2. GIÁO HỘI VÀ NHÂN CÁCH

Nếu giảng khóa đầu tiên đã hoàn thành đối tượng của nó, thì hẳn nó đã cho thấy môi trường tâm linh trong đó Giáo hội xuất hiện trước chúng ta ngày nay. Chúng ta đã thấy khi Giáo hội phát triển mạnh mẽ, một diễn trình đã khai triển ra sao nhằm bao gồm toàn bộ đời sống thiêng liêng của ta. Và giờ đây, chúng ta phải tìm hiểu xem đâu là ý nghĩa của Giáo hội này, đang hiện lên trước mắt chúng ta một cách uy nghi?

Đây là đối tượng mà chúng ta phải lưu ý. Chúng ta sẽ không cố gắng chứng minh rằng Giáo hội là đích thực; chúng ta coi niềm tin vào tính thần thiêng của Giáo Hội là điều hiển nhiên. Nhưng khi một nhà điều tra khoa học đã thiết lập sự hiện hữu của một cơ quan đặc thù, trong một phần nhất định nào đó của cơ thể, được hình thành một cách đặc biệt, ông ta tiến hành việc điều tra tầm quan trọng của nó đối với đời sống của sinh vật. Cũng theo cùng một cách, chúng ta sẽ tìm cách khám phá tầm quan trọng của Giáo hội đối với đời sống tôn giáo nói chung. Đây là đường hướng vấn đề của chúng ta. Đúng vậy, chúng ta sẽ giới hạn một cách đáng kể phạm vi vấn đề của chúng ta. Vì chúng ta sẽ bỏ qua ý nghĩa đệ nhất đẳng và sâu xa nhất của Giáo hội, đó là: Giáo hội là vũ trụ tâm linh của Thiên Chúa, là sự tự mặc khải của Người và là sự biểu lộ vinh quang của Người. Chúng ta sẽ chỉ xem xét các khía cạnh khác của Giáo Hội. Điều này liên quan đến Giáo hội trong mối liên hệ của Giáo Hội với sự hiện hữu và sự cứu rỗi của con người, và tầm quan trọng của Giáo Hội đối với những con người là chi thể của Giáo Hội. Nhưng chúng ta phải hạn chế hơn nữa. Chúng ta phải bỏ qua nhân tính và chỉ tập trung vào nhân cách [personality] mà thôi. Nghĩa là, chúng ta sẽ tìm hiểu xem đâu là tầm quan trọng của Giáo hội đối với sự hiện hữu bản vị và đời sống của người biết biến tư cách chi thể của mình thành một thực tại sống động, mà Giáo hội vốn là chính sự sống của họ.

* * * * *



Giáo hội là gì? Giáo hội là Vương quốc của Thiên Chúa nơi nhân loại. Vương quốc của Thiên Chúa- nó là bản tóm lược của Kitô giáo. Tất cả những điều Chúa Kitô là, tất cả những điều Người đã dạy, đã làm, đã tạo ra và chịu đựng, đều được chứa đựng trong những chữ này – Người đã thiết lập ra Vương quốc của Thiên Chúa. Vương quốc của Thiên Chúa có nghĩa là Tạo hóa nắm quyền sở hữu tạo vật của Người, thấm nhập nó bằng Ánh sáng của Người; Người lấp đầy ý chí và trái tim của nó bằng tình yêu nóng bừng của chính Người và cội rễ của hữu thể nó bằng sự bình an thần thiêng của chính Người, và Người khuôn đúc toàn bộ tinh thần bằng sức mạnh sáng tạo áp đặt lên nó một hình thức mới. Vương quốc của Thiên Chúa có nghĩa là Thiên Chúa lôi cuốn tạo vật của Người vào chính Người, và làm cho nó có khả năng tiếp nhận sự viên mãn của chính Người; và Người ban cho nó lòng khao khát và sức mạnh để chiếm hữu Người. Nó có nghĩa là – than ôi, lời nói trở thành cùn nhụt bởi sự lặp đi lặp lại và các cõi lòng của chúng ta trở nên tẻ nhạt, hoặc chúng sẽ bắt lửa trước ý nghĩ này! – là sự phong phú vô biên của tình yêu thần linh chiếm hữu tạo vật và mang nó đến lần sinh thứ hai, nhờ đó nó chia sẻ bản chất của Thiên Chúa và sống bằng một cuộc sống mới bắt nguồn từ chính Người. Trong lần tái sinh này, Chúa Cha làm cho nó trở thành con của Người trong Chúa Giêsu Kitô qua Chúa Thánh Thần.

Sự kết hợp giữa con người với Thiên Chúa này chính là Vương quốc của Thiên Chúa. Trong đó, con người thuộc về Đấng Tạo Dựng ra mình, và Đấng Tạo Hóa của họ thuộc về họ. Ta có thể nói nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn về mầu nhiệm này, nhưng chúng ta nên bằng lòng với những lời lẽ này.

Sự nâng cao tạo vật này không phải là một biến cố tự nhiên mà là hành động tự do của Thiên Chúa. Nó gắn liền với nhân cách lịch sử của Chúa Giêsu thành Nadarét, và với công việc được Người hoàn thành trong một giai đoạn lịch sử đặc thù. Nó cũng không phải là một diễn trình tự nhiên, nhưng là một hoạt động của ân sủng, vượt quá mọi lực lượng của tự nhiên.

