ENNEAGRAM PHƯƠNG PHÁP CHÍN SỐ

Mỗi người mỗi tính, không ai giống ai, ngay cả anh em trong nhà. Từ xưa đã có nhiều nghiên cứu về tính tình học: người thiên về gan thì phản ứng chậm; người thiên về máu thì vồn vã dễ tính... Tâm lý Âu Mỹ bây giờ thì có những trắc nghiệm như của Karl Jung, Briggs Myers: có người hướng nội, người hướng ngoại, người thiên về đầu, người thiên về tim v.v.

Bên Á đông thì dựa vào năm sinh mà so sánh với những nét giông giống nơi một con vật cầm tinh. Vì thế mà có người hạp tính, có người tự nhiên dễ xung khắc như tuổi con chó với tuổi con mèo; tuổi nào lấy tuổi nào thì tình duyên bền chặt v.v. Đúng tới cỡ nào thì cũng còn tùy số tiền bỏ ra cho người xem tướng.

LƯƠN NGẮN LẠI CHÊ TRẠCH DÀI

Hiện nay Enneagram, tức là Phương Pháp Chín Số, khá thịnh hành và hiệu nghiệm. Enneagram đã được một số nhà truyền giáo sang vùng cận đông học hỏi và đưa về Mỹ phổ biến khá sâu rộng, nhất là trong ngành học về tu đức và linh hướng.

Đó là một phương pháp bí truyền của các sư phụ Sufi dùng để huấn luyện môn sinh. Enneagram nhằm đào sâu vào mặc cảm con người, rất gần với khoa tâm lý miền sâu ngày nay, nhưng đã được hệ thống hóa một cách đơn giản để áp dụng thực hành ngay được. Một trong những khía cạnh hấp dẫn của Enneagram là cho thấy rõ mỗi người có một chiều hướng khổ nằm mãi tận trong mạch máu. Đó là một động lực tiềm ẩn đun đẩy trong suốt cuộc đời; mọi hành vi ngôn ngữ đều do động lực này điểu khiển một cách vô thức. Một người hay chê bai chỉ trích là vì bên trong có nhiều cái không bằng lòng với chính mình, nên phóng rọi những bóng đen đó ra ngoài, phản ảnh nơi người khác, như ca dao Việt đã tài tình diễn tả:

Lươn ngắn lại chê trạch dài

Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.


Một người hay khoe khoang là vì trong thâm tâm có mặc cảm mất mát hụt hẫng. Một người luôn tỏ ra hung hãn ăn thua đủ với mọi người là vì đời sống đã ăn quá nhiều đòn, giống như kiểu vết thù hằn trên lưng ngựa hoang. Karl Jung đã từng phân tích tâm lý như vậy. Các nỗi khổ được xếp loại tùy theo mỗi tính.

- Người mang số 1: trong máu có chất luôn đòi hỏi mọi sự phải hoàn hảo nên sinh ra nỗi khổ triền miên, là vì cuộc sống nào cũng đầy bất toàn, người chung quanh nhiều khuyết điểm, chẳng gì và chẳng ai làm vừa ý cả. Riết rồi sinh bất mãn bực bội kinh niên.

- Người mang số 3: rất ham thành công và biết cách làm cho mọi việc thành đạt. Nhưng khổ nỗi là cuộc sống có bao giờ lường trước được. Vụ tàu Titanic chìm năm 1912 đã được đóng lại thành phim nổi tiếng đã là một bằng chứng nói lên rằng dù có tính toán kỹ mấy cũng không sao tránh được đổ vỡ thất bại. Vậy cứ thất bại là khổ tâm thì nỗi khổ này cũng triền miên là cái chắc.

