Đó là câu hỏi do Ed Condon, ký giả của hãng tin CNA, người đã dám đăng tải một số chi tiết liên quan đến vụ xử Đức Hồng Y Pell lúc còn lệnh cấm của Tòa sơ thẩm Melbourne, đặt ra.
Ký giả này cho rằng dù việc thông qua một bản kêu án thường kết thúc một vụ án, thì vụ Đức Hồng Y Pell còn lâu mới giải quyết xong. Mặc dù ngài đang ngồi tù, nhưng việc kháng án của ngài chắc chắn sẽ được mang ra xử vào tháng Sáu. Trong khi đó ở Rôma, một diễn trình giáo luật sẽ được tổ chức để khảo sát cùng các cáo buộc chống lại ngài.
Hiện tại, Pell là một tù nhân của nhà nước và là một Hồng Y tại chức - một sự kết hợp chưa từng có trong thời hiện đại.
Các nhà bình luận, cả Công Giáo lẫn thế tục, tiếp tục đặt câu hỏi làm thế nào bồi thẩm đoàn đạt được phán quyết nhất trí của họ đối với bằng chứng. Đồng thời, những người ủng hộ nạn nhân đang yêu cầu Pell bị loại khỏi Hồng Y đoàn, và thậm chí cả bậc giáo sĩ nữa, một cách nhanh chóng như đối với Theodore McCarrick.
Giữa tình huống này, nhiều người chỉ còn biết hỏi: điều gì tiếp theo xẩy ra cho Đức Hồng Y Pell?
Mặc dù Vatican đã tuyên bố rằng một diễn trình giáo luật sẽ khảo sát các cáo buộc chống lại Pell, nhưng những người lấy trường hợp McCarrick làm điển hình có khả năng thấy đây là một so sánh sai lầm.
McCarrick đối đầu với một loạt các cáo buộc và người cáo buộc – cả vị thành niên lẫn thành niên - kéo dài mấy thập niên trước. Đức Hồng Y Pell chỉ đối đầu với một người tố cáo duy nhất tại tòa án hình sự. Mặc dù có vẻ như ngài cũng sẽ phải đối đầu với vụ kiện dân sự về các cáo buộc có từ những năm 1970 và thời gian làm linh mục ở Ballarat, các công tố viên đã bỏ kế hoạch xét xử hình sự vì những cơ sở này.
McCarrick, tất nhiên, không bao giờ phải đối diện một ngày nào tại tòa án dân sự. Do đó, không có tài liệu tòa án hoặc bản ghi lại lời chứng nào để xem xét trong diễn trình giáo luật. Vì trọng lượng và khối lượng các lời buộc tội mà ông phải đối đầu, Bộ Giáo lý Đức tin đã xử lý với McCarrick bằng cách sử dụng một diễn trình hành chính rút gọn.
Các luật sư của Pell chắc chắn sẽ tranh biện, thậm chí nhấn mạnh, để đòi một phiên tòa đầy đủ ở Rôma – tự nó vốn là một diễn trình dài hơn, có thể ít nhất cũng dài bằng phiên tòa dân sự xử Đức Hồng Y Pell.
Trước khi phiên tòa ấy thậm chí có thể bắt đầu, các giai đoạn ban đầu của diễn trình giáo luật bao gồm một cuộc điều tra sơ bộ có nhiệm vụ thu thập thông tin sẵn có về các lời cáo buộc. Điều này gần như chắc chắn sẽ bao gồm các bằng chứng được sử dụng tại tòa án để kết án Đức Hồng Y Pell ở Victoria, nhưng các nhà điều tra của Vatican và các nhà giáo luật riêng của Đức Hồng Y Pell cũng sẽ quan tâm đối với bất cứ tài liệu mới nào có sẵn trong thời gian kháng cáo của ngài.
Mặc dù diễn trình giáo luật chống lại Đức Hồng Y Pell có thể được tiến hành chính thức ở Rôma, nhưng chắc chắn nó chỉ có thể bắt đầu một cách nghiêm túc khi ngài đã được minh oan bởi tòa kháng cáo của Úc hoặc đã sử dụng hết các giải pháp kháng cáo.
Quay trở lại Victoria, nhóm luật sư của Đức Hồng Y Pell đang đặt cơ sở cho kháng cáo của họ lên Tòa án tối cao ở Victoria, một phần dựa trên sự bất hợp lý trong quyết định của bồi thẩm đoàn.
Luật sư của ngài đã viết trong đệ trình của họ rằng: “Các lời kết án là không hợp lý và không thể được hỗ trợ, căn cứ vào bằng chứng, vì dựa trên toàn bộ các bằng chứng, bao gồm bằng chứng giải tội không bị thách thức của hơn 20 nhân chứng, nó không mở cho bồi thẩm đoàn (cơ hội) được thỏa mãn quá sự nghi ngờ hợp lý về lời lẽ của một người khiếu nại duy nhất”.