Ta hãy khảo sát nó kỹ hơn. Theo quan điểm của Thiên Chúa, nó là một điều khá đơn giản. Nhưng nơi tạo vật, nó phát triển đến độ chín mùi của nó theo các hình thức và lề luật được Thiên Chúa thiết lập trong tinh thần con người.

Nước của Thiên Chúa ở trong nhân loại. Chúa nắm quyền sở hữu nhân loại đúng nghĩa, sự hợp nhất, được nối lại với nhau bằng mọi sợi dây sinh học, địa lý, văn hóa và xã hội nhằm nối kết con người này với nhiều người khác; mặc dù hoàn toàn bao gồm các cá nhân, sự hợp nhất mầu nhiệm này vẫn không phải chỉ là tổng số họ cộng lại với nhau. Nếu toàn bộ này được Thiên Chúa duy trì, thì không nhất thiết mọi con người phải được bao gồm trong nó theo con số. Ân sủng của Thiên Chúa đủ để duy trì cộng đồng như vậy, một điều gì đó vượt quá các cá nhân. Tuy nhiên, điều này có thể được thực hiện trong một nhóm đại diện nhỏ. Bầy chiên nhỏ trong Lễ Ngũ Tuần đã là "nhân loại" rồi, vì đó là một cộng đồng khách quan, mà cá nhân đã là một thành viên; nó ở trong một điều kiện để mở rộng, cho đến khi nó từ từ bao gồm mọi sự, như hạt mù tạt trở thành thân cây trong đó "những con chim trời… trú ngụ”. Điều đó có nghĩa là chúng ta liên hệ đến một dòng sức mạnh, mà theo hướng của nó, Hành động của Thiên Chúa vận hành. Thiên Chúa chiếm hữu con người, bao lâu con người vươn tay ra quá tầm nắm tự nhiên của họ; bao lâu con người thuộc về một sự hiệp nhất siêu bản vị và trở nên hay có khả năng trở nên thành viên của một cộng đồng.

Do đó, bao lâu quyền lực tái lên khuôn và nâng cao của Thiên Chúa còn hướng về cộng đồng đúng nghĩa, Giáo hội còn hiện hữu. Giáo hội là Vương quốc trong khía cạnh siêu bản vị của nó; cộng đồng con người, được tái sinh thành Vương quốc của Thiên Chúa. Cá nhân là "Giáo hội", bao lâu mục tiêu cuộc đời họ là hỗ trợ việc xây dựng cộng đồng, và họ là một thành viên, một tế bào của nó. Tuy nhiên, điều này đúng bao lâu họ biết sử dụng những năng lực của hữu thể mình, một hữu thể vượt quá một tham chiếu chỉ có tính cá nhân và được sắp xếp để phục vụ toàn thể, làm việc cho nó, đóng góp cho nó và tiếp nhận từ nó. Giáo hội là khía cạnh siêu bản vị, khách quan của Vương quốc Thiên Chúa– mặc dù, lẽ tất nhiên, Giáo hội bao gồm những bản vị cá thể [1].

Tuy nhiên, Vương quốc Thiên Chúa cũng có mặt chủ quan. Đó là linh hồn cá nhân, khi ân sủng của Thiên Chúa chiếm hữu nó trong tính cá nhân riêng tư và độc đáo nhờ đó nó tự hiện hữu. Giáo hội đón nhận con người khi họ vươn tay quá chính họ tới đồng loại của họ, có khả năng và mong muốn thành lập vớinhững người này một cộng đồng mà trong đó họ và những người này đều là thành viên. Tuy nhiên, nhân cách cá nhân cũng dựa vào chính nó, như một quả cầu xoay quanh trục riêng của nó. Và trong tư thế ấy, ân sủng của Thiên Chúa cũng chiếm hữu nó. Tôi không có ý nói trong các hữu thể nhân bản, có một lãnh vực nằm bên ngoài Giáo hội. Quan niệm đó quá hời hợt. Đúng hơn, phải nói rằng toàn bộ con người ở trong Giáo hội, với tất cả những gì con người hiện có. Ngay cả trong khía cạnh cá nhân nhất, họ vẫn là thành viên của Giáo hội, mặc dù chỉ bao lâu tính cá nhân này và các năng lực của nó được điều hướng về phía cộng đồng. Toàn bộ hữu thể của họ thuộc về nó; nó ở trong tham chiếu xã hội của nó – tính cá nhân của họ trong liên quan đến các đồng loại và được tháp nhập vào cộng đồng.

Nhưng cũng chính tính cá nhân này có một cực đối lập. Các năng lực của họ cũng được điều hướng vào bên trong để xây dựng một thế giới trong đó họ đơn độc với chính họ. Cả ở khía cạnh này, họ vẫn là chủ thể của ân sủng Thiên Chúa [2].

Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của nhân loại nói chung. Trong tư cách đó, Người có liên hệ với cộng đồng siêu bản vị, và các thành viên của cộng đồng này cùng nhau tìm thấy nơi Người Thần tính xã hội mà xã hội con người cần đến. Nhưng Người cũng là Thiên Chúa của mỗi cá nhân.

