Thần học gia kiêm nhà báo Andrea Gagliarducci, một nhà quan sát Vatican kỳ cựu, nhân kỷ niệm năm thứ sáu triều giáo hoàng Phanxicô, đã có một số nhận định sâu sắc về cố gắng giải quyết nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của Đức Đương Kim Giáo Hoàng (xin xem http://www.mondayvatican.com/vatican/pope-francis-pontificate-turns-six-and-now).

Barbarin và Pell

Hôm trước ngày kỷ niệm năm thứ sáu triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, có tin gây ngỡ ngàng là Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng Giám Mục Lyon, bị kết án 6 tháng tù treo ở tòa sơ thẩm về việc che đậy lạm dụng. Điều này cho thấy: năm nay không hẳn là năm dễ dàng đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Việc kết án Đức Hồng Y Barbarin diễn ra song song với việc kết tội Đức Hồng Y Pell. Hai vụ án có những điểm tương tự.

Đức Hồng Y Pell sẽ kháng án. Ngài từng bị cáo buộc phạm tội lạm dụng năm 2002, và ngài đã tự ý ngưng chức quản trị tổng giáo phận Melbourne để phục hồi thanh danh. Ngay hồi đó, đã có nhiều hoài nghi đối với các lời cáo buộc ngài.

Đức Hồng Y Barbarin cũng sẽ kháng án. Ngài đã không nhận tội vào năm 2016 về cùng các cáo buộc từ cùng một người, mặc dù truyền thông không nhấn mạnh điều đó. Phiên tòa chống lại ngài diễn ra vì ở Pháp, người ta có thể khởi kiện trực tiếp, và vì thế bị cáo trực tiếp bị đưa ra xét xử. Đó là điều đã xảy ra, và Đức Hồng Y Barbarin đã bị xét xử trong khi các người được coi là nạn nhân mới lên tiếng, và thậm chí một bộ phim tài liệu đã khiến dư luận chống lại Đức Tổng Giám Mục Lyon.

Đức Hồng Y Barbarin đã tuyên bố sẽ từ chức tổng giám mục Lyon. Ngay lập tức, các báo cáo của giới truyền thông đã khéo léo khiến người ta nghĩ rằng ngài sẽ mất tước Hồng Y. Điều này không đúng chút nào. Chỉ có vị Giáo hoàng mới có thể lấy đi chiếc mũ đỏ, và Đức Hồng Y Barbarin vẫn sẽ là một Hồng Y cả khi việc từ chức của ngài được chấp nhận.

Áp lực báo chí và tuyên bố của Phủ Quốc Vụ Khanh

Khả thể ảnh hưởng đến Giáo hội khá rôm rả, và báo chí luôn cố gắng làm điều này. Nó đã làm như thế trước mật nghị hội bầu giáo hoàng năm 2013, khi báo chí chỉ trích khả thể một số Hồng Y được vào mật nghị hội, nêu lý do chung là vì các ngài bị cáo buộc che đậy lạm dụng.

Áp lực đó đã dẫn đến quyết định của Tòa Thánh ngăn chặn Đức Hồng Y Keith O’Brien tham gia mật nghị hội. Vì hành vi sai trái về tình dục, Đức Hồng Y O’Brien đã bị tước quyền và nghĩa vụ Hồng Y.

Áp lực đó cũng khiến Phủ Quốc Vụ Khanh phản ứng, với một thông cáo có lời lẽ khá mạnh.

Phủ Quốc Vụ Khanh đã viết rằng: “Quyền tự do của Hồng Y đoàn, một cơ chế có nhiệm vụ bầu Giám Mục Rôma, luôn được Tòa Thánh bảo vệ một cách kiên quyết, để đảm bảo rằng việc nó lựa chọn là hoàn toàn dựa trên những đánh giá vì lợi ích của Giáo Hội”.

Thông báo trên viết tiếp: “trong suốt nhiều thế kỷ, các vị Hồng Y từng phải đối diện với nhiều hình thức áp lực, đặt lên các cử tri cá thể và trên cùng một hợp đoàn này, nhằm mục đích điều kiện hóa các quyết định (của hợp đoàn này), khuôn định các quyết định này theo các lý do chính trị hoặc thế gian".

Phủ Quốc Vụ Khanh cuối cùng đã tố cáo rằng, “nếu trong quá khứ, các điều gọi là thế lực, tức các quốc gia, đã cố gắng đặt điều kiện cho việc bầu cử Giáo hoàng, thì giờ đây, sức nặng của dư luận đã được sử dụng như một công cụ, thường dựa trên cơ sở đánh giá vốn không nắm bắt được khía cạnh thiêng liêng của thời điểm Giáo hội đang sống”.