Tại tâm điểm nhiều chỉ trích đối với phán quyết chống lại Đức Hồng Y Pell là việc rõ ràng thiếu bằng chứng hoặc lời chứng kiểm chứng [corroborating evidence or testimony]. Các luật sư của Đức Hồng Y Pell, không được phép chất vấn độ đáng tin rộng hơn của người tố cáo, mặc dù người được cho là nạn nhân thứ hai đã chết vào năm 2014 sau khi liên tục phủ nhận rằng anh ta đã bị lạm dụng.
Trong khi tám người đàn ông và bốn phụ nữ hài lòng quá sự nghi ngờ hợp lý về tội lỗi của Đức Hồng Y Pell, thì một bồi thẩm đoàn trước đó đã đưa ra quyết định chia rẽ 10-2 ủng hộ Đức Hồng Y Pell, nhiều nguồn tin nói với CNA như thế, đưa đến một vụ xử bất thành [mistrial]. Nhiều người tự hỏi liệu bản án thứ hai có phải là một bản án chống Giáo Hội Công Giáo ở Úc, chứ không chống Đức Hồng Y Pell cách riêng không.
Những người khác ghi nhận hàng thập niên truyền thông tập trung vào và phỉ báng đích thân Đức Hồng Y Pell, nhưng không liên quan gì đến những cáo buộc mà ngài phải đối đầu. Trong diễn trình đọc bản án trên truyền hình kéo dài hàng giờ, Thẩm phán Peter Kidd đã nhận định rằng, “công bằng mà nói trong một số giới trong cộng đồng [Đức Hồng Y Pell là] một nhân vật bị phỉ báng công khai”.
Kidd nói “Chúng ta đã chứng kiến, bên ngoài tòa án này và trong cộng đồng của chúng ta, những điển hình về một cuộc săn lùng phù thủy hoặc một não trạng bề hội đồng [lynch mob] liên quan đến ông, thưa Hồng Y Pell. Tôi hoàn toàn lên án hành vi như vậy”.
Mức độ mà não trạng bề hội đồng này có thể đã đóng một vai trò trong tòa án chắc chắn sẽ xuất hiện trong vụ kháng cáo của Đức Hồng Y Pell. Một não trạng như vậy đã rất chủ yếu trong việc lật ngược việc kết tội Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson năm ngoái, khi một thẩm phán thấy rằng bản án ấy nhắm vào Giáo hội như một định chế chứ không phản ảnh bằng chứng chống lại Đức Tổng Giám Mục Wilson.
Khi đe dọa do một phiên tòa thứ hai gây ra đã được dỡ bỏ, dường như diễn trình kháng cáo có thể không phải chịu các hạn chế truyền thông hà khắc giống như phiên xử đầu tiên của vụ án, cho phép các bằng chứng chống lại ngài sẽ nhận được sự xem xét và chỉ trích tương tự mà Đức Hồng Y Pell đã phải chịu trong nhiều thập niên.
Trong khi ấy, mặc dù có những lời kêu gọi từ những người ủng hộ và các nhóm nạn nhân, nhưng Rôma dường như không thể có thêm bất cứ hành động nào liên quan đến Đức Hồng Y Pell trong thời gian gần đây. Dù phản ứng chính thức của Vatican vẫn cực kỳ tôn trọng các tòa án Úc, một cách tư riêng, nhiều người ở Rôma đã bày tỏ sự kinh hoàng trước phán quyết này, bao gồm nhiều người trong số này cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy Đức Hồng Y Pell bị loại khỏi công việc cải tổ tài chính của Vatican.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ không có mong muốn hay khuyến khích nào để đánh phủ đầu việc kháng cáo của Pell, hoặc tỏ ra minh oan cho một bản án gây tranh cãi bằng cách loại ngài ra khỏi Hồng Y đoàn, nhưng vẫn tránh nguy cơ bị coi là để mặc ngài bị chết khô nếu việc kháng cáo của ngài thành công.
Trước khi bị giam giữ, Đức Hồng Y Pell đã bị áp dụng các biện pháp phòng ngừa không thi hành các thừa tác vụ công cộng hoặc có liên hệ với trẻ vị thành niên trong thời gian bị xử. Bây giờ, với Đức Hồng Y Pell được báo cáo đang bị biệt giam phần lớn trong ngày, các biện pháp này có phần dư thừa.
Theo chính quyền nhà tù Úc, các tù nhân không được phép chủ sự các buổi lễ tôn giáo hoặc có rượu nho, nghĩa là Đức Hồng Y Pell không thể cử hành Thánh lễ, dù là riêng tư, trong điều kiện hiện tại của ngài.
Với việc chưa có kết quả dứt khoát tại các tòa án dân sự hoặc giáo luật, và không có giới hạn nào nữa đối với quyền tự do của Đức Hồng Y Pell, điều tiếp theo bây giờ đối với những người chỉ trích ngài và những người ủng hộ ngài, cả ở Rôma lẫn ở Úc - và cả với chính ngài – chắc chắn là phải chờ đợi lâu cho đến tháng Sáu .
Trong khi việc thông qua bản kêu án thường đánh dấu sự kết thúc của một vụ án, tình huống của Pell đã không được giải quyết. Mặc dù ngài đang ở trong tù, nhưng kháng cáo của ngài dự kiến sẽ được xét xử vào tháng Sáu.