Quả thực sự mặc khải tối cao và đầy đủ nhất về sự sống của Người là đối với mỗi cá nhân Người là “Thiên Chúa của họ”. Người là đáp ứng duy nhất cho nhu cầu độc đáo của mọi cá nhân; được sở hữu bởi mỗi người theo cách độc đáo mà nhân cách duy nhất của họ đòi hỏi; thuộc về họ, chứ không thuộc ai khác, trong bản chất độc đáo của họ. Đó là Vương quốc Thiên Chúa trong linh hồn, nhân cách Kitô hữu [3].

Rõ ràng, nhân cách Kitô hữu này không phải là một lãnh vực nằm bên ngoài Giáo hội, hoặc một điều gì đó chống lại Giáo hội, nhưng là cực đối lập hữu cơ của Giáo hội, được chính bản chất của Giáo hội đòi hỏi, nhưng đồng thời được Giáo hội xác định [4].

Chúng ta đã tương phản Vương quốc Thiên Chúa như Giáo hội với Vương quốc Thiên Chúa như nhân cách. Chúng ta có nghĩa vụ phải làm như vậy, ngõ hầu nắm bắt một cách rõ ràng sự khác biệt giữa chúng với nhau. Nhưng một câu hỏi được đặt ra ngay lập tức, đâu là mối quan hệ giữa chúng với nhau?

Chúng ta phải trả lời ngay lập tức và dứt khoát nhất có thể: chúng không phải là hai điều tách biệt nhau; không phải hai "Vương quốc". Chúng là các khía cạnh của cùng một thực tại căn bản của đời sống Kitô hữu, cùng một mầu nhiệm ơn thánh căn bản. Chỉ có một Vương quốc Thiên Chúa; chỉ có một việc Chúa Cha sở hữu con người, trong Chúa Kitô, qua Chúa Thánh Thần. Nhưng việc này phát triển dọc theo hai đường phát triển hoàn toàn hữu cơ căn bản. Và nó tự biểu hiện phù hợp với hai phương thức căn bản của bản chất con người – nơi con người như chủ thể tự lập và tự khẳng định mình như một cá nhân, và nơi con người khi họ hòa nhập vào cộng đồng vốn vượt quá tính cá nhân của họ.

Vương quốc Thiên Chúa cùng một lúc là Giáo hội và nhân cách cá thể, và điều này vừa tiên thiên vừa thuộc yếu tính của riêng nó. Dứt khoát nó là Giáo hội; vì Giáo hội là sự hiển dung bản chất của con người nhờ ơn thánh, bao lâu họ ở trong cộng đồng. Đó là một vương quốc của từng nhân cách cá thể nơi mỗi tín hữu. Do đó, nó vừa là Giáo hội vừa là Kitô hữu cá nhân. Họ không phải là những lãnh vực độc lập. Cũng không thể tách biệt lẫn nhau, dù mỗi một có thể được xem xét riêng biệt. Ngược lại, do bản chất và tiên thiên, cả hai có mối liên hệ qua lại và liên lập lẫn nhau.

Vì, như đạo Công Giáo hiểu và nhận ra nó, bản chất của cộng đồng không đến nỗi khiến nhân cách cá nhân phải đấu tranh mới tự bảo tồn chống lại nó. Nó không phải là một quyền lực vi phạm tính cá nhân bản vị, như chủ nghĩa cộng sản hay bất cứ hình thức nhà nước toàn trị nào khác thường làm. Ngược lại, cộng đồng Công Giáo, ngay từ đầu, đã giả thuyết và đòi hỏi các nhân cách cá nhân tự do làm thành phần của nó. Cách riêng, Giáo hội là một cộng đồng của các hữu thể, không chỉ đơn giản là thành viên và công cụ của toàn bộ, nhưng đồng thời là các tiểu vũ trụ xoay quanh trục riêng của họ, nghĩa là, các nhân cách cá nhân. Các cá nhân mà thôi chỉ có thể tạo thành bầy đàn hoặc tổ kiến người; cộng đồng là mối liên hệ hỗ tương của các nhân cách. Đây là một đòi hỏi đạo đức, vì đạo đức đòi hỏi một tương giao tự do. Nó cũng là kết quả của chính cơ cấu của hữu thể vì nó chỉ hiện hữu khi các đơn vị với các trung tâm cá nhân của họ, với "modus operandi" [cách hành động] của riêng họ và cuộc sống của riêng họ, đến với nhau, để có thể nảy sinh sự thống nhất ấy, độc đáo trong sức căng và tính linh hoạt của nó, ổn định, nhưng giàu các khả thể phát triển nội tại, mà ta vốn gọi là một cộng đồng (Xem bên dưới, trang 44, 45).

Và nhân cách của Kitô hữu không được cấu thành chỉ như một hậu suy [afterthought] muốn liên kết với những người khác để tạo thành một cộng đồng. Tư cách thành viên của cộng đồng không bắt nguồn từ sự nhượng bộ của một cá nhân này cho một cá nhân kia.

