Tod Worner, trên bản tin của Aleteia ngày 13/06/2016, có nhắc lại một phần bài nói năm 1969 của Cha Joseph Rtazinger, tức Đức Bênêđíctô XVI trong tương lai, trong một chương trình truyền thanh ở Đức, trong đó, ngài đề cập tới tương lai Giáo Hội hậu Vatican II, một Công Đồng ngài trực tiếp tham dự trong tư cách chuyên viên thượng thặng.



Trong bài nói đó, ngài không cho là ngài có thể nói trước được tương lai. Không. Ngài không dại dột gì làm điều đó. Trên thực tế, ngài rất thận trọng đưa ra lời tuyên bố từ chối trách nhiệm về những nhận định khởi thủy này như sau:

“Do đó, chúng ta nên thận trọng trong những điều chúng ta chẩn đoán này. Điều thánh Augustinô nói vẫn đúng: con người là một vực thẳm; điều gì sẽ xuất hiện từ vực thẳm này, không ai thấy trước được. Và bất cứ ai tin rằng Giáo Hội không chỉ được xác định bởi vực thẳm là con người, mà còn vươn xuống một vực thẳm sâu hơn, vô tận, là Thiên Chúa, đều sẽ là người đầu tiên do dự đối với những tiên đoán của mình, vì ước muốn ngây thơ muốn biết chắc chắn chỉ có thể là lời tuyên bố là mình thiếu khả năng có tính lịch sử của mình".

Nhưng thời đại của ngài, với đầy rẫy nguy cơ hiện sinh, chủ nghĩa hoài nghi chính trị và bất thường về luân lý, luôn khao khát một câu trả lời. Giáo Hội Công Giáo, một ngọn hải đăng luân lý trong vùng biển đầy biến động vào thời nó, gần đây đã trải qua những thay đổi nhất định của chính nó, trong đó, người đồng tình lẫn người bất đồng đều tự hỏi, “Giáo hội sẽ ra sao trong tương lai?”

Và vì vậy, Cha Joseph Ratzinger đã đưa ra câu trả lời được cân nhắc thấu đáo của ngài. Sau đây là những nhận xét kết luận:

“Tương lai của Giáo hội có thể và sẽ xuất phát từ những người có cội nguồn sâu xa và những người sống bằng sự trọn vẹn đức tin của mình. Nó sẽ không xuất phát từ những người chỉ muốn thích ứng bản thân vào những khoảnh khắc mau qua hoặc từ những người chỉ đơn thuần chỉ trích người khác và cho rằng mình mới là những thước đo không thể sai lầm; nó cũng sẽ không xuất phát từ những người đi con đường dễ dàng hơn, những người bỏ qua một bên niềm đam mê đức tin, tuyên bố những điều sai lầm và lỗi thời, chuyên chế và theo chủ nghĩa duy pháp lý, tất cả những điều đòi hỏi con người, làm tổn thương họ và buộc họ phải hy sinh bản thân họ. Xin nói điều này một cách tích cực hơn: Tương lai của Giáo hội, một lần nữa cũng như luôn luôn, sẽ được định hình trở lại bởi các thánh, bởi những con người có tâm trí biết thăm dò sâu hơn những khẩu hiệu thời nay, những người nhìn thấy nhiều hơn những người khác, bởi vì cuộc sống của họ nắm được một thực tại rộng lớn hơn. Lòng vị tha, tức điều khiến con người được tự do, chỉ đạt được nhờ sự kiên nhẫn thực hiện các hành vi từ bỏ bản thân nhỏ nhặt hàng ngày. Nhờ chính niềm đam mê hàng ngày này, một điều một mình nó tiết lộ cho con người biết họ bị nô lệ bởi cái tôi của chính mình đến chừng nào, nhờ niềm đam mê hàng ngày này và chỉ riêng nó, đôi mắt con người mới từ từ được mở ra. Họ chỉ thấy tới mức họ đã sống và chịu đựng đau khổ. Nếu ngày nay chúng ta ít còn có khả năng nhận thức được Thiên Chúa, thì đó là vì chúng ta thấy có thể trốn tránh chính mình, trốn chạy khỏi những tầng sâu thẳm của hữu thể chúng ta bằng ma túy khoái lạc này nọ một cách quá dễ dàng. Vì vậy, những tầng sâu bên trong chúng ta vẫn im ỉm đối với chúng ta. Nếu con người chỉ có thể nhìn bằng trái tim, thì chúng ta quả mù quáng xiết bao!

“Làm thế nào để tất cả những điều này ảnh hưởng đến vấn đề chúng ta đang khảo sát? Nghĩa là những diễn từ lớn lao của những người nói tiên tri về một Giáo hội không có Thiên Chúa và không có đức tin đều là những lời bàn tán trống rỗng. Chúng ta không cần một Giáo hội chuyên cử hành việc sùng bái hành động trong các buổi cầu nguyện chính trị. Nó hoàn toàn vô dụng. Do đó, nó sẽ tự hủy chính nó. Điều còn lại là Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội tin vào Thiên Chúa, Đấng đã trở thành người và hứa cho chúng ta sự sống bên kia sự chết. Người ta có thể thay thế loại linh mục chỉ còn là nhân viên xã hội bằng nhà trị liệu tâm lý và các chuyên gia khác; nhưng loại linh mục không phải là chuyên gia, không đứng bên lề, theo dõi trận đấu, đưa ra lời khuyên chính thức, nhưng nhân danh Thiên Chúa tự đặt mình để con người sử dụng, người đứng bên cạnh họ trong nỗi buồn của họ, trong niềm vui, niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của họ, một linh mục như vậy chắc chắn cần đến trong tương lai.

