TIN VUI THỜI ĐIỂM

“Các người thường nói: “Ráng chiều ửng hồng, rạng đông sẽ đẹp;” hoặc “Trời kia màu đỏ pha thâm, hôm nay giông gió không nhầm đâu ai.” Các người đã biết nhìn điềm trời mà luận thời tiết, cớ sao không biết xem dấu chỉ mà luận thời kỳ?” (Mt 16:1-3).


THỜI ÐIỂM NGƯỜI YÊU TRONG XÓ BẾP

Một bài dân ca Tây Tạng thật mộc mạc buồn cười nhưng lại rất ý nghĩa:

Tôi không thấy người yêu.

Tôi đã tìm khắp nơi.

Tôi lên núi tuyết,

tôi xuống lũng sâu.

Tôi đi từ Ðông qua Tây,

từ Nam lên Bắc.

Tôi tìm kiếm và kiếm tìm,

rồi cuối cùng tôi thấy người yêu

đang ở ngay trong xó bếp...


ÐIỆU NHẢY KHÁT TÌNH

Chuyện ông tổng thống một nước giầu nhất thế giới có vợ con đàng hoàng lại đi kiếm chác thêm tí tình lẻ làm cho mọi người đàm tiếu chả còn ra cái thể thống gì cả! Vì có thể ông không tin rằng người yêu đã ở trong nhà mình, nhưng phải luôn đi ra ngoài tìm khích động, phải làm thỏa cơn thèm khát của ông.

Mà cũng chẳng phải chuyện ông tổng thống. Thời buổi khát tình này cứ thích ca lên ông ổng: “I need you, I need you, I need you', anh khát em, em thèm anh." Chữ cuối cùng phải ngân dài ra cho thảm thương tha thiết kiểu cải lương trước khi ngã xuống sàn giẫy giẫy xùi bọt mép giống như lên cơn xì ke!

Chưa bao giờ trong lịch sử loài người qua các nền văn minh mà tình yêu lại được bào chế giống như một bi thuốc thật “phê” làm cho đã cơn thèm như ngày nay. Người yêu trở thành đối vật để thỏa cơn khát chứ không còn nói tới hy sinh quên mình. Chẳng lạ gì hạnh phúc rụng rơi như sung, văng vãi khắp các văn phòng thầy cãi.

DẤU CHỈ ÐẾN HỒI KHỐC LIỆT

Người mình vẫn thường nói: thượng bất chính, hạ tắc loạn. Rối từ trên rối xuống, hỏng từ trong hỏng ra, thì chữa thế nào được?! Cuối một nền văn minh, cuối một ngàn năm, con người ngơ ngác trước những chuyện xảy ra mà chẳng hiểu gì cả, hoặc chẳng còn gì để hiểu thì đúng hơn. Cái xe đã rạc thì chữa chỗ này chưa xong lại đã sinh tật chỗ khác. Cơn chấn động về tiền và về tình xảy ra cùng một lúc trên thế giới báo hiệu điềm gì khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới?

Ðã đến lúc cần một cuộc bừng tỉnh lớn, thay đổi từ gốc rễ sau những suy thoái và khủng hoảng. Và cuộc góp phần của các tôn giáo vào cuộc phục hưng tinh thần này thật cần thiết. Alan Havey đã là một nhân chứng cho cuộc bừng tỉnh về tâm linh được ghi nhận trong cuốn “Ðá Ngọc” (The Mani Stones). Một hôm ông cùng với người bạn là Dennis đi lên Tây Tạng thì tình cờ chứng kiến một cảnh rất lạ thường:

“Chúng tôi đi dọc theo con đường chính duy nhất của thành phố, con đường vắng tanh không một bóng người. Mọi nhà đều đóng cửa im ỉm, thỉnh thoảng chỉ có vài con chó hoang gầy ốm chạy rong. Chúng tôi nhìn thấy một bà lão hành khất, thân hình còm cõi chỉ còn da bọc xương đang lê lết trên vỉa hè. Tôi bèn cúi xuống dúi cho bà ít bạc lẻ nhưng bà vẫn giơ tay ra trước mặt như muốn xin thêm một cái gì. Dennis rút ổ bánh mì trong chiếc túi đeo trên vai đưa ra, bà lão mừng rỡ chụp lấy ăn ngay, thì ra bà lão quá đói. Trong lúc bà đang ăn ngấu nghiến thì một con chó hoang ở đâu chạy tới. Trước cặp mắt kinh ngạc của chúng tôi, bà lão bẻ đôi ổ bánh mì chia cho con chó.”

“Cảnh tượng một bà lão không có một thứ gì ngoài bộ quần áo rách tả tơi, đang lả đi vì đói, lại thản nhiên chia sẻ nửa phần ăn của mình cho một con chó hoang đã làm chúng tôi xúc động. Bà lão hành động một cách tự nhiên, không ngại ngùng hay suy nghĩ. Hình như bà lão không hề phân biệt giữa mình với con chó...”

Ðiều mà bà lão hành động đã thể hiện niềm tin của Ðông Phương từ xa xưa: vũ trụ nhất thể. Ðây lại là một khám phá mới nhất của khoa học thời nay về vật lý lượng tử (quantum physics): vũ trụ chỉ là một toàn khối, một sức sống duy nhất với những phân tử đang nhảy múa chuyển vần theo hướng.