Điều không đúng là các cá nhân, do bản chất độc lập với nhau, ký kết một hợp đồng, qua đó mỗi người hy sinh một phần sự độc lập của họ, để, với sự nhượng bộ này, họ có thể cứu được nó càng nhiều càng tốt. Đó là quan điểm về xã hội của chủ nghĩa cá nhân. Như đạo Công Giáo hiểu nó, nhân cách nhìn mọi hướng và như thế, một cách tiên thiên và do bản chất của nó, có tính xã hội và toàn bộ hữu thể con người đi vào lòng xã hội. Nguyên tổng số các cá nhân chỉ có thể sản xuất ra một đám đông. Nếu một số lượng lớn kết hợp với nhau đơn thuần chỉ vì một khế ước cho một đối tượng nhất định nào đó, mối ràng buộc duy nhất cấu thành xã hội của họ sẽ là mục đích chung này. Trái lại, một cộng đồng chân chính không thể được hình thành cách này bởi các cá nhân. Nó tồn tại ngay từ đầu, và là một thực tại siêu cá nhân, bất kể khó hiểu thấu đến đâu theo quan niệm trí thức về bản chất của nó.



Chính điều đó đã phân biệt một cách nền tảng mối liên hệ giữa cộng đồng và cá nhân như đạo Công Giáo hiểu nó với tất cả các quan niệm một chiều về nó, chẳng hạn như chủ nghĩa cộng sản và nhà nước toàn trị một mặt, và mặt khác chủ nghĩa cá nhân hoặc thậm chí là tình trạng vô chính phủ. Nó không dựa vào tâm lý học một chiều hay cấu trúc tâm trí, nhưng vào thực tại viên mãn của nó. Quan niệm của người Công Giáo về nhân cách khác với mọi loại chủ nghĩa cá nhân trong yếu tính chứ không đơn thuần trong mức độ. Vì cùng một cá nhân trong tư cách một đơn vị tự lấy mình làm trung tâm, cùng một lúc vẫn ý thức được rằng trong toàn bộ hữu thể của mình, họ là một thành viên của cộng đồng, trong trường hợp này là Giáo hội. Và cũng y một cách này, cộng đồng không phải là một giới hạn xã hội yếu ớt đơn thuần hoặc làm nô lệ cho nhà nước, nhưng là một điều gì đó khác một cách căn bản. Như một sinh vật, với vô số khía cạnh của nó, nó khác với một cơ cấu nhân tạo không có máu thịt. Vì cộng đồng nhận ra rằng nó được tạo thành từ các cá nhân; mỗi một cá nhân trong số này tạo thành một thế giới tự lập và sở hữu một đặc tính độc đáo. Đây là một sự thật căn bản mà điều quan trọng nhất là phải hiểu thấu đáo. Trừ khi nó được nắm bắt, quan điểm Công Giáo về Giáo hội, thực sự về xã hội đúng nghĩa, hẳn là bất khả niệm. Chúng ta không được lấy các nguyên tắc xã hội học của chúng ta hoặc từ Chủ nghĩa cộng sản, Nhà nước xã hội Chủ nghĩa, hay chủ nghĩa cá nhân. Vì tất cả những thứ này xé nát toàn bộ cuộc sống thành từng mảnh để phóng đại một phần của nó. Tất cả đều sai lạc và bệnh hoạn. Giống như mọi Giáo huấn Công Giáo, quan niệm Công Giáo về xã hội và về nhân cách cá thể, ngược lại, bắt đầu không phải từ những giả thiết tâm lý cô lập hay phiến diện, nhưng từ tính toàn vẹn của đời thực tế được thấu hiểu mà không có thành kiến. Do chính bản chất của họ, con người vừa là một bản vị cá thể vừa là một thành viên của một xã hội. Hai khía cạnh này của họ cũng không đơn giản là đồng hiện hữu. Ngược lại, xã hội đã hiện hữu như một hạt giống sống động trong tính cá thể của con người, và đến lượt nó, tính cá thể của con người nhất thiết được xã hội giả thiết lấy làm nền tảng của nó, dù không làm phương hại đến tính độc lập tương đối của cả hai hình thức đệ nhất đẳng của sự sống con người này.

Từ quan điểm này, kiểu nhân tính Công Giáo cũng đang tái hiện vào thời nay và cuối cùng một đàng rũ bỏ sức ma thuật của việc tôn thờ Nhà nước, mặt khác, làm tan rã sự tự phụ tự mãn của mình. Cả ở đây, chúng ta cũng đang xử lý với các thực tại thay vì các lời nói, và chúng ta nhận ra các mối liên hệ hữu cơ thay vì bị thống trị bởi những quan niệm trừu tượng. Nhiệm vụ của chúng ta là quyết định xem liệu chúng ta có để cho mình trở thành nô lệ trở lại hay vẫn còn ý thức được sứ mệnh của chúng ta là chân thực với bản chất căn bản của nhân tính và phát biểu nó một cách tự do và trung thực bằng lời nói và việc làm.

