Chúng tôi chỉ dám tường thuật hầu qúy độc giả phản ứng trước bản án 6 năm tù của Đức Hồng Y Pell của báo chí Công Giáo, vì báo chí thế tục phần lớn nghiêng hẳn về lập luận Đức Hồng Y Pell có tội và đáng bị như thế, dù biết rằng ngài vẫn còn đang kháng án và luôn tuyên bố mình vô tội. Nguyên sự kiện họ không trung thực, trái lại giải thích thái độ bình thản của ngài sau khi bị 1 tòa án thiên lệch kết án là trân tráo, là thiếu “hối hận” cũng đủ thấy truyền thông Úc đã bị chuốc độc ra sao. Đọc các tường trình truyền thông của Úc, ta gặp thấy những kiểu nói xúc phạm không nhằm vào cá nhân Đức Hồng Y Pell mà nhằm vào Đạo Công Giáo nói chung là đủ thấy tư cách thiên kiến đầy thù nghịch của họ ra sao đối với Đạo.
Thực vậy, chúng tôi từng cho rằng tờ The Australian tương đối có cảm tình với Đức Hồng Y Pell vì một trong các ký giả của họ, trong một cuộc hội thoại cách nay hơn tuần lễ, hình như trên Đài Số 7, cho rằng Giáo Hội Công Giáo đã có rất nhiều cải tiến trong lãnh vực chống lạm dụng và các vụ lạm dụng hiện đang được chú ý chỉ là những chuyện đã xẩy ra cách nay 2, 3 chục năm. Nhưng trong tường trình buổi lên án Đức Hồng Y Pell, một ký giả của nó mô tả y phục của Đức Hồng Y Pell khi ngài xuất hiện trước tòa bằng một ngôn từ mách qué “không có chiếc cổ chó” (dog collar, đúng ra là cổ cồn rôma = roman collar).
Hãng tin Catholic News Agency là hãng đầu tiên chúng tôi thu lượm được bài viết về vụ kêu án Đức Hồng Y Pell. Họ thuật lại nội dung bản án tù 6 năm và việc Đức Hồng Y “duy trì sự vô tội của ngài và sẽ kháng án vào tháng Sáu”. Họ cũng nhấn mạnh đây là vụ xử thứ hai sau 1 vụ xử không thành vì có tới 10 bồi thẩm viên trong số 12 người muốn tha Đức Hồng Y.
Về việc kháng án, hãng tin này cho hay: “tài liệu kháng án viết rằng: ‘các lời kết tội vô lý và không được nâng đỡ, liên quan đến chứng cớ, vì dựa vào toàn bộ chứng cớ, kể cả chứng cớ giải tội (exculpatory) không bị thách thức của hơn 20 nhân chứng, người ta đã không để cho bồi thẩm đoàn được thỏa mãn bên kia sự hoài nghi hợp lý về lời nói của một nguyên cáo mà thôi”.
Hãng CNA nhắc lại trường hợp Đức Tổng Giám Mục Wilson, bị kết án hồi tháng 5 năm ngoái vì không tường trình các lời tố cáo lạm dụng tình dục trẻ em được tiết lộ cho ngài trong thập niên 1970. Nhưng qua tháng 12, một tòa án quận đã lật ngược bản án trên sau khi nói rằng có hoài nghi hợp lý tội ác đã xẩy ra và sau khi Đức Tổng Giám Mục đã thọ án 5 tháng của bản án 12 tháng giam tại nhà.
CNA thuật lại các phản ứng lẫn lộn: “Trong khi nhiều nhân vật trong giới truyền thông Úc ca ngợi việc kết án, một số người Úc hoài nghi việc này, gây ra một cuộc tranh luận đáng kể khắp nước”.
Hãng tin này thuật lại phản ứng của Greg Craven, phó viện trưởng Viện Đại Học Công Giáo Úc, người, trên tờ the Australian, ngày 27 tháng Hai, viết rằng diễn trình công lý đã bị hoen ố bởi truyền thông và lực lượng cảnh sát khi cố gắng “bôi lọ thanh danh” của Đức Hồng Y Pell “trước khi ngài hầu toà. Đây không phải là câu truyện liệu bồi thẩm đoàn đúng hay sai, hay liệu công lý có được coi là thắng thế hay không. Mà là câu truyện liệu bồi thẩm đoàn có được dành cho một cơ hội hợp tình hợp lý hay không để đưa ra quyết định, và liệu hệ thống pháp lý của chúng ta có thể được phục vụ bên trên đám đông truyền thông ô hợp (media mob) hay không”.