- Người mang số 5: thì vành cạnh tìm bới cho ra ngóc ngách mọi đường tơ kẽ tóc ý nghĩa cuộc đời, luôn phải biết thêm, chứa thêm kiến thức. Khổ nỗi là càng vào rừng càng thấy như ca dao Việt đã bảo những người thích tìm ra manh mối, lo bò trắng răng:Đố ai quét sạch lá rừng, Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

- Người mang số 6: là người sinh ra để mà sợ, nỗi sợ như tự thân. Muốn làm cho mọi người coi mình là ngon lành, nhưng thường phải than: "Khổ tôi quá. Đời đen bạc". Ở sao cho vừa lòng người,Ở rộng người cười, ở chật người chê.

- Người mang số 7: thích tìm nét vui tươi tích cực của cuộc đời, nhưng gặp khó một chút là lo chuồn lo lách một cách thật tội nghiệp. Nỗi khổ là sao đời lại là bể khổ đầy sâu bọ mà không là thửa vườn đầy hoa bướm tung tăng múa nhảy?! Đâu có ngờ không có sâu thì chẳng có bướm.

- Người mang số 9: thì không hiểu tại sao đời lại phải giằng giật nhiều vậy, nên thích làm môn sinh Lão tử xuất thế mà nhìn đời nổi trôi:Sông dài cuồn cuộn về đôngSóng vùi gió dập anh hùng còn đâu Nhưng khổ nỗi dòng đời nó cứ chảy hoài, cứ lôi mình đi xềnh xệch chứ có để mình ngồi yên mà nhìn đâu. Thành ra khổ quá. Cây muốn yên mà gió chẳng để cho yên.

TIN VUI GỬI NGƯỜI MUỐN GHÉP LẠI NHỮNG MẢNH ĐỜI

Người Amish ở vùng bắc nước Mỹ có một phong tục rất đặc sắc, đó là người đàn bà nào cũng biết khâu ghép mền. Con gái lớn lên là mẹ dạy cách khâu ghép mền. Gồm những miếng vải mầu sắc khác nhau, được cắt thành những ô vuông nhỏ, rồi khâu ghép với nhau từng chín miếng theo một chiều hướng sao cho coi được am hợp với nhau, mầu sắc đừng có “cãi” nhau. Rồi cứ từng những tấm chín miếng mà ghép lại thành một tấm mền lớn dùng để đắp cho ấm.

Lần đầu tiên mà thấy loại mền này trưng bày thì ai cũng tưởng là một bức tranh thời trang. Nhiều người thấy đẹp liền bắt chước ra chợ mua vải đủ mầu về cắt ra những miếng vuông rồi mới khâu ghép lại. Coi cũng được.Thực ra người Amish không có ý ghép tranh như vậy. Mà đi mua vải mới về cắt ra thì lại càng tếu, mất hết ý nghĩa đạo lý. Họ chỉ lấy quần áo cũ thôi. Không bao giờ vất đi gì cả. Niềm tin của họ thành phong tục là tất cả những gì xem ra đã bỏ đều có thể trở thành hữu ích; những mầu sắc xem ra rời rạc và khác biệt, đều được xếp đặt theo một trật tự nào đó rất “ăn ý” với nhau, thành những tấm mền thật đẹp, trông như một bức tranh nghệ thuật. Nhìn tấm mền ghép của người Amish do những ô 9 miếng với 9 màu khác nhau, là tự nhiên thấy phục dân này quá. Đúng là họ đã dung hóa được 9 loại tính khác nhau như phương pháp Enneagram phân tích. Họ đang thể hiện Tin Vui của Chúa Giêsu tuần này:

Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình... (Luca 6:27)

