Hôm 14 tháng Ba, Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục của Munich và Freising, và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đã tuyên bố rằng Giáo Hội Công Giáo ở Đức đang bắt đầu một “tiến trình công nghị với hiệu lực ràng buộc” để giải quyết những gì ngài nói là ba vấn đề chính nảy sinh từ cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ: đó là luật độc thân linh mục, giáo lý về đạo đức tình dục và chủ nghĩa giáo sĩ trị.

Phản ứng về đề nghị này của Đức Hồng Y Marx, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của tổng giáo phận Köln /kœln/ (tiếng Anh là Cologne /kəˈloʊn/) đã có một bài nhận định đăng trên tờ First Things ngày 10 tháng Tư, 2019.

Nguyên bản tiếng Đức có nhan đề “Christus im Blick” đăng trên Die Tagespost có thể xem ở đây. Bản tiếng Anh có nhan đề “Looking at Christ” đăng trên First Things có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.
Looking at Christ - Hướng nhìn về Chúa Kitô
Hồng Y Rainer Maria Woelki
Bản dịch Việt ngữ: J.B. Đặng Minh An

Giáo Hội mà làm gì? Câu hỏi đơn giản và vô vị này vang lên ngày càng thường xuyên hơn. Và nó thường được trả lời một cách thẳng thừng: Tôi không cần Giáo Hội! Thượng Đế à? Mục đích của cuộc sống ư? Chúng ta đến từ đâu và chúng ta đi về đâu, thắc mắc làm gì? Ngày càng có nhiều người tự trả lời những câu hỏi này, hoàn toàn không màng đến Giáo Hội. Những người khác cố quên đi những câu hỏi hiện sinh này khi có thể. Đối với nhiều người, rời khỏi Giáo Hội là hệ quả hợp lý của sự không tin; những người khác thừa nhận Giáo Hội tối thiểu cũng có một vai trò xã hội nhất định nào đó, một mục đích bác ái có thể hợp pháp hóa sự tồn tại của Giáo Hội và có thể biện minh cho việc hỗ trợ cho Giáo Hội, cho dù họ không dính líu gì đến Giáo Hội. Các giá trị Kitô giáo không sai, họ nói, và Giáo Hội thực sự có giúp đỡ cho những người gặp khó khăn. Những người khác đánh giá Giáo Hội không hơn gì một yếu tố của truyền thống văn hóa chúng ta và là một chủ nhân quan trọng [mang lại nhiều công ăn việc làm cho xã hội]. Thật đáng kinh ngạc và xấu hổ khi càng ngày càng ít người muốn nghe chính thông điệp cứu độ. Họ không yêu cầu các bí tích và xem Phúc Âm là tin đồn phát xuất từ lòng sùng đạo, và kinh tin kính chỉ là tư duy ma thuật. Rõ ràng, các sứ giả của đức tin đã thất bại.

Do đó, còn khẩn cấp hơn nữa đối với các tín hữu là hãy đặt câu hỏi này cho chính mình. Tại sao chúng ta cần đến Giáo Hội? Chúng ta cần đặt câu hỏi này, coi nó như một thách thức và cơ hội để suy ngẫm và tự trấn an. Người Công Giáo không nên đơn giản cho rằng họ đã luôn biết câu trả lời. Thay vào đó, câu trả lời phải được tìm thấy một lần nữa. Nó phải được học lại và hiểu lại. Bằng chứng ngày hôm nay cho thấy rằng Giáo Hội – nghĩa là tất cả chúng ta - đều đã thất bại về chính điều đó.