Giáo hội, lúc đó, là một xã hội, trong yếu tính, bị ràng buộc với nhân cách cá thể; và cuộc sống cá nhân của Kitô hữu liên quan đến chính bản chất của nó trong tương quan với cộng đồng. Cả hai cùng được đòi hỏi cho việc thể hiện hoàn toàn Vương quốc của Thiên Chúa. Không thể có dòng điện nếu không có hai cực. Và một cực không thể hiện hữu, hoặc thậm chí được quan niệm, mà không có cực kia. Cùng một cách như thế, thực tại Kitô giáo căn bản và vĩ đại là Vương quốc của Thiên Chúa là điều không thể có, ngoại trừ bao gồm cả Giáo hội lẫn nhân cách cá thể, mỗi nhân cách với bản chất đã được xác định rõ và khác biệt, nhưng, trong yếu tính, có tương quan đến bản chất khác. Sẽ không có Giáo hội nếu các thành viên của nó không đồng thời là các tiểu vũ trụ có tâm trí, mỗi vũ trụ đều độc lập và một mình với Thiên Chúa. Sẽ không có tính nhân cách Kitô giáo, nếu đồng thời không tạo thành một phần của cộng đồng, như một chi thể sống động của nó. Linh hồn được ơn thánh nâng cao không phải là một điều có trước Giáo hội, như những cá nhân nguyên thủy cô lập đã hình thành một liên minh. Những người giữ quan điểm này đã thất bại hoàn toàn trong việc nắm bắt yếu tính của nhân cách Công Giáo. Mà Giáo hội cũng không thẩm hóa được cá nhân, để nhân cách của họ chỉ có thể được thể hiện khi họ cố gắng thoát khỏi Giáo Hội. Những người nghĩ điều này là không biết Giáo hội là gì. Khi tôi khẳng định “Giáo hội”, tôi đồng thời khẳng định "nhân cách" cá thể và khi tôi nói về cuộc sống bên trong của Kitô hữu, tôi ngụ ý cả cuộc sống của cộng đồng Kitô hữu.

Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, mối liên hệ hỗ tương vẫn chưa được quả quyết đầy đủ. Cả Giáo hội và nhân cách cá nhân đều cần thiết. Hơn nữa, cả hai đều hiện hữu từ hữu thể đầu tiên; vì ta không thể truy nguyên bất cứ hữu thể nào trong số này từ hữu thể kia. Và nếu có ai cố gắng hỏi hữu thể nào trong hai có giá trị hơn trong tầm nhìn của Thiên Chúa, thì ngay lập tức họ sẽ thấy rằng đó là một câu hỏi không nên hỏi. Vì Chúa Kitô đã chết vì Giáo Hội, để Người có thể làm cho Giáo hội, bằng bửu huyết của Người, thành “một Giáo hội vinh quang, không tì vết hoặc vết nhăn". Nhưng Người cũng chết cho mọi linh hồn cá thể. Nhà nước trong sự yếu đuối con người của nó phải hy sinh cá nhân cho xã hội; Thiên Chúa không làm thế. Giáo hội và nhân cách cá thể – cả hai, do đó, đều nguyên thủy [primordial] như nhau, đều chủ yếu như nhau, đều giá trị như nhau. Tuy nhiên, có sự khác biệt sâu sắc giữa hai biểu thức này của Vương quốc Thiên Chúa. Ưu tiên thứ bậc thuộc về Giáo hội. Giáo hội có thẩm quyền đối với cá nhân. Cá nhân phụ thuộc vào Giáo hội: ý chí của họ phụ thuộc ý chí Giáo hội, sự phán đoán của họ phụ thuộc sự phán đoán của Giáo hội, và quyền lợi của họ phụ thuộc quyền lợi của Giáo hội. Giáo hội được mặc cho sự uy nghi của Thiên Chúa, và là đại diện hữu hình trước cá nhân và tổng số các cá nhân. Trong những giới hạn do bản chất riêng của Giáo hội và bản chất của nhân cách cá thể áp đặt, Giáo hội sở hữu sức mạnh mà Thiên Chúa vốn sở hữu trên tạo vật; Giáo hội là người có thẩm quyền. Và, bất chấp cá nhân ý thức ra sao về mối liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, và như con cái của Thiên Chúa, họ vẫn biết rằng họ được giải phóng khỏi “các thầy dạy và trông coi” và được hưởng sự thông hiệp bản thân với Thiên Chúa, dù họ phụ thuộc Giáo hội cũng như phụ thuộc Thiên Chúa. "Ai nghe các con, là nghe Thầy". “Bất cứ điều gì các con ràng buộc dưới đất, cũng sẽ bị ràng buộc ở trên trời".

Đó là một nghịch lý sâu xa mà chỉ một mình nó mới hòa hợp với bản chất của sự sống, và rất tự hiển nhiên khi con mắt tâm trí tập chú đều đặn vào nó.