PHÚT TỊNH TÂM

Dân Amish đã đạt được một lối sống rất êm đềm hạnh phúc ngược hẳn với nếp sống náo loạn xô bồ của xã hội hiện nay. Họ thể hiện cái nhìn của họ về cuộc đời, tức là những nét văn hóa của dân họ, qua những phong tục cụ thể mà mọi người đều sống như vậy. Họ đang ghép lại những mảnh đời, đang dung hóa được những người mình không ưa thích, thành bức tranh mầu sắc đi liền với nhau một cách tài tình. Mỗi người có cái khác biệt, mỗi người có những nỗi khổ cần được thương cảm hơn là khai trừ đập đánh. Họ cũng đang bị động lực bên trong hành hạ và sai khiến, như Chúa Giêsu đã thấy: Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm. Hôm nay nhìn tấm mền khâu ghép của người Amish, con thấy thở phào sung sướng. Đúng là bức cầu vồng rồi, gồm đủ chua cay đắng ngọt. Dân này biết cách làm giầu và sống giầu có thật. Họ nhận được tất cả, biến chế tất cả thành những gì đẹp đẽ nhất. Thần Lực Chúa là chất keo mầu nhiệm nối kết mọi xung khắc. Nghệ thuật sống đơn sơ có thế mà con không nghĩ ra, để rồi những mảnh đời của con cứ bị “thợ xây loại bỏ” hoài không sao chấp nhận được; để rồi những người chung quanh không sao chịu nổi, những chuyện xung khắc xẩy ra, như những mầu sắc trắng đen đỏ vàng cứ làm điên cái đầu khiến con chỉ tìm cách trốn chạy thôi. Chả lẽ con cứ để đời con bị xâu xé hoài?!

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường, e-mail: andytuong@cox.net

(từ tác phẩm Nhịp Múa Sông Thanh, Thời Điểm xuất bản)

Xin mời ghé thăm gia trang vietcatholic.net/caotuong của Lm. Trần Cao Tường.

Nhà thơ Du Tử Lê đề tựa tác phẩm

NHỊP MÚA SÔNG THANH

của linh mục Trần Cao Tường


Tôi là kẻ ngoại giáo. Ðề cập tới điều không cần thiết này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh: lòng say mê, thích thú của tôi, khi được đọc những tác phẩm, đúng hơn, những bài viết ngắn của Linh Mục Trần Cao Tường trên báo hoặc; trong những tác phẩm như “Ðường Nở Hoa Lê Thị Thành,” hay “Vũ Khúc Thăng Ca” của ông.

Tôi là kẻ ngoại giáo. Ðề cập tới điều không cần thiết này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh: lòng biết ơn của tôi, khi tình cờ, đọc được đâu đó, lời khẳng định của ông: kẻ nào không yêu quê hương, nguồn cội của mình, kẻ đó, cũng sẽ không yêu Thiên Chúa.

Quan điểm hay, cảm nghiệm này, của Linh mục Trần Cao Tường, đã thốn thấu tâm can tôi.

Quan điểm hay cảm nghiệm này, của Linh mục Trần Cao Tường, tôi đã tìm thấy, đã gặp lại bàng bạc hoặc, hiển lộ trong từng trang sách, từng con chữ mang tên ông.

Quan điểm hay cảm nghiệm này, của Linh mục Trần Cao Tường, một lần nữa, qua tác phẩm “Nhịp Múa Sông Thanh” lại dấy động trong tôi những cơn địa chấn gốc, nguồn, có lại.

Những cơn địa chấn hưng phấn liu điu, bởi vốn chữ Việt Nam giầu có của tác giả.

Những thốn, thúc nhân bản. Những cơn hưng phấn treo, móc niềm tin trên những vấn đề tác giả đặt ra cho chúng ta (và, chính ông;) trên phông, cảnh đời thường.

Ðó là những vấn đề cực kỳ thiết thân.

Vấn đề của chúng ta: những con người bị dồn, đưa tới mé vực cầm thú.

Quan điểm hay cảm nghiệm này, của Linh mục Trần Cao Tường, một lần nữa, qua “Nhịp Múa Sông Thanh,” không chỉ dội đập trong tôi: hơi nóng của những con chữ đã chết, được ông làm cho sống lại, trên mảnh đất kiến thức tác giả ngồn ngộn, mầu mỡ; (mà,) nó còn là nỗi choáng váng, ngất ngây tới xây xẩm của nguồn ánh sáng tinh khôi, đi ra từ tâm thức họ Trần, trên bậc thềm tân thiên niên kỷ.