Có một cuộc tranh luận đang diễn ra về “những cải tổ” cần thiết trong Giáo Hội ở Đức. Nó phản ánh một cảm giác khủng hoảng. Giáo Hội cảm nhận được những sai lầm và những nhược điểm của riêng mình một cách sâu sắc, những nhược điểm đó không kích hoạt nhưng được làm rõ lên đáng kể bởi vụ tai tiếng lạm dụng và sự mất niềm tin tàn khốc do nó gây ra. Nhưng trong những cuộc tranh luận này, câu hỏi hàng đầu thường bị đảo lộn. Chúng ta nghe những loại câu hỏi: Mọi người muốn gì? mong đợi điều gì nơi Giáo Hội? Điều gì thuận lợi và những gì đầy trắc trở? Giáo Hội phải thích nghi ở những điểm nào để có thể được chấp nhận? Từ đó, những đòi hỏi đang được nhanh chóng hình thành buộc Giáo Hội phải buông bỏ những gì là “lỗi thời” và phải “cập nhật”, và rằng nếu không có những nhượng bộ trước những gì người ta yêu cầu thì Giáo Hội đơn giản là sẽ không có tương lai. Hơn thế nữa, Giáo Hội phải công nhận thực tế của cuộc sống đương đại, thậm chí phải thay đổi nhận thức xem thực tại của cuộc sống như là một nguồn mặc khải bổ sung. Trong một cuộc tranh luận được định hình theo kiểu này các cuộc thảo luận luôn luôn được kết thúc với một nhu cầu: “Giáo Hội phải tái tạo lại bản thân mình.” Chắc chắn là những câu hỏi và những khẳng định này đáng được tôn trọng, chứ không nên được đáp trả một cách hằn học. Chúng bắt nguồn từ những mối quan tâm và tình huống khó xử mà tôi có thể chia sẻ dựa trên kinh nghiệm cá nhân của riêng mình. Nhưng tôi đi đến những kết luận khác.

Thực tế thực sự là một sự mặc khải, nhưng không nhất thiết là một mặc khải từ Thiên Chúa. Phương châm của chúng ta, do đó, không phải là thích ứng với thực tế đương đại, mà là giải thích nó theo ánh sáng của Phúc Âm. Giáo Hội được kêu gọi để phân định. Đừng bận tâm đến sức ép của truyền thông và kỳ vọng của công chúng bất kể chúng mạnh mẽ đến thế nào, Giáo Hội không thể bị bắt nạt phải thay đổi đạo lý của mình nếu thay đổi đó trái ngược với tinh thần của Phúc Âm. Điều đó không chỉ áp dụng cho các tín lý trung tâm về Chúa Ba Ngôi hoặc bản tính Ngôi Con của Chúa Kitô, mà còn được áp dụng đối với các vấn đề cơ bản khác. Nó còn được áp dụng cho trật tự sáng tạo, sự bổ sung giữa người nam và người nữ, tình yêu, sự chung thủy và cởi mở của họ với cuộc sống mới. Tôi tin chắc rằng sự trung thành cần thiết này của Giáo Hội với tinh thần Phúc Âm cũng được áp dụng cho những ai, kể từ thời Tân Ước, đã dành hết tự do của mình cho Chúa Kitô và cho những người được giao phó cho họ bằng cách từ bỏ hôn nhân và gia đình. Cuối cùng, nó cũng được áp dụng cho sự kiện là Giáo Hội, vâng theo gương mẫu của Chúa Kitô, không thể phong chức linh mục cho phụ nữ. Những điều này và các quyết định tương tự như thế có tầm ảnh hưởng quan yếu đến mức không thể thay đổi bằng một nét bút. Thay đổi những điều như thế thì có khác gì tuyên bố rằng những hướng dẫn mà Chúa Cha ban qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội là không đáng tin cậy, và việc Giáo Hội khẳng định nền tảng thiêng liêng của mình chỉ là một lời nói dối. Sự yếu đuối như vậy không dẫn đến tương lai.

Tôi cũng chẳng thấy bị thuyết phục trước lập luận cho rằng Giáo Hội sẽ không có lựa chọn nào khác, vì mọi người sẽ “bỏ phiếu bằng đôi chân của mình” và quay lưng lại với Giáo Hội. Thông điệp của chính Chúa Kitô đôi khi được đáp lại với sự chấp thuận và cổ vũ, nhưng cũng lắm khi vấp phải hiểu nhầm và từ chối: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6:60). Chúa Giêsu đã không thích nghi giáo huấn của mình với mong muốn của người dân: Thay vào đó, vì lợi ích của sự thật Ngài chấp nhận rằng “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.” (Ga 6:66). Số đông và đa số không bao giờ có thể quyết định sự thật; kinh nghiệm của Giáo Hội và cả kinh nghiệm lịch sử nói chung cho thấy rằng đa số có thể sai lầm và lầm đường lạc lối một cách khủng khiếp. Dù sao cũng nên đặt câu hỏi: đa số là gì? Nói một cách rõ ràng: phải chăng đức tin của Giáo Hội cũng phải bị bẻ cong trước áp lực của sự nghi ngờ về sự phục sinh của Chúa Kitô? Liệu đa số cuối cùng có quyền quyết định loại bỏ cảm thức có lỗi và tội lỗi khỏi niềm tin Kitô hay không? Chuyện gì xảy ra nếu những người “bỏ phiếu bằng đôi chân của mình” một ngày nào đó từ chối không tin vào bản tính Ngôi Con của Chúa Kitô, và giản lược Ngài xuống thành một con người gương mẫu không hơn không kém? Trong những trường hợp như thế, liệu những gì tôi đã nghe rất nhiều lần trong những tuần gần đây vẫn còn được áp dụng hay không? Liệu Giáo Hội phải “có hành động” vì không có lựa chọn khác? Liệu những “thực tại mới” này cũng được khẳng định là nguồn mặc khải?