* * * * *

Từ tất cả những điều trên, một sự kiện xuất hiện. Cuộc sống bản thân của Kitô hữu dấn thân một cách sâu thẳm nhất vào Giáo hội và chịu tình trạng của Giáo hội tác động tới. Và ngược lại, Giáo hội, đến một mức độ khôn lường, chịu tác động bởi điều kiện tâm linh của các chi thể của mình. Những gì liên quan đến Giáo hội cũng liên quan đến tôi. Bạn sẽ thấy ngay điều này ngụ ý gì. Nó không đơn giản chỉ có nghĩa là một đứa trẻ chẳng hạn sẽ được dạy dỗ không tốt nếu đầy tớ của Giáo hội, người chịu trách nhiệm về việc giáo dục họ, là người không tương xứng với nhiệm vụ. Ngược lại, giữa cá nhân và Giáo hội có một sự liên đới hữu cơ thuộc loại thân thiết nhất. Cùng một Vương quốc của Thiên Chúa sống trong Giáo hội và trong từng cá nhân Công Giáo, tình trạng của mỗi bên có tương quan qua lại với nhau, vì bề mặt của nước được xác định bởi các đường ống cung cấp nó. Cá nhân rất ít có thể tự tách mình ra khỏi tình trạng của Giáo hội; – đấy là ảo tưởng của chủ nghĩa cá nhân – như từng tế bào có thể tự tách rời khỏi tình trạng sức khỏe của toàn bộ thân thể. Và ngược lại, vấn đề quan tâm khôn lường đối với Giáo hội là liệu các tín hữu có là những người đàn ông và đàn bà có nhân cách, có cá tính mạnh mẽ và có giá trị hay không. Giáo hội không bao giờ nên nhắm đạt được quyền lực, sức mạnh và chiều sâu mà gây hại cho nhân cách cá thể của các thành viên của mình. Vì Giáo hội sẽ gây nguy hiểm cho quyền lực, sức mạnh và chiều sâu của chính đời sống mình. Không được hiểu lầm điều này. Vì sự hiện hữu và bản chất thiết yếu của mình, Giáo hội không phụ thuộc vào tình trạng tinh thần và đạo đức của các cá nhân. Vì, nếu đúng như thế, Giáo hội sẽ không phải là một thực tại khách quan. Và mọi điều được nói cho đến nay đều nhấn mạnh vào tính khách quan thiết yếu của Giáo hội. Nhưng trong cụ thể, sự phong phú và sự phát triển của đời sống Giáo hội, trong mọi thời đại, quả phụ thuộc vào mức độ các thành viên cá thể của Giáo hội trở thành điều Thiên Chúa dự định cho họ trở thành, các nhân cách phát triển, mỗi nhân cách đều độc đáo, với một ơn gọi và khả năng độc đáo để hoàn thành. Không bao giờ nên hiểu mối liên hệ giữa Giáo hội và cá nhân như thể cả hai đều có thể phát triển trong khi gây hại cho bên kia. Quan niệm sai lầm này là gốc rễ của thái độ phi Công Giáo đối với vấn đề này, bất chấp dưới hình thức Thệ phản hay Byzantine.

Chúng ta là Công Giáo bao lâu chúng ta nắm được - hay đúng hơn, vì điều này không đủ – bao lâu chúng ta sống sự kiện, đúng hơn cảm thấy điều hiển nhiên trong chính xương tủy của chúng ta như một điều cần được coi như đương nhiên là sự tinh tuyền, sự vĩ đại và sức mạnh của nhân cách cá nhân và của Giáo hội phải thăng trầm cùng với nhau.

* * * * *

Tôi chắc chắn bây giờ các bạn nhận ra các ý tưởng của chúng ta và thậm chí nhất là các cảm xúc sâu sắc nhất và tức thì nhất của chúng ta còn xa vời xiết bao đối với cái khung tâm trí Công Giáo này; sự căng thẳng đương thời giữa cộng đồng và cá nhân đã ảnh hưởng sâu xa xiết bao đến quan điểm của chúng ta về mối liên hệ giữa Giáo hội và cá nhân, do đó gây nguy hiểm cho chính yếu tính của nó.



Chúng ta ý thức được sự căng thẳng giữa Giáo hội và nhân cách cá thể và những ngôn từ nhiệt tình nhất cũng không thể hủy bỏ được nó. Và nó không phải là sự căng thẳng mà chúng ta đã nói tới rồi, sự căng thẳng cố hữu trong bản chất của mối liên hệ giữa họ, vốn là nguồn sức khỏe và sự sống, nhưng là một sự căng thẳng không tự nhiên và có tính hủy diệt. Trong thời Trung cổ, thực tại khách quan của Giáo hội, giống như thực tại khách quan của xã hội nói chung, được trực tiếp cảm nghiệm. Cá nhân được hòa nhập vào cơ thể xã hội trong đó họ tự do phát triển nhân cách khác biệt của mình. Vào thời kỳ Phục hưng, cá nhân đạt được việc tự ý thức có phê phán về chính mình, và khẳng định sự độc lập của riêng mình không có lợi cho cộng đồng khách quan. Tuy nhiên, khi làm như thế, họ dần dần không còn nhìn thấy sự phụ thuộc sâu xa của họ vào toàn bộ cơ chế xã hội. Thành thử, ý thức của con người hiện đại về nhân cách của riêng họ không còn lành mạnh, không còn gắn bó hữu cơ vào đời sống có ý thức của cộng đồng nữa. Nó đã vượt mức, và tự tách rời khỏi bối cảnh hữu cơ của nó. Cá nhân không thể không cảm thấy Giáo hội với sự khẳng định quyền lực của mình, như một quyền lực thù nghịch đối với chính họ. Nhưng không có mối thù nghịch nào đâm sâu hơn mối thù nghịch giữa các hình thức sống bổ sung mà từ đó, chúng ta có thể hình thành một số ý tưởng về những gì việc căng thẳng liên hệ đến.