Tôi muốn nói: những địa chấn, những dội đập kia, là những ngọn lửa soi, rọi từng tấc đường Hành trình Văn chương Trần Cao Tường, bên cạnh hành trình vinh quang được chọn là Tôi-Tớ-Chúa.

Tôi muốn gọi: Hành trình Văn chương mang tên Trần Cao Tường kia, là “Con Ðường Trần Cao Tường.”

Con đường mang thương yêu, đến mọi người.

Con đường mang tổ quốc về từng dòng máu Việt Nam quê người, nhạt muối.

Con đường mang niềm tin, như những đọt non, có lại trên những nhánh cành Việt Nam tha phương đứt, lìa, ải, ròn, héo, khô nhựa sống.

Con đường đó, “Con Ðường Trần Cao Tường,” trên tất cả, với riêng tôi, chính là chiếc cầu nối tôi, kẻ ngoại giáo, về với niềm tin Thiên Chúa.

Nếu phải (hay được phép) viết một câu ngắn ngủi nhất, ở đây, trên trang giấy này, tôi sẽ viết:

“Thưa Cha, thay vì ngỏ lời cảm ơn những trang sách hôm qua, hôm nay, ngày mai... của Cha; thì, tôi chỉ xin Cha luôn nhớ rằng:

'Chúng tôi hãnh diện và, sung sướng biết bao, khi có Cha: Một Người Việt Nam', như (và, giữa) chúng tôi, nơi đất khách.”

DU TỬ LÊ

nhìn về hai tác phẩm

của Lm. Trần Cao Tường

Nhịp Múa Sông Thanh


Ðài V.O.A., Tiếng Nói Hoa Kỳ trong chương trình Văn Học Nghệ Thuật, và Ðài VOBVN ở Houston, Texas, giới thiệu

Nếu không kể 6 tác phẩm về “Giáo Dục Tôn Giáo,” ấn hành từ năm 1983, thì, “Nhịp Múa Sông Thanh,” là tác phẩm thứ sáu của Linh mục, Nhà văn Trần Cao Tường. Tác phẩm mới nhất này của họ Trần, do nhà Thời Ðiểm xuất bản và phát hành.

Ghi nhận về thế giới văn chương Trần Cao Tường, nhà văn Phạm Xuân Ðài, Chủ biên Tạp chí Thế Kỷ 21 viết:

“Mỗi bài viết (của tác giả) thường bắt đầu bằng một câu chuyện vui vui, để từ đó quy chiếu cho nó một ý nghĩa triết lý và một điểm tương ứng trong niềm tin Thiên Chúa Giáo. Những chuyện kể ấy, tác giả rút ra từ cuộc sống, từ sách vở cổ kim đông tây, trong đó nhiều chuyện, nhiều nhận xét bắt nguồn từ phong hóa, văn học Việt Nam.

Ði sâu hơn vào con người của tác giả “Nhịp Múa Sông Thanh,” tức “Tin Vui Thời Ðiểm 2000,” nhà văn Quyên Di cũng ghi nhận:

“Là một Linh mục, tác giả Trần Cao Tường lấy Thánh Kinh làm nguồn cảm hứng về cuộc đời, một cuộc đời mà bên cạnh những biến cố lớn lao là muôn vàn chuyện tầm thường của kiếp nhân sinh. Tin Vui với cái nhìn của tác giả, soi rọi vào từng ngóc ngách, từng chuyển động của cuộc sống ấy.

“Nhưng cũng là một nghệ sĩ, ở cả hai khía cạnh sáng tác và thưởng ngoạn, tác giả say sưa với vẻ đẹp của cuộc sống, say mê nhiều thể loại nghệ thuật, từ văn đến thơ; từ kiến trúc, hội họa đến nhiếp ảnh... Người ta sẽ nhìn ra cái nét tài hoa của ông qua những đoạn viết về cảnh vật, cái nét suy tư của triết gia khi ông trình bày nhân sinh quan của mình.