Vì lý do đó, thông báo đã kết luận, “lúc mật nghị hội bầu giáo hoàng đang tới gần và các vị Hồng Y cử tri sắp sửa được giữ yên tại một nơi, một cách đầy ý thức và trước mặt Thiên Chúa, để biểu lộ một cách hoàn toàn tự do sự lựa chọn của các ngài”, quả là “một điều đáng trách là các tin tức không được kiểm chứng, không thể kiểm chứng hoặc thậm chí giả mạo luôn được loan truyền nhiều hơn, cũng gây nhiều thiệt hại cho người và định chế”.

Đó là năm 2013. Áp lực truyền thông này không bao giờ giảm đi. Và đây có lẽ là rào cản chính mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phải đối đầu trong năm sắp tới của triều giáo hoàng.

Cố gắng cân bằng

Hội nghị thượng đỉnh về Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội là một nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô để bắc cầu với các phương tiện truyền thông. Trong bài phát biểu Giáng sinh trước Giáo Triều Rôma hồi tháng 12, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi truyền thông đã làm sáng tỏ các trường hợp lạm dụng. Trong bài phát biểu cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhìn nhận rằng cuối cùng quả có áp lực của truyền thông.

Năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên lịch rất nhiều chuyến đi quốc tế: Bulgaria và Bắc Macedonia đã được lên kế hoạch, sẽ có một hoặc hai chuyến đi châu Phi, và gần như chắc chắn một chuyến khác đi Nhật Bản. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể nâng cao khả tín tính của Giáo hội, đặc biệt là về cuộc khủng hoảng lạm dụng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cam kết mạnh mẽ chống lại việc lạm dụng của các giáo sĩ. Ngài đã thành lập Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ các vị thành niên và cũng đã gặp các nạn nhân tại Vatican.

Mặt khác, ngài cố gắng cân bằng các vấn đề. Vụ tai tiếng ở Chile chỉ được giải quyết khi các cáo buộc không còn có thể phủ nhận được nữa: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bảo vệ các linh mục của ngài cho đến tận giây phút cuối cùng. Ngài cũng đã làm như thế với vấn đề McCarrick, nghĩa là Đức Giáo Hoàng chỉ giải quyết mạnh mẽ khi sự việc dường như đã rõ ràng.

Các ví dụ khác: Đức Tổng Giám Mục Gustavo Zanchetta đã không được yêu cầu từ nhiệm khỏi chức vụ giám định viên của ngài ở Cơ quan Quản trị Gia tài của Tòa thánh, một chức vụ được tạo ra và thiết kế cho ngài bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Hồng Y Pell đã xin nghỉ phép, và ngài đã không còn là Bộ trưởng Bộ Kinh tế nữa khi hết nhiệm kỳ. Việc từ chức của Đức Hồng Y Wuerl trong tư cách tổng giám mục Washington sau tuổi nghỉ hưu đã được Đức Giáo Hoàng hoan nginh bằng một lá thư ca ngợi ngài: Đức Hồng Y Wuerl vẫn còn ở đó tại tổng giáo phận trong tư cách giám quản tông tòa.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn coi là có giá trị nguyên tắc vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Nguyên tắc này cũng sẽ có hiệu lực đối với Đức Hồng Y Barbarin, người muốn từ chức, nhưng việc từ chức của ngài không nên được chấp nhận để giữ một tính gắn bó nào đó trong việc xử lý các vấn đề này.

Năm thứ sáu triều giáo hoàng của Đức Phanxicô sẽ diễn tiến trên các chi tiết đó.

Gần đây, mọi điều đã được tăng tốc, và có người thậm chí đã nói đến bầu khí “kết thúc triều giáo hoàng”. Có vẻ như không phải vậy. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng chắc chắn muốn đóng lại một số tình huống bỏ ngỏ.

Truyền thông ấn định nghị trình?

Mặc dù có nhiều tình huống bỏ ngỏ, mọi điều dường như tập trung vào vấn đề lạm dụng. Một lần nữa, truyền thông đã ấn định nghị trình.

Ngay hội nghị thượng đỉnh cũng nói đến vấn đề này. Valentina Alazraki, một nhà báo, nói với các giám mục rằng các nhà báo có thể là đồng minh tốt nhất của các ngài trong vấn đề minh bạch và là kẻ thù tồi tệ nhất trong các vấn đề che đậy.

Có lẽ một cách vô tình, Alazraki mặc nhiên nhấn mạnh rằng báo chí là một thế lực, trong khi việc báo cáo đã trở thành thứ yếu. Điều này đã được lưu ý trong các cuộc thảo luận kín cửa sau bài thuyết trình. Bên ngoài hội trường, sứ điệp này không ai biết đến.