Một điều nữa cần xem xét: Từ các báo cáo trên các phương tiện truyền thông, người ta nhanh chóng có ấn tượng rằng tình dục, chứ không phải đức tin, là vấn đề ở đây. Bằng cách nào đó, mọi thứ dường như xoay quanh tình dục, trực tiếp hoặc gián tiếp: luật độc thân linh mục, tái hôn, sống thử mà không kết hôn, đồng tính luyến ái, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Giáo Hội nên cẩn thận đừng xác nhận bức tranh méo mó này bằng cách giới hạn bản thân trong những cuộc tranh luận như thế. Và khi Giáo Hội nói về tình dục, Giáo Hội nên phản ảnh về những gì là thiết yếu, những gì là tốt và hy vọng. Trung tâm giáo huấn của Giáo Hội không phải là sự cấm đoán mà là một lời hứa, một lời hứa về hạnh phúc. Tình dục của con người là một phần trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, và sống có ý thức và có trách nhiệm là nguồn vui và sự sống mới. Giáo huấn luân lý của Giáo Hội, thường bị chỉ trích và được cho là cần cải cách, giữ nguyên một lời hứa có nguy cơ bị tuyệt chủng trong văn hóa giải trí của chúng ta ngày nay, đó là tình yêu vĩ đại tồn tại! Tình yêu tồn tại như lời hứa không thể phá vỡ của Chúa đối với chúng ta. Tình yêu cũng có thể tồn tại và được trải nghiệm trong cuộc sống của chúng ta trong một cuộc hôn nhân ổn định hay trong đời sống tận hiến của linh mục; và cả tình yêu với Chúa là đích điểm, niềm an ủi và nguồn sức mạnh của chúng ta. Trên thực tế, những người này tồn tại ở đây và bây giờ: đó những người đã kết hôn, gắn bó với nhau qua những thịnh vượng và gian truân, chung thủy với nhau suốt cuộc đời; các linh mục và tu sĩ sống ơn gọi trong thời thuận tiện cũng như những lúc khó khăn. Trong những ồn ào thúc bách rằng điều này điều kia phải thay đổi và tất cả đã lỗi thời, chúng ta không được quên những thực tế này.

Cuối cùng, tất cả những người trong và ngoài Giáo Hội đang hô hào mạnh mẽ những thay đổi (bãi bỏ cuộc sống độc thân linh mục, xem xét lại đồng tính luyến ái, phong chức cho phụ nữ, chấp nhận quan hệ tình dục ngoài hôn nhân) đã không trả lời được một câu hỏi: Tại sao các Kitô hữu Tin lành ở Đức không phát triển? Họ đã thực hiện tất cả những gì đang được hô hào. Tuy nhiên, họ không ở một vị thế tốt hơn chúng ta, có thể thấy tỏ tường trong sự thực hành đức tin của họ, họ chỉ tuyển dụng được rất ít người cho các hoạt động mục vụ, trong khi dòng người lũ lượt rời bỏ giáo hội của họ vẫn không dứt. Chẳng lẽ những điều đó không chỉ ra rằng vấn đề thực sự nằm ở chỗ khác, và rằng toàn bộ Kitô giáo đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về đức tin và nhận thức, chứ không phải là thích ứng hay không với một “thực tại mới của cuộc sống” được trình bày như không thể cưỡng lại được?

