Theo dự trù, Đức Thánh Cha sẽ rời Rôma vào tối thứ Hai 12 tháng Giêng, để bay đến Colombo, Sri Lanka (hay còn gọi là Tích Lan), và sẽ đến nơi vào sáng thứ Ba. Sau buổi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ có một cuộc họp với các giám mục Sri Lanka trước khi có cuộc viếng thăm xã giao tại dinh tổng thống lúc 17 giờ.

Chuyện chưa từng xảy ra trong những chuyến tông du của một vị Giáo Hoàng đến các quốc gia trên thế giới là cho đến giờ phút này không ai biết chắc người nào sẽ là vị tổng thống tiếp đón Đức Thánh Cha? Rajapaksa hay Sirisena? Thậm chí trong hàng giáo sĩ địa phương, có nhiều vị hoài nghi liệu chuyến tông du này có thể xảy ra hay không?

Những chuyển biến ngoài dự liệu của Tòa Thánh

Hôm 29 tháng 7 năm ngoái, phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm Sri Lanka từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng 2015, sau đó Ngài sẽ thăm viếng Phi Luật Tân.

Tuy nhiên, trong một diễn biến bất ngờ, hôm thứ Hai 20 tháng 10, Bộ Trưởng Thông Tin Sri Lanka là Keheliya Rambukwella thông báo với thế giới rằng “Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng Giêng năm tới”. Được hỏi chính xác là vào ngày nào, ông cho biết: “Tôi biết ngày nào nhưng không thể nói ngay bây giờ”. Mấy tuần sau đó người ta mới biết cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm 8 tháng Giêng, nghĩa là chỉ khoảng 100 tiếng đồng hồ trước khi chiếc máy bay của Đức Thánh Cha hạ cánh xuống phi trường Colombo.

Nhiệm kỳ tổng thống tại Sri Lanka là 6 năm và hiến pháp chỉ cho phép một vị tổng thống được đảm nhiệm tối đa là 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, tháng 9 năm 2010, Quốc Hội bỏ phiếu tu chính hiến pháp mở đường cho tổng thống Mahinda Rajapaksa có thể làm thêm một nhiệm kỳ thứ ba.

Sau khi giải giáp được quân du kích Hổ Tamil vào năm 2009, uy tín của tổng thống Rajapaksa đã lên rất cao và ông đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2010 để đảm đương nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Bình thường ra thì cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2017. Tuy nhiên, sợ ký ức của người dân Sri Lanka về chiến thắng oai hùng của ông với quân du kích Hổ Tamil, một chiến thắng đã chấm dứt được 25 năm nội chiến, bị phai nhạt đi nên tổng thống Rajapaksa đã muốn bầu cử sớm đến 2 năm.

Khi quyết định bầu cử sớm Rajapaksa chắc mẩm sẽ thắng oanh liệt một trận nữa. Nhưng chuyện không đơn giản như thế.

“Hoàng gia” Rajapaksa

Trong gần một thập kỷ qua đối với nhiều người Sri Lanka, Mahinda Rajapaksa có lẽ thực sự là một "Hoàng Đế" - Đó là cách mà nhiều người hâm mộ gọi ông ta.
Ủng hộ viên của tổng thống
Ông thường được so sánh với một vị vua Tích Lan tài ba chinh phục tất cả các lãnh địa thời cổ đại để hình thành nên quốc gia này. Cách đây không lâu, trong một chương trình ca nhạc trên đài truyền hình nhà nước, người ta ca ngợi ông là "Hoàng Đế" cứu đất nước khỏi các phiến quân Hổ Tamil.

“Hoàng gia” Rajapaksa giờ đây bao trùm mọi cơ cấu quyền lực của nhà nước. Một người em ông nắm chức Bộ trưởng Kinh Tế; một đứa em khác là Phát Ngôn Viên của Quốc Hội; và một người em khác nữa là Bộ Trưởng Quốc Phòng kiêm luôn tham mưu trưởng liên quân. Con trai lớn nhất của ông là thành viên Quốc Hội; trong khi đứa cháu là một tỉnh trưởng.

Nhưng bây giờ "Hoàng Gia" có thể gặp rắc rối. Mọi chuyện đang thay đổi và thay đổi rất nhanh.

Ngay khi ông tuyên bố bầu cử sớm hơn, một thách thức nghiêm trọng đã xảy ra.

Maithripala Sirisena

Maithripala Sirisena là một chính trị gia cao cấp trong chính cái đảng cầm quyền của Rajapaksa, và là Bộ trưởng Y Tế Sri Lanka, đã tuyên bố ra tranh cử tổng thống. Lập tức, ông ta nhận được một sự ủng hộ rộng lớn tại Sri Lanka. Tình hình thay đổi quyết liệt và nhanh đến mức Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của tổng giáo phận thủ đô Colombo đã đề nghị Tòa Thánh hoãn lại chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha dù rằng các tín hữu Công Giáo tại quốc gia này rất trông đợi một chuyến viếng thăm như thế. Theo thông lệ ngoại giao, Đức Giáo Hoàng thường sẽ không viếng thăm một quốc gia trong thời gian tuyển cử để tránh làm phức tạp thêm tình hình chính trị tại quốc gia đó.