“Nét nổi bật nhất nơi tác giả là “Con Người Việt Nam.” Ông say sưa minh chứng người Việt có một đạo sống rất giản đơn, nhưng rất hợp thời, đáp ứng được những thiếu thốn, những khao khát của con người thời đại.”

Cũng như những tác phẩm trước đây, đã được xuất bản, như các cuốn “Vũ Khúc Thăng Ca,” “Ðường Nở Hoa Lê Thị Thành,”..., “Nhịp Múa Sông Thanh” của Trần Cao Tường cũng gồm những bài viết mang đầy tính chiêm nghiệm, thương yêu những hoạt cảnh đời thường. Ðó là những cái nhìn rất tinh tế, rất-Trần-Cao-Tường; mà, một nhà thơ phát biểu rằng: Ðó là tác phẩm gối đầu giường của ông. Ông đã nhâm nhi từng con chữ của Trần Cao Tường, như nhâm nhi niềm hạnh phúc gần cận, và, thân thiết.

("Nhịp Múa Sông Thanh” với Tựa của Nhà thơ Du Tử Lê, dầy trên 350 trang. Nhà xuất bản Thời Ðiểm)

TRẦN THU MIÊN, tập san Sứ Ðiệp, Boston.

Tôi mới biết Trần Cao Tường một thời gian rất gần. Sự liên hệ này còn giới hạn. Thỉnh thoảng gặp nhau vài phút qua những cuộc điện đàm viễn liên, hay dăm ba dòng điện thư ngắn ngủi. Chỉ thế thôi! Nhưng tôi có cảm tưởng rằng đã quen nhau lâu lắm rồi.

Cách đây không lâu, tôi gửi biếu Trần Cao Tường một tác phẩm văn nghệ cũng như tôi đã gửi tặng bạn bè và nhiều người quen, lạ. Gửi cho ông vì một người bạn bảo đó là việc nên làm, chứ thú thật, tôi chưa bao giờ nghĩ là sẽ có dịp liên hệ với linh mục nhà văn này dù đã nghe một đôi điều về ông. Tôi không tưởng rằng Trần Cao Tường sẽ trả lời mình. Và thật ra thì cũng quên bẵng là mình đã gửi gì cho ông. Rồi thật bất ngờ, vị linh mục chưa quen này gửi tôi điện thư ngắn gọn với lời khuyến khích rất rộng tình. Tôi trả lời ngay rằng, “Thưa cha con sẵn sàng biến thành trẻ nhỏ để nhận lời khen từ người khác.” Tấm lòng nhân ái ấy có sức kéo chúng tôi lại gần nhau. Chính vì thế mà tôi muốn biết thêm về ông. May mắn quá, gần đây cha còn ưu ái tặng tôi tác phẩm “Nhịp Múa Sông Thanh.” Ðang lúc cùng “nhà tôi” sơn nhà, tôi đã ngưng ngay công việc để đọc tác phẩm này. Ðọc với lòng quí mến và tình ưu ái văn nghệ. Vì thế, tôi không viết về tác phẩm của ông bằng cái nhìn và sự phân tích của người làm việc “điểm sách,” hay phê bình văn học. Nhưng tôi viết về “Nhịp Múa Sông Thanh” (NMST) như một cố gắng để tìm vài nét về chân tướng của linh mục nhà văn hiếm có này.

Người Phân Tích Xã Hội.

Thường thì chúng ta dễ để ý đến những điều xẩy ra cho bản thân mình hơn là những điều xẩy ra cho người khác. Trần Cao không chỉ nhìn chung quanh, nhưng ông nhìn bằng con mắt và trí tuệ của người phân tích xã hội. Những sự kiện, biến cố xẩy ra chung quanh đều có lý do và hậu quả. Thí dụ như việc mấy gã choai choai rửng mỡ phá làng xóm bằng cách nhổ cọc bảng hiệu giao thông là một việc làm phạm pháp (NMST, tr. 347-349). Ai mà không nghĩ thế, và chúng ta thường thì cũng chỉ nghĩ đến đó là cùng. Trần Cao Tường nhìn xa hơn, sâu hơn. Ông nhận ra được những dấu chỉ thời đại qua những sự việc, biến cố đang xẩy ra mỗi ngày.