“Chúng ta hãy vào sâu hơn một chút. Từ cuộc khủng hoảng ngày nay, Giáo hội của ngày mai sẽ xuất hiện - một Giáo hội đã mất mát nhiều. Giáo Hội ấy sẽ trở nên nhỏ bé và ít nhiều sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Giáo Hội ấy sẽ không còn có thể sống trong nhiều dinh thự mình đã xây dựng trong thời kỳ thịnh vượng. Khi số lượng tín hữu của mình giảm đi, Giáo Hội sẽ mất đi nhiều đặc quyền xã hội của mình. Tương phản với thời đại trước đó, nó sẽ được coi như một xã hội tự nguyện, chỉ được tham gia bằng quyết định tự do. Là một xã hội nhỏ, nó sẽ yêu cầu các thành viên cá thể của mình có sáng kiến nhiều hơn.

"Không nghi ngờ gì nữa, nó sẽ khám phá ra những hình thức thừa tác vụ mới và sẽ truyền chức linh mục cho những Kitô hữu nào được chấp thuận theo đuổi một số nghề nghiệp. Trong nhiều cộng đoàn nhỏ hơn hoặc trong các nhóm xã hội độc lập, việc chăm sóc mục vụ thường sẽ được cung cấp theo cách này. Song song với việc đó, thừa tác vụ linh mục trọn thời gian vẫn sẽ không thể thiếu như trước đây. Nhưng trong tất cả những thay đổi mà người ta chỉ có thể đoán phỏng, Giáo hội sẽ tìm thấy yếu tính của mình một cách mới mẻ và với niềm xác tín trọn vẹn vào điều luôn ở trung tâm của mình: đức tin vào Thiên Chúa ba ngôi, vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần cho đến tận thế. Trong đức tin và cầu nguyện, Giáo Hội sẽ lại nhận ra các bí tích là việc thờ phượng Thiên Chúa chứ không phải là một chủ đề để các nhà bác học phụng vụ tìm hiểu.

“Giáo hội sẽ là một Giáo hội thiêng liêng hơn, không đảm trách một nhiệm vụ chính trị, ít tán tỉnh cả với Cánh tả lẫn với Cánh hữu. Sẽ rất khó để Giáo hội bước đi, vì diễn trình làm trong như phalê và làm sáng tỏ sẽ cần rất nhiều đến năng lực quý giá của Giáo Hội. Nó sẽ khiến Giáo Hội trở nên nghèo hơn và khiến Giáo Hội trở thành Giáo hội của những người hiền lành. Diễn trình này sẽ càng gian khó hơn, vì nó đòi phải dẹp hết óc hẹp hòi bè phái cũng như ý chí tự cao tự đại huênh hoang. Người ta có thể dự đoán rằng tất cả những điều này sẽ cần rất nhiều thời gian. Diễn trình này sẽ rất dài và mệt mỏi giống như con đường từ chủ nghĩa duy tiến bộ sai lầm trước khi có Cách mạng Pháp - khi một giám mục được cho là thông minh nếu ngài đùa cợt với các tín điều và thậm chí còn bóng gió nói rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa không có gì là chắc chắn – bước qua việc đổi mới của thế kỷ XIX. Nhưng khi cơn thử thánh sàng lọc này qua đi, một sức mạnh to lớn sẽ phát xuất từ một Giáo hội được thiêng liêng hóa và đơn giản hóa nhiều hơn. Những người sống trong một thế giới hoàn toàn được lên kế hoạch sẽ thấy mình cô đơn không thể nào tả được. Nếu hoàn toàn không thấy Thiên Chúa, họ sẽ cảm thấy trọn bộ nỗi kinh hoàng về sự khốn cùng của họ. Lúc đó, họ sẽ thấy đoàn chiên nhỏ các tín hữu như một thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ. Họ sẽ thấy nó như một niềm hy vọng dành cho họ, một câu trả lời mà họ hằng bí mật tìm kiếm.

“Và vì vậy, với tôi, điều xem ra chắc chắn là Giáo hội đang phải đối đầu với những thời kỳ rất khó khăn. Cuộc khủng hoảng thực sự mới chỉ bắt đầu. Chúng ta sẽ phải cậy nhờ đến những biến động lớn. Nhưng tôi cũng chắc chắn không kém về những gì sẽ còn lại ở chung cuộc: không phải một Giáo hội của giáo phái chính trị, từng đã chết từ lâu, mà là một Giáo hội của đức tin. Nó có thể không còn là một quyền lực thống trị xã hội ở mức độ mà nó từng là cho đến gần đây; nhưng nó sẽ được nở hoa tươi tốt và được xem như tổ ấm của con người, nơi họ tìm được sự sống và hy vọng bên kia cái chết”.

Các nhận định trên, sau hơn 50 năm, vẫn còn hết sức đương thời. Theo Worner, Giáo Hội Công Giáo sẽ tồn tại bất kể con người, không nhất thiết vì họ. Nhưng tuy nhiên, chúng ta vẫn có phần để làm. Chúng ta phải cầu nguyện và trau dồi lòng vị tha, từ bỏ bản thân, trung thành, sùng kính Bí tích và một sống lấy Chúa Giêsu Kitô làm tâm điểm. Ông cho hay năm 2009, Ignatius Press đã phát hành toàn bộ bài phát biểu trên của Cha Joseph Ratzinger, tựa là “Giáo hội sẽ ra sao vào năm 2000”, trong một cuốn sách có tựa đề Niềm tin và Tương lai (Faith and the Future).