Xuất thân từ một gia đình nông dân ở trung tâm Tích Lan, ông giành được sự hỗ trợ tương tự như tổng thống trong quảng đại người Tích Lan, là sắc dân chiếm 75% dân số trong cả nước, trong khi được sự ủng hộ bởi một liên minh gồm tất cả các đảng đối lập, những người muốn chấm dứt triều đại Rajapaksa bằng mọi giá.
Maithripala Sirisena được một số tăng lữ Phật Giáo ủng hộ


Không chỉ giành được sự ủng hộ của các đảng đối lập, cả một làn sóng đảng viên của đảng cầm quyền, kể cả những người “to phe” nhất cũng ngả theo Sirisena.

Đào tẩu là chuyện khá phổ biến ở Sri Lanka. Nhưng thường thì người ta đào tẩu để chạy theo những kẻ đang nắm quyền. Bây giờ thủy triều lại đang đảo ngược và sự phản bội đang được bàn thảo trong bóng tối.

Tổng thống Rajapaksa không phải là người dễ chấp nhận thua cuộc.

Tháng 12 vừa qua, sáu nhà chiêm tinh, tử vi đẩu số đã được đưa lên làn sóng truyền hình quốc gia để thảo luận về triển vọng của cuộc bầu cử tổng thống.

Tất cả sáu thầy bói lừng danh nhất nước đều cả quyết rằng tổng thống Rajapaksa sẽ "chiến thắng tuyệt vời và oanh liệt". Thêm vào đó, họ cũng không quên nguyền rủa rằng "thiên nhiên chắc chắn sẽ trừng phạt tất cả những ai chống lại tổng thống".

Hết bói toán, người ta chuyển sang một đường lối tấn công khác, có mầu sắc Kitô Giáo hơn, tờ Sunday Observer – do nhà nước kiểm soát - trong số ra ngày Chúa Nhật 21 tháng 12 cả quyết rằng "Maithripala Sirisena cũng sẽ chịu chung số phận như Giuđa sau thất bại sắp xảy ra của mình." Sợ dân chúng, đa số là Phật tử không hiểu Giuđa là ai, chuyện gì đã xảy ra với ông ta, tờ Sunday Observer không ngại thuật lại toàn bộ câu chuyện phản bội của Giuđa cho đến kết cục bi đát là Giuđa Iscariot phải treo cổ tự vẫn sau khi phản bội Chúa Giêsu Kitô. Tờ báo cũng không quên khích lệ cử tri phải "dạy cho những kẻ phản bội những bài học đích đáng".

Chiến lược thông tin của Rajapaksa cũng không quên nhắm vào giới trẻ. Jacqueline Fernandez, người gốc Sri Lanka, là một cô đào xi nê phim khiêu dâm của Bollywood, Ấn Độ xuất hiện mọi nơi trong những lần gặp gỡ với giới trẻ.
Đào xi nê Jacqueline Fernandez


Tất cả những đòn phép này đều vấp phải những chống cự quyết liệt của ông Maithripala Sirisena. Ông Sirisena cũng có những thầy bói và có cả những ca nhạc sĩ xuống đường ủng hộ ông và choảng nhau tơi bời với những ủng hộ viên của tổng thống.

Trong tổng số 21 triệu dân, 2,270,900 người là thuộc sắc tộc Tamil. Chắc chắn là đa số trong họ muốn Rajapaksa phải ra đi. Các chính trị gia Hồi giáo chính trong liên minh với Rajapaksa hiện cũng đã bỏ rơi ông ta; trong khi các đảng đối lập chính của người Tamil là Liên minh Quốc gia Tamil, cũng tuyên bố rằng chính phủ Rajapaksa đã “chỉ mang lại đau đớn và đau khổ" cho người Tamil và người Hồi giáo và họ nên dồn phiếu cho ông Sirisena.

Ngoài các dân tộc thiểu số, nhiều người Tích Lan cũng đang bực tức vì giá sinh hoạt không ngớt leo thang. Hàng tăng lữ Phật Giáo cũng có nhiều người không hài lòng với những đặc quyền tổng thống dành cho họ.

Vị tổng thống 69 tuổi đột nhiên trông dễ bị tổn thương và mệt mỏi. Ông thậm chí còn buộc phải bỏ nửa chừng một bài phát biểu tranh cử gần đây.

Nhưng nếu "Hoàng Đế" thua thì sao? Nhiều người Sri Lanka đang tự hỏi liệu ông sẽ bàn giao vương miện của mình một cách hòa bình hay không khi “Hoàng gia” Rajapaksa đang nắm trong tay cả cảnh sát lẫn các lực lượng vũ trang?