Tình hình Giáo Hội Đức vẫn tiếp tục cho thấy các dấu hiệu đáng lo ngại của một cuộc ly giáo có thể có. Nhiều vị Hồng Y có uy tín đã chính thức lên tiếng tỏ ý quan ngại. Trong đó, có Đức Hồng Y Ruini, nguyên Hồng Y đại diện Đức Giáo Hoàng cai quản giáo phận Rôma. Theo Ed. Condon và JD Flynn của The Pillar, Đức Hồng Y Ruini “vẽ nên một bức tranh thành thật, và ảm đạm một cách thành thật, về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Đức”.



Những dấu hiệu tiêu cực rõ ràng hơn cả là việc cả trăm giáo xứ Đức tổ chức việc chúc phúc cho các cặp đồng tính, sau khi có văn kiện của Vatican gọi cuộc kết hợp của họ là “tội lỗi” và “Đại hội Thánh thể” hỗn hợp Công Giáo – Thệ Phản dù bị Rôma nói “không”.

Trong khi ấy, các Giám Mục Đức tỏ ra khá mơ hồ về những khai triển bất chính thống này, trái lại, còn cho người ta cảm thức các động thái trên là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, cũng theo Condon và Flynn, Đức Hồng Y Ruini vẫn tin Chúa Quan Phòng sẽ lo liệu. Và ở Rôma nói chung, vẫn có niềm hy vọng các Giám Mục Đức sẽ giữ được kiểm soát trước khi các bất tuân phục về tín lý và kỷ luật Công Giáo nơi hàng giáo sĩ dẫn tới tình huống ly giáo hiển nhiên.

Thực vậy, theo hai tác giả, các Giám Mục Đức không bao giờ công khai khiêu khích Rôma và thận trọng để trái banh bên sân Rôma. Việc chúc phúc cho các cặp đồng tính không được hàng giáo phẩm địa phương hoan nghinh. Chính Đức Cha Bätzing gọi kế hoạch chúc phúc này “không phải là dấu hiệu hữu ích” và nhận định rằng “các nghi thức chúc phúc có phẩm giá thần học và ý nghĩa mục vụ riêng của chúng. Chúng không thích hợp dùng làm phương tiện biều lộ chính trị trong Giáo Hội hay hành động phản đối”.

Theo bản tin ngày 7 tháng 5 của CNA, Đức Cha Bätzing còn nói mạnh rằng các buổi lễ chúc lành đồng tính “không thích đáng như một phương tiện cho các buộc biểu tình hay hành động phản đối có tính cách chính trị trong Giáo Hội”.

Đức Cha Bätzing cũng nói rõ ràng rằng việc nghinh đón các cặp đồng tính trong tư cách cặp đồng tính vào Giáo Hội vẫn là một ưu tiên đối với ngài và đối với Giáo Hội ở Đức và “đã và đang có những cuộc thảo luận lâu nay về phương cách trong đó luân lý tính dục, kể cả liên quan đến đồng tính luyến ái, có thể được khai triển với các lập luận giá trị”.

Ngài nói thêm, “Điều này cũng bao gồm cuộc thảo luận thích đáng về vấn đề các buổi chúc lành” nhưng nhấn mạnh rằng “trong tình thế hiện thời, Con Đường Đồng Nghị là chỗ chính để thảo luận chủ đề này... một cách tổng thể”.

Tóm lại, theo Đức Cha Bätzing, các Giám Mục Đức cố gắng giữ cho cuộc tranh luận trong phạm vi con đường đồng nghị và định hình nghị trình của họ trong diễn trình “đối thoại”.

Dù các vụ chúc lành đồng tính và rước lễ hỗn hợp (intercummunion) với người Thệ Phản đã là thực tại trong các giáo xứ Đức ít lâu nay, chính sách của các Giám Mục là không công khai thừa nhận hay khuyến khích và nhấn mạnh rằng các yêu cầu cải tiến của họ hiện vẫn còn trong giai đoạn lý thuyết.

Nói đến giai đoạn lý thuyết, điều lý thú là niềm hy vọng của Đức Hồng Y Ruini vào “Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị” vào năm tới tại Rôma. Rất có thể một số giám mục Đức cũng hy vọng như thế, ít nhất, thì Thượng Hội Đồng này sẽ cho biết điều gì có điều gì không thể bàn luận trong một “Giáo Hội đồng nghị”.

Tông hiệp (concordat) 1933 với Đức Quốc xã

Tờ The Pillar bàn đến một khía cạnh lý thú nếu Công Giáo Đức chọn con đường ly giáo: lúc ấy, liệu chính phủ Đức có thừa nhận các Giám Mục ly giáo hay không để được hưởng Thuế Nhà Thờ (kirchensteuer) trị giá lên tới hàng tỷ dollars một năm.

The Pillar nói chuyện với một luật gia về việc này. Câu trả lời nằm trong Reichskonkordat, tông hiệp năm 1933 ký giữa Tòa Thánh và chính phủ do Quốc xã lãnh đạo, và hiện còn giá trị.

Đức Hồng Y Pacelli, tức Đức Piô XII trong tương lai, ký Reichskonkordat với Chính Phủ Đức năm 1933


Tông hiệp trên “thừa nhận tư cách pháp lý của Giáo Hội Công Giáo tại Đức, và vai trò của Tòa Thánh trong việc giám sát và bổ nhiệm các Giám Mục”. Đó là giải thích của Cha Goran Jovicic, một giáo sư cả thần học lẫn giáo luật tại Chủng viện St. Patrick ở Menlo Park, California. Cha Jovicic là một chuyên gia về các liên hệ giữa Giáo Hội và nhà nước và các liên hệ ngoại giao của Tòa Thánh.

