Trong vụ bồi thẩm đòan kết tội Đức Hồng Y Pell, người ta thường nghe nói tới cụm từ “beyond reasonable doubt” mà nếu dịch từng chữ thì có thể là “vượt quá sự hoài nghi hợp lý” nôm na là ngài có tội “vượt quá sự hoài nghi hợp lý”.
Có vị linh mục hỏi người viết ý nghĩa thực sự của cụm từ này. Người viết chỉ biết trả lời nôm na như vậy. Tra từ điển luật pháp của Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội năm 1991, thấy họ định nghĩa cụm từ này như sau: “không hữu lý để nghi ngờ, chuẩn chắc chắn, chuẩn xác, đó là mức mà bồi thẩm đoàn lấy quyết định bị can có tội hay vô tội”.
Định nghĩa như thế hình như cũng không hơn kiểu ta hiểu nôm na bao nhiêu. Tra cứu tài liệu tiếng Anh, chúng tôi gặp được bài Jury Directions and “reasonable doubt của William Shrubb trên trang mạng https://www.ruleoflaw.org.au/beyond-reasonable-doubt/ và thấy cụm từ này nói lên một khía cạnh chủ quan nào đó nơi thẩm phán và bồi thẩm đoàn. Chúng tôi chuyển ngữ tiếng Việt bài này để độc giả rộng đường phán đoán:
Suy đoán vô tội là một phần quan trọng của bất cứ hệ thống tư pháp hình sự công bằng nào dưới nguyên tắc thượng tôn pháp luật (rule of law). Cách rõ ràng nhất mà chúng ta bảo vệ sự suy đoán vô tội trong hệ thống của chúng ta là qua tiêu chuẩn chứng minh cao được đặt lên công tố viện trong một phiên tòa hình sự: họ phải chứng minh vụ kiện chống lại bị cáo “vượt quá sự hoài nghi hợp lý”.
Tuy nhiên, sự bảo vệ đó nghe có vẻ ít đúng hơn, hoặc có vẻ ít chắc chắn hơn, khi nội dung của cụm từ được giải thích theo nhiều cách khác nhau.
Bài viết này sẽ tìm hiểu các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn về sự suy đoán vô tội liên quan đến thượng tôn pháp luật ra sao. Khi làm như vậy, bài viết này sẽ sử dụng một trường hợp điển hình (case study) gần đây của tiểu bang Victoria: Dookheea.
Các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn
Vào cuối phiên tòa có bồi thẩm đoàn, sau khi tất cả các bằng chứng đã được đưa ra trước bồi thẩm đoàn, và sau khi công tố và bên bào chữa đã đưa ra các tuyên bố kết thúc, thẩm phán sẽ tổng hợp vụ án cho bồi thẩm đoàn. Ông hay bà này sẽ duyệt lại các bằng chứng và lập luận của cả hai bên và lên khuôn các nguyên tắc pháp lý dựa vào đó bồi thẩm đoàn phải đưa ra quyết định. Những nhận xét này của thẩm phán được gọi là “các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn” (jury directions).
Các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn ngày càng trở nên thường xuyên hơn khi diễn trình hình sự phát triển qua nhiều thế hệ. Trước khi hệ thống xét xử chúng ta có ngày nay, ở Vương quốc Anh trong thế kỷ thứ mười tám, đã có những việc như sau:
Thẩm phán có vai trò giám sát, dẫn dắt điều vốn là một cuộc thảo luận phần lớn phi cấu trúc với các bồi thẩm viên, nhân chứng, bị cáo và ngươì được coi là nạn nhân. Các thẩm phán có quyền hạn vô giới hạn để bình luận với bồi thẩm đoàn về bằng chứng và giá trị của vụ án khi họ làm việc với nhau để thu lượm bằng chứng.
“Cuộc thảo luận phi cấu trúc” ấy dần dần phát triển thành hệ thống đối chất (adversarial system) chúng ta có hiện nay, trong đó:
"Việc trình bày các trường hợp để truy tố và bào chữa trở thành trách nhiệm của luật sư qua việc kiểm tra và đối chất (cross-examination) các nhân chứng. Một hệ thống các luật lệ về chứng cớ được khai triển để điều chỉnh và qui định diễn trình này, và quyền của thẩm phán và bồi thẩm đoàn trong việc đích thân thu thập chứng cớ đã bị hạn chế nặng nề. Trong đó có quan niệm cho rằng bồi thẩm đoàn độc lập đối với thẩm phán và phán quyết (verdict) cũng như các nghị án (deliberations) dẫn đến phán quyết của họ là điều không ai có thể dò được.
Khi bồi thẩm đoàn phát triển vai trò độc lập mới này, các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn cũng phát triển song hành: để uốn nắn, cũng như ngăn chặn, bồi thẩm đoàn sai lầm trong việc thi hành vai trò của họ.
