Suy Niệm Chúa Nhật XVII THƯỜNG NIÊN C

Con người luôn có bổn phận liên lạc với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình. Sự liên lạc này được gọi là cầu nguyện. “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa hay cầu xin Người ban cho những ơn cần thiết”(Thánh Đa-mát-xa). “Cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan” (Th. Têrêxa HĐG). Như vậy, cầu nguyện là hướng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, để gặp gỡ và nói chuyện với Ngài một cách thân mật. Để mọi người chúng ta quý trọng hơn việc cầu nguyện và cầu nguyện có hiệu quả, xin được gợi ý suy niệm một số điểm sau đây:

1. Gương cầu nguyện của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu cầu nguyện: Ngài lên núi cầu nguyện (x. Mt 14,23). Ngài cầu nguyện nơi hoang vắng (x. Lc 5,16). Ngài thức suốt đêm để cầu nguyện (x. Lc 6,12). Ngài cầu nguyện vào lúc sáng sớm (x. Mc 1,35). Ngài cầu nguyện vào lúc chiều tối(Mt 14,23). Ngài cầu nguyện trước những giờ phút có tính quyết định cho sứ mạng của Ngài: trước khi chịu phép rửa (x. Lc 3,21); trước khi biến hình (x. Lc 9,28); trước khi bước vào cuộc khổ nạn (x. Lc 22, 41-44). Ngài cầu nguyện trước những lúc có tính quyết định trong sứ mạng sai các tông đồ đi: trước khi chọn các tông đồ (x. Lc 6,12); trước khi Phêrô tuyên xưng đức tin (x. Lc 9,18-20); Ngài cầu nguyện để niềm tin của vị thủ lãnh các tông đồ không bị suy sụp trong cơn cám dỗ (x. Lc 22,32)...(x. GLHTCG số 2600).

Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện: Nhiều lần, nhiều nơi Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện và cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ. Đặc biệt, khi các môn đệ xin Ngài dạy về sự cầu nguyện, thì Ngài dạy cho họ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (x. Lc 11,2-4). Qua lời kinh này, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta hai điều quan trọng: đó là chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha “Lạy Cha” và mọi người là anh em “Lạy Cha chúng con; xin Cha cho chúng con.” Điều đó nói lên sự liên đới và trách nhiệm giữa mỗi người chúng ta với nhau. Chính Abraham đã nêu gương tinh thần đó khi cầu nguyện cho thành Sodoma khỏi bị án phạt (x. St 18, 20-23).

Kinh Lạy Cha có hai phần: phần thứ nhất, chúng ta cầu nguyện cho: “Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến;” phần thứ hai, chúng ta cầu nguyện cho các nhu cầu hồn xác của chúng ta: “Lương thực hằng ngày, tinh thần tha thứ và xin cho khỏi sa chước cám dỗ.”

Những lời nguyện hằng ngày của chúng ta cũng không đi ra ngoài các ý nguyện trên của Kinh Lạy Cha. Chúng ta thường nguyện cầu cho Sáng Danh Chúa: đó là khi chúng ta cầu nguyện cho có nhiều người tham gia vào công cuộc loan báo Tin mừng. Loan báo Tin mừng bằng đời sống cầu nguyện. Loan báo Tin mừng bằng việc làm chứng cho Chúa qua lời nói, việc làm, nhất là qua đời sống chứng tá. Chúng ta cầu nguyện để Chúa đáp ứng những nhu cầu vật chất của chúng ta: đó là khi chúng ta cầu nguyện cho có lương thực hằng ngày dùng đủ, cho khỏi ốm đau, bệnh tật và được bình yên... Chúng ta cầu nguyện cho những nhu cầu phần hồn: đó là khi chúng ta xin ơn tha thứ “Xin Chúa thương xót con là kẻ tội lỗi”(Lc 18,13), “Xin ơn tìm kiếm nước Chúa đang đến” (x. Mt 6,33), xin cho khỏi sa chước cám dỗ, xin cho được có tinh thần tha thứ đối với anh chị em như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Cho nên, Kinh Lạy Cha là bản mẫu cầu nguyện của mội người kitô hữu chúng ta. Chúng ta hãy siêng năng đọc và đọc một cách sốt sắng.

2. Một số vấn đề cần lưu ý khi cầu nguyện

Thứ nhất, khi cầu nguyện chúng ta không chỉ dừng lại ở việc xin ơn mà cần phải có tâm tình tạ ơn, chúc tụng và ngợi khen Chúa. Chúng ta tạ ơn Chúa vì những gì chúng ta đón nhận được. Chúng ta chúc tụng ngợi khen Ngài vì những điều kỳ diệu chúng ta thấy nơi mình, nơi anh chị em và trong vũ trụ... Chính Chúa Giêsu cũng đã từng cầu nguyện như vậy: Ngài cầu xin Chúa Cha “Nếu có thể được thì xin cất chén đắng này, nhưng đừng theo ý con một xin theo ý Cha” (x. Lc 22,42); Ngài tạ ơn Chúa Cha vì đã nhậm lời Ngài cầu xin (x. Ga 11,41); Ngài chúc tụng, ngợi khen Chúa Cha “Vì đã mặc khải cho những người bé mọn (Lc 10,21).

Thứ hai, khi cầu nguyện chúng ta có thể dùng những bản kinh có sẵn để đọc lớn tiếng: đọc kinh tối sớm trong gia đình, tại nhà thờ hay những khi hội họp...Nhưng cầu nguyện không phải chỉ dừng lại ở việc đọc những bản kinh có sẵn mà còn dùng những hình thức khác như suy gẫm và nguyện gẫm. Suy gẫm là vận dụng tư duy của ta, trí tưởng tượng, xúc cảm và sự ước muốn của ta. Mục đích của việc suy gẫm là giúp ta đạt được đối tượng và ta suy nghĩ và đối chiếu với thực tại của đời sống của ta. Còn nguyện gẫm là cái nhìn của đức tin hướng về Chúa Giêsu, là sự lắng nghe Lời Thiên Chúa, một sự yêu mến trong im lặng. Nguyện gẫm cho ta hợp nhất với Ðức Ki-tô trong kinh nguyện của Ðức Ki-tô theo mức độ chúng ta tham dự vào mầu nhiệm của Người,(x. GLHTCG số 2723 – 2724). Người ta kể rằng, có một cụ già hằng ngày thường đến nhà thờ cầu nguyện lâu giờ. Một hôm cha xứ hỏi: “Khi cầu nguyện, cụ nói gì với Chúa?” Cụ trả lời: “Con chẳng nói gì, con chỉ nhìn Chúa.” Ngạc nhiên về câu trả lời của cụ, Cha xứ hỏi tiếp: “Thế Chúa có nói gì với cụ không?” Cụ trả lời: “Chúa nhìn con.” Vâng, “Ta nhìn Chúa” và để “Chúa nhìn ta” đó là đỉnh cao của việc cầu nguyện. Ước mong mỗi người chúng ta có được tâm tình cầu nguyện như vậy.

Thứ ba, khi cầu nguyện chúng ta cần kiên trì: Cuối bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể câu chuyện: “Người bạn xin bánh ban đêm” (x. Lc 11,5-13) để nhắc nhở chúng ta phải biết kiên trì trong cầu nguyện. Khi biết kiên trì trong cầu nguyện thì lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được nhậm lời, chính Chúa Giêsu đã hứa: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”(Lc 11,9-10).

3. Tại sao cầu xin mà không được Chúa nhậm lời?

Có người thắc mắc: tại sao tôi xin mãi mà không được Chúa nhậm lời? Thánh Giacôbê trả lời: “Anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc”(Gc 4, 2-3). Thánh Augustinô cho biết: thứ nhất, xin không được là do con người của mình xấu, tức là kẻ có tấm lòng không tốt, không ngay chính, giống như người biệt phái xin dấu lạ, như kẻ xin Chúa thánh hóa mình nhưng lại không muốn thay đổi những sai lỗi của mình; thứ hai, xin không được là do cách cầu nguyện xấu, cách cầu nguyện xấu là cách cầu nguyện thiếu khiêm tốn nên buộc Chúa phải từ chối, giống như thái độ cầu nguyện của người biệt phái trong “Dụ ngôn người biệt phái vào đền thờ cầu nguyện”(x. Lc 18,9-14); thứ ba, xin không được là do xin điều xấu, xin điều xấu nên không được Chúa nhận lời, giống như hai con ông Zêbêdê xin lửa từ trời xuống đốt dân không đón Chúa (x. Lc 9,54). Mặt khác, có khi Thiên Chúa không ban trực tiếp điều chúng ta xin, nhưng Ngài lại ban cho chúng ta điều khác. Chẳng hạn, chúng ta xin cho được khỏi bệnh, nhưng Ngài ban cho chúng ta ơn can đảm để chịu đựng bệnh tật. Chúng ta xin tìm được của cải đã mất, nhưng Ngài lại ban cho chúng ta sức khỏe và làm ăn may mắn hơn. Giống như một em bé xin người mẹ con dao để chơi, thay vì cho con dao, người mẹ đó có thể cho em bé một vật khác an toàn hơn: một quả bóng, một bông hoa. Vì thế, khi chúng ta xin điều nọ điều kia, chúng ta hãy an tâm tin cậy và phó thác cho tình thương và sự khôn ngoan của Ngài. Bởi vì: "Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người"(Lc 9, 11-13).

Tóm lại, cầu nguyện vừa là quyền lợi vừa là bổn phận của mỗi người kitô hữu chúng ta. Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện mà Ngài đã dạy cho chúng ta phải cầu nguyện như thế nào. Chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện. Vì cầu nguyện rất cần thiết đến nỗi có người định nghĩa:“Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn,” tức là con người còn cầu nguyện thì linh hồn còn sự sống, khi không còn cầu nguyện là giống như linh hồn đã chết. Xin cho chúng ta biết kiên trì trong cầu nguyện. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành