Nhẫn nại và chịu đựng là một đức tính chúng ta rất cần chú tâm trong đời sống xã hội. Nhẫn nại và chịu đựng giúp chúng ta chịu đựng những nỗi đau đớn khủng khiếp, những thử thách, hay cả những gì làm chúng ta khó chịu, và chống lại cám dỗ là nổi khùng hay chào thua. Trong lịch sử có biết bao nhiêu gương sáng của những vị anh hùng đã vượt lên tới mức siêu nhân như Chúa Giêsu và các thánh. Đó là những người không những chỉ có khả năng cắn răng chịu đựng đau đớn mà còn đưa má kia cho kẻ thù vả.

Không có gì là lạ khi chúng ta tôn kính những người biết chịu đựng. Có biết bao nhiêu câu chuyện đã được kể lại hay viết ra về những người có khả năng thi hành những trọng trách hết sức khó khăn, nguy hiểm và vẫn có thể chịu đựng gian khổ, đói khát, cực hình. Quan trọng hơn cả, những câu chuyện này mô tả tình trạng của toàn thể nhân loại. Các câu chuyện này không những biểu hiệu cho các giá trị đạo đức của chúng ta là những con người mỏng dòn, mà còn giúp xây dựng các tiêu chuẩn và quy luật cho xã hội chúng ta. Giáo huấn của Chúa Giêsu đã tạo cho chúng ta những quan niệm về cách thức chúng ta phải hành động qua hai ngàn năm. Quy luật vàng son trong mọi tôn giáo đều dậy rằng mọi người phải đối xử với kẻ khác y như mình mong muốn được người ta đối xử tử tế, và đây chính là một trắc nghiệm về khả năng chịu đựng kẻ khác. Thí dụ: khi chúng ta đến sở cấp bằng lái xe DMV và phải đứng xếp hàng hàng giờ, nếu chúng ta bực tức thì sẽ chỉ thấy khó chịu hơn. Còn trong đời sống vợ chồng, khi khác tính, khác nết hay có người khắc khẩu thì nếu người kia không nhẫn nhục chịu đựng thì ba bẩy hai mươi mốt ngày hôn nhân sẽ tan vỡ. Các cụ ngày xưa thường nói: “Một sự nhịn là chín sự lành.”

Nhẫn nại là một nhân đức." Chúng ta đã quen thuộc với đoạn Phúc Âm theo Thánh Phaolô trong Galát 5:22-23: nhẫn nại là một trong các hoa quả của Thánh Thần. Do đó là Kitô hữu chúng ta phải nhẫn nại. Nhưng cũng như đa số các nhân đức khác, các tác giả Thánh Kinh cho là chúng ta đều biết thế nào là nhẫn nại. Chúng ta có thực sự thấu hiểu ý nghĩa của đức tính nhẫn nại không? Chúng ta có thể định nghĩa nhẫn nại và cho các thí dụ về sự nhẫn nại không? Bắt đầu bằng định nghĩa căn bản của nhẫn nại là “kiên trì chờ đợi mà không than vãn”, chúng ta sẽ bàn đến một số các câu hỏi then chốt. Tại sao nhẫn nại lại là một nhân đức? Có bao nhiêu hình thức nhẫn nại? Tại sao đôi khi nhẫn nại thật khó khăn? Và làm sao để có thể phát triển nhân đức nhẫn nại?

Tại sao nhẫn nại lại là một nhân đức

Khi định nghĩa nhẫn nại là “kiên trì chờ đợi mà không than vãn” thì có vẻ chỉ là một đặc tính về luân lý không đáng kể, vì có gì là nhân đức khi không than phiền? Chẳng hạn, một phụ nữ chờ đợi một người bạn từ một tiểu bang xa xôi tới thăm, và bà ta không nóng ruột, vẫn vui vẻ đọc báo hay xem Tivi. Chúng ta không thể nói là bà ấy vì không than phiền mà đã chứng tỏ là có sự nhẫn nại. Cần phải có một cái gì khác mới có thể khiến cho một người không than phiền trở thành người có nhân đức. Cái gì khác đó là sự khó chịu. Chỉ khi nào có trường hợp bị cảm thấy khó chịu mà vẫn không than vãn thì mới được coi là người nhẫn nại.

Do đó, để bổ túc cho định nghĩa đầu tiên, chúng ta phải nói: nhẫn nại là chịu đựng những sự khó chịu cực khổ mà không than vãn. Điều này đòi hỏi phải thể hiện các nhân đức khác, nhất là: tự kiềm chế, nhẫn nhục và đại lượng. Nghĩa là, nhẫn nại không chỉ là một nhân đức nền tảng mà còn là một tổng hợp của các nhân đức khác. Một thí dụ về cuộc đời Chúa Kitô cho thấy Chúa rất kiên nhẫn đối với các môn đệ của Người. Đôi khi họ tối dạ, ích kỷ, và chậm tin. Ngay trên phương diện của con người, chúng ta có thể cảm nhận là Chúa phải bực dọc biết bao đối với các môn đệ. Thiên Chúa nhập thể phải đối xử với họ hàng ngày như vậy chắc là Người phải khó chịu lắm. Mặc dầu họ đã thấy Chúa Giêsu làm bao nhiêu phép lạ và nghe được bao nhiêu lời giảng dậy khôn ngoan, họ đã chỉ chú trọng đến chính họ và không vững tin Chúa là ai. Nói rằng Chúa Giêsu bực mình với các môn đệ không có gì là lạ. Tuy nhiên chúng ta không thấy Chúa la rầy các môn đệ về sự ngu muội và điên rồ của họ, hay Chúa đã riễu cợt họ khi họ lầm lỗi. Đôi khi Chúa có ghi nhận là các môn đệ của Người chậm tin, hay hỏi họ là bao lâu họ vẫn còn không tin tưởng nơi Người, nhưng đây chỉ là nhắc nhớ cho họ biết những gì quan trọng đối với họ. Đây là những răn dậy thích nghi và có ích, không phải là những la rầy vì khó chịu.

Hình thức nhẫn nại

Chúng ta có thể ghi nhận việc Chúa Giêsu không than phiền về các môn đệ có thể được mô tả như một hình thức tự kiềm chế. Chúa đã có thể riễu cợt hay trách mắng họ trong một vài trường hợp. Điều này cho thấy khả năng tự kiềm chế của Người rất lạ lùng. Ngoài ra việc Người từ chối không than phiền đòi hỏi tính khiêm nhu, và quyết định hạ mình xuống không thực hiện việc này. Chúa là đấng Thánh không phán xét và xua đuổi các môn đệ vì họ lầm lỗi. Chúng ta có thể nói đây là một hình thức của lòng thương xót. Cuối cùng, việc Chúa Giêsu từ chối không than phiền các môn đệ là một sự quảng đại. Mặc dầu họ xấu xa, cứng đầu, Chúa vẫn yêu thương họ và phục vụ họ nhiều hơn trong khi các lỗi lầm của họ ngày càng gia tăng.

Tại sao đôi khi nhẫn nại thật khó khăn

Chúng ta thông thường khá nhẫn nại, tuy nhiên đôi khi chúng ta có cảm tưởng mình sắp “nổi sùng”, và không có gì có thể ngăn cản chúng ta nổi nóng. Vậy thì chúng ta phải làm gì khi cảm thấy đã “vượt quá mức chịu đựng” và hết muốn nhẫn nại?

"Làm xong một việc thì tốt hơn mới bắt đầu, nhẫn nại thì tốt hơn huênh hoang tự đắc. Chớ vội để cho lòng mình nổi giận, vì chỉ có người ngu mới nuôi giận trong lòng" – Giảng Viên 7:8-9

Làm sao để có thể phát triển nhân đức nhẫn nại

Trong các đoạn Thánh Kính khác nhau, rõ ràng là Chúa Giêsu khen ngợi sự nhẫn nại. Nhưng nhẫn nại không dễ, không thể một ngày hai ngày mnà có! Cần cầu nguyện, suy niệm và thực hành nhiều lắm. Thánh Giacôbê (1:3-4) nói: Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì.”Một đoạn Phúc Âm khác nói: " Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả." - Côlôsê 1:11

Cần ý thức rằng chúng ta là con người, và điều này có nghĩa là chúng ta bất toàn. Tự kiềm chế các cảm xúc của chúng ta không dễ. Đây là một con đường khó khăn, nhưng không phải là không thể đi theo! Tuy nhiên, chúng ta cần có Chúa trong đời để hướng dẫn chúng ta, tăng sức và ban cho chúng ta sự kiên trì chúng ta cần có để vượt thắng tính tức giận – để một ngày nào đó chúng ta có thể trở nên “trưởng thành và toàn hảo” như Chúa đã họach định!

Chúng ta hãy nhẫn nại chờ ngày Chúa lại đến. “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới.” – Giacôbê 5:7-8

Các đoạn Thánh Kinh khác viết về Nhẫn Nại:

Nhẫn nại là một nhân đức được nói đến nhiều trong Tân Ước và Cựu Ước. Theo sách Samuen quyển thứ nhất “thiếu nhẫn nại khiến cho bạn để mất nhiều ơn ích.” Chúng ta thử ôn lại các đoạn Thánh Kinh sau đây để được hướng dẫn nhiều hơn về tầm quan trọng của việc nhẫn nại trong đời sống.