Ủy ban cải cách luật pháp New South Wales giải thích mục đích của các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn này như sau:
"Hệ thống các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn tiếp tục hoạt động theo một tiền đề căn bản này: các bồi thẩm viên sẽ gặp khó khăn trong việc thi hành trách nhiệm của họ nếu không có sự hướng dẫn thích hợp của thẩm phán. Các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn nhằm giúp các bồi thẩm viên thi hành vai trò của họ trong việc quyết định các vấn đề sự kiện dưới ánh sáng các nguyên tắc có thể áp dụng được của luật pháp. Chúng nhằm tập chú tâm trí của bồi thẩm đoàn vào những vấn đề thực sự của vụ án. Chúng tìm cách ngăn chặn các bồi thẩm viên dựa quyết định trên các sự kiện không được thừa nhận làm bằng chứng hoặc xem xét bằng chứng cho một mục đích khác với mục đích được thừa nhận. Khi làm như vậy, các hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn phục vụ mục đích lớn hơn là đảm bảo một phiên tòa công bằng hoặc, nói khác đi, để tránh bất cứ “rủi ro có thể thấy nào về việc hoài thai công lý”.
Vượt quá sự hoài nghi hợp lý
Một trong những hướng dẫn chủ chốt được đưa ra cho các bồi thẩm đoàn trong các phiên tòa hình sự khắp nước Úc là nhắc nhở họ về quyền bị cáo được suy đoán là vô tội, và chỉ bị kết tội nếu bồi thẩm đoàn đã được thuyết phục “vượt quá sự nghi ngờ hợp lý”. Hướng dẫn chủ chốt này chỉ là sự bảo vệ cuối cùng dành cho sự suy đoán vô tội, một khái niệm đã có trong các hệ thống luật hình sự trên khắp thế giới trong nhiều thế kỷ, và từng được mô tả một cách nổi tiếng là “sợi chỉ vàng” xuyên suốt hệ thống luật tập tục (common law).
Vấn đề duy nhất với các hướng dẫn này là không phải lúc nào người ta cũng hiểu rõ “hoài nghi hợp lý” nghĩa là gì.
Rõ ràng, không phải mọi hoài nghi đều hợp lý. Trong hệ thống của chúng ta, công tố không bắt buộc phải chứng minh tội lỗi của bị cáo “vượt quá mọi hoài nghi có thể có”. Việc nâng cao tiêu chuẩn của bằng chứng lên mức đó sẽ khiến cho việc bảo đảm có được lời kết tội gần như bất khả hữu, và sẽ ngăn cản xã hội không thể cảnh sát các hành vi hình sự.
Mặt khác, việc hạ thấp tiêu chuẩn bằng chứng cho công tố sẽ loại bỏ các bảo vệ quan trọng cho bị cáo. Xã hội của chúng ta đã quyết định rằng tự do cá nhân là điều quan trọng, và sự nhuốc nhơ và đối xử liên quan đến trách nhiệm hình sự là điều mạnh mẽ, đến nỗi chúng ta yêu cầu các bồi thẩm đoàn phải được thuyết phục theo một tiêu chuẩn đặc thù trước khi họ thấy một bị can có tội như đã bị tố cáo.
Vì vậy, câu hỏi là, tiêu chuẩn đặc thù đó là gì?
Văn phòng nghiên cứu và thống kê tội phạm của tiểu bang New South Wales đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2008 về điều người ta hiểu cụm từ “vượt quá sự hoài nghi hợp lý”. Họ đã thăm dò 1,200 người từng là bồi thẩm viên trong các phiên tòa hình sự trên toàn tiểu bang. Kết quả như sau:
• 55,4% các bồi thẩm viên tin rằng cụm từ đó có nghĩa là họ cần phải "chắc chắn" rằng, người đó có tội;
• 22,9% tin rằng nó có nghĩa là "hầu như chắc chắn";
• 11,6% tin rằng điều đó có nghĩa là “rất có thể”; và
• 10,1% tin rằng điều đó có nghĩa là “khá có khả năng”.
Như báo cáo của Văn phòng nghiên cứu và thống kê tội phạm của tiểu bang NSW đã rí rỏm ghi nhận: “Đây quả là một phát biểu ý kiến phân tán quá rộng rãi”.
Báo cáo cũng gợi ý rằng một số việc làm sáng tỏ phải được đưa ra cho các bồi thẩm viên về ý nghĩa của cụm từ này. Hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn sẽ là cách hiển nhiên để cung cấp việc làm sáng tỏ này.
Tuy nhiên, theo luật hiện hành ở Úc - được hướng dẫn bởi phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Green v R (1971) 126 CLR 28 - các thẩm phán không có nghĩa vụ phải đưa ra bất cứ minh giải nào cho các bồi thẩm đoàn. Cụm từ “vượt quá sự hoài nghi hợp lý”, không cần được giải thích ngoài chính các từ ngữ của nó. Như Tòa án đã nói trong vụ Green, các thẩm phán nên:
“Tuân thủ và không cố gắng giải thích một cách không cần thiết câu tuyên bố cổ điển về bản chất của gánh nặng chứng cớ (onus of proof) nằm ở phía công tố (the Crwon)".