Người Hiếu Học Khiêm Nhường

Sự học đòi hỏi thái độ khiêm nhường. Chỉ khi ta khiêm nhường ta mới nhận ra được những điều tốt của người khác và muốn học họ để phát triển tầm hiểu biết của ta. Trần Cao Tường không ngại “mượn” những kiến thức, kinh nghiệm, và sáng tác của người khác để giúp ông hiểu thêm về cuộc đời, về xã hội, tôn giáo, và nguôản gốc của mình. Ông đã trang trọng trích dẫn, những mẩu chuyện, câu thơ, đoạn văn, lời nhạc của người khác như những dẫn chứng để làm sáng tỏ cảm nghiệm và sự quan sát của mình. Trong tác phẩm ông ta thấy nhan nhản tên của những tác giả từ Việt Nam đến những dân tộc khác. Ông không dùng tên các tác giả nổi tiếng như một sự lừa bịp trí thức để tỏ ra sự hiểu biết và kiến thức rộng của mình. Nhưng ông dùng họ như những nguời chỉ đường để ông tìm ra được điều mình muốn hiểu.

Người Nặng Hồn Thi Sĩ

Thi tính của Trần Cao Tường bộc lộ qua từ đề tựa tác phẩm, “Nhịp Múa Sông Thanh,” đến tựa của những hình chụp phụ bản như, “Dòng Sông Ánh Sáng.” Tôi đọc qua những tựa đề trong trang mục lục mà tưởng mình đang đọc một bài thơ lạ. Chữ nghĩa của ông chuyên chở đầy thi tính như, “Một hôm tôi chợt thấy con ve sầu đong đưa....” (NMST, tr. 82). Chỗ khác ông viết, “Bài hát văng vẳng đâu đây lời thơ mộng,” (NMST, tr. 289). Chưa kể những tựa đề đầy thơ như, “Tia nắng ban ban ngập tràn mí mắt, “ (NMST, 197). Tôi cũng rất ngạc nhiên khi nhìn những tấm hình ông chụp, được dùng làm phụ bản cho tác phẩm chính. Mỗi tấm hình đều gói ghém cảm nhận rất nghệ sĩ của ông. Mỗi tấm hình đều mang mang những lời thơ bí ẩn. Ðó là nhà thơ Trần Cao Tường, thơ ông ẩn hiện trong những hàng chữ văn xuôi, trên cảnh vật chụp vội trong hình, và trong tâm thức đầy Việt tính.

Ðạo Sư Nhập Thế

Là người phân tích xã hội, kẻ hiếu học, hay nghệ sĩ cũng như làm đạo sư mang chân lý vào đời, Trần Cao Tường luôn luôn lao xả vào cuộc sống. Ông không tự khép kín mình trong thế giới của “hàng tư tế” hay khoác áo “tu hành” đứng bên trên hay bên ngoài đời sống. Ông sống đời đạo sư mang chân lý vào giữa đời thường. Chúa của ông, bậc “Thầy” tối cao của ông cũng đã mang chân lý vào đời thường bằng lời giảng dậy rất bình dân. Người dùng ngụ ngôn đời thường để giảng tin mừng cứu độ cho đời là Ðức GiêSu. Là một linh mục Công Giáo, ông thấm nhuần Kinh Thánh và chuyện đời Chúa GiêSu nên ông cũng dùng những câu chuyện đời thường để mang sứ điệp tin mừng cho thời đại của ông. Ông đọc tiểu thuyết, nghe nhạc tình, xem phim, đi du ngoạn và dùng những hình ảnh “hột vịt lộn,” “bi thuốc lào,” “lá trầu,” “người đánh giầy,” “kẻ trồng rau,” và nhiều mẩu chuyện, hay sự cố thường ngày để minh giải Kinh Thánh của Ðạo Chúa. Ðọc sách ông, ta không chỉ nghe ông kể những câu chuyện vớ vẩn đâu đâu, nhưng từ những câu chuyện này, ông đưa người đọc bước vào thế giới tôn giáo của ông một cách rất tự nhiên. Ðây là điều đặc biệt trong “Nhịp Múa Sông Thanh.” Trần Cao Tường không khoác áo đạo sư để doạ nạn tín đồ, nhưng ông dùng những sự việc, biến cố thật để giúp tín đồ “giác ngộ,” để dẫn tín đồ vào con đường cứu độ.