Tạp chí Crux thì cho rằng chính chánh án Kidd cũng phải thừa nhận áp lực của thứ truyền thông đám đông trên (xem “Pell sentenced to six years in prison after conviction on abuse charges”, Crux, 13 tháng Ba). Tờ này thuật lại lời Kidd: “trong phiên kêu án vào hôm thứ Tư, Quan tòa Peter Kidd, chánh án Tiểu Bang Victoria, nhìn nhận rằng có ‘việc săn phù thủy hoặc não trạng đám đông đánh bề hội đồng [lynching]’ quanh Đức Hồng Y Pell.
Crux cho rằng “bồi thẩm đoàn thứ hai thấy Pell có tội phần lớn dựa vào chứng từ của một cậu trai, nay đang ở tuổi 30, người cung cấp chứng cớ cho một tòa án kín”.
Crux thuật lại: “những người phê phán lời buộc tội nêu nhiều câu hỏi về tính hợp lý của các lời kết tội. Viết cho tờ The Australian liền sau khi việc kết tội được công bố, Cha Dòng Tên Frank Brennan, một địch thủ lâu năm về thần học của Pell, nói rằng ngài thấy các lời kết tội ‘không thể nào tin được’”.
Crux cho biết thêm: việc tòa thượng thẩm Victoria công bố sẽ xử lại vụ án Đức Hồng Y Pell vào tháng 6 này được “nhiều nguồn tại Úc mô tả là ‘tiến hành nhanh’ (fast-tracked), vì các phiên thượng thẩm thường chỉ được lên lịch trước 1 năm hay hơn, và ngày tháng hiếm khi được ấn định trước khi có bản án”.
Về luật sư Robert Richter, người mà lối biện hộ bị nhiều người hoài nghi, riêng Crux cho rằng “Việc kháng án của Pell sẽ không được lãnh đạo bởi luật sư đã đại diện ngài trong phiên xử hình sự, Robert Richter, người bị phê phán là tổ chức dở việc bênh vực và còn đưa ra các nhận định gây nhục mạ trong phiên toà trước khi kêu án”. Không biết luật sư thay thế là Bret Walker có duy trì 3 cơ sở kháng án mà Richter đã công bố hay không, đó là: vô lý, ngăn cấm chiếu bằng chứng video trong diễn văn kết thúc phiên tòa và thành phần bồi thẩm đoàn.
Tuy nhiên, Giáo sư Jeremy Gans, một chuyên gia kháng án và thủ tục phá án hình sự, thì nói với tờ Guardian Australia rằng vô lý chắc chắn là “cú ăn tiền nhất” của Đức Hồng Y Pell, hiếm khi không thành công, lại có lợi điểm thêm là có thể không có phiên xử lại.
Crux nhắc lại thông cáo của Tòa Thánh trước đây về vụ này. Và lời Đức Tổng Giám Mục Fisher, người mà Crux cho là được Đức Hồng Y Pell che chở, tuyên bố ngày 3 tháng Ba: “khi vấn đề của Đức Hồng Y còn đang tiếp diễn tại tòa án, tôi không thể bình luận về bản chất; tôi thúc giục người ta đừng rút ra bất cứ kết luận sau cùng nào cho tới khi các quan tòa phúc thẩm có cơ hội duyệt lại vấn đề này”.
Ngài nói thêm: “giữa các xúc cảm nóng bỏng hiện nay, tôi cũng cầu xin cho công chúng bình tĩnh và lịch thiệp” và ngài thấy “nhiều câu hỏi nghiêm túc để tòa thượng thẩm xem xét”.
“Nếu chúng ta quá vội vàng phê phán, chúng ta dám kết cục đứng vào hàng ngũ những người thóa mạ (demonizers) hay những người biện giáo, những người be be đòi máu hay những người bác bỏ”.