Sứ mệnh của thời đại sắp tới sẽ là, một lần nữa, hình dung thực sự mối liên hệ giữa Giáo hội và cá nhân. Nếu điều này mà đạt được, thì các quan niệm của chúng ta về xã hội và nhân cách cá thể một lần nữa phải thỏa đáng. Và việc tự ý thức và cảm thức về sự sống hữu cơ một lần nữa phải được làm cho hài hòa, và sự liên thuộc cố hữu của Giáo hội và cá nhân phải một lần nữa được chấp nhận như một sự thật hiển nhiên. Thời nào cũng có nhiệm vụ đặc biệt của nó. Và điều này cũng đúng với sự phát triển của đời sống tôn giáo. Thấy Giáo hội và nhân cách cá thể ràng buộc hỗ tương với nhau ra sao; họ sống điều này ra sao đối với điều kia; và trong mối liên hệ hỗ tương này, chúng ta phải tìm kiếm ra sao sự biện minh cho thẩm quyền giáo hội, và làm cho cái nhìn sâu sắc này một lần nữa trở thành một phần tạo nên cuộc sống của chúng ta và ý thức là thành tựu căn bản mà thời đại của chúng ta vốn được kêu gọi thực hiện.

Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn thành công trong nhiệm vụ này, chúng ta phải giải phóng bản thân chúng ta khỏi những nền triết học phiến diện của thời đại chẳng hạn như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa xã hội nhà nước, hoặc chủ nghĩa cộng sản. Một lần nữa chúng ta phải hết lòng là người Công Giáo. Suy nghĩ và cảm quan của chúng ta phải được xác định bởi bản chất thiết yếu của lập trường Công Giáo, phải tiến hành từ cái nhìn sâu sắc trực tiếp đó vào tâm điểm của thực tại vốn là đặc ân của người Công Giáo chân chính.

Nhân cách cá nhân chết yểu trong sự cô lập băng giá nếu nó bị cắt khỏi cộng đồng sống động, và Giáo hội phải nhất thiết bất khoan dung đối với những người không nhìn thấy nơi Giáo hội điều kiện có trước của đời sống có tính cá nhân nhất và bản thân nhất của họ; những ai chỉ xem Giáo hội như một sức mạnh đối đầu với họ và, thay vì có bất cứ sự chia sẻ nào đối với mục đích thân thiết và sinh tử nhất của họ, lại thực sự đe dọa hoặc đàn áp nó. Ý chí sống động của con người không thể chấp nhận một Giáo hội được quan niệm như vậy. Họ phải hoặc nổi dậy chống lại Giáo hội, hoặc phục tùng Giáo hội như cái giá quá đắt của sự cứu rỗi. Nhưng người có đôi mắt nhìn rõ ý nghĩa của Giáo hội sẽ cảm nghiệm một niềm vui lớn lao và giải thoát. Vì họ thấy rằng Giáo hội là giả thiết sống động cho sự hiện hữu bản thân của chính họ, con đường thiết yếu dẫn đến sự hoàn thiện của chính họ. Và họ ý thức được tình liên đới sâu sắc giữa hữu thể bản vị của họ và Giáo hội; làm sao hữu thể này sống bên hữu thể kia và cuộc sống của hữu thể này là sức mạnh của hữu thể kia ra sao.

Việc chúng ta có thể yêu mến Giáo hội cùng một lúc là ân sủng tối cao có thể là của chúng ta ngày nay, và là ân sủng mà chúng ta cần đến nhất. Những người đàn ông và đàn bà của thế hệ hiện nay không thể yêu Giáo hội chỉ vì họ được sinh ra từ cha mẹ Công Giáo. Chúng ta quá ý thức được nhân cách cá nhân của mình. Tình yêu này cũng ít có thể được tạo ra bởi sức say mê của các cuộc hội họp diễn thuyết và đại chúng. Không phải chỉ trong lĩnh vực đời sống dân sự mà các loại ma túy như vậy đã mất tác dụng. Mà tình cảm mơ hồ cũng không thể đem lại cho ta tình yêu ấy; thế hệ chúng ta quá trung thực đối với điều đó. Một điều duy nhất có thể thắng thế - một cái nhìn sâu sắc rõ ràng vào bản chất và ý nghĩa của Giáo hội. Chúng ta phải nhận ra rằng, với tư cách là các Kitô hữu, nhân cách của chúng ta sẽ hoàn thành tỷ lệ thuận với việc chúng ta được tháp nhập chặt chẽ hơn vào Giáo hội, và khi Giáo hội sống trong chúng ta. Khi chúng ta ngỏ lời với Giáo hội, chúng ta xưng một cách hiểu biết sâu sắc không phải “ngài” mà là “con”.

Nếu tôi thực sự nắm vững các sự thật này, tôi sẽ không còn coi Giáo hội như một lực lượng cảnh sát tinh thần, nhưng như máu của máu tôi, sự sống dồi dào mà tôi đang sống bằng sự sung mãn của nó. Tôi sẽ coi Giáo hội là Vương quốc bao trùm mọi sự của Thiên Chúa tôi, và Vương quốc của Người trong linh hồn tôi như đối tác sống của Giáo hội. Như thế, Giáo hội sẽ là Mẹ tôi và Nữ hoàng của tôi, Nàng Dâu của Chúa Kitô. Vậy thì tôi có thể yêu Giáo hội! Và chỉ khi đó, tôi mới có thể tìm thấy bình an!

Chúng ta sẽ không được bình an với Giáo hội cho đến khi chúng ta đạt đến mức chúng ta có thể yêu Giáo hội. Không cho đến khi đó...

