KHỦNG HOẢNG NỢ CÔNG HY LẠP

Sau Thế chiến thứ 2, các quốc gia Âu châu, thắng trận (Pháp, Bỉ, Hòa lan, Lục xâm bảo) và thua (Đức, Ý), với nguyện vọng ngăn ngừa chiến tranh tái phát bằng đẩy mạnh sự hợp tác kinh tế để cùng phát triển, đã ký kết Hiệp định Rôma ngày 25.03.1957 và có hiệu lực từ ngày 01.01.1958 để thành lập Cộng đồng Kinh tế Âu châu (European Economic Community, tiếng Anh và Communauté Economique Européenne, tiếng Pháp). Năm 1973, thêm 3 quốc gia (Đan mạch, Aùi nhĩ lan, Anh) thành 9. Năm 1981, thêm Hy lạp. Năm 1986, tăng thành 12 với Tây ban nha và Bồ đào nha. Năm 1993, danh xưng được chính thức đổi thành Liên hiệp Âu châu (European Union, tiếng Anh và Union Européenne, tiếng Pháp) qui định bởi Hiệp định Maastricht ký ngày 07.02.1992 và có hiệu lực ngày 01.11.1993 nhằm tiến hành việc thiết lập một Đồng Tiền Chung Âu châu.

Nhân dịp khủng hoảng Nợ Công Hy lạp, chúng ta cùng nhắc lại sự hình thành của đồng Euro và các trách nhiệm của những lãnh đạo Âu châu cùng sự đối phó chính trị do Chính phủ đương nhiệm dựa vào Dân Ý (điều mà nhà nước Việt Nam hiện nay rất sợ qua những thảo luận ở Quốc hội về Trưng cầu Dân Ý) và các quyết định của Quốc hội.

I.- ĐỒNG TIỀN CHUNG ÂU CHÂU.

A. Sự Hình thành.

Từ ngày 01.07.1990, bắt đầu việc lưu chuyển tư bản được tự do giữa các nước trong Liên hiệp Âu châu. Kế đến, ngày 01.01.1994, Viện Tiền tệ Âu châu, tiền thân của Ngân hàng Trung ương Âu châu (Eropean Central Bank, tiếng Anh và Banque centrale européenne, tiếng Pháp) được hình thành để nghiên cứu các chính sách kinh tế và tìm cách lập mối tương quan giữa những nền kinh tế các quốc gia thành viên hầu tiến tới sự hình thành Đồng Tiền Chung. Ngày 16.12.1995, Hội đồng Âu châu (European Council, tiếng Anh và Conseil européen, tiếng Pháp, gồm Tổng thống hay Thủ tướng các quốc gia thành viên) đặt tên loại tiền tệ mới là ‘Euro’.

B. Điều kiện Tham gia Euro.

Ngày 13.12.1996, Tổng trưởng Tài chính các quốc gia Liên hiệp Âu châu đồng thỏa thuận về Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng (Stability and Growth Pact, tiếng Anh và Pacte de stabilté et de croissance, tiếng Pháp) nhằm bảo đảm các nước thành viên giữ kỷ luật về ngân sách và, qua đó, bảo đảm giá trị của Đồng Tiền Chung (tiêu chỉ hội nhập):

- Lạm phát không vượt quá 1,5% so với mức trung bình 3 quốc gia có mức lạm phát thấp nhất;

- Thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% Tổng sản lượng nội địa (TSLNĐ) thường được gọi là GDP (Gross Domestic Product, tiếng Anh hay Produit Intérieur Brut (PIB), tiếng Pháp;

- Công nợ không vượt 60% TSLNĐ và biên độ giao động tỷ giá giữa các đồng tiền ổn định trong hai năm theo cơ chế chuyển đổi;

- Lãi suất (tính theo lãi suất công trái thời hạn từ 10 năm trở lên) không quá 2% so với mức trung bình của 3 nước có lãi suất thấp nhất.

- Lạm phát không vượt quá 1,5 điểm trên tỉ xuất thấp nhất của 3 quốc gia thành viên;

Trong kỳ họp Hội đồng Âu châu ngày 01-03.05.1998 chấp thuận 11 quốc gia (trừ Hy lạp) tham gia Khu vực Euro (Euro Zone) là những nước đã đạt những tiêu chỉ hội nhập trên. Các nước Anh, Đan mạch và Thụy điển từ chối tham gia, dù hội đủ các tiêu chỉ này. Ngày 31.12.1998, tỷ giá hối đoái giữa nội tệ các nước và Euro được tuyên bố một cách cố định. Ngày 02.01.1999, Euro chính thức đi vào sổ sách kế toán thay thế các nội tệ những nước thành viên. Ngày 19.06.2000, Hội đồng này nhận định Hy lạp cũng đã đạt những tiêu chỉ này để gia nhập Khu vực Euro ngày 01.01.2001, dựa theo những cam kết của Chính phủ Hy lạp, dù nhiều thành viên Hội đồng nghi ngờ tính chính xác từ các chỉ số thống kê do họ cung cấp, nhưng cũng vì bệnh ‘thành tích’, nên không lên tiếng.