Khi được coi như một thế lực, báo chí không còn là báo chí nữa. Nó nhất thiết trở nên thiên vị. Nó quyết định đứng về phía này hay phía khác, và chẳng quan trọng chi nếu nó bênh vực quyền lợi của phía sai. Tính khách quan không còn nữa và mọi người viết theo quan điểm riêng của mình. Tuy nhiên, báo chí có sứ mệnh phục vụ sự thật, hơn là trở thành đồng minh hoặc kẻ thù đối với một ai đó.

Đi tìm một trình thuật mới

Cũng thế, triều giáo hoàng của Đức Phanxicô sinh ra với hoài bão từ đầu là tìm kiếm một trình thuật mới. Ý tưởng là có được một triều giáo hoàng thân thiện với truyền thông, có khả năng làm giảm bớt các cuộc tấn công mà Giáo hội vốn bị nhắm đến.

Phía sau lưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã có một nghị trình mạnh mẽ, từ quan điểm thần học đến quan điểm truyền thông. Dù sự việc không diễn ra đúng như nghị trình đã áp đặt lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cảm giác cho rằng Đức Giáo Hoàng có thể cách mạng hóa Giáo hội vẫn còn đó.

Cảm giác này không được hỗ trợ bằng các sự kiện, mà chỉ nhờ các ấn tượng được Đức Giáo Hoàng tạo ra qua cung cách làm việc và cách nói năng của ngài, một điều thường mơ hồ, không rõ ràng và mở cửa cho nhiều lối giải thích khác nhau.

Trên thực tế, sau sáu năm, hiện có và đã có: một cuộc cải cách Giáo Triều được nhiều người chờ đợi, một cuộc cải tổ sẽ kinh qua một cuộc tham khảo khắp thế giới; một hình ảnh vĩ đại về Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhưng không giúp Giáo hội đổi mới; một rì rỏ Vatileaks khác; sự hiện diện của nhiều nhóm áp lực (vấn đề thực chất không phải là nhóm vận động hành lang đồng tính nam đúng nghĩa); yêu cầu Giáo hội thay đổi tín lý của mình; và các trường hợp lạm dụng, được sử dụng để làm suy giảm tính khả tín của Giáo hội, những vấn đề này vẫn còn đó.

Sau sáu năm, vẫn chưa có những cuộc cách mạng lớn, được mong đợi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô thảo luận với mọi người, nhưng tự mình đưa ra các quyết định, gạt sang một bên tính hợp đoàn (collegiality) và thay thế nó bằng khái niệm Giáo Hội như “Mẹ Thánh có phẩm trật”.

Thách thức lớn

Từ góc nhìn khác, chúng ta có một loạt các vấn đề khác nhau. Một số ví dụ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói về chủ nghĩa thực dân ý thức hệ, và sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ để chống phá thai và bảo vệ gia đình tự nhiên; Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại rằng ngài sẽ không mở đường cho việc thừa nhận các linh mục đã kết hôn, và việc Thượng hội đồng đặc biệt về vùng Pan-Amazon có thể sẽ đặt vấn đề này ra để thảo luận cũng vẫn sẽ không có nghĩa là Đức Giáo Hoàng sẽ quyết định theo đó. Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường tỏ ra không thích các lập trường tín lý, và vì lý do này, ngài không bao giờ trả lời cuộc thảo luận phát sinh sau khi công bố tông huấn Amoris Laetitia.

Mặt khác, ngoài một số vấn đề tín lý nêu ra bởi tông huấn hậu thượng hội đồng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không bao giờ thay đổi tín lý của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn nhấn mạnh rằng việc bảo vệ sự sống phải được đóng khung trong lĩnh vực rộng lớn hơn của công bằng xã hội, nhưng ngài không thay đổi tín lý, và nhất là tín lý trong thông điệp Humanae Vitae, như nhiều người đã nghĩ.

Sáu năm sau, nay chúng ta đang trải nghiệm một ngôi vị giáo hoàng cần phục hồi một tính khả tín nào đó, trong khi thế giới thế tục cho rằng đây không phải là ngôi vị giáo hoàng mong đợi.

Cuộc khủng hoảng lạm dụng lại xuất hiện trên hiện trường. Phải xử lý các trường hợp lạm dụng ra sao? Cảnh sát phải được trao cho cơ hội can thiệp vào vụ việc của Giáo Hội, hay Tòa Thánh nên chú ý hơn trong việc duy trì sự độc lập của mình?

Hiện nay, đó là thách thức lớn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.