Theo Cha, “sẽ mâu thuẫn với thỏa hiệp giữa hai thực thể có chủ quyền nếu chính phủ Đức đi ngược lại hay không tôn trọng, phán đoán của Tòa Thánh”.

Cha Jovicic cho biết luật pháp Đức mong Giám Mục giáo phận hay quản trị viên hợp pháp của từng giáo phận Đức, theo ấn định của Vatican, là người duy nhất đủ tư cách nhận lãnh và quản trị số tài sản khổng lồ do thuế khóa phân phối.

Không phải lời mời tổng quát

Cha Jovicic cho rằng dù thế, vẫn không có gì bảo đảm sẽ không có ly giáo tại Đức. Tuy nhiên, trở lại hiện tình các Giám Mục Đức. Catholic News Service, trong bản tin ngày 11 tháng 5 cho hay Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức bênh vực kế hoạch rước lễ “trong tinh thần đại kết” nhân buổi lễ Công Giáo – Thệ Phản tại Đại hội Đại kết Đức diễn ra trong các ngày 13 tới 16 tháng 5.

Đức Cha nói với hãng tin Công Giáo Đức KNA, ngày 11 tháng 5, rằng buổi lễ dự định ngày 15 tháng 5 không phải là “Việc Rước Lễ khắp hệ phái theo nghĩa một lời mời lẫn nhau một cách tổng quát tham dự Thánh Thể và Bàn Tiệc Chúa” và không phải là buổi Rước lễ chung của các giáo sĩ thuộc các hệ phái khác nhau.

Đúng hơn, buổi lễ nói tới quyết định theo lương tâm bản thân các Kitô hữu Công Giáo và Thệ Phản cá nhân. Ngài nói, “tôi tôn trọng một quyết định như thế và trao Mình Thánh nếu người tham dự tin những gì người Công Giáo tin và muốn lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong đức tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô”.

Vị Giám Mục này kêu gọi các người tham gia các buổi rước lễ không biến việc tham gia của họ thành “dấu biểu tình, nhưng tôn trọng đặc tính thiêng liêng và quyết định trung thực có tính bản thân của từng và mọi cá nhân”. Ngài nói mọi Kitô hữu không phải là Công Giáo không được mời Rước Lễ vì vẫn chưa có sự hợp nhất trọn vẹn giữa các Giáo Hội phân rẽ.

Ngài cho biết giáo luật Công Giáo vốn cho phép khả thể rước lễ của những người không phải là Công Giáo trong một số điều kiện. Ngài nói, “dĩ nhiên, chúng ta phải tiếp tục cuộc đối thoại thần học về ý nghĩa của Phép Thánh Thể và Tiệc Ly của Chúa và ý nghĩa của nó đối với sự hợp nhất Giáo Hội”.

Điều 844 tiết 4 Bộ Giáo Luật, qui định rằng “Trong trường hợp nguy tử hoặc nếu, theo sự nhận định của Giám mục giáo phận hay của Hội đồng Giám Mục, có một nhu cầu quan trọng khác thúc bách, các thừa tác viên Công Giáo có thể ban cách hợp thức các bí tích trên cho cả những Ki-tô hữu khác không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, khi họ không thể đến được với một thừa tác viên của cộng đoàn mình và khi họ tự ý xin điều đó, miễn là họ biểu lộ đức tin Công Giáo về các bí tích ấy, và miễn là họ đã được chuẩn bị đầy đủ”.

Các giám mục Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và Nam Phi đã ban hành hướng dẫn cho phép các cặp vợ chồng liên phái được rước lễ cùng nhau trong những dịp đặc biệt; hầu hết các hướng dẫn này liệt kê các dịp như đám tang gia đình và lễ rửa tội, rước lễ lần đầu, thêm sức, phong chức hoặc đám cưới của con cái họ. Một số giám mục cũng bao gồm các ngày đám cưới và kỷ niệm đám cưới của các cặp này, cũng như lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh và lễ Hiện xuống.

Từ khu vực này sang khu vực khác, các hướng dẫn tái khẳng định giáo huấn Công Giáo rằng “Rước Thánh thể được liên kết chặt chẽ với sự hiệp thông trọn vẹn trong Giáo hội và sự diễn tả hữu hình về nó”.

Đã từng có cuộc tranh luận sôi nổi trong thời gian dẫn tới công nghị đại kết, hay còn gọi là kirchentag, về các đề xuất cho phép các tín hữu tham gia vào các buổi lễ của giáo phái khác trên cơ sở quyết định lương tâm. Đáp lại, Vatican đã bác bỏ rõ ràng những lời mời tổng quát các người Công Giáo và thệ phản rước lễ chung.

Sự hiểu biết thần học khác nhau rất nhiều giữa các giáo phái Kitô giáo. Theo quan điểm Công Giáo, Chúa Giêsu hiện diện trong bánh và rượu. Ngược lại, các Giáo Hội Thệ Phản nhấn mạnh đến tính cách biểu tượng và tưởng niệm.

Liên quan đến quá trình cải cách trong Giáo Hội Công Giáo ở Đức, Đức Cha Bätzing cho biết Con Đường Đồng Nghị nhằm cải cách nội bộ Giáo Hội Công Giáo và “không liên quan đến việc đứng cùng hàng với phong trào Thệ Phản, như một số người cáo buộc chúng tôi”.