Ngày 01.01.2002, tiền mặt Euro được lưu hành trong đời sống thường nhật tại 12 quốc gia. Năm 2004, Hy lạp tổ chức Thế vận hội thất bại do những chi tiêu hoang phí và tốn gần một tỷ euro để bảo đảm an ninh sau vụ khủng bố ở Hoa kỳ ngày 11.09.2001 khiến công nợ năm đó đã tăng lên tới 168 tỷ euro, trong đó chi phí tổ chức Thế vận hội chiếm đến 5,30% số đó, tức 8,90 tỷ euro.

Hiện nay, Liên hiệp Âu châu có 28 quốc gia thành viên, nhưng chỉ 19 nước tham gia Khu vực Euro. Hai cơ chế này có một mâu thuẫn căn bản và nội tại là Liên hiệp Âu châu không có thực quyền đối với chính sách kinh tế từng thành viên và Khu vực Euro bao gồm nhiều nền kinh tế mạnh yếu khác nhau và có sức cạnh tranh rất cách biệt nên lợi tức thu cũng khác nhau. Sau chín năm hiện hữu, các mâu thuẫn này đã dẫn tới cuộc khủng hoảng, từ năm 2009.

II.- TRƯỜNG HỢP HY LẠP.

A. Khủng hoảng ngân sách.

Các số liệu thống kê Hy lạp cho thấy quốc gia này có bách phân khiếm hụt ngân sách lên đến 12,70%, năm 2009, và 9,40% TSLNĐ năm 2010. Công nợ lên đến 113,40% (410 tỷ mỹ kim), năm 2009, và 120,80% TSLNĐ, năm 2010.

Ngày 04.10.2009, Đảng Xã hội của ông George Papandreou thắng cuộc bầu cử Quốc hội. Trong tháng 10 này, các số liệu về tài chính công cho thấy mức thâm hụt ngân sách 12% và công nợ đến 113,4% TSLQN, năm 2009. Đây là một bất ngờ đối với tân chánh phủ vì họ chờ một sự thâm hụt ngân sách chỉ 6% TSLNĐ. Do đó, Ủy ban Âu châu (European Commission, tiếng Anh và Commission européenne, tiếng Pháp) đòi hỏi một điều tra ‘toàn diện’ để giải thích sự khác biệt này. Tuy nhiên, sự bất ngờ này có thật không khi người ta tin rằng thâm hụt ngân sách Hy lạp trung bình từ 1991 đến 2007 là 6,8% TSLNĐ, chứ không là 3% để gia nhập Khu vực Euro.

Ngày 24.12.2009, Quốc hội đã thông qua ngân sách năm 2010, bằng giảm thâm hụt còn 9,1% TSLNĐ vào năm 2010. Từ ngày 06 đến 08.01.2010, các chuyên gia từ Ủy ban Âu châu và Ngân hàng Trung ương Âu châu để kiểm tra tài chính công Hy lạp. Ngày 13.01.2010, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, theo lời yêu cầu của Hy lạp, nghiên cứu những khả năng hỗ trợ kỹ thuật để giúp xây dựng lại nền tài chính mình. Ngày 14.01.2010, Chính phủ công bố kế hoạch khắc khổ mà mục tiêu là củng cố tài chính thông qua việc giảm chi tiêu công tới 47,7% TSLNĐ năm 2013, so với 52% trong năm 2009. Ngày 15.01.2010, Chính phủ Hy lạp nạp chương trình khắc khổ (austerity program, tiếng Anh và programme d'austérité, tiếng Pháp) cho Ủy ban Âu châu. Trong đó, để giảm thâm hụt ngân sách 4% TSLNĐ năm 2010, công chức sẽ bị cắt 25% tiền lương, ngưng tuyển nhân viên, bãi bỏ các ưu đãi về thuế. Ngày 19.01.2010, Tổng trưởng Tài chính George Papaconstantinou trình bày với các đồng nghiệp Âu châu các biện pháp để giảm thâm hụt Hy lạp.

Ngày 25.01.2010, Bộ Tài chính Hy lạp phát hành trái phiếu đầu tiên trong năm đã đạt được thành công lớn, với năm lần cao hơn dự kiến, thu được 25 tỷ euro. Ngày 28.01.2010, năng suất các trái phiếu Hy lạp tăng cao tới mực chưa từng thấy từ ngày nước này gia nhập khu vực Euro là 7,15%. Tại Diễn đàn Davos (Thụy sĩ), Thủ tướng Hy lạp Georges Papandréou lên án những cuộc tấn công so với euro. Một vài quốc gia (Hy lạp, Tây ban nha, với thâm hụt ngân sách 11,40% TSLNĐ, và Bồ đào nha, 9,30% TSLNĐ…) được xem là những nước yếu kém và đang bị nhắm vào để đánh phá. Ngày 03.02.2010, Ủy ban Âu châu chấp thuận kế hoạch tiết kiệm ngân sách của Hy lạp, đồng thời đặt Hy lạp dưới sự giám sát và mở một cuộc điều tra những vi phạm vì số liệu thống kê không đáng tin cậy.