1 Samuen 13:8-14

Vua đợi bảy ngày, theo thời hạn ông Sa-mu-en đã ấn định, nhưng ông Sa-mu-en không đến Ghin-gan, và dân bỏ vua Sa-un đi tản mác. Vua Sa-un bảo: "Hãy đem lễ vật toàn thiêu và những lễ vật kỳ an đến cho ta." Và vua đã dâng lễ toàn thiêu. Vua vừa dâng lễ toàn thiêu xong, thì này ông Sa-mu-en đến. Vua Sa-un ra đón chào ông. Ông Sa-mu-en hỏi: "Ngài đã làm gì thế?".Vua Sa-un trả lời: "Khi tôi thấy dân bỏ tôi đi tản mác, còn ông lại không đến đúng thời hạn và người Phi-li-tinh họp nhau ở Mích-mát, thì tôi đã tự bảo: "Bây giờ người Phi-li-tinh sắp kéo xuống Ghin-gan đánh tôi mà tôi không làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA dịu lại, nên buộc lòng tôi phải dâng lễ toàn thiêu."Ông Sa-mu-en nói với vua Sa-un: "Ngài đã hành động ngu xuẩn! Ngài đã không giữ mệnh lệnh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngài, đã truyền. Nếu ngài đã giữ thì bây giờ ĐỨC CHÚA đã làm cho vương quyền của ngài được vững bền mãi mãi. Nhưng bây giờ vương quyền của ngài sẽ không đứng vững. ĐỨC CHÚA đã tìm cho mình một kẻ như lòng Người mong muốn, và ĐỨC CHÚA đã đặt kẻ ấy làm người lãnh đạo dân Người, bởi vì ngài đã không giữ điều ĐỨC CHÚA truyền cho ngài."

2 Samuel 5:4-5

Vua Đa-vít được ba mươi tuổi khi lên làm vua, và trị vì bốn mươi năm. Tại Khép-rôn, vua trị vì Giu-đa bảy năm sáu tháng. Tại Giê-ru-sa-lem, vua trị vì toàn thể Ít-ra-en và Giu-đa ba mươi ba năm.

2 Thessalonica 1:4-5

Bởi thế, chúng tôi hãnh diện về anh em trước mặt các Hội Thánh của Thiên Chúa, vì anh em kiên nhẫn và có lòng tin mỗi khi bị bắt bớ hay gặp cảnh gian truân. Đó là dấu cho thấy Thiên Chúa xét xử công minh: anh em sẽ được coi là xứng đáng tham dự Nước Thiên Chúa, chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em chịu đau khổ.

Sáng Thế 29:20-28

Vì cô Ra-khen, Gia-cóp đã phục vụ bảy năm, nhưng đối với cậu chỉ như vài ngày vì cậu quá yêu cô. Gia-cóp nói với ông La-ban: "Xin bác giao vợ cháu cho cháu, vì cháu đã mãn hạn, và cháu muốn lui tới với nàng." Ông La-ban mời mọi người nơi ấy đến và làm tiệc. Chiều tối, ông dẫn cô Lê-a, con gái ông, đến cho cậu, và cậu ăn nằm với cô. Ông La-ban cho con gái ông là Lê-a, người nữ tỳ của ông là Din-pa, để làm nữ tỳ cho cô. Sáng ngày ra, mới thấy là cô Lê-a! Cậu nói với ông La-ban: "Cha đã làm gì con thế? Con đã chẳng phục vụ cha để được Ra-khen sao? Sao cha lại đánh lừa con? " Ông La-ban trả lời cậu: "Trong miền chúng tôi không có lệ gả em trước khi gả chị. Con cứ qua trọn tuần lễ cưới với đứa này đã, rồi cha sẽ gả cho con cả đứa kia, để bù lại công con phục vụ ở nhà cha thêm bảy năm nữa." Gia-cóp đã làm như vậy: cậu đã qua trọn tuần lễ cưới với cô Lê-a, rồi ông gả cho cậu cô Ra-khen, con gái ông, làm vợ.

Habacúc 2:3

Đó là một thị kiến sẽ xẩy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh đến chỗ hoàn thành, chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu.

Do Thái 11:13-16

Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài..

Luke 15:11-24

Rồi Đức Giê-su nói tiếp: "Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chay ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.

Thánh Vịnh 75:2

Chúa phán: "Vào thời Ta ấn định, Ta sẽ xử công minh.

Khải Huyền 6:9-11

Khi Con Chiên mở ấn thứ năm, thì tôi thấy dưới bàn thờ, linh hồn của những người đã bị giết vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và đã làm chứng. Họ lớn tiếng kêu: "Lạy Chúa chí thánh và chân thật, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con? " Bấy giờ mỗi người trong số họ được lãnh một áo trắng; và có lời phán bảo họ cứ nghỉ yên một thời gian ngắn nữa, chờ cho đủ số những người cũng là tôi tớ Thiên Chúa và là anh em của họ, sắp bị giết như họ.

Rôma 5:2-4

Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy.

Rôma 8:24-30

Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.

Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.