Người Gây Hoang Mang

Trần Cao Tường đã gây hoang mang cho nhiều người Việt Nam không cùng một trường phái suy luận như ông. Gần đây trên tờ Thế Kỷ 21 (tháng 10, 1999), đã có người tỏ ra khó chịu về việc Trần Cao Tường mang đức tin Công Giáo của ông vào những lời giải thích về những tư tưởng văn hoá và đạo lý dân tộc. Thí dụ như ông khẳng định, “Ðúng là Ðạo Trời đã bén rễ sâu vào tâm thức Việt Nam như một tín ngưỡng chung, thành tụ điểm tinh thần,” (NMST, tr. 17). Người ta bảo là ông ngụ ý nói về Ðạo Trời là Ðạo Chúa của ông. Người ta bảo ông dùng văn chương mình với ý đồ thuyết phục người khác tin theo “đạo” của ông. Thật ra thì văn hoá, đạo lý, hay những nghi lễ dân tộc chẳng thuộc về riêng ai. Chúng ta áp dụng những kho tàng vô giá ấy vào những hoàn cảnh riêng cho bản thân, gia đình, hay tôn giáo mình là điều nên làm, phải làm. Trần Cao Tường, linh mục Công Giáo, có ngụ ý là Ðạo Trời trong văn hoá Việt Nam là Ðạo Chúa của ông thì cũng chỉ là việc làm phải đạo, hợp lý. Ðó không phải là việc làm phản văn hoá, nhưng lại làm giầu thêm cho văn hoá.

Người Lưu Vong Còn Gốc Rễ

Trong Nhịp Múa Sông Thanh và bàng bạc trên những bài viết hay sách của ông, Trần Cao Tường luôn luôn ý thức được mình là nguời Việt Nam, đến từ một nơi có văn hoá, có đạo giáo. Ông nói về những chuyện huyền thoại “Rồng Tiên,” hay di vật “Trống Ðồng” như là những biểu tượng văn hoá tiềm tàng hình ảnh “Thiên Chúa” của ông. Tôi gọi ông là người lưu vong còn gốc rễ vì nhiều người trong địa vị của ông không còn nhớ hay không nhận ra được giá trị của kho tàng văn hoá Việt Tộc. Lưu vong như ông thì sẽ có ngày trở về đầy ý nghĩa. Sự trở về trong tâm thức dân tộc chứ không phải trở về trên những chuyến bay diêm dúa hay tiệc vui nhố nhăng. Bởi vì ông sẽ trở về với những món quà văn hoá do chính ông sáng tạo bằng tâm thức dân tộc.

Tôi cảm ơn ông vì đã kéo tôi lại gần ông để đọc những điều ông viết. Văn chương của ông sẽ kéo nhiều người đến với ông, không phải để tìm những phút giải trí giết thời gian dư thừa. Nhưng để tìm về bản ngã dân tộc với niềm tin siêu việt. Văn hoá và đạo giáo dân tộc là hành trang cho người “tin đạo” (không phân biệt tôn giáo) đi tìm đường giải thoát hay ơn cứu độ mà không bị mất gốc.