* * * * *

Mong rằng những giảng khóa này sẽ giúp ích một chút trong việc hướng tới sự viên mãn này.

Nhưng tôi phải đưa ra một yêu cầu - đừng cân đo đong đếm lời lẽ! Một chữ hoặc một mệnh đề đặc thù cũng có thể bị bóp méo, và thậm chí còn sai sót. Mục đích của tôi không phải là cung ứng cho các bạn các công thức được tính toán khéo léo, nhưng một điều gì đó sâu sắc hơn – đó là sự tin cậy. Tôi tin tưởng các bạn đang lắng nghe ý nghĩa nằm bên dưới mà tôi muốn truyền đạt, và dưới ánh sáng của toàn bộ, các bạn sẽ sửa chữa cho mình bất cứ thiếu sót hoặc sai sót bằng lời nói nào. Tóm lại, tôi chắc chắn, từ những giảng khóa này bạn sẽ làm được điều tất cả diễn từ và nghe ngóng, tất cả việc viết và việc đọc nên là sức sáng tạo trí thức chung.

GHI CHÚ

1. Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhớ những điều sau đây. Những gì chúng ta đã nói chỉ đề cập đến khía cạnh của Giáo hội mà xã hội học có thể giải quyết. Điều Giáo hội là - yếu tính thực sự của Giáo hội - không bao giờ có thể được tiến hành một cách tiên nghiệm. Không có điều gọi là triết lý của Giáo hội nếu hiểu nó có nghĩa nhiều hơn việc xem xét các hiện tượng xã hội tìm thấy trong Giáo hội, và cũng tìm thấy trong các cộng đồng tự nhiên và tái xuất hiện trong Giáo hội chỉ vì Giáo hội là một cộng đồng của con người.

Nhưng trong Giáo hội, các hiện tượng này khác với các đối tác của chúng trong mọi xã hội khác. Ngay trong khía cạnh tự nhiên của mình, Giáo hội vẫn đã độc đáo rồi. Và yếu tính của Giáo hội, đặc tính siêu nhiên khác biệt của Giáo hội hoàn toàn là hiệu quả của một mình công trình tích cực của Thiên Chúa, của nhân cách có tính lịch sử của Chúa Kitô và định chế có tính lịch sử của Giáo hội qua Người. Chỉ nhờ mạc khải, chúng ta mới có thể học biết Giáo hội là gì trong yếu tính của Giáo hội. Chúng ta không bao giờ có thể làm gì hơn ngoài việc mô tả Giáo hội như cộng đồng đức tin và ân sủng mà Chúa Kitô đã thiết lập, và tiếp tục tồn tại trong lịch sử như là Giáo Hội Công Giáo, với đặc tính khác biệt và độc đáo của nó. Chỉ trên giả định này, những cuốn sách như “Physiologie der Kirche” [Sinh lý học về Giáo Hội] hoặc“ Kirche als Keimzelle der Weltvergottlichung” [Giáo hội như hạt nhân của việc thần hóa thế giới] của Andre mới thực sự có giá trị, có giá trị rất đáng kể.

2. Đây không phải là một mâu thuẫn, mà là một sự tương phản. Chữ mâu thuẫn loại trừ điều khác - tốt và xấu, có và không, chẳng hạn, loại trừ nhau. Tuy nhiên, mọi sinh vật đều là một thể thống nhất của nhiều tương phản được dị biệt hóa với nhau, nhưng định đề cho nhau. Thể thống nhất vững chắc, nhưng linh hoạt, đơn giản nhưng sáng tạo của cơ thể sống động chỉ có thể được nắm bắt như một mạng lưới tương phản, về phương diện tri thức. Tôi hy vọng sẽ giải thích cặn kẽ điểm này trong một cuốn sách khác.

3. Chữ này không được hay lắm. Nó đôi chút có liên hệ với chủ nghĩa cá nhân, học thuyết về quyền tự chủ cá nhân và nhất thuyết duy lễ nghi thuần túy. Thánh Phaolô chắc chắn không nói đến “nhân cách”. Ý niệm Nhân cách Kitô giáo khác với đối tác triết học của nó cũng như ý niệm “Giáo hội”, Giáo hội của Chúa Kitô, khác với Giáo Hội của "Hiệp hội tôn giáo". Tuy nhiên, tôi không biết chữ nào hay hơn; do đó, tôi sử dụng nó theo nghĩa trong đó, Chúa của chúng ta nói về “con cái Thiên Chúa”, và Thánh Phaolô, trong các Thư tín của ngài, nói về cá nhân Kitô hữu khác biệt với cộng đồng.

4. Lĩnh vực bản thân này đã được tách ra khỏi đời sống tôn giáo nói chung bởi phe Thệ phản và mọi hệ thống cá nhân chủ nghĩa khác và được phát triển một cách phiến diện. Do đó, việc thông đạt trực tiếp giữa Thiên Chúa và người được cứu chuộc, là người, tuy nhiên, cùng một lúc là thành viên của Giáo hội, đã bị biến thái thành quyền tự chủ của một nhân cách hoàn toàn độc lập và tự cung tự cấp. Và sự căng thẳng lành mạnh của mối liên hệ được thiết lập bởi chính bản chất các điều kiện của nó đã được thay thế bằng những kiềm chế không tự nhiên.