Hướng dẫn duy nhất do Tòa án cung cấp về ý nghĩa của cụm từ là: “Một hoài nghi hợp lý là một hoài nghi mà bồi thẩm đoàn đặc thù xem xét ngay trong hoàn cảnh. Chính các bồi thẩm viên tự đặt ra tiêu chuẩn cho điều hợp lý trong hoàn cảnh".
Trường hợp điển hình Dookheea
Điều trên đưa chúng ta đến trường hợp điển hình Dookheea ở tiểu bang Victoria. Ông Dookheea và vợ của ông đã bị buộc tội về cái chết của chủ nhân họ, ông Zazai, người mà họ bị cáo buộc đã đánh đập và sau đó siết cổ đến chết.
Ông Dookheea đã bị một bồi thẩm đoàn tại Tòa án tối cao Victoria kết tội giết người, nhưng ông đã kháng cáo bản kết tội ông với lý do một trong những hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn được đưa ra trong phiên tòa đó. Khi tổng kết vào cuối phiên tòa đó, thẩm phán nói:
“Câu hỏi mà các bạn phải tự đặt ra là ‘Công tố có thiết lập vượt quá được sự hoài nghi hợp lý rằng lúc ông Dookheea vi phạm hành vi hoặc các hành vi có liên quan gây ra cái chết của ông Zazai, ông ta có ý định giết ông Zazai hoặc khiến ông này bị thương thực sự nghiêm trọng?' Như một hệ luận, các bạn có thể hỏi, ‘tôi có hoài nghi hợp lý rằng lúc ông ta vi phạm hành vi hoặc các hành vi liên quan gây ra cái chết của ông Zazai, ông Dookheea có ý định giết ông Zazai hoặc khiến ông ta bị thương thực sự nghiêm trọng?’ Nói cách khác, các bạn không cần phải tìm ra dứt khoát trạng thái tâm trí của ông Dookheea là gì khi ông gây ra những vết thương giết chết ông Zazai. Các bạn phải xem xét liệu Công tố có làm các bạn hài lòng không rằng ông Dookheea có ý định, một điều bắt buộc phải có. Và Công tố phải làm các bạn hài lòng về điều này không vượt quá bất cứ sự hoài nghi nào, nhưng vượt quá sự hoài nghi hợp lý”.
Câu cuối cùng trên đây – “không vượt quá bất cứ sự hoài nghi nào, nhưng vượt quá sự hoài nghi hợp lý” - đã bị coi là một lỗi lầm của thẩm phán. Trái với Tòa án tối cao trong vụ Green, thẩm phán xét xử đã cố gắng làm rõ ý nghĩa của việc “vượt quá sự hoài nghi hợp lý”, trong bản tóm tắt của bà. Việc kết tội ông Dookheea đã bị gạt sang một bên và lệnh tái thẩm được ban bố.
Thượng tôn pháp luật (rule of law)
Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, chưa kể đến sự suy đoán vô tội, bắt đầu bị phá hoại khi hai người bị xử cùng vì các tội phạm tương tự, nhưng lại được phán xử theo hai tiêu chuẩn khá khác nhau - ví dụ, một bồi thẩm đoàn cảm thấy họ phải “chắc chắn” về tội lỗi, trong khi bồi thẩm kia chỉ cảm thấy nó “có khả năng khá cao”.
Đường lối cứng rắn của các tòa án cấp cao ở Úc đối với việc giải thích nội dung của cụm từ “vượt quá sự hoài nghi hợp lý” bắt nguồn từ nỗ lực duy trì tính liêm chính (integrity) của diễn trình quyết định của bồi thẩm đoàn, và không làm cho 1 diễn trình vốn phức tạp trở thành quá phức tạp.
Tuy nhiên, việc từ chối nhìn xa hơn “cụm từ ma thuật’ này có thể cũng gây thiệt hại cho nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Việc bảo vệ do nguyên tắc suy đoán vô tội ngày nghe như càng ít chân thực hay xem ra ít chắc chắn hơn, khi nội dung của cụm từ bị giải thích theo những cách rộng rãi như trên.
Trong vụ xét xử Đức Hồng Y George, người ta lưu ý: ngài phải ra trước hai phiên tòa gần như liên tiếp nhau. Trong phiên tòa đầu tiên, bồi thẩm đoàn chia rẽ theo tỷ lệ 10 người không thấy ngài phạm tội, chỉ có 2 người cho rằng ngài phạm tội. Tại phiên tòa sau, cả 12 người trong bồi thẩm đoàn cho rằng ngài phạm tội “beyond reasonable doubt” sau khi được thẩm phán Peter Kidd “hướng dẫn” cả cụm từ này nữa. Theo cung cách ông này kết án Đức Hồng Y Pell, cụm từ đó có thể đã được giải thích một cách thiên kiến khiến sinh hiểu lầm nơi bồi thẩm đoàn. Ta hãy chờ xem vào tháng Sáu này, khi tòa thượng thẩm xét vụ ngài kháng án. Dù sao, ta vẫn tin tưởng nơi Chúa Quan phòng, hơn là tính liêm chính của con người. Cầu nguyện vẫn là phương cách tốt nhất.