Người với ta tuy hai mà một

Ta với người tuy một mà hai.


Sức sống của người khác là sức sống của chính mình. Thương người như thể thương thân. Vì người khác không còn là một đối vật ở ngoài mình nữa mà là chính phần thân thể của mình. Như thế mình chỉ hạnh phúc khi làm cho người khác hạnh phúc. Và ngược lại, ích kỷ là tự làm khổ mình, tự tách lìa khỏi dòng sống sung mãn của đất trời, để trở thành cái vũng nước tù ủng thối. Chẳng lạ gì khi con người của nền văn minh này càng lo vơ vét chôm chỉa thì càng làm cho mình nghèo nàn khổ sở thêm ra.

TIN VUI TÌM LẠI CHẤT TÌNH (Chúa nhật 26c)

Bà Betty Eadie, sau khi chết rồi bỗng sống lại, đã cho biết cái bí mật của đời sống trong cuốn “Ðược Ánh Sáng Ấp Ủ” (Embraced by the Light, Gold Leaf Press, 1992).

Mọi vật đều chung một lực sống nhất thể. Cái lực nối kết và làm sinh động chính là tình thương. Hạnh phúc hay không là do được yêu thương và biết yêu thương, chứ không phải do tiền bạc hay bất cứ hăm hở kiếm tìm mệt nhọc nào của con người hiện tại. Những người đã chết đi thật, đã gặp được cõi sáng và trở lại với một tin vui rất giản đơn trong sáng: “Tình thương là tất cả. Tình thương phải thống trị. Chúng ta được sinh vào trần gian là để sống tràn trề sung mãn, thấy được niềm vui trong mọi sự và mọi biến cố thành công hay thất bại”. “Tôi thấy tôi là chính những người tôi xúc phạm, và cũng là chính những người tôi giúp đỡ.” Thương người là thương chính mình, tạo được sinh khí. Ghét người là ghét chính mình, làm mất đi nhiệt lực sống.

Ðây cũng là một khám phá mới nhất của nhân loại qua mẹ Mẹ Teresa tại Calcutta với khẩu hiệu ngắn, gọn: “Làm những chuyện nhỏ với tình thương lớn.”

Trên mặt đất lúc này có cả năm tỷ người, tức là năm tỷ cá nhân biệt lập, với những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần. Nhưng những người đã chết rồi sống lại đều cho biết rằng: người với ta tuy hai mà một, điều mà Kinh Thánh đã nói rõ: "Anh chị em là thân thể chúa Kitô." (1Cor 12:27)

Câu truyện Tin Vui tuần này Chúa Giêsu kể về một nhà phú hộ sống phè phỡn chả cần đếm xỉa gì tới người hành khất La-gia-rô nghèo khổ đói khát. Tội nhà phú hộ phải sa hỏa ngục không phải vì gian lận bóc lột người khác, mà là tội mù mắt không nhận ra cái đau của người nghèo La-gia-rô là cái đau trong chính thân mình, đã thiếu sót không làm điều đáng lẽ phải làm. Nhà phú hộ đã tự làm tắc mạch thành ao tù tách lìa khỏi dòng lực sống, và như vậy là tự đầy đọa làm khổ mình. Như kiểu hủy hoại môi sinh, làm ô nhiễm nước và không khí, thì hậu quả bây giờ nhiều người đang phải trả trông thấy.

PHÚT TỊNH TÂM

Tình trạng tê liệt buồn chán của nhiều người thời đại cũng có thể đang diễn ra nơi tôi lúc này. Vì đóng kín, ích kỷ, chỉ biết gom góp cho mình mà chẳng bao giờ thỏa. Ðó là giá phải trả. Tôi đang đi tìm tình thương và hạnh phúc nhiều nơi và bằng nhiều cách. Tôi đang mất đi nhiệt lực và sinh khí đời sống, cho đến khi tôi sực nhận ra rằng khi bắt đầu biết cho đi, biết thể hiện tình thương đích thực nơi những người đau khổ nghèo đói, là tôi tìm lại được niềm vui trong đời. Như câu nói đã nghe từ lâu:

“Bạn đang buồn chán ư? Hãy đứng dậy, xắn tay áo lên xem quanh bạn có ai cần bạn giúp đỡ không, rồi bạn sẽ thấy vui ngay.”

Ðúng vậy. Tình yêu hạnh phúc thì thật gần, ngay trong tầm tay, ở xó bếp, nơi người nghèo đói, chứ không phiền phức quá như nhiều người đang thèm khát mò mẫm đầu tắt mặt tối. Bài dân ca Tây Tạng vẫn mãi vang vọng:

Tôi không thấy người yêu.

Tôi đã tìm khắp nơi.

Tôi lên núi tuyết,

tôi xuống lũng sâu.

Tôi đi từ Ðông qua Tây,

từ Nam lên Bắc.

Tôi tìm kiếm và kiếm tìm,

rồi cuối cùng tôi thấy người yêu

đang ở ngay trong xó bếp...


Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường



Xin mời ghé thăm hai Trang Liên Mạng của Lm. Trần Cao Tường:

- Tin Vui Thời Điểm: www.vietcatholic.net/caotuong

- Con Đường Dũng Lạc: www.chungnhanduckito.net/dunglac.htm