Trong thế giới hiện tại của chúng ta, có một sự thiếu hiểu biết lan rộng về các khía cạnh trung tâm của đức tin Công Giáo, đặc biệt liên quan đến các bí tích và chức tư tế, nhưng cũng liên quan đến những sự thật cơ bản đã được mặc khải và cách thức các Kitô hữu thực hành đức tin và sống cuộc sống của họ. Hơn bất cứ điều gì khác, sự thiếu hiểu biết cơ bản về đức tin đang rất phổ biến trong xã hội phải đánh thức người Công Giáo chúng ta mới phải! Nó cho thấy rõ rằng chúng ta đang làm điều gì đó sai. Chúng ta đang nói quá nhiều về Giáo Hội theo những thuật ngữ được xác định bởi thế giới, và không đầy đủ về Chúa Kitô. Quá thường xuyên, chúng ta nhìn vào chính mình, chứ không thường xuyên nhìn vào Ngài. Ngay từ đầu, Kitô giáo là một nền văn hóa thay thế; nó đứng giữa thế giới này và bước vào một thời khắc đặc biệt của lịch sử. Kitô Giáo không phải là một trường phái tư tưởng hay triết học, nhưng ngay từ đầu đã một cuộc gặp gỡ với một nhân vị sống động, một niềm tin nơi máu thịt, một điều có thể được trải nghiệm cụ thể. Đức tin này không bao giờ có chung một cùng đích với thế giới. Đức tin của chúng ta luôn hướng đến một thế giới khác, một thế giới siêu việt.

Đức Bênêđíctô XVI đề nghị rằng “de-worldlization” (Entweltlichung, tách rời khỏi thế gian) phải là con đường của Giáo Hội. Khái niệm quan trọng này đã bị gạt sang một bên quá nhanh chóng, nhưng nên được xem xét lại sâu sắc hơn. Theo tôi, nó không có nghĩa là rút lui khỏi thế giới, nhưng là nhớ đến đặc tính độc đáo của thông điệp cứu độ Kitô giáo. Chỉ khi Giáo Hội hướng nhìn xa hơn thế giới này và làm chứng cho việc Con Thiên Chúa đã cứu chuộc thế giới, Giáo Hội mới tiếp tục chinh phục được mọi người và đưa họ đến ơn cứu rỗi.

Nói một cách trực tiếp: Chúng ta phải đối diện với sự lựa chọn sâu sắc này hoặc Giáo Hội tách biệt khỏi tinh thần thế gian, hoặc thế giới này tách biệt khỏi Kitô Giáo ít nhất ở phần này của thế giới, mà người Đức chúng ta đang sống.

Đừng hiểu lầm tôi: Tôi không đề xuất chủ nghĩa truyền thống mù quáng, hoặc một nỗi hoài nhớ về những ngày xưa được cho là tốt đẹp. Tôi cũng không muốn chúng ta khoanh tròn trong các toa xe, giống như một đàn chiên nhỏ ngoan đạo đang cố thủ. Trái lại, tôi muốn tăng trưởng và hồi sinh. Tôi muốn niềm tin ở đây và bây giờ. Nhưng những chứng tá của chúng ta chỉ có thể chạm vào và truyền cảm hứng cho mọi người ngày hôm nay nếu như chúng ta trung thành với sứ mệnh của mình. Con đường của Giáo Hội chỉ có thể dẫn vào tương lai, chứ không thể đi vào quá khứ. Nhưng Giáo Hội sẽ chỉ có thể định hình tương lai nếu Giáo Hội tái cam kết với Chúa Kitô và trở về với Ngài ở nơi Giáo Hội đã lạc mất Ngài.

Giáo Hội để làm gì? Câu trả lời cần phải được tìm kiếm và gặp lại một lần nữa, chứ không phải là phát minh lại. Nếu chúng ta thành thật, con người không phát minh ra bất cứ thứ gì, cả thế giới lẫn bản thân chúng ta, cả Giáo Hội lẫn đức tin. Tất cả mọi thứ được giao phó cho chúng ta. Mọi thứ đã được trao cho chúng ta không phải vì bất kỳ công đức nào của chúng ta. Chỉ trong tinh thần này và với sự khiêm nhường này, Giáo Hội mới có thể canh tân mình. Giáo Hội phải để cho mình được hướng dẫn không phải bằng cách nhìn vào bản thân hay thế giới, mà cách duy nhất là nhìn vào Đấng Cứu Rỗi, nhìn vào Chúa Kitô.

+ Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki Tổng Giám Mục Cologne.
Source:First Things