B. Các biện pháp thắt lưng buột bụng (kiệm ước).

Hy lạp nhận được sự tài trợ bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ bình ổn tài chính Âu châu (European Financial Stability Facility, tiếng Anh và Fonds européen de stabilité financière, tiếng Pháp)* bằng những khoản nợ để thoát khủng hoảng nhưng, trái lại, Chính phủ nước này phải cam kết thi hành những biện pháp mất cảm tình nơi đồng bào cử tri như :

1. Tăng thuế. Năm 2011, Chánh phủ Hy lạp phải tận thu thêm 2,32 tỷ euro thuế và lần lượt là 3,38 tỷ, 152 triệu và 699 triệu trong 3 năm kế tiếp. Trong đó, thuế trị giá gia tăng (Value-Added Tax, tiếng Anh và Taxe sur Valeur Ajoutée, tiếng Pháp) sẽ tăng từ 19% lên 23% (một loại thuế gián tiếp, không đau nhưng rất độc, đánh vào người giàu cũng như nghèo).

2. Đánh thuế vào những hàng xa xỉ như du thuyền, hồ bơi và ô tô. Thuế xuất đặc biệt đánh vào các công ty làm ăn thu lợi nhuận lớn, bất động sản giá trị lớn và các cá nhân có lợi tức cao.

3. Đánh thuế vào một số mặt hàng tiêu dùng nội địa như nhiên liệu, thuốc lá, thức uống có cồn sẽ tăng 33,33%.

4. Giảm chi tiêu công 15%.

5. Giảm chi tiêu quân sự. Năm 2012, chi tiêu này sẽ bị cắt giảm 200 triệu euro và từ năm 2013 đến 2015, mỗi năm sẽ giảm 333 triệu euro.

6. Giảm chi tiêu giáo dục bằng cách đóng cửa hoặc sát nhập 1.976 trường học.

7. Giảm chi tiêu cho an sinh xã hội. Năm 2011, 1,09 tỷ euro. Từ 2012 đến 2015, số cắt giảm lần lượt sẽ là 1,28 tỷ euro, 1,03 tỷ, 1,01 tỷ, và 700 triệu. Ngoài ra, mức tuổi về hưu sẽ tăng từ 61 lên 65 tuổi.

8. Tư hữu hóa một số các xí nghiệp công (doanh nghiệp nhà nước) như Hellenic Postbank, Hellenic Telecom… và bán cổ phần quốc gia tại Athens Water, Hellenic Petroleum, …

9. Giảm số công chức. Năm 2011, cứ 10 người thì sẽ có 1 người bị sa thải. Những năm sau, tỷ lệ sa thải sẽ là 1/5 người.

10. Giảm chi tiêu y tế. Năm 2011, mức giảm sẽ là 310 triệu euro và từ 2012 đến 2015 sẽ giảm 1,81 tỷ euro.

Những biện pháp này làm cho cuộc sống của người dân đã khó càng trở nên khó khăn hơn. Trong một nước dân chủ như Hy lạp, người dân cử tri đã sử dụng lá phiếu để chế tài Chính phủ.

* Quỹ đặc biệt được tài trợ bởi các thành viên Liên hiệp Âu châu để giải quyết những cuộc khủng hoảng nợ công các nước này, đã được đồng thuận ngày 09.05.2010.

III. BƯỚC SANG NĂM 2015.

A. Khả năng ‘thắt lưng buộc bụng’ đã cạn.

Đến cuối tháng 09.2011, số bách phân thất nghiệp Hy lạp đã lên đến 16% lực lượng lao động. Từ giữa năm 2010, Hy lạp đã được hỗ trợ tài chính 110 tỷ euro để thoát khỏi phá sản, và lời hứa một gói cứu viện thứ hai trị giá 159 tỷ euro, nếu chính quyền Athens đồng ý một kế hoạch tiết kiệm 28 tỷ euro hầu, đến năm 2015, giảm được 12% trong tỷ lệ khiếm hụt ngân sách so với TSLQN. Mục tiêu là có tiền thanh toán nợ 350 tỷ euro đang bóp nghẹt Hy lạp và làm lành mạnh hóa nền tài chính và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước này.

Các chủ nợ (Liên hiệp Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế), bất chấp lời khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế cho rằng nước này không còn có khả năng gánh chịu thêm những biện pháp khắc khổ nữa để nếu muốn họ tháo khoán khoản tín dụng 8 tỷ euro đã hứa cấp hầu tránh được tình trạng phá sản.

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo