ngày sau đó, hôm 14 tháng 8, ngài đã được khẩn cấp đưa vào bệnh viện và phải sử dụng một máy thở để chiến đấu với các biến chứng tai hại của COVID-19.

Các phương tiện truyền thông có khuynh hướng chống Công Giáo bày tỏ một sự hả hê, không dấu được khao khát mong cho ngài sớm qua đời vì con virus quái ác này. Người ta chỉ trích đức tin Công Giáo chính thống của Đức Hồng Y Burke, về phá thai, hôn nhân đồng tính, luật độc thân linh mục, và việc Giáo Hội không thể truyền chức linh mục cho phụ nữ; cũng như sự phản đối của ngài đối với việc bắt buộc tiêm chủng. Người ta không biết liệu Hồng Y Burke có được tiêm vắc xin chống lại COVID-19 hay không, nhưng ngài đã lên tiếng phản đối việc đóng cửa các nhà thờ, cũng như các loại vắc xin bắt buộc.

Trong khi khích lệ người Công Giáo chích ngừa như một cử chỉ yêu thương lo lắng cho an nguy của người khác, hầu hết các Giám Mục chống lại việc ép buộc chích vắc xin. Thật thế, trong tài liệu về đạo đức liên quan đến vắc-xin chống Covid, Bộ Giáo lý Đức tin nói rõ rằng “lý do thực tế cho thấy rõ ràng rằng tiêm chủng không phải là một quy tắc, một nghĩa vụ đạo đức và do đó, nó phải tự nguyện”.

Trong bối cảnh của những ngày này, người Công Giáo thấy rõ những lời sau của Thánh Vịnh mang tính chất thời sự hơn bao giờ:

“Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.

Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?

Châu lệ là cơm bánh đêm ngày,

khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi:

“Này Thiên Chúa ngươi đâu?” (Tv 42:10)

Sao Ngài để cho dân ngoại nói:

“Thiên Chúa chúng ở đâu?”

May mắn thay, “chúng con thấy nhãn tiền: Ngài làm cho chư dân nhận biết”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chúng tôi muốn đề cập đến một Thông Cáo Báo Chí từ gia đình Đức Hồng Y, và đền thánh Đức Mẹ Guadalupe ở Wiscosin, mang lại vui mừng cho người Công Giáo

Toàn văn thông báo viết như sau:

Ngày 21 tháng 8 năm 2021

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!

Gia đình của Đức Hồng Y vui mừng thông báo rằng Đức Hồng Y đã không cần dùng đến máy thở nữa và ngài sẽ rời ICU hôm nay để trở về phòng bệnh của mình. Em gái của ngài đã nói chuyện với ngài qua điện thoại sáng nay, và Đức Hồng Y đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những lời cầu nguyện dâng lên Chúa thay mặt ngài. Gia đình của Đức Hồng Y yêu cầu chúng ta tiếp tục những lời cầu nguyện đó để ngài bình phục hoàn toàn và nhanh chóng, và họ biết ơn Chúa vì sự chăm sóc y tế đặc biệt mà Đức Hồng Y đã nhận được từ các bác sĩ và y tá tận tâm tiếp tục hỗ trợ ngài.

Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe và các phương tiện truyền thông của Đức Hồng Y sẽ cung cấp thêm thông tin cập nhật theo chỉ đạo của gia đình.

Xin Chúa phù hộ anh chị em.

Cha Paul N. Check

Giám đốc điều hành

Đền Đức Mẹ Guadalupe

3. Tiểu sử Đức Hồng Y Raymond Leo Burke

Đức Hồng Y Burke sinh ngày 30 tháng 6 năm 1948 tại Richland Center, Wisconsin. Ngài là con út trong gia đình 6 người con của ông Thomas Burke và bà Marie Burke. Ngài có nguồn gốc từ Ái Nhĩ Lan, tổ tiên sống ở Cork và Tipperary. Cậu Burke theo học Trường Giáo xứ St. Mary sau đó chuyển đến Stratford, Wisconsin.

Từ năm 1962 đến năm 1968, ngài theo học tại Chủng viện Holy Cross ở La Crosse, Wisconsin.

Từ năm 1968 đến năm 1971, ngài theo học tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, DC, với một học bổng Basselin, nhận bằng Cử nhân Triết học năm 1970 và bằng Thạc sĩ Triết học năm 1971.

Ngài đã hoàn thành các chương trình Triết và Thần học tại Đại học Giáo hoàng Grêgoriô ở Rôma từ năm 1971 đến năm 1975, nhận bằng Cử nhân Thần học và bằng Thạc sĩ Khoa học Xã hội.

Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã phong chức linh mục cho Cha Burke vào ngày 29 tháng 6 năm 1975, tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Sau khi được thụ phong linh mục, ngài được bổ nhiệm làm phụ tá cho Cha sở Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse Thợ ở La Crosse, Wisconsin.

Ngài cũng dạy môn tôn giáo tại trường trung học Aquinas ở La Crosse, nơi một công trình mới được đặt tên ngài để vinh danh những đóng góp của ngài vào năm 1997.

Từ năm 1980 đến năm 1984, ngài theo học giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Gregoriô ở Rôma, nơi ngài nhận bằng cử nhân giáo luật năm 1982 và bằng tiến sĩ giáo luật năm 1984.

Sau đó, ngài trở lại La Crosse, nơi ngài được bổ nhiệm điều hành Curia và Phó Chưởng ấn giáo phận La Crosse.

Năm 1989, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chỉ định Cha Burke là người Mỹ đầu tiên làm trạng sư tại Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh, là tòa án cao nhất trong Giáo Hội Công Giáo.

Ngày 10 tháng 12 năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Cha Burke làm Giám mục Giáo phận La Crosse và tấn phong Giám Mục cho ngài vào ngày 6 tháng Giêng năm 1995, tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Đức Cha Burke nhận tòa La Crosse vào ngày 22 tháng 2 năm 1995.

Vào ngày 2 tháng 12 năm 2003, Đức Cha Burke được bổ nhiệm làm Tổng giám mục của St. Louis, kế vị Đức Hồng Y Justin Francis Rigali, là người đã được bổ nhiệm làm Tổng giám mục của Philadelphia.

Ngài nhận tòa vào ngày 26 tháng Giêng năm 2004, và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trao tặng dây pallium vào ngày 29 tháng 6 năm 2004.

Tại St. Louis, Đức Tổng Giám Mục Burke nhấn mạnh đến việc cổ võ ơn gọi linh mục. Ngài cũng viết cho một chuyên mục trên tờ tuần báo của tổng giáo phận, là tờ Saint Louis Review. Ở cả La Crosse và St. Louis, Đức Cha Burke đều đã thành lập các nhà nguyện cho những người muốn thờ phượng theo hình thức thánh lễ Latinh truyền thống.

Tháng 7 năm 2006, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã bổ nhiệm Đức Cha Burke làm thành viên của Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh. Vào ngày 6 tháng 5 năm 2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã giao cho Đức Cha Burke hai nhiệm vụ tại Vatican. Ngài được chỉ định là thành viên của Hội đồng Giáo hoàng Giải thích các văn bản luật, và là thành viên của Bộ Giáo sĩ.

Vào ngày 27 tháng 6 năm 2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Burke là Chánh Tòa Tối Cao Pháp Viện. Đức Tổng Giám Mục Burke là người đầu tiên không phải người Âu châu đứng đầu tòa án này và trở thành người Mỹ cao cấp thứ hai tại Vatican chỉ sau Đức Hồng Y William Levada, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin.

Vào ngày 11 tháng 3 năm 2010, sau khi các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục được đưa ra ánh sáng ở Âu châu, Đức Tổng Giám Mục Burke nói rằng Vatican cần phải chuẩn bị một tài liệu vạch ra một bộ hướng dẫn rõ ràng bắt nguồn từ Giáo luật để hướng dẫn các giám mục địa phương, và xác định cách thức báo cáo các vụ việc lên Tòa thánh, để đẩy nhanh quá trình thực hiện công lý cho các nạn nhân.

Vào ngày 20 tháng 11 năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã tấn phong Hồng Y-Phó tế cho ngài với hiệu tòa Sant'Agata dei Goti.

Ngày 8 tháng 11, 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô cách chức Chánh Tòa Tối Cao Pháp Viện của ngài và bổ nhiệm ngài làm linh hướng dòng Malta, một chức vụ chủ yếu mang tính nghi lễ thường được trao cho một Hồng Y đã nghỉ hưu hoặc như một công việc phụ đối với một công việc khác.

Sau mười năm ở cấp bậc Hồng Y phó tế, Đức Hồng Y Burke đã được Đức Thánh Cha Phanxicô thăng Hồng Y đẳng linh mục vào ngày 3 tháng 5 năm 2021.

4. Dấu lạ tại bệnh viện dã chiến số 16

Trong sách Công vụ Tông đồ, sau khi Thánh Phêrô giảng dạy tại nhà ông Cornêliô thì một dấu lạ đã xảy ra khiến cho “những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống cả trên các dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa” (Cv 10,45-46).

Và một dấu lạ cũng đã xảy ra với anh chị em tu sĩ thiện nguyện chúng tôi vào đầu ca làm việc chiều ngày 18/8/2021 tại Bệnh viện Dã chiến số 16. Khi chuẩn bị bước vào ca làm, chúng tôi nhận được thông báo rằng chúng tôi sẽ gặp một bác sĩ vì có vài vấn đề cần trao đổi. Tất cả anh chị em trong nhóm chúng tôi đều thắc mắc không biết vấn đề đó là gì, một số cảm thấy hồi hộp, bồn chồn. Sau đó, một bác sĩ bước vào và mở lời chào: “Chào các anh chị tình nguyện viên. Ở đây là các sơ, các thầy cả phải không?” Và bác sĩ giới thiệu mình là bác sĩ Vinh của bệnh viện Bạch Mai. Sau đó, bác cho chúng tôi biết về vấn đề mà bệnh viện muốn và tin rằng chúng tôi là những người có thể làm tốt việc đó.

Bác sĩ nói: “Hiện tại có một số người bệnh tử vong và đang bảo quản thi hài ở phòng bảo quản - là 2 chiếc container lạnh - nằm phía cuối khuôn viên bệnh viện. Họ là những người xấu số đã ra đi trong hoàn cảnh không có người thân bên cạnh và đang phải nằm lạnh lẽo trong phòng bảo quản. Chúng ta nên cầu nguyện cho vong linh họ. Điều đó, chúng tôi là những bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế không thể làm được bởi còn nhiều việc chuyên môn. Tôi là một người không theo đạo, nhưng chúng tôi biết điều này các thầy, các sơ có thể làm tốt hơn chúng tôi. Vì thế, chúng tôi mong muốn các thầy các sơ có thể cầu nguyện cho họ”.

Khi nghe những lời nói này từ một vị bác sĩ vốn không phải là người tin Chúa, trong lòng tôi vô cùng cảm kích và xúc động. Đúng là “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!” (Rm 11,33). Trong giây phút ấy, tôi cũng nhớ tới lời Thánh Phêrô đã nói với người què ở Cửa Đẹp của Đền Thờ: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây…” (Cv 3,6). Chúng tôi là những tu sĩ thiện nguyện, đa số không có chuyên môn y tế nhưng điều chúng tôi “có dư” để cho đi là lòng nhiệt huyết phục vụ và lời nguyện cầu của bản thân mình.

Trước đó, tôi đã có dịp cộng tác với một vài bác sĩ và điều dưỡng nam trong việc tẫn liệm thi hài và chuyển thi hài ra phòng bảo quản. Mỗi lần có người bệnh qua đời, trong lúc tẫn liệm và di chuyển, tôi chỉ biết thầm đọc kinh, cầu nguyện và phó dâng linh hồn người đó và các bệnh nhân khác cho lòng Chúa thương xót. Vì thế, khi nhận được tin mới này, tôi cảm thấy nó giống như một chiếc chìa khóa mở “đúng chuyên ngành” của anh em tu sĩ thiện nguyện chúng tôi trong việc cầu nguyện và phó dâng các bệnh nhân qua đời cho Chúa.

Sau đó, bác sĩ dẫn chúng tôi tới phòng bảo quản thi hài để đọc kinh cầu nguyện. Sau buổi cầu nguyện, chúng tôi đã trình bày ước nguyện với bác sĩ là chúng tôi có thể cầu nguyện như thế này vào đầu mỗi ca làm được không. Bác sĩ nói với chúng tôi rằng đó là một điều quá tuyệt vời và bác sĩ cám ơn chúng tôi. Vì thế, bây giờ cứ đầu mỗi ca làm việc, nhóm anh em tu sĩ thiện nguyện chúng tôi lại tập trung nhau lại để cầu nguyện cho linh hồn các bệnh nhân đã qua đời.

Tạ ơn Thiên Chúa bởi những điều Ngài đã thực hiện trong cuộc sống và nơi cuộc đời của chúng con để cho vinh quang Ngài được tỏa sáng, Danh Thánh Ngài được vinh hiển.

Xin Chúa cho những người đã qua đời vì covid được nghỉ yên muôn đời.

Và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn này.

Chúa Dắt Dìu Con, C.Ss.R